![]() |
Người dân tộc Pa Coh và dân tộc Vân Kiều
Sau này, cuộc sống vươn ra ngoài làng bản, người trên ngược gặp kẻ miền xuôi, thế là gá nghĩa rồi đưa nhau về vùng cao, và thế là có thêm ít người Thái và ít người Mường trong số 80% tỷ lệ người Pa Coh và người Vân Kiều như vậy.
Trong khi người Pa Coh thích sống trên cao, có ngôn ngữ nhưng không có chữ viết,thì người Vân Kiều ở lưng chừng núi có tiếng nói và chữ viết, còn được gọi là dân tộc Bru Vân Kiều.
Đó là lời chào bằng tiếng Vân của một người dân tộc, anh Hồ Văn Yên, gởi đến quí vị:
Cũng là người Vân Kiều, anh Hồ Văn Phương, cán bộ Sở Văn Hóa địa phương, cho biết tuy tiếng nói hai dân tộc có nhiều chỗ khác nhau nhưng cũng có nhiều từ tương đồng với nhau:
Ví dụ cái nhà người Vân Kiều gọi là “đung” người Pa Coh cũng gọi là “đung”. Chữ nước chẳng hạn thì người Pa Coh gọi là “đã “, người Vân Kiều gọi là “đỡ” . Những người có tiếp xúc giao lưu với xã hội rộng thì người ta hiểu, nhưng có những tấng lớp ít ra ngoài cộng đồng thì người ta không hiểu. Ở đây cũng có những gia đình người Vân Kiều lấy người Pa Coh hoặc người Pacoh lấy người Vân Kiều.
![]() anh Hồ Văn Phương |
Người Vân Kiều vì có tiếp cận với người Kinh ở vùng đồng bằng nên có sự giao thoa văn hóa. Còn Pa Coh bởi vì cách xa người Kinh vùng đồng bằng nên vẫn giữ bản sắc văn hóa riêng của mình nhiều hơn.
Gắn bó với thiên nhiên có nghĩa là người ta dựa vào rừng, vào sông suối, làm rẫy, khai thác rừng, săn bắt thú rừng rồi rễ cây đưa về để cải thiện cuộc sống. Sống giữa rừng núi hoang vu thì niềm tin vào thần linh nhiều hơn là khoa học.
Ví dụ như làm lúa chẳng hạn thì cũng nhờ Trời thôi chứ người ta không bón phân. Quan điểm của người Pa Coh và Vân Kiều thì phân của động các thứ là bẩn, ảnh hưởng đến Giàng đến thần linh. Năm nào thời tiết thuận lợi thì vụ mùa bội thu hơn, năm nào thời tiết khắc nghiệt thì ảnh hưởng đến mùa vụ, mất mùa thì ảnh hưởng đến cuộc sống.
|
Nếu sống cạnh những nguồn nước như sông, suối hay khe rạch, phụ nữ Pacoh và phụ nữ Vân Kiều còn có tài bắt cá bằng một dụng cụ gọi là cái “A Noác”:
Người ta tự đan cái A Noác đó để xúc cá, mua giây cước ở vùng đồng bằng , lấy cái nia bằng cây rồi đan lên, sau đó để cho phụ nữ xúc cá.
Đối với đồng báo thiểu số Pacoh và Vân Kiều, tự ngàn xưa bếp lửa không chỉ là nơi nấu nướng thổi cơm mà còn là không gian sinh hoạt của cả nhà. Bếp lữa chung đó gọi là “Moong” theo tiếng Pa Coh hay tiếng Vân Kiều. Trong ngôi nhà chung gồm nhiều thế hệ, bao nhiêu bếp lửa nhỏ là bấy nhiêu gia đình, thế nhưng Moong tức bếp lửa chính chiếm vị trí quan trọng nhất vì là nơi hội tụ của tất cả thành viên gia đình khi màn đêm phủ chụp xuống núi rừng:
![]() anh Hồ Văn Phương |
Chính vì thế lúc nào cũng phải giữ cho ngọn lữa trong Moong cháy âm ỉ ngày cũng như đêm. Không chỉ bảo vệ hạt giống cho mùa sau, bếp lữa Pa Coh hay Vân Kiều còn bảo quản thịt rừng, được treo trên những giàn dây trên bếp gọi là “Tiar”:
Lửa cũng làm cho ngôi nhà vững chải hơn, tránh được mối mọt. Thịt cũng cất ở đó, mùa săn mà có mưa không phơi được thì người ta treo lên đó, nó hun khói và bảo vệ được lâu. Khi nào tới mùa lễ hội, khi kỹ giỗ và có khách đến thì người ta mang ra làm lễ và chiêu đãi.
Ngày xưa thì du canh du cư bởi vì làm nương rẫy thì người ta chuyển vùng này qua vùng khác, người ta tựa vào đất tốt. Nhưng bay giờ lượng đất không còn nhiều nữa nên người ta sống định cư. Đi làm nương rẫy ở xa nhà thì có cái chòi, người ta ở lại trên đó.
Cuộc sống ngày nay
Người trẻ dân tộc Pa Coh hay dân tộc Vân Kiều ngay nay sống như thế nào, cuộc sống có gì thay đổi hay vẫn chỉ là nương rẫy, non cao và nghèo nàn như thế.
|
Thực sự có thay đổi tuy là chưa toàn diện, anh Hồ Văn Phương của Sở Văn Hóa Quảng Trị nói:
Dĩ nhiên những vùng sâu vùng xa thì còn nguyên bản, chưa có tác động, còn những vùng cận quốc lộ thì có thay đổi. Xem TV và có điện thì cuộc sống có thay đổi. Trường lớp với đội ngũ giáo viên đến dạy đó thì cũng tác động đến. Những vùng tiện đường quốc lộ thì điện đã về rồi, vùng sâu hoặc bản làng xa xôi thì điện chưa về đến.
Ngày xưa ở rừng thì không có xe cộ vào, nhưng bây giờ có một số đường có xe cộ đến rồi thì văn hóa và thực phẩm ở đồng bằng cũng được mang lên bán ở đó.
Ngay cả tư duy của lớp trẻ Pa Coh và Vân Kiều cũng thay đổi, anh Phương khẳng định:
Lớp trẻ bây giờ cũng chạy theo văn háo mới. Có trường lớp, được học hành và đi ra ngoài, có người đi học nghề, có người cũng đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài để tạo cuộc sống, nâng cao cuộc sống.
Có thể nói từ sau năm 1975, hết chiến tranh thì người ta thường nghe nói đến lễ hội. Những lễ hội của người Kinh, đặc biệt những lễ hội của 52 sắc tộc thiểu số cả nước được nhắc nhở được quảng bá rầm rộ cho mục đích du lịch hay kinh doanh. Quảng Trị, trong thời chiến là địa đầu bom đãn, thời bình cũng không qua khỏi chính sách gọi là bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đó
Số liệu từ Sở Văn Hóa,Thể Thao Và Du Lịch Quảng Trị cho thấy toàn tỉnh có 27 lễ hội lịch sử, tôn giáo và văn hóa, trong đó Pa Coh và Vân Kiều có 8 lễ hội được cho là còn giữ nguyên nét ban sơ cũng như giá trị văn hóa truyền thống tộc người lâu đời.
Tám lễ hội đó là lễ hội Mừng Lúa Mới, lễ hội Cồng Chiêng, lễ hội Đâm Trâu, lễ hội A Riêu Ping, lễ hội A Ra Pựt, lễ hội Uống Rượu Thề, lễ hội Mừng Bản Mới, lễ hội Cầu Mùa , còn gọi là Púc Po.
Tuy nhiên lễ hội A Riêu Ping, tương tự như tục cải táng của người Kinh, lại là dịp vui của người dân tộc nghèo Pa Coh:
Có nghĩa là người chết thì người ta chôn ở rừng. Đến 10 năm mà cộng đồng đó có điều kiện thì người ta sẽ góp tiền làm cái lễ A Riêu Ping, đưa mồ mã dưới đất lên trên mặt đất. Người ta làm cái nhà mồ và để thi thể vào trong nhà mồ đó.
Cón lễ hội A Ra Pựt theo niềm tin của người Vân Kiều thì như thế nào, cán bộ văn hóa Hồ Văn Phương giải thích tiếp:
![]() nông dân Hồ Văn Yên |
Có nghĩa là người Vân Kiều tin rằng sau khi chết là thành ma nhưng đến vài năm sau là phong thành thần để bảo vệ lại con người.
Uống Rượu Thề là người ta kết nghĩa từ bản này bản khác, hoặc là những ranh giới của làng, người ta thề cùng nhau khai thác cùng nhau kết bạn để chống lại thiên nhiên hoặc chống lại những tộc ngoại xâm, chẳng hạn như vậy. Trong những lễ hội này thì đa số là vui, cái thứ nhất là người ta có kinh tế đã, người ta có gắn kết với cộng đồng đã . Người ta rất là hồ hỡi, ý nghĩa giống như ở đồng bằng mà khi mình xây được mồ mã cho ông bà mình cũng thấy thoải mái thì đồng bào cũng như vậy.
Câu hỏi là khuyến khích bảo tồn và phát huy văn hóa mà có hỗ trợ gì không, được người cán bộ gốc Vân Kiều này trả lời:
Chính quyền địa phương cũng có quan tâm nhưng nguồn kinh phí hỗ trợ cũng không được nhiều.
Ngay cả tiến trình xóa đói giảm nghèo cho người dân tộc miền núi Quảng Trị tuy đã thực hiện bao năm qua song chừng như sự tiến triển e là quá chậm. Cái nghèo của người dân tộc Pa Coh và Vân Kiều được anh nông dân Hồ Văn Yên diễn tả như sau:
Thì bây chừ làm công việc đồng áng của người nông dân, quá khó khăn. Quá khó khăn là đàng khác bởi vì khoa học kỹ thuật thì ít đến với bản làng của chúng tôi. Chính sách đảng và nhà nước có lẽ là chỉ nói ở trong sách vở thôi chớ thực tế đi vào trong cuộc sống thì có lẽ nó mơ màng đối với người dân cho nên nó không thực tế.
Giả sử tôi nói bằng tiếng Vân Kiều của chúng tôi “cao a nắc cả an kỵ” nói phải đi đôi với việc làm. Không phải chỉ nói bằng lý thuyết đâu mà phải bằng công việc của mình bằng việc làm của mình. Không chỉ trên miền Trung tui mà kể cả ở đàng trong là quá khó khăn nhưng bây giờ là không thể nói với ai một điều gì hết. Chính sách đảng và nhà nước rồi là các chương trình chúng tôi thấy là toàn ở dưới xuôi nhưng ở miền núi của chúng tôi là chưa tới. Một số em có hoàn cảnh đặc biệt mà không thấy chương trình của nhà nước hay là chương trình của hội từ thiện về địa chỉ của chúng tôi nơi.
Đó là cuốc sống của người dân tộc Pa Coh và dân tộc Vân Kiều ở vùng núi trung du tỉnh Quảng Trị, nơi mà tuần trước Thanh Trúc đã giới thiệu với quí vị về Global Comminity Service Foundation, Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu, một tổ chức NGO ở Hoa Kỳ, đã về Việt Nam và đã xây hai trường tiểu học đầy đủ tiêu chuẩn cho học sinh thiểu số Pa Coh và Vân Kiều từ năm 2010.
Mục Đời Sống người Việt Khắp Nơi khép lại ở phút này. Thanh Trúc kính chào, xin hẹn qui vị thứ Năm tuần tới.
Liên lạc góp ý với Thanh Trúc : nguyent@rfa.org
Thanh Trúc
phóng viên RFA
Theo RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét