Ganh đua hay an phận? - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Ganh đua hay an phận?


Từ xưa đến nay, trong ứng xử giữa con người với con người luôn tồn tại tâm lý so sánh, ganh đua và tâm lý an phận. Có người hành động xuất phát từ sự so sánh, ganh đua với người khác. Thế nhưng, cũng có người hành động theo tâm lý, xu hướng an phận. Vậy nên chọn hướng nào?

So sánh, ganh đua

Con người trước nay vốn tham lam, không thích kẻ khác hơn mình. Đó là bản tính nguyên sơ tồn tại trong mỗi con người mà ít ai có thể chối bỏ được. Trong cuộc sống hàng ngày, hầu như mọi mâu thuẫn đều phát sinh từ sự ganh đua, tranh giành lợi ích thiệt hơn giữa mỗi người với nhau. Trên thực tế, rất nhiều mâu thuẫn đã dẫn đến những hậu quả và kết cục đầy thương tâm cho xã hội. Trong môi trường làm việc, không ít các đồng nghiệp ganh đua lẫn nhau để được thăng chức. Ngay cả trong giáo dục, bản tính này lại đang được các bậc phụ huynh và nhà trường hiện nay vô tình cổ xúy cho trẻ nhỏ. Họ so sánh, mong muốn con cái/học sinh mình phải giỏi hơn con cái/học sinh của người khác (hàng xóm, đồng nghiệp của họ) hoặc trường khác. Vậy điều này liệu có đúng như chúng ta hằng nghĩ?

Xét về ưu điểm, so sánh, ganh đua thực sự là một trong những động lực rất lớn để xã hội nói chung và mỗi con người chúng ta nói riêng có thể phát triển. Sự ganh đua với người khác khiến mỗi người phải cố gắng để làm việc tốt hơn so với người khác. Tuy nhiên, điều gì cũng có tính hai mặt của nó. Giả sử sự ganh đua, so sánh khiến mình bị cô lập khỏi mối quan hệ trước nay với đồng nghiệp, bạn bè cùng trang lứa, liệu nó có trở thành áp lực cho chính bản thân mình hay không? Ngoài ra, khi đã bị kẹt trong tâm lý ganh đua, so sánh với người khác, bản thân người ganh đua cũng khó có thể có được sáng tạo trong cách suy nghĩ của mình. Nếu nặng nề hơn, nó hoàn toàn có thể dẫn đến một biến thể khác, một căn bệnh: bệnh đố kỵ. Những người đố kỵ với người khác chỉ cảm thấy ghen tức, khó chịu khi thấy có người hơn mình, họ có xu hướng muốn “dìm” người hơn mình xuống trong khi tự bản thân không biết cố gắng nỗ lực để có thể làm tốt hơn người ta.

An phận thủ thường

Trái với những người sống theo xu hướng ganh đua, một số ít người lại theo quan niệm sống “nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhìn xuống thì cũng chẳng ai bằng mình”. Những người này có xu hướng “chuyện mình mình làm, chuyện thiên hạ để thiên hạ lo”, không tranh giành với đời. Sống theo xu hướng này, cuộc sống sẽ rất thoải mái, an vui. Tuy nhiên, tồn tại song song cùng xu hướng này lại là một nguy cơ khác. Đó là xu hướng nhìn xuống để tìm lấy sự an ủi cho bản thân. Nếu bạn chỉ nhìn xuống, may mắn lắm thì bạn cũng sẽ chỉ có thể đứng yên mãi tại một vị trí. Đọc đến đây, bạn có thể nghĩ rằng, nếu vì đứng yên mà có được một cuộc sống yên bình thì cũng là xứng đáng. Thế nhưng, trong một thế giới luôn vận động và phát triển, đứng yên nghĩa là bạn đang bị thụt lùi, và đến một lúc nào đó, bạn sẽ bị đào thải. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Đó là chưa kể, trong trường hợp xấu nhất, nếu tất cả mọi người đều có cùng một suy nghĩ như thế, tương lai nhân loại sẽ không còn những phát minh, sáng chế; mọi người sống như thời bao cấp; xã hội không thể phát triển và mọi thứ sẽ bị kéo lùi về phía sau.

Đâu là giải pháp?

Việc lựa chọn cách sống như thế nào để bản thân có thể phát triển tốt nhất, có được cuộc sống an nhàn nhất phụ thuộc vào tính cách của mỗi người. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh một lần nữa rằng, dù lựa chọn cách sống nào, chúng ta cũng nên đặt những tiêu cực trong vòng kiểm soát. Những người sống theo hướng lấy sự so sánh, ganh đua làm động lực thì cần phải cẩn thận, tránh để rơi vào căn bệnh đố kỵ mà ta đã bàn phía trên.

Trong môi trường làm việc, ganh đua là để tạo ra môi trường cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động chứ không phải để tìm cách “dìm chết” tương lai những người đồng nghiệp của mình. Tương tự, trong giáo dục, bản thân các bậc phụ huynh và nhà trường, khi so sánh các bạn học sinh với nhau, cũng cần cân nhắc để biện pháp này mang đúng nghĩa là một liều thuốc “khích tướng” các em, giúp các em chăm lo học hành hơn chứ không phải tạo ra thêm áp lực vô hình cho các em học sinh, khiến giữa các em có sự phân hóa, chia rẽ. Còn đối với những người lựa chọn cách sống an phận thủ thường, bản thân những người này cũng nên tự tạo cho mình những động lực nghiên cứu, học hỏi - đương nhiên, động lực này không phải do sự so sánh ganh đua với người khác, mà là từ sự mong muốn tạo ra một cuộc sống tốt hơn cho chính mình và xã hội. Thậm chí, mỗi người trong chúng ta có thể kết hợp cả hai cách sống trên, để hai cách sống này bổ trợ cho nhau, khắc chế mặt tiêu cực của nhau. Lúc này, con người sẽ đạt đến cảnh giới vô phiền vô lo nhưng vẫn bùng cháy những động lực phát triển mạnh mẽ.

Trần Quang Minh
Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad