Thua cũng cần mạnh mẽ - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Thua cũng cần mạnh mẽ


Trong vài đối thoại được đưa ra bìa bốn cuốn truyện phim Ở đây có nắng của tôi, có câu “Đôi khi người ta cần sức mạnh không phải để thắng, mà để thua” của nhân vật nam khi quyết định kết thúc tình yêu ngang trái - một thắng thua rất nhỏ trong muôn trùng thế sự...

Anh xuất thân gia đình nông thôn nghèo, đậu Đại học Bách khoa sau nhiều nỗ lực. Tốt nghiệp cử nhân anh xin việc, tạm chờ cơ hội tốt. Để có tiền sống giữa thủ đô và gửi cho bố mẹ, hàng đêm anh ra vỉa hè bán linh tinh đặc sản nhà quê (nhưng) hấp dẫn dân phố. Trong một lần mua bán anh tình cờ quen cô gái khá xinh, dáng khuê các nhưng cư xử bình dị. Cô giới thiệu quê Hà Giang, tốt nghiệp đại học ngoại thương, hiện kinh doanh nho nhỏ, thuê nhà ở trọ. Họ yêu nhau, anh tìm được việc ổn định, cô cũng (nói) kinh doanh phát đạt, hay mua tặng anh những món quà giá trị; chỉ có điều sau gần hai năm gắn bó, vì bận, họ vẫn chưa lần nào đến quê nhau. Một ngày anh tình cờ biết ra sự thật choáng váng: cô là tiểu thư thủ đô, có bố quan chức lớn và mẹ doanh nhân lớn. Tổn thương vì bị lừa dối và mặc cảm rớt vô thế vụ lợi, anh quyết định ra đi. Anh không biết mình sai hay đúng khi đầu hàng nghịch cảnh, chỉ biết đàng sau cuộc trốn chạy lặng lẽ năm xưa là nỗ lực vươn lên... Mười một năm trôi qua, anh đã có gia đình êm ấm. Cô cũng vậy.

Trong thể thao, đài lửa là biểu tượng của các kỳ Olympic. Khi đài lửa thắp lên là lúc Thế vận hội chính thức bắt đầu, còn khi tắt, Thế vận hội khép lại. Vậy nhưng đài lửa Olympic London 2012 đã bị tắt mấy tiếng sau hai ngày khai mạc. Tắt không phải do hết nhiên liệu hay sự cố mà do ban tổ chức quyết định: Nhiều ý kiến than trách vị trí đặt đài lửa như đã đặt khiến người không có vé ở sân chính không nhìn thấy. Vậy là, như giám đốc truyền thông Olympic London xác nhận khi đó, đài lửa được tạm tắt để đưa tới vị trí nhiều người được ngắm hơn. Vượt qua sĩ diện thiết kế, vượt qua định ước tổ tiên, sự cố tắt đèn của Olympic London đã đi vào lịch sử Olympic như sức mạnh trí dũng.

Sinh trưởng ở Hội An nên hơn ai hết ông Nguyễn Sự thấu hiểu người dân trên mảnh đất mình lãnh đạo. Suốt nhiều năm đảm trách cương vị chủ tịch UBND thị xã Hội An và bí thư Thành ủy, lúc nào Nguyễn Sự cũng trăn trở làm sao để Hội An vừa theo kịp tốc độ phát triển vừa duy giữ nét văn hóa riêng biệt. Một trong nhiều quyết sách - thành công của ông là tạo ra những đêm rằm lung linh phố cổ bằng lệnh tắt điện. Sau những ngày đầu phản ứng dữ dội, dân chúng ủng hộ, nhờ vậy doanh thu du lịch Hội An tăng vọt. Nhưng không phải ông không có sai lầm.

Ông kể có lần do thích hoa sữa ở thủ đô và những bài hát hay về chúng, ông ra quyết định trồng hoa sữa trên phố Hội An. Không ngờ đến mùa hoa nở cả con phố nồng nặc mùi hoa gây khó chịu, dị ứng. Ông phải đứng ra xin lỗi dân, đốn bỏ, trồng cây mới. Ông cũng hay kể về quyết định “vô trách nhiệm và có lỗi” khi buộc các hộ trong khu phố cổ không được tự ý sửa chữa nhà. Nếu muốn sửa phải theo đúng nguyên trạng. Điều đó đồng nghĩa không cho phép dân sửa nhà, dù nhà sắp đổ, bởi dân lấy tiền đâu sửa theo nguyên gốc, chưa nói khi sửa có thể sập, thương vong. Để giải quyết ông chủ trương bán vé di sản để lấy tiền giúp dân tu sửa, một quyết định cũng gặp phải áp lực gay gắt trước khi đồng thuận. Ông nói “ Khi người dân có đủ dũng khí chửi mình trong lúc bình tĩnh nhất, chứng tỏ họ còn tin mình. Khi đúng, sai dân không lên tiếng nữa mới là bi kịch”.

Năm 2014, nhà xuất bản Trẻ ra mắt cuốn Bè tre Việt Nam du ký của Tim Severin - nhà thám hiểm, sử gia người Anh, nghiên cứu giả thiết khoa học liên quan đến dấu ấn tương đồng giữa các nền văn hóa bờ Đông châu Á với bờ Tây châu Mỹ. Chuyện rằng năm 1993 Tim qua châu Á để thực hiện dự án xuyên Thái Bình Dương trên... bè tre cổ truyền! Rằng ngay bãi biển Sầm Sơn, các nghệ nhân Việt Nam đã tạo tác một bè mảng có buồm theo cách thức Tim đặt hàng, và hạ thủy nó theo cách thức tâm linh của dân bản địa. Chuyến đi, ngoài bốn người châu Âu còn có thêm Lương Viết Lợi, một thợ mộc nông dân Việt Nam và là tay đi biển cừ khôi với bè mảng. Chuyến đi kéo dài được 105 ngày qua hải trình 5.500 dặm, nhưng khi chỉ còn cách bờ biển nước Mỹ 1.000 dặm thì Tim phát hiện một số hư hỏng đe dọa an toàn. Không muốn vi phạm nguyên tắc khảo nghiệm phương tiện cổ xưa bằng cách gia cố bè bằng các loại dây hiện đại, Tim quyết định chấm dứt cuộc thám hiểm. Cả nhóm được cứu, chiếc bè tự trôi trên biển cả...

Cuốn sách của Tim có vô vàn chuyện khó quên về việc xây bè, về niềm tin, sự gắn bó yêu thương giữa đại dương khắc nghiệt...; nhưng người đọc Việt Nam rất nhớ tình tiết lúc buộc phải bỏ ngang chuyến hải hành chưa trọn vẹn, Lợi là người mong muốn đi tiếp nhất, bởi anh cho rằng sẽ rất “ngượng” nếu thú nhận bè Sầm Sơn của mình không tới đích. Theo Tim “đây là tính cách rất Việt Nam, quyết tâm đi tới nơi những gì mình muốn”.

Tim kể khi ra lệnh rời bè “giọng nói của tôi trở nên thiếu mạch lạc. Tôi cố giữ thái độ khách quan và trình bày rõ ràng nhưng đôi mắt nhói đau tràn nước mắt. Rời bỏ mảng là quyết định đúng, bởi vậy tôi ngạc nhiên khi thấy mình xúc động mạnh như thế [...]. Tôi định giải thích quyết định của mình cho Lợi hiểu nhưng thấy không cần thiết. Lợi đã thấy khuôn mặt chúng tôi ra sao. Cậu như đau thắt trong tim. “Buồn! Sad! Sad!” - cậu ta thốt. “No America”. Có lẽ với Lợi quyết định này khó khăn nhất. Cậu phải trở về Sầm Sơn và giải thích với những người tham gia đóng mảng lý do tại sao không tới được châu Mỹ. “Buồn! Sad!” - Lợi lặp lại.

“Buồn, Sad, No America” như Lợi nói, nhưng vì sự sống của con người, viên thuyền trưởng đủ mạnh để dừng cuộc thám du tâm huyết, khi nó trở thành nguy hiểm, vô ích...

Việt Linh
Theo TBKT Sài Gòn Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad