Hãy đừng mong vào bất cứ chương trình cải cách giáo dục nào của thể chế này. Bởi đã rất nhiều lần cải cách, và càng cải thì càng phá.
Vâng chương trình giảng dạy hay nói rộng hơn là chất lượng của chương trình giáo dục sẽ là chỉ số đánh giá khả năng thịnh vượng của một quốc gia.
Việc cải cách chương trình giáo dục, trong đó có việc thay đổi (cập nhật kiến thức) trong xuất bản sách dùng trong các trường học là bắt buộc đối với mọi quốc gia. Việt Nam cũng không ngoại lệ, có điều những nhà „kỹ trị“ của Việt Nam lại đi theo mô hình của một con tôm.
Hãy thử phân tích một số điểm của hệ thống giáo dục Đức.
1. Hệ thống các trường học (do quốc hội quyết định và giám sát, có sự thay đổi tùy theo hiến pháp của từng Bang).
1.1. Cấp 1 (bậc tiểu học) từ lớp 1 đến lớp 4
1.2. Cấp 2+3: bắt đầu từ lớp 5, được chia thành 3 loại hình đào tạo chính (1, 2, 3-8 và 3-9).
1.2.1. Loại hình đào tạo 1: gọi là các trường Mittelschule, bắt đầu lớp 5 và kết thúc lớp 10. Hệ thống các trường này được mở ra để đón nhận những học sinh mà trong suốt những năm học ở bậc tiểu học được đánh giá là yếu (dưới mức trung bình). Những trường Mittelschule này thường có song hành đào tạo thiên về cá môn về kinh tế (Wirtschaft) và kỹ thuật (Technik). Học sinh kết thúc lớp 10 của trường này sẽ được đăng ký vào học các trường dạy nghề về kinh tế hoặc kỹ thuật. Hướng đến cung cấp cho xã hội lực lượng sản xuất lao động trực tiếp (chân-tay) cho các nhà mày và các khu công nghiệp. Nếu học sinh nào trong thời kỳ học ở trường Mittelschule chứng minh mình cố gắng vươn lên học tốt hơn, điểm tổng kết các năm tối thiểu là 3.0 (thang điểm từ 1 – 6, trong đó điểm một là điểm xuất sắc, điểm 6 là điểm liệt), nếu có nguyện vọng sẽ được xét tuyển để chuyển lên học ở hệ thống trường Realschule (phần 1.2.2 phía dưới).
1.2.2. Loại hình đào tạo 2: các trường Realschule, cũng bắt đầu từ lớp 5 và kết thúc ở lớp 10. Hệ thống các trường này được mở ra để đón nhận những học sinh mà trong suốt những năm học ở bậc tiểu học được đánh giá là trung bình. Học sinh kết thúc lớp 10 của trường Realschule này sẽ đựa đang ký vào học các trường dạy nghề về kinh tế hoặc kỹ thuật. Hướng đến cung cấp cho xã hội lực lượng sản xuất trực tiếp hoặc gián tiếp như thư ký, kỹ thuật viên trong các nhà máy khu công nghiệp, hoặc các văn phòng. Nếu học sinh nào trong thời kỳ học ở trường Mittelschule chứng mình mình cô gắng vươn lên học tốt hơn, điểm tổng kết tối thiểu 2 năm cuối lớp 9 và lớp 10 và điểm thi hết cấp đạt tối thiểu là 3.0, nếu có nguyện vọng sẽ được xét tuyển để chuyển lên học ở hệ thống trường Gymnasium (phần 1.2.3-8 hoặc 1.2.3-9 phía dưới), nhưng bắt buộc phải học lại năm lớp 10 là một năm thử thách, nêu không đạt (không có môn nào bị điểm 6, và chỉ một môn bị điểm 5), thì phải dừng.
1.2.3-8: Loại hình đào tạo cho các trường Gymnasium, cũng bắt đầu lớp 5 nhưng kết thúc lớp 12 (8 năm). Đây là hệ thống trường mở ra để đón nhận những học sinh thuộc dạng khá giỏi trong những năm học ở bậc tiểu học. Chương trình học rất nặng và khó. Trong hệ thống các trường Gymnasium này lại phân chia thành các khối trường Tự nhiên, Ngôn ngữ, và Kinh tế và Xã hội, Hội họa và Âm nhạc. Các trường khối tự nhiên, thì số tiết các môn tự nhiên sẽ cao hơn cùng môn ở các trường Ngôn ngữ, Kinh tế và Xã hội. Nhưng yêu cầu bắt buộc học sinh các trường Gymnasium này cho đến khi tốt nghiệp phải đạt chuẩn ít nhất 3 ngôn ngữ cập độ B2 chuẩn của Liên minh Châu Âu (thường các môn ngoại ngữ chính là tiếng Latin, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha). Riêng các trường thiên về Hội họa và Âm nhạc, chương trình thiết kế nặng về các môn nghệ thuật. Chương trình học sẽ thiết kế cho từng bậc lớp 5 đến lớp 8, lớp 9 – lớp 10 (Mittelstuft) hai bậc này thường nghe giảng nhiều, ít semina. Nhưng bậc lớp 11 – lớp 12 (Oberstuft). Ở bậc này, học sinh không phân theo lớp, không có giáo viên chủ nhiệm nữa. Học sinh được tổ chức học gần tương đồng với mô hình học tập tại bậc đại học. Cấp bậc này, không chỉ cung cấp kiến thức cho học sinh mà còn là cầu nối để học sinh làm quen với phương thực học ở bậc đại học. Ngoài một số môn bắt buộc như Toán, tiếng Đức, ngoại ngữ 1, Sử, Đạo đức (Ethnic) hoặc môn Đạo (Catholic hoặc Evangalic), môn Thể dục, và môn Soziokunden (môn học để hiểu biết về các luật và hiến pháp). Học sinh sẽ chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp hoặc Lý, hoặc Hóa, hoặc Sinh, hoặc Ngoại ngữ, hoặc Kinh tế). Các môn khác, thay vì học chính thức như nghe giảng, học sinh phải đăng ký học và chọn chủ đề và tự tìm và đọc tài liệu và trình bày trước lớp/nhóm.
1.2.3-9: Loại hình đào tạo cho các trường FOS (Fachoberschule) và BOS (Berufsoberschule), cũng bắt đầu lớp 5 nhưng kết thúc lớp 13 (9 năm). Trường này mở ra để tạo cơ hội cho các học sinh điểm học ở mức trung bình 3 trong các trường Realschule và điểm 4 hoặc 5 ở các trường Gymansium, cảm thấy khó khăn để theo học hệ 8 năm chương trình nặng của Gymansium, đăng ký theo học. Chương trình học đi chậm hơn để giúp học sinh năm bắt tốt hơn, chính vì thế kéo dài thêm 1 năm.
Lưu ý:
- Việc phân loại học sinh ngay từ bậc tiểu học, là dựa trên khả năng bẩm sinh của học sinh thay vì được hoặc bị tác động lớn từ bên ngoài ở các bậc học cao hơn. Nhằm phân loại đúng các nhóm học sinh với khả năng khác nhau để giúp từng học sinh và gia đình biết được năng lực của mình và định hướng nghề nghiệp tiếp theo.
- Việc phân cấp các hệ thống trường học như trên nhằm tạo ra môi trường học phù hợp cho từng nhóm khả năng. Tránh bỏ trộn tất cả vào một chương trình, hoặc là gây khó khăn và chán nản cho học sinh yếu kém, hoặc kéo lùi khả năng học tập gây nhàm chán cho những học sinh có năng lực học tất tốt hơn.
- Việc phân cấp các hệ thống trường này cũng đồng thời giúp đào tạo và cung cấp cân bằng lực lượng lao động cho từng cấp độ đòi hỏi của thị trường lao động
- Việc phân cấp này, là tránh lãng phí đào tạo cho xã hội và cho gia đình, nếu một em học năng lực yếu mà cứ nhồi vào học trong hệ thống trường gymansium (ít nhất thêm 2 năm lay lắt)
- Hơn nữa, việc phân cấp này, giúp cho thị trường tuyển dụng lao động không bị đánh lừa, vì dày dãy bằng cấp nhưng khả năng thì không có. Cái đau đầu cho các nhà tuyển dụng Việt Nam hiện nay là thế, thừa thầy nhưng thiếu thợ. Và rào cản của các nhà đầu công nghệ cao.
2. Chương trình giảng dạy
- Mỗi bang có một chương trình dạy riêng, khó dễ cũng khác nhau. Thường chương trình học ở Bang Bayern được cho là khó hơn, và học sinh tốt nghiệp của bang Bayern cũng được đánh giá luôn đứng đầu về chất lượng. Ví dụ sự khác nhau về môn Địa lớp 11 và lớp 12 của bang Bayern và một bang ở Đông Đức. Nếu ở Byern, chương trình thiết kế thiên về khoa học trái đất, thì bên Đông Đức thiết kế thiên về địa kinh tế.
- Bộ phận phụ trách giáo dục của mỗi bang PHẢI xây dựng khung đào tạo cho từng cấp độ của từng mô hình đào tạo của bang mình. Mọi chi tiết nội dung gì học sinh phải được đọc, và đầu ra yêu cầu học sinh phải nắm được những gì đều được đưa lên trang mạng chính thức của Bang ví dụ ở Bayern, trang thiết kế chương trình học cho khối trường cấp 1: (Grundlegende Kompetenzen zum Ende der Jahrgangsstufe 2), và cho khối trường Gymnasium 8 năm: (Jahrgangsstufen 11/12).
Lưu ý: Nước Đức cũng phải cải cách giáo dục thường xuyên, trách nhiệm cải cách giáo dục là do chính quyền, xây dựng khung chương trình là do chính quyền với sự tham vấn của nhiều cơ quan liên quan về khoa học công nghệ. Người dân đóng thuế trả lương cho quan chức, quan chức phải thực hiện được nhiệm vụ này. Một số ý kiến trong vụ sách Lớp 1 của nhóm Cánh Diều của nhóm ông GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, trách nhiệm một phần do phụ huynh là không đúng. Nếu phụ huynh cũng phải chịu trách nhiệm về thiết kế chương trình và nội dung môn học thì không cần các cơ quan phụ trách cho từng ngành kia nữa à.
3. Cải cách chương trình và Xuất bản sách
- Ở Đức, nhà nước và cơ quan quản lý ở mọi ngành không tham gia vào bất cứ qua trình sản xuất nào. Trách nhiệm của họ là đề ra chính sách. Các doanh nghiệp phải dựa vào chính sách đó mà sản xuất và cạnh tranh lẫn nhau.
- Thông thường cứ 7 năm các nội dung môn học sẽ được đem ra mổ xẻ để quyết định loại phần nào, và thêm phần nào. Nhất là các sách về khoa học tự nhiên. Ngoài việc cải cách sâu rộng, nó còn được cập nhật những kiến thức khoa học mới hàng năm. Những cập nhật mới, không nhiều này, thường cũng được ban quản lý giáo dục của bang điều chỉnh trong khung chương trình hàng năm.
- Trong xuất bản sách cũng thế, cơ quan quản lý giáo dục của bang, trách nhiệm là xây dựng chương trình khung chi tiết cho từng cấp học. các nhà xuất bản sẽ dựa vào chương trình khung của từng bang mà sản xuất cho phù hợp với yêu cầu của bang đó. Có nhiều nhà xuất bản sản xuất sách cho tất cả các cấp học.
- Tuy nhiên, việc chọn lựa sách nào để dạy cho từng cấp học lại do trường và chính khối giáo viên từng môn quyết định. Tùy theo, họ thẩm định sách nào phù hợp nhất. Chính vì thế, có thể môn Toán học sinh lớp 10 năm nay có thể học sách của nhà xuất bản Stark, nhưng học sinh lớp 11 lại học sách của nhà xuất bản Verlag. Nhưng sang năm lại có thể chỉ chọn sách của nhà xuất bản Stark.
Lưu ý: Sự đánh lận việc tách bạch thiết kế chương trình thuộc các ban ngành, và việc xuất bản sách là do tư nhân ở Đức thành việc „xã hội hóa giáo dục“ tạp nham và phản giáo dục ở Việt Nam. Khi mà bộ giáo dục của VN không đưa ra được một khung chương trình đào tạo cụ thể nào cho từng cấp học, trong khi đó lại cho tự do xuất bản. Như vậy sẽ xảy ra vừa bát nháo về chương trình học, vừa làm khó cho các trường trong việc tự chọn sách. Trước phản ứng giận dữ của người dân, quan chức cho rằng, các trường có thể thay đổi sách từ Cánh Diều sang bộ sách khác, hoặc ngược lại. Đó là cách nói mị dân, khi không thiết kế chương trình khung, thách đố ai dám chọn sách không thuộc nhà xuất bản hoặc các công ty sân sau của Bộ Giáo dục.
4. Nguồn nhân lực giảng dạy (giáo viên)
- Vì phân cấp thành các loại hình đào tạo là Mittelschule, Realschule và Gymnasium, với kiến thức khó hơn rất rõ rệt, nên việc đào tạo đội ngữ giáo viên trong các trường đại học cũng phân cấp thành 3 loại hình. Giáo viên đào tạo để ra dạy tại các trường Mittelschule, giáo viên được đào tạo để ra dạy tại các trường Realschule và giáo viên được đào tạo để ra dạy tại các trường Gymnasium.
Lưu ý: Trong khi đó ở Việt Nam, ông Nguyễn Minh Thuyết và một số quan chức chính phủ cho rằng, dân đừng kêu chương trình khó. Trách nhiệm dạy để học sinh hiểu là của giáo viên. Đây là cách trả lời kiểu „đánh bùn sang ao“ của những người mắc lỗi.
5. Ngân sách giáo dục
- Ngân sách giáo dục các bang phải tự lo.
- Học sinh được miễn phí học hoàn toàn
- Học sinh được phát sách hoàn toàn miễn phí (cuối năm trả lại cho trường)
6. Môn tiếng Đức Và môn tiếng Việt
- Người viết bài này, hiện chưa có các quyển sách của các lớp bậc tiểu học của cả bên Đức và Việt Nam. Nên không đưa ra so sánh chi tiết nội dung các môn học. Tuy nhiên, đã từng tham khảo các sách của các lớp học từ lớp 5 cho đến lớp 10 của trường Gymnasium bên Đức.
- Lớp 5 và lớp 6: Học sinh được học cách kể chuyện giải thích một sự việc và cách viết thông tin về một sự việc.
- Lớp 7 và lớp 8: cách viết tóm tắt một văn bản từ một tài liệu được đọc, và cách đưa ra nhận định đồng ý và phản đối với nội dung trong tài liệu được đọc.
- Lớp 9 và lớp 10: cách hùng biện và cách phát triển ý của mình đồng ý và không đồng ý với nội dung tài liệu mình được đọc.
- Tất nhiên việc học và phân tích ngôn ngữ trong truyện hay thơ cũng được học. Nhưng trong các bài viết tranh luận, việc ghi trích dẫn mình đồng ý hay phản biện ý nào nằm ở dòng nào trang nào trong văn bản mình được đọc rất nghiêm khắc.
- Việc giới thiệu cho học sinh các từ ngữ địa phương hoặc từ ngữ đường phố, cũng được giới thiệu bằng cách, cho học sinh đọc những quyển truyện ở đó có nhiều ngôn từ địa phương và đường phố. Nhưng trong khi học và viết bài nếu học sinh sử dụng những ngôn từ không chuẩn mực (ngôn từ địa phương và ngôn từ đường phố) sẽ bị giáo viên nhắc nhở và trừ điểm.
Lưu ý: trong khi đó, bộ sách của nhóm Cánh diều bê hết các loại ngôn từ thô thiển, và có phần chợ búa và bẩn thỉu vào cho học sinh lớp 1 học.
- Việc chú trọng cho học sinh cách thảo luận và tranh cãi các vấn đề trong trường học ở Đức, nhằm trang bị cho học sinh khả năng nói và viết phản biện
- Việc nghiêm khắc trong trích dẫn trong các trường cửa Đức, nó không chỉ cung cấp kỹ năng cho học sinh về viết luận khi phải trích dẫn, mà nó còn góp phần hướng đến đạo đức trong học thuật đó là nguyên tắc bản quyền tác giả. Trong khi đó, bộ sách lớp 1 của nhóm Cánh Diều, lại xuyên tạc nội dung cũng như nhân vật trong truyện của nước ngoài.
7. Môn Toán
- Học sinh được học xác suất thống kê từ lớp 7, mức độ khó tăng dần
- Đại số, chỉ chú trong xoay quanh 3 hằng đẳng thức đầu. NHƯNG xoáy sâu vào việc áp dụng cách chuyển đổi các hằng đẳng thức này này trong việc xác định các hàm cho các loại hình đồ thị khác nhau.
- Từ hằng đẳng thức, đến hàm số và đồ thị, rồi đến hàm rời rạc, đến hàm vô hạn, giới hạn và tích phân và vi phân.
Lưu ý: ở Việt Nam, các dạng bài tập toán thường hay ra dạng có số mũ cao, học sinh phải biết hạ bậc để đưa về các hằng đẳng thức thông thường. Đó là các dạng bài toán thách đố nhưng lại thiếu sự liên kết giữa hằng đẳng thức và các hàm số của đồ thị.
- Việc dạy có tính kết nối như thế, tạo nền tảng cho học sinh khả năng lập trình và xây dựng mô hình toán cho các ngành khoa học kỹ thuật khác.
8. Môn hóa
- Chương trình dạy rất sâu về bảng hệ thống tuần hoàn. Cấu trúc tinh thể, lớp mặt ngoài của lớp tinh thể.
- Cấu trúc không gian của những nguyên tố quan trọng như N, C, O và H. Góc tạo giữa các mối liên kết.
- Việc sinh nhiệt năng khi trao đổi điện tử, tính phân cực, nhiệt độ sôi, nhiệt độ nóng chảy của một chất. Học sinh hiểu rõ vì cấu trúc phân tử của nguyên tố đó, hay chất đó nên nhiệt độ sôi, nhiệt độ nóng chảy phải cao hay thấp.
- Hóa hữu cơ rất chú trọng vào cấu trúc không gian của các alkan, alkin, alken. Và đi sâu vào giải thích với tính chất như thế khi tham gia phản ứng nó sẽ đóng vai trò cho hay nhận…
- Cân bằng phản ứng chủ yếu hướng học sinh cách tính toán số điện tử cho nhận của từng nguyên tố, sau đó mới cộng dồn tổng hợp thành 1 phản ứng cuối cùng (nghĩa là để có được một phương trình cân bằng hóa học, học sinh phải viết được vài phương trình cho nhận điện tử của từng nguyên tố tham gia phản ứng).
- Dạy cách tính toán nồng độ nhưng không hùng hục bắt làm các bài tập thách đố tìm hợp chất tham gia phản ứng theo mô hình giải phương trình hoặc hệ phương trình toán nghiệm xác định hay nghiệm vô định.
Lưu ý: Việc dạy kỹ bảng hệ thống tuần hoàn, để học sinh hiểu rõ nguyên tố nào có mấy lớp, khả năng tách điện tử, và số điện tử tách ra để cho và nhận đúng bản chất thay vì dạy theo kiểu lọc lỏm „sáng sáng pha cà phê….để nhớ nguyên tố nào có mấy lớp và mấy điển tử lớp ngoài.
- Cách dạy viết phương trình phản ứng kiều Đức, cung cấp cho học sinh hiểu rõ cơ chế phản ứng, nền tảng cho ứng dụng công nghệ và phát minh. Thay vì cách dạy viết và cân bằng phản ứng theo kiểu học nhại của Việt Nam.
- Ông Đinh La Thăng từng nói, tiến tới để Sài Gòn có giải Nobel y học. Hãy nhìn vào giải Nobel hóa học năm 2020 thì sẽ rõ, nền tảng đào tạo môn hóa như trên mớ gặt hái được. Còn không thì xin đừng tự sướng, và ru ngủ dân.
9. Môn Lý:
- Xoáy nhiều vào điện từ trường, nhiệt hạch liên kết với công nghệ sản xuất năng lượng và sản xuất các loại thiết bị chiếu chụp trong vv… Thay vì dạy mắc điện song song hay nối tiếp.
10. Môn sinh học
- Cấu trúc tế bào, các quá trình đơn nhiễm và bội nhiễm
- Các truyền dẫn thông tin của các hệ thần kinh cũng như các tuyến
- Cơ chế sinh năng lượng và tiêu hao năng lượng, và những nguy cơ bệnh tật
- Cách hiểu và đọc kết quả của một điện tâm đồ vv…
Sự lỗ mãng hóa ngôn ngữ trong sách ngữ văn chính là chỉ dấu của một nền giáo dục giật lùi. Đó chính là gốc rễ vấn đề, tại sao người Việt Nam khi tranh luận ở đời thực và cả trên mạng đều rất nhiều ngôn ngữ lỗ mãng, và tiếp đến sẽ là những hành động bạo lực với nhau. Báo chí cách mạng tràn ngập những ẩu đả chửi lộn, đâm chém từ học đường cho đến hè phố.
Sự đóng góp của đội ngũ giáo viên đang kéo lùi bước tiến của thế hệ trẻ. Người viết bài này đã chứng kiến, những tiến sĩ ngồi trong hội đồng bảo vệ đề tài thạc sỹ của một sinh viên do mình hướng dẫn. Sinh viên này, dùng phần mềm xác suất thống kê SPSS để kiểm chứng mức độ tin cậy của kết quả nghiên cứu. Nhưng mấy vị tiến sỹ kia lại hỏi một câu là „chỉ số đó tra từ sách nào ra?“ và họ không chấp nhận khi sinh viên trả lời là đó là kết quả được làm dựa vào phần mềm SPSS. Họ sống ở cái thời cách đây 30-40 năm, việc tra logarit hoặc tra căn thức, cứ phải lật trang cuối của sách. Họ không đủ sức để cập nhật kiến thức, nhưng họ lại đòi hỏi và kéo thế hệ trẻ quay lại thời kỳ cách đây vài chục năm. Bát nháo chương trình dạy ở tất cả mọi bậc giáo dục: Rất nhiều thầy cô giáo bậc đại học, lại cho rằng đó là việc làm rất quan trọng, khi một cô giáo dạy về máy tính ở đại học nói rằng cô ấy phải dạy sinh viên cách trình bày văn bản, và cho rằng sinh viên bị hổng kiến thức này. Việc trình bày văn bản là của nghề thư ký, sinh viên bậc đại học đến giờ học máy tình không phải là để học mấy thứ đó. Hay, khi sinh viên đại học năm cuối rồi giáo viên hóa vẫn còn thiết kế nội dung môn học là nước biển mặn vì có ion Na (+) và ion Cl (-). Thật là ngán ngẩm không thể thốt nên lời, không chỉ một người giáo viên làm sai trách nhiệm của mình mà còn có nhiều giáo viên khác vỗ tay tán thưởng. Điều này thật cay đắng cho phụ huynh khi phải bỏ tiền cho con 4-5 năm đại học chỉ để học mấy cái kiến thức như thế, hay nói khác hơn, ngành giáo dục mọi cấp đang thi nhau cướp bóc người dân.
Kết:
Hãy đừng mong vào bất cứ chương trình cải cách giáo dục nào của thể chế này. Bởi đã rất nhiều lần cải cách, và càng cải thì càng phá. Và chưa một quan chức hay bộ ngành chức năng cũng như chính phủ đứng ra chịu trách nhiệm. Người dân và con em họ vẫn mãi là những nạn nhân.
© TS. Nguyễn Thị Hải Yến
VNTB CHLB Đức (Viết ngày 15.10.2020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét