Thương chiến chưa hưu chiến - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2020

Thương chiến chưa hưu chiến


Mỹ-Trubng vẫn chưa hưu chiến (Ảnh minh họa)


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Sau gần hai năm lao vào trận thương chiến, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ ký kết một thỏa thuận thương mại cho giai đọan một tại Phủ Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày Thứ Tư 15. Nhưng, ngược với một số tiết lộ của báo chí, như thông tấn xã Reuters của Anh hay tờ South China Morning Post tại Hong Kong, v.v… Hoa Kỳ sẽ không cắt thêm thuế nhập nội đánh trên hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc cho tới Tháng 11 này. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện đó với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của đài Á Châu Tự Do.

Vẫn thương chiến

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, đúng một năm sau khi nhậm chức, từ đầu năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã quyết định tăng thuế nhập nội trên một số hàng bán vào thị trường Mỹ như máy giặt, các tấm quang năng hay quang điện và nhôm thép nhằm bảo vệ nhà sản xuất Hoa Kỳ. Trận thương chiến khởi sự từ đấy và leo thang với đòn trả đũa của các nước bị Mỹ đánh thuế. Trong số này, có Trung Quốc là nền kinh tế đạt xuất siêu cao nhất với nước Mỹ. Như vậy, trận “thương chiến Mỹ-Hoa” như ông hay gọi đã trải qua gần hai năm và gây thiệt hai cho cả đôi bên và dẫn tới nhiều xáo trộn cho luồng trao đổi toàn cầu. Thế rồi, mùa Thu năm ngoái, hai nước đồng ý đàm phán lại một thỏa thuận của Giai đoạn Một, dự trù ký kết vào Thứ Tư 15 tại Thủ đô Hoa Kỳ. Nhưng dường như vào giờ chót lại có trục trặc khi chiều Thứ Ba 14, phía Hoa Kỳ cho biết là không giảm thuế nhập nội đánh trên một lượng hàng của Trung Quốc trị giá khoảng 360 tỷ đô la cho tới Tháng 11 này. Theo dõi vụ thương chiến Mỹ-Hoa từ lâu, ông từng dự đoán là đôi bên khó có hưu chiến, thưa ông, vì sao lại như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi thường nói rằng khi giới hữu trách việc đàm phán mà tiết lộ cho báo chí mà giấu tên thì đấy cũng là một cách thương thuyết nhằm tác động vào dư luận và thị trường. Hôm Thứ Ba, trị trường cổ phiếu Hoa Kỳ lên giá vùn vụt khi báo chí loan tin là thỏa thuận cho Giai Đoạn Một đã hoàn tất và Phó Thủ tướng Lưu Hạc của Bắc Kinh tới Hoa Kỳ để ký kết văn kiện này ngay trong Phủ Tổng thống của ông Donald Trump.

Trên chính trường rắc rối và đầy phân hóa tại Hoa Kỳ thì cả hai đảng lại có sự đồng thuận trong đối sách với Bắc Kinh về an ninh lẫn kinh tế, quân sự và cả nhân quyền. Vì vậy, Chính quyền Trump khó nhượng bộ và phải thống nhất chính sách giữa các cơ chế hữu trách về thương mại, tài chính và luật lệ liên quan đến việc mua bán với Trung Quốc.

-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Các nguồn tin báo chí còn nói rằng phía Bắc Kinh đồng ý mỗi năm sẽ mua 200 tỷ đô là hàng Mỹ gồm có 70 tỷ hàng chế biến, 50 tỷ năng lượng, 40 tỷ nông sản và từ 35 tới 40 tỷ đô la dịch vụ của Hoa Kỳ. Đáp lại, phía Mỹ có thể giảm phân nửa thuế suất 15% là 7,5%, trên một lượng hàng của Trung Quốc trị giá khoảng 120 tỷ và không đánh thuế thêm 25% như đã dọa vào tháng trước. Vì vậy, các thị trường đều lạc quan, nhất là khi Mỹ thông báo hôm Thứ Hai là không đặt Trung Quốc vào danh mục các nước có tội lũng đoạn ngoại hối, là phá giá đồng bạc để bán hàng cho rẻ.

- Nhưng tới chiều Thứ Ba thì cổ phiếu lại sụt giá, phân lời trái phiếu cũng sụt cùng hối suất Mỹ kim và kéo theo cổ phiếu Á Châu vào sáng Thứ Tư khi Tổng trưởng Ngân khố Steve Mnuchin và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ là Robert Litghthiser cho báo chí biết rằng Mỹ không có kế hoạch cắt thuế nhập nội trên hàng Trung Quốc trị giá khoảng 360 tỷ đô la đã áp đặt từ năm 2018. Họ cho biết các lời đồn đoán đều sai, chứ đôi bên chưa hề có thỏa thuận như vậy.

Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, vì sao hai nước lại có trở ngại như vậy sau bao lần đàm phán trong gần hai năm trời?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta đừng quên cuộc đàm phán này chỉ là đợt một và hệ thống quan thuế vẫn giữ nguyên cho tới Tháng 11 này, hoặc cho tới khi hai nước đạt thỏa thuận về đợt hai theo đó, Bắc Kinh phải chấm dứt việc trợ cấp cho hệ thống công nghiệp của họ và Hoa Kỳ phải tăng cường kiểm soát việc phổ biến thuật lý hay công nghệ cao cấp về tin học vì liên quan tới lĩnh vực an ninh.

- Từ nay tới đó, Hoa Kỳ sẽ kiểm chứng việc Bắc Kinh chấp hành những cam kết trong một thỏa ước dầy 86 trang của Giai Đoạn Một. Các lời phát biểu chung chung khi ký kết không thể che giấu những chi tiết khi đi vào áp dụng và chúng ta cũng chẳng thể quên vai trò của Quốc hội. Trên chính trường rắc rối và đầy phân hóa tại Hoa Kỳ thì cả hai đảng lại có sự đồng thuận trong đối sách với Bắc Kinh về an ninh lẫn kinh tế, quân sự và cả nhân quyền. Vì vậy, Chính quyền Trump khó nhượng bộ và phải thống nhất chính sách giữa các cơ chế hữu trách về thương mại, tài chính và luật lệ liên quan đến việc mua bán với Trung Quốc.

Vai trò chính trị?

Nguyên Lam: Nói về chính trị thì ngày ba Tháng 11 này, Hoa Kỳ lại có bầu cử, thưa ông, phải chăng Chính quyền Donald Trump đợi kết qủa bầu cử rồi mới đàm phán tiếp với Bắc Kinh nếu ông Trump tái đắc cử cho nhiệm kỳ hai?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ai cũng có thể nghĩ như vậy, nhưng Chính quyền Trump khẳng định rằng hệ thống quan thuế vẫn giữ nguyên như vậy chứ không giảm cho tới khi hai nước đạt thỏa thuận cho Giai Đoạn Hai thì sẽ tính lại. Việc đàm phán cho giai đoạn này là then chốt chứ không liên hệ gì đến cuộc bầu cử.

Việc đàm phán cho giai đoạn nầy là then chốt chứ không liên hệ gì đến cuộc bầu cửa (Ảnh minh họa) AFP
- Sở dĩ câu chuyện nó rắc rối vì gần hai chục năm trước, từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001 với tư cách là một nền kinh tế đang phát triển chứ chưa có quy chế kinh tế thị trường, Trung Quốc đã hội nhập vào kinh tế thế giới và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhờ vậy mà xứ này có đà tăng trưởng cao. Nhưng họ có ba vấn đề ở đây. Thứ nhất, Bắc Kinh theo chiến lược lấy đầu tư làm lực đẩy để tạo ra công ăn việc làm cho một dân số quá đông và sản xuất dư thừa thì xuất khẩu ra ngoài với giá rẻ nên mặc nhiên dẫn tới tình trạng cạnh tranh và gây thiệt hại cho các nước khác.

- Vấn đề thứ hai là họ không cải tổ để có chế độ kinh tế thị trường theo quy luật tự do, lại còn có chính sách bảo vệ kỹ nghệ nội địa và gây thiệt hại cho khu vực chế biến, nhất là của Hoa Kỳ, với hãng xưởng phải đóng cửa, công nhân mất việc. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng tiến khá nhanh về công nghệ cao cấp nên có thể đe dọa ưu thế quân sự và kinh tế của nước Mỹ, đấy là vấn đề thứ ba.

Nguyên Lam: Thưa ông, phải chăng vì vậy mà khi tranh cử năm 2016, ông Donald Trump đã nêu đích danh Bắc Kinh và còn đòi áp thuế tới 45% trên hàng Trung Quốc? Nhưng giới kinh tế cho là trong một trận thương chiến thì đôi bên đều bị thiệt hại và thiệt hại bên phía Hoa Kỳ có thể nào ảnh hưởng đến kết quả bầu cử hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trên lý thuyết, khi áp thuế nhập nội thì ai đó phải trả tiền thuế này. Ai đó là nhà nhập cảng phải trả giá đắt hơn và chia sẻ gánh nặng đó với giới bán sỉ và người tiêu thụ, tức là dân Mỹ bị thiệt vì mua hàng Tầu đắt hơn.


- Nhưng ngược lại, nhà sản xuất Trung Quốc cũng có thể phải hạ giá để giữ thế cạnh tranh và không mất khách, hoặc phải đầu tư và sản xuất ở xứ khác để tránh thuế của Mỹ, là điều ta đang thấy tại Việt Nam. Hoa Kỳ có thể đã bị thiệt mất vài chục tỷ đô la, nhưng kinh tế Trung Quốc cũng bị thiệt hại trong việc bán dụng cụ văn phòng, thiết bị viễn thông, hóa chất, đồ gia dụng, bàn ghế giường tủ, v.v…

Trận thương chiến sẽ không kết thúc năm nay mà còn kéo dài nhiều năm. Để bù cho nhược điểm nội tại, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ có hai động thái, là gia tăng đàn áp người dân bên trong và biểu dương khí thế quân sự ở bên ngoài, nên tranh chấp với Hoa Kỳ và các nước Đông Á sẽ chỉ tăng chứ không giảm, trận thương chiến chỉ là một diện mà thôi.

-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Kinh tế Trung Quốc đang có nhiều khó khăn bên trong nên cũng ngại trận thương chiến với Mỹ vào thời điểm này, Ta cũng đừng quên rằng kinh tế Hoa Kỳ không bị lệ thuộc vào xuất cảng như kinh tế Trung Quốc, đấy là sức chịu đựng đáng kể nhất. Đã vậy, kinh tế Hoa Kỳ vẫn có nhiều dấu hiệu khả quan, thất nghiệp thấp nhất từ nửa thế kỷ và lợi tức các thành phần thiểu số bị thất thế trước đây cũng đã có cải tiến.

- Chuyện đáng nói là trận thương chiến giữa hai nền kinh tế có sản lượng lớn nhất cũng gây hiệu ứng cho luồng giao dịch của các nước đệ tam như Đài Loan, Mexico, Âu Châu và cả Việt Nam cùng nhiều nước Đông Nam Á. Họ có thể bán nhiều hơn vào thị trường Hoa Kỳ để thay thế luồng xuất khẩu của Trung Quốc.

Kết luận

Nguyên Lam: Vì thời lượng của chúng ta có hạn nên Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra một số kết luận cho cuộc phỏng vấn tuần này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, trước khi có trận thương chiến với Mỹ Bắc Kinh cần sự ổn định xã hội và chính trị giữa tình trạng sa sút kinh tế. Trận thương chiến sẽ không kết thúc năm nay mà còn kéo dài nhiều năm. Để bù cho nhược điểm nội tại, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ có hai động thái, là gia tăng đàn áp người dân bên trong và biểu dương khí thế quân sự ở bên ngoài, nên tranh chấp với Hoa Kỳ và các nước Đông Á sẽ chỉ tăng chứ không giảm, trận thương chiến chỉ là một diện mà thôi. Khi đó, ta nên theo dõi vị trí và thế lực của Tổng bí thư Tập Cận Bình giữa các thành phần lãnh đạo khác tại Bắc Kinh.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tách kỳ này.


Nguyễn Xuân Nghĩa
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad