Vụ Trịnh Xuân Thanh: Càng để lâu càng khó - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Càng để lâu càng khó


Thủ tướng Slovakia, Peter Pellegrini, và thủ tướng Đức, bà Angela Merkel trong động thái chưa từng có của lịch sử ngoại giao châu Âu đã cùng công khai nói với báo chí hôm 2/5/2018 về vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’. Ảnh: BBC

Vụ “Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú” đang trở thành một vấn đề (xì căng đan) “quốc gia”, ở Đức và Slovakia. Theo thông tin của tờ Thời Báo ở Berlin, cơ quan hữu trách Đức đã điều tra, lần hồi truy ra manh mối, chỉ đích danh những người cầm đầu bộ công an VN, như thượng tướng Tô Lâm và hai viên trung tướng phụ trách hai cục an ninh và cục phản gián, cùng một số nhân sự khác, là những người “có can dự” vào cuộc “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin”.

Đến nay thái độ của nhà nước VN là “nhập nhằng”, lỡ phóng lao phải theo lao, dứt khoát không nhìn nhận có can dự vào việc “bắt cóc”. Điều này nguy hiểm, như dùng giấy gói lửa. Thông báo chung của bà thủ tướng Merkel với ông thủ tướng Pellegrini của Slovakia hôm 2 tháng Năm, tờ Thời Báo Berlin có đưa tin, hai quốc gia này sẽ hợp tác với nhau để “điều tra đầy đủ” vấn đề “bắt cóc một người VN tên là Trịnh”.

Việt Nam từ lâu đã không có “uy tín cao” trong mắt những chính trị gia Mỹ và Châu Âu. Đây là một quốc gia mà chỉ số “dân chủ” quẩn quanh ở số thấp nhứt. Về “nhân quyền”, VN là một quốc gia luôn đứng đầu trong những vụ vi phạm nhân quyền, từ các việc trấn áp tự do ngôn luận, tự do tôn giáo… Nhà nước VN đã bỏ tù nặng những người có ý kiến khác với đảng CSVN.

Vì vậy lãnh đạo CSVN đừng hoài vọng vào các “lốp by hành lang”, dùng tiền bạc để “mua chuộc” các chính trị gia Châu Âu, hy vọng đạt được một “thỏa thuận” với Đức và Slovakia nhằm “giữ thể diện” cho VN. Bà Merkel, cũng như ông Pellegrini, là những chính trị gia mà tất cả tài sản chính trị của họ đến từ lá phiếu cử tri. Họ không thể “nể tình” VN mà hy sinh sự nghiệp chính trị của mình.

Nếu không có một giải pháp “đột biến” từ VN để giải quyết vấn đề theo đúng trình tự của luật quốc tế, vụ “bê bối” đổ bể ra VN sẽ trở thành một “quốc gia côn đồ”.

Quốc gia “côn đồ” là quốc gia không tôn trọng luật chơi quốc tế, là quốc gia xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác.

Quốc gia Pháp trị (Etat de Droit) nào muốn tiếp tục quan hệ “hữu hảo” với một quốc gia côn đồ?

Nước Đức đã tạm thời chấm dứt “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với VN, mặc dầu vấn đề “còn đang điều tra”, tòa chưa “kết án”. Quyền lợi của đất nước và dân tộc bị đe dọa, chưa lường được hết hậu quả nhưng dự đoán là sẽ rất nặng nề.

Nhà ngoại giao Đặng Xương Hùng hôm qua có nói trên BBC rằng Bộ ngoại giao cần phải “tìm giải pháp”, ngay cả việc phải “xin lỗi để mong họ thông cảm”, chớ không phải tìm cách “để đối phó”. Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến của nhà ngoại giao.

Đầu tháng Tám năm ngoái tôi có viết trên Facebook đề nghị ông Tô Lâm cần giải trình trước Quốc hội vụ “Trịnh Xuân Thanh”.

Đại khái tôi viết rằng chuyện “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh mau chóng trở thành một “affaire d’Etat” tại Đức.

Đối với quốc gia Đức, sự việc mật vụ VN sang Đức để “bắt cóc” một người đang sinh sống trên lãnh thổ nước Đức, được pháp luật Đức bảo vệ, là một hành vi xâm phạm chủ quyền nước này.

Ngay cả khi TX Thanh là một kẻ tội phạm cướp của, giết người, gây nợ máu ở VN và sống trốn chui trốn nhũi ở Đức… thì hành vi mật vụ VN sang Đức “bắt cóc” ông này vẫn là một hành vi xâm phạm chủ quyền và vi phạm pháp luật nước Đức.

Công an mật vụ VN, cho dầu thẩm quyền có ngang với ông trời, thì thẩm quyền này cũng bị giới hạn, trong vòng lãnh thổ nước VN mà thôi.

Tôi có đề nghị ông Tô Lâm, nhân giải trình trước Quốc hội, nhận lỗi về mình vì đã hiểu lầm ý định của nhà nước Đức đồng thời diễn giải sai luật pháp của nước Đức.

Tôi có viết rằng vụ TX Thanh “càng để lâu càng khó”. Không phải khó cho đảng CSVN mà khó cho quốc gia VN. Quyền lợi dân tộc VN bị tổn hại. Tiếng nói trên trường quốc tế của VN không còn uy tín.

Từ lâu VN đã sử dụng vũ khí “luật quốc tế” để bảo vệ mình trước những gây hấn của TQ ở Biển Đông. Không ngoại lệ, các “nước nhỏ” ngày hôm nay, ngoài “luật quốc tế”, thì không có cách nào để tự bảo vệ mình trước các cường quốc khác.

VN không tôn trọng luật quốc tế, thì từ nay VN lấy cái gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia ở Biển Đông?

Dầu vậy nhiều người vẫn không ý thức được, đến nay vẫn còn bênh vực hành vi của nhà nước CSVN. Làm như họ vẫn còn tâm trạng “địch – ta” trong thời chiến tranh lạnh.

Nhiều năm nay, các thế hệ lãnh đạo CSVN cố gắng “lột xác”, cởi bỏ “nón cối dép râu” với cây súng AK và khẩu B40. Họ cố gắng “hội nhập”, khoát lên bộ vét tông, ôm cặp táp “làm kinh tế”. Nhưng xem ra những “giá trị cốt lõi” của người cộng sản không dễ thay đổi như vậy.

Đến nay những người ở “thượng tầng kiến trúc” chưa thấy ai lên tiếng về sự việc tai tiếng này. Ngoài tuyên bố của Phát ngôn nhân BNG VN năm ngoái rằng “Việt Nam rất tiếc trước những hành vi phản đối của nhân viên Bộ Ngoại Giao Đức”.

Nhà nước CSVN vẫn “trụ” với tuyên bố của bộ công an là “Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú”.

Ngoài ra còn có ông Lê Hưng Quốc, “chuyên gia đối ngoại, Nguyên Phó Giám đốc thường trực Sở Ngoại vụ, trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam”, tháng Tám năm ngoái trả lời phỏng vấn trên RFA rằng :

“Đây không phải là vấn đề chính trị. Đây là vấn đề tham nhũng. Tham nhũng thì nước nào cũng có, cũng phải có biện pháp để trị. Các quốc gia không ủng hộ chuyện tham nhũng”.

Ông này cũng cho rằng “không loại trừ khả năng có những thoả thuận. Thế nhưng không phải thoả thuận nào cũng công bố trên báo đài đâu?”

Bây giờ thì VN khó mà “nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong”.

Ngay cả khi ông TX Thanh có chứng cớ quả tang tham nhũng. Và khi tất cả các quốc gia đồng thuận không ai chứa chấp tham nhũng. Thì công an, mật thám VN vẫn không thể sang một quốc gia khác để bắt cóc mọt người như vậy.

Tuyên bố chung của bà Merkel nước Đức và ông Pelligrini của Slovaquie cho thấy không có thỏa thuận nào giữa VN và Đức về TX Thanh hết cả. (Ngay cả khi hiện hữu một thỏa thuận nào đó, thì VN vẫn không thể cho người sang Đức để bắt cóc TX Thanh như vậy. Cái gì cũng phải làm theo trình tự của pháp luật).

Theo tôi, như đã viết năm ngoái, vụ TX Thanh là một vấn đề “chính trị nội bộ VN”, nếu không nói đây là việc “cá nhân” của ông Trọng. Nhiều lần TX Thanh bêu rếu đảng CSVN đồng thời tung tài liệu về cá nhân ông Trọng.

Bộ công an của ông Tô Lâm, bất chấp quan hệ quốc tế, bất chấp sỉ diện và quyền lợi đất nước, đã cho người sang Đức bắt TX Thanh. Đích thân ông To Lâm đã sang Slovaquie để “hộ tống” TX Thanh về VN. Mục đích là để thỏa mãn tự ái cá nhân của ông Trọng.

Việc chống tham nhũng ai cũng ủng hộ. Tôi là một trong những người đầu tiên chủ xướng phải tiêu diệt nạn tham nhũng. Trong các bài viết của tôi về chủ đề này, tôi luôn nhắc đến việc các quốc gia phát triển thành công như Nhật, Nam Hàn, Đài loan, Singapour… là những quốc gia thành công trong việc tiêu diệt nạn tham nhũng.

Và tôi cũng là một trong nhũng người đầu tiên hô hào VN phải xây dựng “nhà nước pháp trị”. Mọi quan hệ trong xã hội phải dựa trên pháp luật. Người lãnh đạo làm gì cũng phải theo luật mà làm. Các nước phát triển, quốc gia nào cũng là “quốc gia pháp trị”.

Ông Trọng “đốt nóng lò diệt tham nhũng”. Công trình “diệt tham nhũng” của ông Trọng không đặt trên nền tảng pháp luật mà đặt trên ý chí của cá nhân (ông Trọng), thể hiện qua việc “kỷ luật đảng”.

Tức là những hành vi chống tham nhũng của ông Trọng (và phe nhóm) là “không chính danh”.

Trở lại vấn đề, ai là người chịu trách nhiệm (về hành vi ngu xuẩn) cho mật vụ qua Đức bắt cóc TX Thanh?

Thừa hành là ông Tô Lâm và hai ông Trung tướng. Nhưng chắc chắn người đứng sau là ông TBT Nguyễn Phú Trọng.

Thời điểm này tôi có cùng ý nghĩ với nhà ngoại giao Đặng Xương Hùng, là vẫn còn có thể cứu vãn. Nhưng tôi e ngại rằng danh dự của ông Trọng vẫn lớn hơn quyền lợi và danh dự của đất nước và dân tộc VN.


Trương Nhân Tuấn
FB Trương Nhân Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad