Nghi vấn về “Chân Lý Khoa Học” của nguyên nhân cá chết hàng loạt ở Miền Trung - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Nghi vấn về “Chân Lý Khoa Học” của nguyên nhân cá chết hàng loạt ở Miền Trung


Nghi vấn về “Chân Lý Khoa Học” của nguyên nhân cá chết hàng loạt ở Miền Trung - Vệt nước màu đỏ ở Quảng Bình ngày 6/5/2016. Ảnh: báo TP

PHẦN DẪN NHẬP

Trong một bài viết khoa học khá dài có tựa đề “Cần trả lại chân lý khoa học cho Kết luận về nguyên nhân cá chết” [1], Tiến sĩ (TS) Nguyễn Đức Thắng đã “vận dụng thông lệ của thế giới” và “kiến thức Hóa học 8 và Toán 6” để tìm ra “chân lý khoa học cho nguyên nhân cá chết” hàng loạt ở miền Trung vào đầu tháng 4 năm 2006 vừa qua.

Theo TS Thắng, 2.500 m3 nước thải – qua quá trình xúc rửa, tẩy gỉ các đường ống kim loại nhưng không được “xử lý… thành công… do lỗi của các nhà thầu phụ và lỗi ở mất điện 5 ngày” – do công ty Formosa xả ra biển ngày 6/4/2016 đã làm cho cá bị ngạt thở mà chết vì có khoảng 5 tấn Fe2+ trong nước thải “… đã làm cạn kiệt oxy và đã tạo nên một vùng chết rộng lớn dài 150km x rộng 60m x sâu 3m. Những con cá chưa chết ngay, còn ngắc ngoải cùng những hydroxit sắt Fe(OH)3 chưa lắng đọng tiếp tục trôi dạt vào Huế, rồi chết và dừng lại ở đó. 5 tấn kation Fe+2 này cũng đã tạo ra 9,6 tấn hydroxit sắt Fe(OH)3 , một “màng rất rất mỏng” lơ lửng, hấp phụ phenol hay xianua (lắng đọng làm chết san hô rải rác một số nơi).  Giải thích nguyên nhân cá chết là do ‘ngạt thở’ thiếu oxy là hoàn toàn phù hợp với thông lệ thế giới.” [1]

Trong tinh thần cầu tiến khoa học, chắc TS Thắng sẽ rất vui lòng để giải thích thêm – như TS đã làm đối với TS Tô Văn Trường [2] – trên phương diện khoa học, một số nghi vấn khoa học mà người đọc có thể có về cái “chân lý khoa học” mà TS đề cập trong bài viết của mình.  Bài viết nầy nhằm mục đích thảo luận những nghi vấn đó.

MỘT SỐ NGHI VẤN KHOA HỌC

Làm sao xác định được nước thải có Fe2+?

TS Thắng mô tả đặc tính của Fe2+ trong nước thải như sau: “Trong nước thải này có chứa kation Fe+2  với nồng độ đặc biệt cao, từ 1200–2000 mg/L (4) (trung bình 1,6 kg/m3).  Việc xử lý 2.500 m3 nước thải này không thành công tương đương với đổ ra biển 1,6 kg/m3 x 2500 m3 = 4000 kg = 4 tấn kation Fe+2.

Ngoài ra, Formosa Hà Tĩnh, ngày có ngày không (không đều) đã sử dụng 3–4 tấn (4) sunfat sắt (FeSO4.4H2O, màu trắng) như là chất xúc tác với H2O2 để nâng cao hơn nữa việc xử lý các chất hữu cơ khó bị sinh hủy, tẩy mầu của nước thuộc hệ thống sinh hóa xử lý nước thải của nhà máy luyện cốc, làm cho nước trong hơn. Trung bình 3,5 tấn FeSO4.4H2O sẽ tạo ra khoảng 1 tấn Fe+2.” [1]

Tài liệu tham khảo (4) mà TS Thắng sử dụng để xác định đặc tính của Fe2+ trong nước thải là “… thông tin [riêng?] sau ngày công bố kết luận chính thức về nguyên nhân cá chết (30/6)” từ TS Lê Văn Cát, thành viên Đoàn điều tra.  Sự hiện diện của Fe2+ trong nước thải của Formosa do TS Thắng đưa ra không có cơ sở khoa học vững chắc vì (a) đoàn điều tra chỉ bắt đầu hoạt động từ ngày 5/5/2016 [3] và (b) việc xả thải của Formosa đã ngừng từ cuối tháng 4 [4].  Kết quả phân tích mẫu nước thải của Formosa hay kết quả nghiên cứu thành phần nước thải của Formosa – lúc nước thải được xả ra biển – có lẽ là cơ sở khoa học vững chắc nhất cần có để xác định đặc tính của nước thải do Formosa xả ra biển trong tháng 4/2016.

Vùng biển chết với cá ngoắc ngoải và hydroxit sắt lơ lửng?

TS Thắng lập luận rằng “… 5 tấn kation Fe+2 bị xả thải vào biển đã làm cạn kiệt oxy và đã tạo nên một vùng chết rộng lớn dài 150km x rộng 60m x sâu 3m. Những con cá chưa chết ngay, còn ngắc ngoải cùng những hydroxit sắt Fe(OH)3 (màu gạch nâu đỏ) chưa lắng đọng tiếp tục trôi dạt vào Huế, rồi chết và dừng lại ở đó.”

Không có gì sai khi dùng lập luận để giải thích một sự kiện chưa biết, nhưng lập luận chỉ được chấp nhận sau khi được kiểm chứng một cách khoa học bằng dữ kiện quan sát hay dữ kiện đo đạc được.  Lập luận của TS Thắng có lẽ dựa trên sự xuất hiện của vệt nước màu đỏ rộng khoảng 10 m và dài khoảng 1,5 km chạy dọc theo bờ biển Quảng Bình vào ngày 4/5 [5], nhưng chính hiện tượng nầy đã bác bỏ lập luận của TS Thắng vì nó không xuất hiện trong vùng biển Vũng Áng, nơi nước thải được xả ra.  Ngược lại, theo quan sát của phóng viên báo Thanh Niên, nước thải do Formosa xả ra có dấu hiệu xuất phát từ nhà máy luyện than coke vì “… tại khu vực gần cảng biển Vũng Áng, nước có màu đen như màu nước xỉ than.” [6]  Rất mong TS Thắng cho biết những dữ kiện được dùng để biện minh cho lập luận nầy.

Cá chết là do “ngạt thở” thiếu oxy?

TS Thắng lập luận rằng “… cá chết là do ‘ngạt thở’ thiếu oxy”“… 5 tấn Fe2+ bị xả vào biển đã làm cạn kiệt oxy.”  Nói cách khác, Fe2+ đã làm cho nồng độ oxygen hòa tan (dissolved oxygen) trong nước biển tụt giảm “đột ngột” [7] khiến cá không đủ oxygen để sống.

Tuy nhiên, phản ứng của cá có thể cho biết oxygen trong nước có phải là nguyên nhân hay không.  “Khi nồng độ oxygen trong nước quá thấp, cá xuất hiện gần mặt nước trong tư thế hoảng loạn hay nhộn nhịp khác thường.  Thỉnh thoảng, chúng nổi lên mặt nước để táp (gulp) không khí cần thiết để sống còn.” [8].  Phản ứng của cá dọc duyên hải miền Trung không giống như thế.  “Quan sát của ngư dân và kết quả phân tích mẫu cá chết của VHLKHCN [Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam] đã xác nhận cá chết vì ammonia,” [9] vì cá nổi lờ đờ và trôi dạt vào bờ [10-12] và “… các mẫu cá đều có hiện tượng biến đổi cấu trúc mô, nhiều mẫu bị dính mang, một số có biểu hiện cháy đầu đuôi… nhiều mẫu cá chết ngoài tự nhiên có hiện tượng bỏng ở đầu và đuôi, đặc biệt là dính mang, thân và mô bị xung huyết.” [13]

Bảng 1 – Kết quả phân tích mẫu nước thu thập ngày 15/4/2016 [12]

Hơn nữa, kết quả phân tích mẫu nước ở khu vực đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô – thu thập trong ngày 15/4/2016, lúc có hiện tượng cá chết ở đây – cho thấy nồng độ oxygen hòa tan trong tất cả các mẫu nước – từ 4,6 đến 7,3 mg/L (xem Bảng 1) – đều cao hơn rất nhiều so với nồng độ oxygen hòa tan có thể làm cho cá chết là 2,0 mg/L hay thấp hơn.  TS Thắng nghĩ sao khi cá vẫn chết trong khi không thiếu oxygen?

Thông lệ của thế giới?

TS Thắng đã “vận dụng thông lệ của thế giới” để kết luận rằng “giải thích nguyên nhân cá chết là do ‘ngạt thở’ thiếu oxy là hoàn toàn phù hợp với thông lệ thế giới” [1].  Tiếc thay, người đọc không biết “thông lệ của thế giới” nầy ra sao và xuất xứ từ đâu vì TS Thắng không cho biết thêm chi tiết nào.  Nếu có thể, xin TS Thắng vui lòng cho biết để người đọc tìm hiểu thêm.

TS có thể đúng khi nói rằng “Thế giới chưa đâu giải thích nguyên nhân cá chết hàng loạt sau 1 đêm là do các độc tố như phenol, xianua, thuốc bảo vệ thực vật gây ra.”   Nhưng có vài trường hợp cá chết hàng loạt vì ammonia đã xảy ra trên thế giới và được ghi nhận. “Vào năm 2013, 110 tấn cá trong sông Fuhe ở tỉnh Hubei, Trung Hoa chết hàng loạt vì ô nhiễm nước thải có chứa 196 mg/L ammonia từ một nhà máy hóa chất ở Yingcheng, ngoại ô của Wuhan.  Vào năm 2015, cá chết hàng loạt trong nhánh tây của sông Nile ở Rosetta.  Bộ Y tế phải tiêu hủy khoảng 1.000 tấn cá chết trong một số chợ cá của đồng bằng sông Nile.” [14]  Đây có phải là ngoại lệ của thế giới hay không?

KẾT LUẬN

Trong nỗ lực giải thích nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung, TS Nguyễn Đức Thắng đã vận dụng thông lệ của thế giới và kiến thức Hóa học 8 và Toán 6 để kết luận rằng “chân lý khoa học của nguyên nhân cá chết” là do “ngạt thở” thiếu oxy vì nước thải từ công ty Formosa có chứa 5 tấn Fe2+.  Lập luận khoa học của TS Thắng đáng khích lệ trong một hoàn cảnh thiếu thốn dữ kiện và kết quả nghiên cứu khoa học để làm nền tảng cho việc giải thích thích đáng nguyên nhân cá chết, vì đó là tiến trình của khoa học.

Nhưng lập luận của TS Thắng, tương tự như lập luận của Chính phủ Việt Nam mà ông bác bỏ, không có đủ dữ kiện (hay bằng chứng) khoa học để biện minh.  Hơn thế nữa, nó không phù hợp với những sự kiện quan sát được hay dữ kiện thu thập được – dù hiếm hoi nhưng khá tin cậy – trong thời gian xảy ra vụ cá chết hàng loạt.  Vì thế, trong tinh thần khoa học, lập luận khoa học của TS Thắng không thể gọi là “chân lý khoa học” chừng nào lập luận đó còn nhiều nghi vấn chưa được biện minh và kiểm chứng bằng những bằng chứng khoa học đáng tin cậy.  Cho tới giờ phút nầy, mọi bằng chứng khoa học của nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung đều hướng về phía… ammonia chứa trong nước thải xả từ nhà máy luyện than coke của Formosa [9].

Khoa học không có tình thương và cũng không có hận thù.

Khoa học không có bôi bác và cũng không có vị nễ.

Khoa học là thẳng thắn, trung thực, và chính xác.

SƠ LƯỢC VỀ TÁC GIẢ

Tác giả là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của Tiểu bang California.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972; Trưởng ty Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia Thủy lợi thuộc Bộ Công chánh và Giao thông đến tháng 4 năm 1975.  Tốt nghiệp Cao học Thủy lợi tại Ðại học Nebraska, Hoa Kỳ năm 1985; Chuyên viên Thủy học (Hydrologist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989.  Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles.


Nguyễn Minh Quang, P.E.
Ba Sàm
TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] TS. Nguyễn Đức Thắng. 20 tháng 7 năm 2016. “Cần trả lại chân lý khoa học cho Kết luận nguyên nhân cá chết.” Ba Sàm. https://anhbasam.wordpress.com/2016/07/20/9231-can-tra-lai-chan-ly-khoa-hoc-cho-ket-luan-ve-nguyen-nhan-ca-chet/
[2] Ba Sàm. 22 tháng 7 năm 2016. “Tranh luận giữa TS Nguyễn Đức Thắng và TS Tô Văn Trường về bài viết “Cần trả lại chân lý khoa học cho kết luận về nguyên nhân cáchết.” Ba Sàm. https://anhbasam.wordpress.com/2016/07/22/9269-tranh-luan-giua-ts-nguyen-duc-thang-va-ts-to-van-truong-ve-bai-viet-can-tra-lai-chan-ly-khoa-hoc-cho-ket-luan-ve-nguyen-nhan-ca-chet/
[3] TTXVN. 1 tháng 5 năm 2016. “Đẩy nhanh việc điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung.” Quân đội Nhân dân. http://www.qdnd.vn/xa-hoi/day-nhanh-viec-dieu-tra-nguyen-nhan-ca-chet-hang-loat-o-mien-trung-473169
[4] Xuân Hương – Bảo Khánh. “Thêm một thợ lặn phát hiện ống xả thải của Formosa dưới đáy biển.” Đời sống Pháp luật. http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/them-mot-tho-lan-phat-hien-ong-xa-thai-cua-formosa-a142675.html
[5] Hoàng Táo & Hoàng Phương. 4 tháng 5 năm 2016. “Xuất hiện vệt nước đỏ 1,5 km sát bờ biển Quảng Bình.” VN Express. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/xuat-hien-vet-nuoc-do-1-5-km-sat-bo-bien-quang-binh-3397303.html
[6] Thanh Niên. 23 tháng 4 năm 2016. “Formosa xả thải ra biển.” Thanh Niên. http://thanhnien.vn/thoi-su/formosa-xa-thai-ra-bien-695002.html
[7] TS Nguyễn Thị Hải Yến. 24 tháng 7 năm 2016. “Formosa không thể chạy tội.” Ba Sàm. https://anhbasam.wordpress.com/2016/07/25/9292-formosa-khong-the-chay-toi/
[8] Douglas Agnew and Tom Wayman. No date. “A Few Things to Know About Florida Fish Kills.” Aquatic Systems. Lake and Wetland Services. http://www.aquaticsystems.com/sites/aquaticsystems.com/files/Aquatic-Systems-Fish-Kill-Factsheet.pdf
[9] Nguyễn Minh Quang. 4 tháng 7 năm 2016. “Vụ xả nước thải của Formosa có phải là một thảm học môi trường lâu dài hay không?” Chính danh hóa Việt Nam. http://chinhdanhhoavietnam.com/p106a2619/4/vu-xa-nuoc-thai-cua-formosa-co-phai-la-mot-tham-hoa-moi-truong-lau-dai-hay-khong-
[10] Hưng Thơ. 19 tháng 4 năm 2016. “Cá ‘ngất ngư’ phơi bụng dọc bờ biển Quảng Trị.” Lao Động. http://tamlongvang.laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/ca-ngat-ngu-phoi-bung-doc-bo-bien-quang-tri-542496.bld
[11] Quang Nhật. 3 tháng 5 năm 2016. “Cá biển lờ đờ lại ào ạt vào bờ, cá nuôi chết hàng loạt.” Người Lao động. http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ca-bien-lo-do-lai-ao-at-vao-bo-ca-nuoi-chet-hang-loat-20160503181530744.htm
[12] Đại Dương. 27 tháng 4 năm 2016. ”Bước đầu nguyên nhân cá chết hàng loạt tại Huế.” VNTinnhanh. http://vntinnhanh.info/buoc-dau-ket-luan-nguyen-nhan-ca-chet-hang-loat-tai-hue.html
[13] Phạm Hương. 2 tháng 7 năm 2016. “Manh mối lần ra nguyên nhân gây cá chết hàng loạt.” VNExpress. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/manh-moi-lan-ra-nguyen-nhan-gay-ca-chet-hang-loat-3429463.html
[14] Nguyễn Minh Quang, P.E. 30 tháng 4 năm 2016. “Vì sao cá chết hàng loạt dọc duyên hải miền Trung?” Bauxite Việt Nam. http://boxitvn.blogspot.com/2016/05/vi-sao-ca-chet-hang-loat-doc-duyen-hai.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad