|
Trong cuộc nói chuyện với ông Thị trưởng và ông Trưởng phòng Hành chính của Diakonenhaus, Võ Văn Long, một doanh nhân sinh sống tại Berlin, đã bày tỏ nguyện vọng, không chỉ thuê lâu dài khoảnh đất tưởng niệm này, mà còn mong muốn phát triển thêm. Thí dụ xây dựng một ngôi nhà sàn thu nhỏ của Bác Hồ để trưng bày những chứng tích về sự lưu trú của những thiếu nhi Việt Nam ở Moritzburg. Và ông đại sứ hứa hẹn rằng, một khi khu tưởng niệm này được tôn tạo, thì không chỉ có những “cựu Moritzburger” – những học sinh Việt Nam hồi xưa học ở Moritzburg mà cho đến giờ họ vẫn tự xưng như vậy – mà còn nhiều người Việt khác sẽ đến làng này viếng thăm.
Đã có thể lường trước được, ý tưởng này rất có thể sẽ gây ra sự phản kháng. Dù sao trong số những người Việt Nam sinh sống ở Đức cũng có rất nhiều người tỵ nạn. Trong lá thư gửi đến Moritzburg (lá thư bản gốc tiếng Đức xem ở đây và bản dịch xem ở đây) mà tòa soạn hiện có, tiến sĩ Dương Hồng Ân, Điều hợp viên của Diễn đàn Việt Nam 21 viết: “Trong khi nhật báo Sächsische Zeitung trong bài “Đi tìm dấu vết bác Hồ” ra ngày 19.05.2016 chỉ tường thuật về nguyện vọng của Đại Sứ Việt Nam và một doanh nhân từ Berlin, ông Võ Văn Long, muốn phục hồi và mở rộng một khu lưu niệm trong khuôn viên Diakonenhaus ở Moritzburg để tưởng nhớ các trẻ em Việt Nam đã từng sống ở đây, thì hai ngày sau báo nguoiviet.de và nhiều trang mạng Việt Nam khác lại đưa tin về dự án “Khu tưởng niệm bác Hồ sẽ được xây dựng tại Moritzburg”. Như thế bài báo gây ấn tượng rằng, việc xây dựng khu tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Moritzburg là việc đã được quyết định xong rồi.
Ông Dương Hồng Ân cũng viết trong lá thư gửi ông Thị trưởng và Hội đồng địa phương Moritzburg rằng, ông Hồ Chí Minh không được đa số dân chúng Việt Nam tôn kính như người ta thường nói. Nhiều người buộc ông ta phải chịu trách nhiệm cho hàng triệu nạn nhân trong cuộc chiến. “Một trong số những cựu học sinh Việt Nam ở Moritzburg mà chúng tôi được quen biết đã bày tỏ thái độ phản đối việc xây dựng khu tưởng niệm Hồ Chí Minh.” (Xem bản dịch lá thư của cựu học sinh Việt Nam ở Moritzburg ở đây)
Và lá thư được viết tiếp: “Chúng tôi nhận thấy không có lý do chính đáng cho việc xây dựng khu tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Moritzburg. Mặt khác chúng tôi chấp nhận hình thức tưởng nhớ đến những cựu học sinh Việt Nam khi xưa học ở Moritzburg”.
Bà Kirsten Muster ở Moritzburg, dân biểu đảng AfD trong Nghị viện bang Sachsen, cũng lên tiếng phê bình gay gắt: “Rõ ràng là ở đây đã được tính toán kỹ càng, để một khu tưởng niệm có từ thời Đông Đức được trùng tu với sự hỗ trợ của nhà nước Việt Nam và theo ý nghĩa chính trị lịch sử một chiều của họ. Dĩ nhiên trong ý nghĩa của tình hữu nghị giữa 2 dân tộc, thì một sự tưởng nhớ đến trẻ em Việt Nam sinh sống và học tập ở Moritzburg vào cuối thập niên 50 là một điều đáng được khen ngợi. Nhưng dự án lại cho thấy ý đồ thành lập khu sùng bái lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh, mà qua đó hình ảnh một nhân vật chính trị được trình bày hoàn toàn thiếu phê phán, trong khi thật ra vẫn còn rất nhiều tranh cãi về con người này”.
Ban chấp hành đảng bộ CDU ở Moritzburg cũng đã bày tỏ quan điểm: “Có nên hay chăng, khi chính trên khu đất của một cơ sở đạo Tin lành lại để cho một kẻ độc tài được ca tụng và chế độ CHXHCN Việt Nam được nghĩ tới một cách thân thiện, nơi mà ngày nay những Thánh lễ – ở Việt Nam có khoảng 6,5 triệu tín đồ Ki-tô giáo – cần phải có giấy phép của nhà cầm quyền? Chúng ta ở Moritzburg có muốn rao bán việc “di tản trẻ em” theo sắc lệnh nhà nước như là tình hữu nghị giữa hai dân tộc hay không?” (Thông báo của đảng bộ CDU Moritzburg xem ở đây)
Trong cuộc họp Ủy ban hành chánh của Hội đồng địa phương Moritzburg trong tuần này, Thị trưởng Jörg Hänisch (không đảng phái) đã trình bày quan điểm của ông: “Nơi này trong khu đất của ký túc xá thiếu nhi và thiếu niên ngày xưa nhắc nhở chúng ta rằng, làng chúng ta đã một thời bảo vệ cho các trẻ em cần được che chở. Đó không phải là đài tưởng niệm cho một ý thức hệ nào, đó cũng không phải là đài tưởng niệm một cá nhân nào, đối với tôi trong tư cách là Thị trưởng, đó là nơi để khơi gợi cho người ta suy ngẫm về những tội ác gây ra cho trẻ con hồi xưa và ngày nay”.
Đòi hỏi tái lập khu tưởng niệm ở Moritzburg xuất phát từ nguyện vọng của những cựu học sinh Việt Nam ở Moritzburg, họ muốn có một nơi kỷ niệm và nguyện vọng này đã được đề đạt đến ông dân biểu Andreas Lämmel. Khu tưởng niệm này đã có sẵn từ xưa, tuy nhiên theo dòng thời gian ngày càng trở nên hoang phế. “Những nỗ lực của ông Lämmel và của tôi với tư cách là Thị trưởng nhằm mục đích cải thiện mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam trong những lãnh vực: kinh tế, giáo dục và đặc biệt đối với làng chúng ta là lãnh vực du lịch, và qua đó góp phần vào tình hữu nghị giữa 2 dân tộc”, ông Jörg Hänisch giải thích.
“Sau kỳ nghỉ hè tôi sẽ mời những thành viên của Hội đồng địa phương đến tham dự một cuộc nói chuyện riêng biệt và tại chỗ khu tưởng niệm. Đó sẽ là dịp để trao đổi với những người hỗ trợ dự án này, bàn về hình thức nêu trong kế hoạch, nhưng sẽ thu nhận để cân nhắc những ý kiến phê bình về dự án.”, ông Thị trưởng hứa hẹn. “Chính là chúng ta ở Moritzburg, nơi đây trong thời gian cách mạng hòa bình (chú thích: cuộc cách mạng ở Đông Đức vào năm1989, dẫn đến bức tường Berlin sụp đổ và sau đó nước Đức thống nhất mà không đổ máu) đã học được rằng, lịch sử không phải chỉ là đen hay chỉ là trắng.”
Chuyển ngữ từ bài báo “Denkmal für einen Diktartor?” (Đài tưởng niệm cho một nhà độc tài?) của tờ báo Sächsische Zeitung (Đức), số ra ngày 10.06.2016. Lưu ý: Tựa đề do người dịch đặt lại. Tất cả những chú thích dưới ảnh chụp và chú thích trong bài được để trong ngoặc và in nghiêng là của người dịch. Ngoài ra còn có một vài ảnh chụp do người dịch bổ sung.
Tác giả: Sven Görner
Sächsische Zeitung
Dịch giả: Đặng Hà
Ba Sàm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét