"...Trong khi Bắc Kinh triển khai những tên lửa tối tân trên các hòn đảo tranh chấp, Nước Mỹ có thể làm những gì để làm chậm lại tiến trình chiếm lãnh thổ của Trung Quốc?..."
|
Chiến thuật cứng rắn của Trung Quốc đang buộc Mỹ phải quyết định có nên đẩy lùi một cách mạnh mẽ - ngay cả khi nó có nguy cơ dẫn đến đối đầu quân sự - hoặc ngồi yên và để Bắc Kinh tiếp tục, một cách chậm rãi nhưng chắc chắn, tháo dỡ một trật tự quốc tế đã giúp xây nên 70 năm hoà bình và thịnh vượng ở Á Châu.
Mùa Xuân năm nay, một toà án quốc tế ở The Hague sẽ ra phán quyết đầu tiên về tính hợp lệ của các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, gói gọn trong một “đường chín đoạn” rộng lớn làm thành một vành đai ôm trọn gần như toàn bộ Biển Đông cho Bắc Kinh. Việc triển khai giàn tên lửa đất-đối-không tầm xa đến đảo Phú Lâm như vừa được xác nhận bởi bộ Quốc Phòng Đài Loan hôm thứ Tư, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cái phán quyết sắp đến của tòa án, đặt vào thế đối đầu giữa sức mạnh và lẽ phải trong những điều kiện cứng rắn nhất.
Các chuyên gia tin rằng tòa án sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines, quốc gia đưa vụ kiện ra tòa năm 2013 nhằm ngăn chặn Trung Quốc chiếm đóng các rặng san hô, mỏm đá và các đảo san hô mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Điều đó sẽ buộc Washington và Bắc Kinh đi đến một sự lựa chọn: Mỹ sẽ phải quyết định có cần phải thực thi, và ở mức độ nào, với các phán quyết của tòa án bằng những chiến hạm màu xám của hải quân Hoa Kỳ. Và Trung Quốc, nước đã từ chối tham gia vụ kiện, đối mặt với một thử thách thực tế cho điều họ tự cam kết là duy trì trật tự quốc tế, một trật tự đã lót đường cho sự trỗi dậy của chính Trung Quốc từ một nền kinh tế yếu kém trở thành một cường quốc chỉ trong một thế hệ.
Quyết định của tòa án sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, “bởi vì hoặc là cái phán quyết đó sẽ gạt bỏ tất cả những quyền đạo đức và pháp lý để họ làm những gì họ đang làm, hoặc là không,” một cựu nhân viên cao cấp trong chính quyền Obama nói như vậy trong điều kiện giấu tên vì tính cách nhạy cảm của cuộc tranh luận chính sách đang diễn ra. “Nếu toà án vô giá trị đường chín đoạn của Trung Quốc, cái áp lực chắc chắn sẽ đến với họ để làm một điều gì đó.” Ông nói.
Những cãi vã về Biển Đông đã tạo nên thế đối đầu giữa Bắc Kinh chống lại các nước láng giềng như Philippines và Việt nam từ hàng thập kỷ nay; Việt Nam và Trung Quốc đã từng giao chiến trên một số đảo san hô đầu những năm 1970s. Tuy nhiên những năm gần đây, Trung Quốc đã tích cực hành động để biến những tuyên bố trên giấy tờ về Biển Đông thành hiện thực. Bắc Kinh đã tiêu hàng tỷ đô-la nạo vét hàng tấn cát và san hô để xây dựng thêm hàng ngàn mẫu (Anh) đất nhân tạo trên những mỏm đá tranh chấp này; nhiều đảo nhân tạo bây giờ đủ lớn để làm đường băng, chứa chiến đấu cơ, radar, các trạm phòng không và các cảng nước sâu.
Mới tuần này, hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã đưa hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến đến đảo Phú Lâm, một trong những đảo cát bồi tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa. Nhà phân tích về quốc phòng của hãng IHS Jane, ông Neil Ashdown, gọi vị trí đặt tên lửa là “một sự leo thang quân sự đáng kể”, và nói rằng nó được coi như là một sự trả đũa cho việc tàu hải quân Hoa Kỳ đến gần vùng đảo này năm ngoái và đầu năm nay. Những chuyến hải hành đó đi gần sát những đặc cứ nhân tạo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, để cố ý khẳng định quyền “tự do hàng hải” cho tất cả các nước trong vùng biển quốc tế, hành động này đã chọc giận Bắc Kinh và làm một số đồng minh hoang mang về những ý định của Washington.
Một số chuyên gia coi việc điều động tên lửa đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa - quần đảo nằm gần Trung Quốc hơn là Trường Sa – như một mô hình cho tiến trình quân sự hoá của Bắc Kinh trong tương lai trên các đảo tranh chấp khác.
“Nếu ta nhìn vào những gì đang diễn ra ở Hoàng Sa, những điều đó cho thấy những dấu hiệu rõ ràng cho những gì sẽ xảy ra ở Trường Sa”, Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về Á châu tại Trung Tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Quốc Tế cho biết.
Nước đi mới của Trung Quốc khiến các nhà lập pháp Hoa Kỳ tức giận và họ kêu gọi Mỹ phải có phản ứng mạnh mẽ.
“Mỹ cần xem xét bổ sung những phương thức làm tăng cái giá phải trả cho những hành vi của Bắc Kinh.” Chủ tịch Hội đồng Phụ trách về Quân sự của Thượng Viện Hoa Kỳ, John McCain, người đã chỉ trích điều mà ông gọi là “quân sự hoá” khu vực của Trung Quốc và “cưỡng bách” các nước láng giềng. Ông nói rằng ngay cả việc “thỉnh thoảng tiến hành những chuyến đi (để thể hiện quyền) tự do hàng hải là chưa đủ,” và để thực sự đẩy lùi Bắc Kinh, Mỹ phải áp dụng “những chính sách với một độ rủi ro mà chúng ta, cho tới nay, chưa muốn xem xét đến”.
Đáng chú ý là, Bắc Kinh triển khai vũ khí tiên tiến trên Biển Đông đúng vào lúc Tổng Thống Obama chủ trì cuộc họp thượng đỉnh 10 nước ASEAN kéo dài 2 ngày tại California - lần đầu tiên được tổ chức tại Mỹ. Và như những năm gần đây, những đấu khẩu song phương và các hành động khiêu khích ở Biển Đông áp đảo bàn nghị sự. Các thành viên ASEAN mon men xung quanh một lời lên án thẳng thừng về cách cư xử của Trung Quốc, nhưng trong bản tuyên bố chung vào cuối cuộc họp thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đồng ý - một cách cụ thể và đồng lòng - duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, tránh quân sự hoá tranh chấp và tôn trọng tự do hàng hải. Trung Quốc không phải là thành viên của ASEAN.
Cho đến nay, các yêu sách và các hoạt động bồi đắp đảo san hô của Trung Quốc đã khiến nhiều nước châu Á gần gũi hơn với Mỹ. Tokyo và Washington tu chỉnh lại hiệp ước phòng thủ chung của họ, và Nhật hầu như đã từ bỏ quan điểm hoà bình từ sau Đệ Nhị Thế Chiến của họ. Philippines thì đang yếu cầu lực lượng quân sự Mỹ trở lại sau khi đuổi họ đi 25 năm trước đây. Ngay cả Việt Nam, một quốc gia Cộng sản có quan hệ thương mại mật thiết với Trung Quốc, cũng đang tiến gần Washington hơn và đăng tìm cách mua vũ khí Mỹ để đẩy lùi Bắc Kinh.
Dầu vậy, điều trớ trêu là một đồng minh của Mỹ trong khu vực đang làm cho những phản ứng của Mỹ trở nên phức tạp hơn.
Đài Loan, một đồng minh quan trọng, nước mua hàng tỷ đô-la thiết bị phòng thủ từ Mỹ, dường như đứng về phía Trung Quốc khi họ vừa mới đây bước vào vòng tranh chấp. Để phản đối mạnh mẽ các nhà ngoại giao và chính quyền Obama, tháng trước, Tổng Thống sắp mãn nhiệm Mã Anh Cửu đã có chuyến thăm gây chú ý đến đảo Ba Bình , đảo mà Đài Loan chiếm đóng và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc trước đây, những người đã thua trận trong cuộc nội chiến chống lại Mao Trạch Đông và Cộng sản Trung Quốc trước khi chạy sang Đài Loan năm 1949, cũng chính là những kẻ đầu tiên tạo ra cái bản đồ đường chín đoạn để gói trọn cái nhìn bao quát về lãnh thổ hải đảo của Trung Quốc.
Khăng khăng cho rằng Ba Bình là một hải đảo mà không phải chỉ là một mỏm đá như Phlippines tuyên bố, Đài Loan có thể làm suy yếu vụ kiện của Manila trước toà trọng tài quốc tế và cung cấp thêm những lý lẽ pháp lý cho Trung Quốc đại lục.
“Chẳng có điều gì tốt đến từ chuyện này,” một cựu quan chức chính quyền bình luận. Dầu vậy, Trung Quốc cũng chẳng mấy mặn mà gì về động thái của Đài Loan bởi vì nó càng nhấn mạnh về tuyên bố của Đài Loan là một nước độc lập có chủ quyền.
Các quan chức Hoa Kỳ tin rằng Đài Loan đang cố gắng làm nổi bật những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ trong vùng biển tranh chấp trước khi toà án quốc tế đưa ra phán quyết của mình, dự kiến vào khoảng giữa tháng Tư và tháng Sáu năm nay.
Vấn đề đặt ra trước toà án The Hague là điều Manila tranh cãi cho rằng những “vật thể” mà Trung Quốc đòi chủ quyền ở Biển Đông chỉ là những mỏm đá và không phải là những hải đảo thực sự. Trong khi điều này nghe có vẻ mập mờ khó hiểu, sự khác biệt của hai khái niệm lại là điều quan trọng. Theo luật quốc tế, hải đảo được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn đến 200 dặm; những mỏm đá lại không được gì. Và những mỏm đá thường bị chìm dưới mặt nước,cũng như nhiều mỏm đá khác ở Biển Đông trước khi các xe ủi đất của Trung Quốc đến làm việc, không được hưởng bất kỳ quy chế về lãnh hải nào cả.
Thế nhưng Toà án Trọng tài Thường trực lại không có quyền hạn buộc phải thực thi. Và Trung Quốc đã nói rõ ngay từ khi vụ kiện bắt đầu là họ sẽ không hợp tác. Các chuyên gia cho rằng điều đó có thể để ngỏ cho Hoa Kỳ cái khả năng đặt sức nặng của họ vào việc buộc thi hành phán quyết toà án bằng cách, thí dụ như tích cực du hành qua những thực thể không được coi là hải đảo hợp pháp mà Trung quốc tuyên bố.
“Chúng ta đã quá biết rằng Trung Quốc sẽ không tuân theo (phán quyết), vậy thì vai trò của Mỹ sẽ là gì trong việc hổ trợ và thúc đẩy quy tắc của pháp luật và luật biển sau quyết định này (của toà án)?” Mira Rapp-Hooper thuộc Trung tâm An Ninh Hoa Kỳ nói.
Phán quyết của Toà án The Hague sẽ buộc chính phủ Obama phải quyết định xem có nên tái khẳng định thẩm quyền của toà án với tuần tra hải quân, một bước đi mà các đồng minh châu Á hầu như sẽ yêu cầu. “Nếu họ vẽ thêm những đường ranh mới trên bản đồ, chúng ta có lẽ cần phải có mặt ở đó một cách nhanh chóng để hổ trợ cái uy tín của phán quyết toà án,” một nhân viên Thượng viện chuyên về vấn đề này cho hay với điều kiện ẩn danh.
Một số cựu quan chức hoa kỳ và các nhà phân tích nói rằng Bộ Ngoại giao sẽ khởi động một chiến dịch ngoại giao rộng rãi sau khi phán quyết được đưa ra, cho rằng đây chính là một quyết định quan trọng có thể dùng làm một hình mẫu cho các phương thức giải quyết hoà dịu ở cả Đông Nam Á và xa hơn.
“Tôi nghĩ chiến lược của Mỹ là sẽ khuyến khích càng nhiều nước càng tốt để lên tiếng ủng hộ toà án và thúc giục Trung Quốc tuân thủ phán quyết.” ông Glaser thuộc CSIS (Sở Tình báo An ninh Canada) nói. Đó là một lý do mà bản tuyên bố của ASEAN nhấn mạnh về nguyên tắc pháp luật và giải quyết trong hoà bình các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Dầu vậy, sự không chỉ thẳng tên Trung Quốc và ngay cả nhắc đến Biển Đông sau hai ngày họp thượng đỉnh cho thấy rõ sự chia rẽ kéo dài trong khối 10 nước này. Glaser và một số nhà phân tích khác nói rằng Campuchia, Lào và Thái Lan đều chịu áp lực từ Trung Quốc để làm dịu lại quan điểm của ASEAN về các vấn đề tranh chấp.
Mùa Hè năm ngoái, Trung Quốc nói rằng họ đã sẵn sàng để dừng những hoạt động cải tạo đảo, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên hứa trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng Chín rằng Bắc Kinh sẽ không “quân sự hóa” khu vực. Nhà Trắng đã tin rằng Bắc Kinh, sau khi đã thành công trong việc mở rộng các đảo san hô trên Biển Đông, có thể sẽ tạm ngừng và củng cố những gì họ đạt được – dù vậy, niềm tin này đã liên tiếp bị chứng minh là sai trong nhiều tháng gần đây.
Một cựu quan chức cao cấp cho hay: “Nhiều người trong chúng tôi đã nghĩ rằng, sau một đợt xây dựng đảo nhân tạo lớn như vậy, người Trung Quốc sẽ dừng lại và dùng điều đó làm một thứ đòn bẫy để mặc cả cho việc giữ nguyên trạng tình hình”.
Thay vào đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục việc xây dựng và cải tạo trên các rặng san hô đang tranh chấp, tăng đôi canh bạc và tăng giá trị tiềm năng quân sự của các đảo nhỏ này, nơi có thể hình thành các hạt nhân của vùng phòng không ngay tại trung tâm của một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới.
Mặc dù lập trường quyết đoán của Trung Quốc đã gây một phản ứng từ Việt Nam, Philippines và những nước khác trong vùng là họ tìm kiếm những quan hệ an ninh gần gũi hơn với Washington, cái hiệu ứng ngược cho đến nay chưa đủ để thuyết phục Bắc Kinh rút lại hướng đi của mình.
Một phán quyết chống lại Trung Quốc đến từ một tòa án quốc tế, độc lập và được tôn trọng như toà án The Hague sẽ là một điều ngượng ngùng về chính trị cho một nước luôn tô điểm cho mình là một thành viên có trách nhiệm trên sân khấu thế giới. Nhưng Bắc Kinh có thể sẽ đơn giản là chịu đựng và vượt qua giai đoạn sóng gió này vì họ, cho đến nay, đã tính toán rằng Washington và các nước châu Á khác sẽ không sẵn sàng mạo hiểm đối đầu về mặt quân sự hoặc sự trả đũa về kinh tế trên vấn đề Biển Đông.
Và cho dù kết quả phán quyết thế nào, không ai tiên đoán rằng Bắc Kinh sẽ từ bỏ những tuyên bố chủ quyền họ đã đặt ra hoặc trả về nguyên trạng cái công việc bồi đắp đảo đồ sộ họ đã làm. Với Washington, có lẽ kết cuộc tốt nhất là Trung Quốc ngừng hẳn các hành động quân sự hoá của họ một cách âm thầm, hoặc là một động thái hoà giải cho phép ngư dân Philippines hành nghề trong vùng biển tranh chấp ngoài khơi của họ.
Nhưng ngay cả khi nếu Mỹ “chơi hết cỡ” bằng cách tăng cường tuần tra hải quân, đẩy mạnh hợp tác quân sự với các đối tác và đồng minh ở châu Á và củng cố cái tầm với kinh tế qua Hiệp định Thương mại Thái Bình Dương, có lẽ là đã quá trễ để đẩy lùi làn sóng Trung Quốc. Bắc Kinh cho thấy sự quyết tâm khẳng định những gì họ coi là những lợi ích quan trọng không thể chối cãi ở Tây Thái Bình Dương, ngay cả khi điều đó có nghĩa là làm xấu đi quan hệ với Washington.
“Họ có một lợi thế và họ tìm cách để phát triển nó đến mức tối đa” viên cựu quan chức cho hay.
Dan De Luce and Keith Johnson
Bob Doan chuyển ngữ
Theo FB Bob Doan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét