Mỹ-Ấn Độ thảo luận tuần tra chung trên Biển Đông - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Mỹ-Ấn Độ thảo luận tuần tra chung trên Biển Đông


WASHINGTON - Hoa Kỳ và Ấn Độ đang có những cuộc thảo luận về các cuộc tuần tra chung giữa lực lượng hải quân hai nước, gồm cả việc tuần tra chung trên biển Đông, một việc Bắc Kinh sẽ tức giận.

Hai trong số 4 chiến hạm của Ấn Độ tới thăm Việt Nam hồi năm 2013. (Hình: Soha)
Để đối phó với chủ trương bá quyền bành trướng của Bắc Kinh, Hoa Kỳ khuyến khích các nước trong khu vực đoàn kết với nhau cả về chính trị cũng như quân sự. Hoa Kỳ kêu gọi ASEAN đoàn kết nhất là từ khi Bắc Kinh ngang nhiên bồi đắp 7 bãi đá ngầm ở vùng biển Trường Sa thành 7 đảo nhân tạo với các cơ sở quân sự trên đó nhằm chế ngự toàn bộ biển Đông.

Từ biến cố này, người ta thấy Hoa Thịnh Đốn tiến hành các chuyến hải hành khẳng định quyền tự do hải hành trên biển Đông cũng như thúc đẩy mối quan hệ an ninh với Ấn Độ mạnh mẽ hơn. Năm ngoái, lực lượng Hoa Kỳ và Ấn Độ đã tập trận chung trên Ấn Độ Dương, có sự tham dự của cả lực lượng hải quân Nhật bản.

Tuy nhiên, hải quân Ấn nói rằng họ chưa từng tập trận chung với lực lượng của nước ngoài và không có sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của nước Ấn trừ phi đó là hoạt động nằm dưới cờ Liên Hiệp Quốc.

Một viên chức Ngũ Giác Đài nói rằng Hoa Kỳ và Ấn Độ đã có các cuộc thảo luận về tuần tra chung và hy vọng có thể bắt đầu trong khoảng một năm tới cả trên Ấn Độ Dương và biển Đông.

Đại Tá Bill Urban, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài cho hay Hoa Kỳ và Ấn Độ “tiếp tục tìm cách hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn, bao gồm cả vấn đề an ninh hàng hải,” tuy nhiên chưa có quyết định gì về tuần tra chung.

Hiện người ta chưa thấy Bắc Kinh bình luận gì về tin này. Bắc Kinh phản ứng giận dữ khi các chiến hạm của Hoa Kỳ đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn (quần đảo Hòang Sa) và đảo nhân tạo họ bồi đắp ở quần đảo Trường Sa.

Cả Hoa Kỳ cũng như Ấn Độ đều tuyên bố không dính gì đến chủ quyền trên biển Đông, tuy nhiên đều hậu thuẫn cho việc hải hành hay bay qua lại tự do trên biển Đông khi ông Obama thăm Ấn Độ hồi tháng trước.

Ấn Độ, mấy năm gần đây, trong chiến lược “hướng Đông,” đã cho một số chiến hạm thăm viếng Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực. Ấn cũng tham dự các chương trình dò tìm dầu khí trên biển Đông thuộc thềm lục địa Việt Nam. Ấn cũng cấp cho Việt Nam tín dụng $100 triệu USD để mua một số chiến hạm do Ấn sản xuất.

Theo lời một viên chức Ấn Độ, việc tuần tra chung với Mỹ trên biển Đông vẫn còn là một việc xa vời. Phi Luật Tân gần đây đưa đề nghị muốn tuần tra chung với tàu chiến Mỹ mà một nhà ngoại giao Hoa Kỳ nói đây là điều có thể xảy ra.

Hôm 9 tháng 2, 2016, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Hoa Kỳ James Clapper điều trần tại Quốc Hội nói rằng Trung Quốc vẫn tiến hành các hoạt động xây dựng trên 7 đảo nhân tạo mà họ bồi đắp tại quần đảo Trường Sa bất chấp các lời kêu gọi của Hoa Kỳ và các nước khác.

Ông Clapper hàm ý cho hay Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo này dù Chủ Tịch Tập Cận Bình cam kết không làm như vậy khi đến Hoa Thịnh Đốn hồi tháng 9 năm ngoái. Ông cho hay việc Trung Quốc xây dựng phi đạo gồm cả nhà đậu máy bay, cảng biển, những tòa nhà cao tầng để các phi cơ, tàu chiến đến thường xuyên là những dấu hiệu. (TN)

Theo Người việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad