Đai hội 12 sắp tới của Đảng Cộng Sản có gì đặc biệt? - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2015

Đai hội 12 sắp tới của Đảng Cộng Sản có gì đặc biệt?


“…Người Việt Nam đã hiểu rằng tự do và dân chủ phải tranh đấu để có chứ không thể xin. Đất nước đã thay đổi nhiều và sẽ còn thay đổi nhanh hơn và mạnh hơn trong những ngày sắp tới…”


Các tin khác »
» Xem tiếp
Ông Nguyễn Gia Kiểng trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành

Lời Giới Thiệu: Còn không đầy một tháng nữa, vào ngày 21/12/2015, Đại hội 12 của ĐCSVN sẽ chính thức khai mạc. Đây là Đại hội khó khăn nhất trong lịch sử của Đảng Cộng Sản vì họ không còn đồng thuận trên một lý tưởng chung và chia rẽ nội bộ đã đạt tới cực điểm. Dự thảo báo cáo chính trị đã chỉ hoàn tất cuối tháng 9 và cũng không chứa đựng một dự án chính trị nào, dù đúng hay sai. Cố gắng duy nhất của Đảng Cộng Sản chỉ là giải quyết những xung đột tranh giành quyền lợi.

Từ Paris, ông Nguyễn Gia Kiểng, thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đã trả lời một cuộc phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành.

Sau đây là tóm lược những phát biểu chính.

Về việc chính quyền cộng sản bắt giam luật sư Nguyễn Văn Đài

Chúng ta hiện có rất nhiều anh chị em đang gian nan vì đấu tranh cho tự do và phẩm giá con người, cho dân chủ và nhân quyền, cho lẽ phải. Nhiều người đang bị giam cầm. Tôi mong các anh chị em này hiểu rằng rằng họ rất cao cả, đất nước và dân tộc Việt Nam biết ơn họ.

Điều 88 BLHS không phải là luật bởi vì nó vô đạo, vả lại tự nó đã là đã là một vi phạm đối với Luật Nhân Quyền Quốc Tế. Nó chỉ là một dụng cụ đàn áp cho phép chính quyền cộng sản bắt giam và bỏ tù một cách tùy tiện bất cứ ai. Nhưng điều chắc chắn là ĐCSVN không thể hành động tùy tiện nữa bởi vì xã hội Việt Nam đã thay đổi, thế giới đã thay đổi và bối cảnh khu vực cũng đã thay đổi. Myanma đã trở thành một nước dân chủ, Trung Quốc vừa qua cũng đã chỉ dám xử án treo luật sư nhân quyền Phổ Chí Cường. Chế độ cộng sản Việt Nam sẽ nhanh chóng nhận ra rằng việc bắt Nguyển Văn Đài là một sai lầm, họ không thể tiếp tục thách thức lương tâm thế giới.

 Ba nét đậm nhất của Đại Hội 12

 -Đại hội này rất khác với các đại hội đảng trước đây. Nó là đại hội để thể hiện trong thực tế hiến pháp mới rập khuôn theo chế độ cộng sản Trung Quốc. Đảng Cộng Sản muốn thể chế hóa sự phục tùng Trung Quốc qua đại hội này.

-Đạihội này phơi bày sự lúng túng của ĐCSVN. Họ đã chỉ hoàn tất và công bố dự thảo báo cáo chính trị và báo cáo kinh tế xã hội vào cuối tháng 9, trễ nửa năm so với các đại hội trước. Các cấp lãnh đạo đã rất chật vật mới hoàn tất được báo cáo chính trị, và chỉ để công bố một văn kiện rỗng nghĩa. Có thể nói họ không đồng ý với nhau trên một điểm nào cả. Tất cả mọi cố gắng của Đảng chỉ nhắm giải quyết những tranh giành quyền lực và sắp xếp ban lãnh đạo mới.

-Đại hội này đánh dấu một sự ly dị dứt khoát giữa Đảng Cộng Sản và xã hội Việt Nam. Khác hẳn với các đại hội đảng trước đây lần này hầu như không có ai đóng góp ý kiến nào với Đảng Cộng Sản cả. Chỉ có một kiến nghị với 127 nhân sĩ ký tên và được đưa ra trước sự lãnh đạm tuyệt đối của dư luận. Nhân dân Việt Nam, nhất là những người dân chủ, đã dứt khoát nhìn Đảng Cộng Sản như một lực lượng chiếm đóng và không còn gì để nói với nó nữa.

Về dự thảo báo cáo chính trị và báo cáo kinh tế xã hội:

-Hai tài liệu này dài hơn 60.000 chữ, bằng một cuốn sách, nhưng có thể tóm tắt trong một câu: "Chúng tôi đã thất bại trong tất cả mọi địa hạt và trên tất cả mọi phương diện, chúng tôi kém cả về tư tưởng lẫn đạo đức, chúng tôi vừa bất tài vừa tham nhũng nhưng chúng tôi nhất định giữ độc quyền lãnh đạo trong thời gian vô hạn định".

Điều đáng lưu ý trong hai tài liệu này là những gì mà Đảng Cộng Sản không muốn nói ra nhưng để lộ.

Cả hai tài liệu đều thú nhận rằng trong đại hội 11 (tháng 01năm 2011) ban lãnh đạo cộng sản đã tiên liệu rằng thế giới sẽ bắt đầu hết khủng hoảng sau năm 2010 và bối cảnh kinh tế sẽ thuận lợi. Làm sao có thể dự đoán sai đến thế được? Chế độ này không có những chuyên gia đúng nghĩa hay không biết nghe các chuyên gia?

Hai báo cáo đều nhìn nhận là không có mục tiêu đề ra nào đạt được cả. Đảng Cộng Sản đã thất bại trong tất cả các mục tiêu đề ra cho giai đoạn năm năm vừa qua.

Chính quyền cộng sản đã chặn đứng được lạm phát?

Lạm phát đã có vẻ ổn định ở mức chung quanh 5%, nhưng đây là một mối nguy lớn, rất lớn, cho chế độ chứ không phải là một thành tích. Chính quyền cộng sản đã vay để giữ cho giá cả ổn định và che giấu tình trạng khủng hoảng. Kết quả là nợ công tăng lên rất nhanh trong hai năm qua và đã đạt tới mức độ nguy kịch. Mức nợ 65% GDP chỉ là nợ của chính phủ. Mức nợ công thực sự hiện nay có thể đã lên đến hơn 200% nếu kể cả nợ của những doanh nghiệp công, các chính quyền địa phương và các món nợ mà chính quyền đứng ra bảo lãnh. Nguy cơ vỡ nợ ngày càng lớn trong khi khả năng vay nợ với lãi xuất vừa phải đang giảm đi. Năm nay nước ta đã phải trả nợ 13 tỷ USD nghĩa là khoảng 25% ngân sách và 8% GDP; sang năm con số này sẽ là 18 tỷ USD, nghĩa là 12% GDP!

Toàn bộ khối tăng trưởng kinh tế sẽ bị tịch thu để trả nợ và cũng không đủ, còn phải cắt xén vào phần của sản lượng quốc gia sẵn có. Ai sẽ phải trả khối nợ này nếu không phải là con em chúng ta? Đảng Cộng Sản đang hủy hoại hy vọng của các thế hệ mai sau.

Kiên trì với chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa?

Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ được nhắc đến một cách gượng gạo, qua loa. Điều khôi hài khi đọc báo cáo chính trị là sau 30 năm theo đuổi cái gọi là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" họ thú nhận là chưa hiểu được nó. Sẽ không còn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nữa, chỉ còn kinh tế thị trường thôi. Họ nói là vẫn theo đuổi nhưng thực ra là bỏ. Họ bắt buộc phải bỏ, phải bán các doanh nghiệp nhà nước để trả nợ. Đảng Cộng Sản đang ở trong thế phải bán nhà để trả nợ.

Đảng Cộng Sản biết rằng họ đang lâm nguy. Lần đầu tiênmột báo cáo chính trị nhìn nhận là vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản bị thách thức nghiêm trọng và sự tồn vong của chế độ đang bị đe dọa.

Đảng Cộng Sản phải đổi mới cái gì?

Cụm từ "đổi mới" được nhắc đến khoảng vài trăm lần trong báo cáo chính trị và báo cáo kinh tế xã hội . Điều này chứng tỏ Đảng Cộng Sản biết con đường họ đang đi là lỗi thời nhưng không biết phải đổi mới cái gì. Họ nói tới "đổi mới  mô hình tăng trưởng", "đổi mới công nghệ", "đổi mới cơ chế" v.v. nhưng chỉ toàn là những khẩu hiệu sáo rỗng.

Điều phải đổi mới nếu muốn đưa đất nước ra khỏi bế tắc và muốn cứu sinh mệnh chính trị của Đảng Cộng Sản là thay đổi chế độ chính trị thì họ dứt khoát từ chối. Không những chống lại những áp lực đổi mới từ bên ngoài mà họ gọi là "những đánh phá của các thế lực thù địch"; họ còn chống lại cả những nguyện vọng đổi mới xuất phát ngay từ bên trong đảng, được gọi là chủ trương "tự chuyển hóa", "tự diễn biến" phải kiên quyết ngăn chặn. Đảng Cộng Sản phải thay đổi vì bối cảnh thế giới đã thay đổi, làn sóng dân chủ thứ tư đang gia tăng cường độ và vận tốc và vì chế độ tùy thuộc một cách rất nặng nề vào ngoại thương, đầu tư nước ngoài và tín dụng nước ngoài. Tuy vậy họ ngoan cố không chịu thay đổi. Sự sụp đổ là điều chắc chắn.

Vấn đề nhân sự lãnh đạo đặt ra như thế nào và sẽ được giải quyết như thế nào?

Bài toán nhức nhối của Đảng Cộng Sản là Nguyễn Tấn Dũng. Ông Nguyễn Tấn Dũng được ông Lê Đức Anh chuẩn bị để làm người lãnh đạo chế độ từ hơn 30 năm trước rồi, kể từ khi ông Lê Đức Anh nắm được quyền lực. Nhưng khuyết tật của Nguyễn Tấn Dũng chính là đã được đào tạo theo mẫu người lãnh tụ của thời đại bạo lực và khủng bố. Ông không có kiến thức, khả năng và văn hóa của một lãnh tụ hiện đại. Hiến pháp 2013 thực ra đã được chuẩn bị từ năm 2010, trước đại hội 11 do phe Nguyễn Tấn Dũng và cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Nó chuẩn bị cho ông Dũng lên làm tổng bí thư đảng và kiêm luôn chức chủ tịch nước để có toàn quyền theo mô hình Trung Quốc. Nhưng đại hội 11 đã không xảy ra như ông Dũng muốn vì ông Dũng thiếu bản lĩnh. Bây giờ nó lại đặt ra với đại hội 12 này trong tình trạng khó khăn hơn nữa cho ông Dũng.

Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng thắng chắc chắn với bản tính của ông ông sẽ không tha thứ cho những người đã làm nhục ông, đã đòi kỷ luật ông vì bất tài và tham nhũng.

Còn nếu phe chống ông Dũng (Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang) thắng thì chắc chắn nhiều tay chân của ông Dũng, có thể chính cá nhân ông Dũng, sẽ mắc nạn.

Giải pháp an toàn nhất cho Đảng Cộng Sản trong ngắn hạn sẽ là một giải pháp thỏa hiệp, nghĩa là cả ông Dũng lẫn những người chống ông quyết liệt đều rút lui và mô hình tứ trụ hiện nay vẫn tiếp tục, không phe nào nắm được quyền lực cả. Giải pháp thỏa hiệp này chưa chắc đã thực hiện được, nhưng ngay cả nếu thực hiện được thì nó cũng không cứu được chế độ vì hiến pháp 2013 sẽ không được thực hiện và những vấn đề thách thức nhất đặt ra cho đất nước sẽ không có giải đáp, cuối cùng chế độ cộng sản cũng vẫn sụp đổ. Đại hội 12 có nhiều triển vọng là đại hội cuối cùng của Đảng Cộng Sản.

Thư kiến nghị của 127 trí thức và nhân sĩ.

Thư kiến nghị này vẫn theo tinh thần cũ, nghĩa là một mặt đưa ra những đề nghị, kể cả những đề nghị nhạy cảm như đổi tên đảng, đổi tên nước, trả tự do cho tù nhân chính trị v.v. nhưng, mặt khác, vẫn xác nhận sự ủng hộ đối với chế độ. Những người chủ xướng cũng đã thận trọng chỉ mời ký tên vào kiến nghị những người mà họ nghĩ rằng không thuộc thành phần đối lập, dù là đối lập ôn hoà. Tuy vậy cũng đã có khoảng một phần ba số người được mời từ chối không ký. Điều này cho thấy là đã có một thay đổi tâm lý đáng kể ngay trong giới trí thức được coi là thân thiện với chế độ. Tôi không phủ nhận thiện chí của những người chủ xướng và những người ký tên ủng hộ nhưng các kiến nghị như vậy không còn hợp thời nữa. Có lẽ đây là lần cuối cùng còn có những trí thức gửi thư cho Đảng Cộng Sản. Người Việt Nam đã hiểu rằng tự do và dân chủ phải tranh đấu để có chứ không thể xin. Đất nước đã thay đổi nhiều và sẽ còn thay đổi nhanh hơn và mạnh hơn trong những ngày sắp tới.

Trần Quang Thành phỏng vấn Nguyến Gia Kiểng
ethongluan

Độc giả có thể nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn này qua clip dưới đây:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad