Nga đưa hỏa tiễn phòng không tới Syria, đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Nga đưa hỏa tiễn phòng không tới Syria, đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ


Hỏa tiễn phòng không tầm xa S-400 đặt trên xe di động trong một cuộc diễn binh tại Công Trường Ðỏ, Moscow. Sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu Nga, Nga ra lệnh triển khai hệ thống hỏa tiễn này đến Syria. (Hình: AP/Alexander Zemlianichenko)
Các tin khác
» Xem tiếp
ANKARA, Thổ Nhĩ Kỳ (Tổng Hợp) - Tổng Thống Nga Vladimir Putin hôm Thứ Tư ra lệnh đưa hệ thống hỏa tiễn phòng không tối tân tới một căn cứ Nga đặt tại Syria tiếp theo việc một phi cơ của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi. Hành động này được coi là dễ tạo ra nguy cơ có chiến tranh giữa một thành viên NATO và Moscow.

Ðe dọa trước

Hệ thống hỏa tiễn phòng không S-400 sẽ được đưa đến căn cứ không quân Hemeimeem ở thành phố ven biển Latakia của Syria, nằm cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 50 km. Hệ thống này có thể theo dõi và bắn hạ phi cơ Thổ Nhĩ Kỳ với độ chính xác cao. Nếu Nga bắn rơi một phi cơ của Thổ Nhĩ Kỳ, khối NATO sẽ phải can thiệp.

Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiến đấu cơ loại Su-24 của Nga hôm Thứ Ba, lấy lý do là phi cơ này xâm phạm biên giới dù rằng đã bị cảnh cáo. Một phi công trên phi cơ này bị thành phần dân quân chống chế độ Syria bắn chết sau khi nhảy dù khỏi phi cơ. Người phi công thứ nhì được biệt kích Syria giải cứu và đưa về căn cứ Nga hồi sáng sớm ngày Thứ Tư.

Ông Putin nói rằng chiếc phi cơ Nga ở trong không phận Syria khi bị bắn rớt. Ông gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “tội ác” và là việc “đâm sau lưng”, cảnh cáo rằng sẽ có hậu quả trầm trọng.

Ngoại Trưởng Nga Sergey Lavrov, người hủy bỏ chuyến viếng thăm đã được chuẩn bị trước tại Thổ Nhĩ Kỳ, gọi vụ bắn phi cơ là “hành động khiêu khích có toan tính.”

Dịu giọng sau

Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ khiến một số thành viên NATO ngạc nhiên. Minh Ước NATO, đoàn kết tồn tại qua nửa thế kỷ Chiến Tranh Lạnh và không bao giờ đi đến xung đột với Liên Xô. Tình trạng này có thể chấm dứt sau vụ bắn rớt máy bay Nga.

Sau những căng thẳng ban đầu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cả hai phía tỏ ra hòa hoãn và dịu giọng, chứng tỏ là chiến tranh sẽ không xảy ra.

Tổng Thư Ký NATO, Jens Stoltenberg, tuyên bố sau một buổi họp khẩn cấp hôm Thứ Ba của 28 nước thành viên: “Chúng tôi đã nhiều lần minh định rằng, chúng tôi đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ và hỗ trợ chủ quyền lãnh thổ của nước đồng minh NATO này.”

Tới ngày Thứ Tư, ông chỉ nói: “Vụ máy bay Nga bị nước thành viên Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ làm nổi bật sự cần thiết phải có những cơ chế để tránh xảy ra những việc như thế trong tương lai.” Theo ông, biến cố hôm Thứ Ba đòi hỏi phải được giải quyết bằng ngoại giao và sự bình tĩnh. “Ðây không phải là Chiến Tranh Lạnh mới nhưng là lời báo thức.”

Các giới chức Ðức và Cộng Hòa Czech bày tỏ sự ngạc nhiên về hành động vội vã của Thổ, mà theo tính toán của các chuyên gia Mỹ, máy bay Nga nếu đi vào không phận Thổ thì chỉ 30 giây là nhiều nhất.

Diễn tiến

Máy bay bị bắn rơi là kiểu Su-24, chiến đấu oanh tạc cơ do Liên Xô chế tạo từ 1967, có hai động cơ phản lực ghép bên nhau trong thân, vận tốc tối đa 1,315 km/h gần mặt biển và 1,654 km/h trên cao độ. Tuy nhiên trong phi vụ oanh tạc thường chỉ bay với vận tốc dưới 1,000 km/h và không thể có chuyện đi lạc sâu vào không phận Thổ.

Thổ Nhĩ Kỳ nói đã có cảnh báo, nhưng phi công sống sót nói rằng không nhận được bất cứ một báo hiệu gì, bằng vô tuyến điện hay bằng dấu hiệu, trước khi trúng hỏa tiễn không đối không của máy bay F-16.

Ðại úy Konstantin Mukharin, phi công phụ và hoa tiêu (dẫn đường) trên chiếc máy bay bị bắn rơi, được cứu sống đưa về căn cứ, khẳng định rằng không nhận được bất cứ một sự báo trước nào của máy bay Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói: “Là hoa tiêu, sau khi đã bay nhiều phi vụ chiến đấu tại vùng này, tôi biết rõ từng ngọn đồi ở đây và có thể xác định vị trí không cần dùng đến phi cụ.” Theo Mukharin, máy bay luôn ở trong lãnh thổ Syria.

Khi máy bay bị một hỏa tiễn bắn trúng, hai phi công nhảy dù ra ngoài và từ từ hạ xuống mặt đất an toàn. Nhưng phi công chính, trung tá Oleg Peshkov, chết vì trúng đạn của quân nổi dậy Syria bắn lên. Murakhin may mắn hơn, đáp xuống đất cách phòng tuyến của quân nổi dậy gần 5 cây số. Hai trực thăng Nga đến cứu các phi công, một bị trúng hỏa tiễn điều khiển bằng giây TOW do Mỹ chế tạo, rơi và bốc cháy nhưng phi hành đoàn được cứu thoát. Murakhin trốn trong các lùm bụi và 12 tiếng đồng hồ sau được một toán lực lượng đặc biệt Syria phối hợp với chiến binh Hezbollah của Lebanon tìm thấy và cứu thoát lúc 1 giờ (4 giờ quốc tế) ngày Thứ Tư.

Tổng Thống Nga Vladimir Putin tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ “đứng về phía khủng bố,” ông nói sẽ có hành động đáp trả tương ứng nhưng không nói thêm chi tiết. Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho rằng đây là “hành động có kế hoạch,” và khủng bố dùng đất Thổ Nhĩ Kỳ để tấn công các quốc gia khác.

Cái không rõ ràng ở đây là Nga coi tất cả mọi nhóm chống Tổng Thống Syria Bashar al-Assad là “khủng bố” trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng máy bay Nga tấn công cả các nhóm nổi dậy không phải là Hồi Giáo quá khích.

Tại Moscow, những người biểu tình ném trứng và gạch đá vào sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ hôm Thứ Tư nhưng đến buổi chiều đã rút đi không xảy ra chuyện gì rắc rối.

Kêu gọi ngoại giao

Cùng ngày, Bộ Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ngoại trưởng hai nước đã đồng ý gặp nhau thảo luận, chia sẻ chi tiết vụ va chạm “qua kênh ngoại giao và quân sự.” Tuy vậy, ngoại trưởng Nga Lavrov trong cuộc phỏng vấn truyền hình trực tiếp nói rằng ông chưa có kế hoạch cụ thể về cuộc gặp gỡ như thế. Ông cho biết máy bay Nga hôm Thứ Ba oanh kích các cơ sở dầu lửa do IS chiếm giữ gần biên giới Thổ.

Ngoại Trưởng Lavrov tuyên bố sẽ xét lại mối quan hệ với Ankara, nhưng nói thêm: “Chúng tôi không có ý định đi đến chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ.” Theo lời ông: “Thái độ của chúng tôi đối với dân chúng Thổ không thay đổi. Chúng tôi chỉ có vấn đề với ban lãnh đạo.”

Ông Lavrov cũng giải thích là sự khuyến cáo dân Nga không nên đến Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc này là do hiểm họa của các nhóm quá khích ở đây. Các văn phòng du lịch Nga đã hủy các tour đi Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ trả lại tiền cho khoảng 6,000 người đã ghi danh. Mỗi năm có 4.5 triệu du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ Tướng Ahmat Davutoglu tìm cách làm dịu căng thẳng với Nga, nói rằng “Thổ và Nga luôn luôn là bạn láng giềng” và “không thể hy sinh mối quan hệ thân hữu chỉ vì những tai nạn về liên lạc.” Ông nói với các nhà lập pháp trong đảng của mình rằng Thổ Nhĩ Kỳ không biết quốc tịch của máy bay bị bắn rơi cho đến khi Moscow loan báo đó là một máy bay Nga.

Bà Angela Merkel nói là vụ bắn rơi máy bay Nga “làm tình hình Syria trầm trọng thêm” và cho biết đã nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Davutoglu ngay ngày Thứ Ba.

Tổng Thống Tayyip Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không muốn leo thang căng thẳng với Nga về vụ máy bay bị bắn rơi.

Bộ Quốc Phòng Nga loan báo sẽ đưa hỏa tiễn phòng không thế hệ mới nhất S-400 đến căn cứ không quân Hemeimeem ở Syria.

Ðại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc cho là vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Nga khiến cần gia tăng nỗ lực ngoại giao để chấm dứt nội chiến Syria.

Ðại Sứ Matthew Rucroft hôm Thứ Tư nói với các phóng viên ở New York rằng chừng nào còn xung đột “thì nguy cơ xảy ra những biến cố như loại bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga hãy còn tồn tại, và điều ấy rất nguy hiểm.” Theo lời ông, một trong những giải pháp là thi hành thông cáo chung của hội nghị Geneva năm 2012 về việc hình thành một chính quyền chuyển tiếp. Ðể thúc đẩy việc này, phải đẩy mạnh cuộc hội đàm ở Vienna giữa 20 nước có vai trò then chốt trong vụ Syria, cho đến nay đã có động lực đáng khích lệ. (HC & V.Giang)

Theo Người việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad