![]() |
Lo ngại phải bỏ tiền mua công việc
Chân Như: Sau bao năm đèn sách và trở thành những tân cử nhân thì các bạn ước mong điều gì nhất và lo sợ nhất điều gì?
Lâm Duy: Mình xin giới thiệu, mình là một sinh viên đã tốt nghiệp rồi trước đây chuyên ngành của mình là quản trị nguồn nhân lực, nhưng mình đang theo học chương trình văn bằng 2 về ngữ văn Anh để lấy một bằng đại học tiếp. Mình nghĩ đối với một người mà họ chuẩn bị bước vào học đại học hay là đang ngồi trên ghế nhà trường thì ước muốn của tất cả các sinh viên là sau khi ra trường họ sẽ tìm được công việc có mức lương phù hợp và một công việc họ cảm thấy hứng thú. Họ không phải làm công việc đó chỉ vì tiền mà là vì ham thích của họ.
![]() -Tiến Toàn |
Tiến Toàn: Sau bao năm đèn sách và trở thành những tân cử nhân thì thứ nhất em mong muốn có được công việc làm ổn định và thứ hai là có thể kiếm được nguồn thu nhập có thể tự trang trải và nuôi sống được bản thân mình. Điều em lo ngại nhất là để kiếm được một công việc làm ổn định thì em sẽ không muốn làm việc trong những công ty nước ngoài vì sau một thời gian dài khi mình hết năng lực thì người ta sẽ không còn dùng mình tiếp nữa. Em muốn tìm được một chỗ làm công ty ổn định thì phải là công ty trong nước nói thẳng là công ty nhà nước. Tuy nhiên, để kiếm được chỗ làm trong công ty nhà nước thì em phải bỏ tiền ra để mua một công việc làm ổn định. Đó là điều em lo ngại hiện tại.
Chân Như: Tỉ lệ thất nghiệp của các sinh viên tốt nghiệp đại học tại Việt Nam là khá cao, theo các bạn thì nguyên nhân do đâu?
|
Tiến Toàn: Em cũng có một số nhận định thêm lời chia sẻ của bạn Duy. Em thấy thứ nhất phải xác nhận là do chính bản thân của sinh viên một khi đã bước vào trường đại học phải chọn ngành nghề như thế nào phù hợp với mình và xem mình có năng lực hay không và có phù hợp với công việc đó hay không để ra trường mình sẽ không bị mất việc. Thứ hai là nền giáo dục của VN mình nên cần phải chú trọng vào việc phải đi sâu vào những điều cần thiết để giảng dạy nhằm ứng dụng cho việc làm sau này chứ không phải chỉ dạy về mặt lý thuyết chung chung. Khi đi làm, thì nguồn nhân lực như thế sẽ bị lãng phí. Ra trường đi tìm một việc làm thì công ty đó hay một xí nghiệp đó phải đào tạo lại từ đầu thì mất rất nhiều thời gian.
Do không năng nổ, hoạt bát?
Chân Như: Có ý kiến cho rằng tình trạng thất nghiệp một phần là do lỗi chính những bạn trẻ ngày nay không năng nổ, hoạt bát. nói chung là khá thụ động trên con đường xin việc của mình. Ý kiến của các bạn về nhận định này?
Kiều Mỹ: Em thấy việc sinh viên thụ động rất ít vì đa số các bạn trẻ sống trong thời đại mạng đều khá là năng động nói chung là hoạt bát trong các công việc. Trong yếu tố dẫn tới việc không xin được việc có tác nhân từ xã hội lẫn gia đình. Thứ nhất có thể các bạn không chọn đúng ngành nghề yêu thích dẫn tới bị thụ động. Yếu tố từ bên ngoài đặc biệt là về yêu cầu của công việc khá cao trong khi chất lượng sinh viên từ trong ghế nhà trường đưa ra trở thành các cử nhân thì không có. Việc đưa ra là đại trà trong khi việc thu vào từ các công ty thì mang tính chọn lọc. Tiếp theo là về lý lịch cũng như ngoại hình trình độ, ví dụ ở một số các công ty ở Việt Nam người ta yêu cầu về lý lịch và ngoại hình rất nhiều. Điển hình về lý lịch, trước đây, gia đình bạn có lý lịch không tốt thì bạn không thể đi xin việc hoặc ngoại hình bạn chỉ cần có một hình xâm thì người ta sẽ có một nhận định không tốt về người đó và người ta không thích nhận mình. Một phần khác em nhận thấy trên thực tế là chính quyền còn ưu tiên cho một số thành phần được các bạn trẻ gọi là “con ông cháu cha”. Các thành phần đó đường đi vào công việc rất dễ so với tất cả các bạn cử nhân đi bằng con đường chân chính của mình.
![]() -Kiều Mỹ |
Chân Như: Theo các bạn thì chính quyền đã có những biện pháp nào để cải thiện tình trạng thất nghiệp khá cao này hay chưa? Và nếu được góp ý để cải thiện tình hình thì ý kiến của các bạn là gì?
Lâm Duy: Thật ra thực trạng của việc thất nghiệp một phần rất lớn liên quan về nền giáo dục nói chung ở VN hiện nay. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước về giáo dục tổ chức không biết bao nhiêu những hội thảo, không biết bao nhiêu những đề án để cải cách nền giáo dục này làm sao cho hướng tốt hơn nhưng cho đến bây giờ càng cải cách thì nó lại càng tụt hậu. Giáo sư Hoàng Tụy, một nhà giáo rất đáng kính ở VN đã đánh giá thì ngành giáo dục ở Việt Nam như là một căn nhà cũ nó đã rách nát và cứ mãi kê nó chổ này và cứ sửa sang chỗ kia và nó trở thành một căn nhà dị dạng. Thật sự là giáo dục đại học ở Việt Nam lâm vào tình trạng gọi là khủng hoảng tại vì cách đào tạo không giống ai. Ví dụ như ở những nước tiên tiến khác như ở Âu Châu, khi tốt nghiệp trung học phổ thông xong thì các bạn phải hướng đi theo 2 hướng. Thứ nhất, các bạn phải tham gia vào một chương trình giáo dục gọi là khoa học ứng dụng và thứ 2 là các bạn đi vào lãnh vực mang tính học thuật. Những ngành khoa học ứng dụng sẽ trang bị đầy đủ các kỹ năng nghề nghiệp cho các bạn sau khi các bạn ra trường, tất cả những gì các bạn học sẽ đáp ứng một cách trọn vẹn nhất và những công việc thực tế doanh nghiệp sẽ cần.
Và thứ hai là một hệ thống khác đó là hệ thống theo hướng học thuật và họ đào tạo ra những chuyên gia nhằm cho những công tác nghiên cứu chuyên sâu và giảng dạy. Họ phân ra thành 2 hệ thống như thế rất là rõ ràng. Một người sau khi tốt nghiệp xong phổ thông thì họ biết dựa vào những năng lực, những điểm số những sở thích của họ, để chọn cho mình một hướng đi đúng đắn.
Do đó việc cải cách giáo dục ở VN đã được đề cập rất lâu và rất nhiều nhưng hiệu quả của chuyện cải cách như thế nào thì còn là một dấu hỏi lớn và chưa ai có thể trả lời được.
Kiều Mỹ: Năm nay, em thuộc vào nhóm người đầu tiên tham gia vào cuộc cải cách của bộ giáo dục về việc thi tuyển sinh vào đại học. Em thấy nhà nước, điển hình là bộ giáo dục đã có rất nhiều đề án và rất nhiều hình thức cải cách cho việc đưa đầu vào của việc vào đại học và lọc học sinh. Tuy nhiên, đó chỉ là hình thức và không mang lại hiệu quả thật sự, chất lượng thí sinh không chắc chắn. Em thấy việc tổ chức thi năm nay không mang tính chất thuyết phục, điểm số không hề phản ánh được. Em muốn bộ giáo dục phải có một cuộc thi mà đánh giá được và chia xét trình độ học sinh theo những trình độ khác nhau và xiết chặt đầu ra đưa vào các trường đại học khác nhau với những trình độ tương ứng nhằm đào tạo ra những lớp thế hệ có thực tiễn để sau này có thể đi làm được chứ không phải là lý thuyết suông như trước đây nữa.
Tiến Toàn: Em thấy nhận định của 2 bạn là khá đầy đủ và nếu được góp ý để cải thiện tình hình thì em xin được nói như sau: thứ nhất hiện tại bây giờ là cần các sự giúp đỡ của chính quyền và địa phương giới thiệu các việc làm để giúp cho những người lao động khi ra trường hoặc những người đang thất nghiệp có thể có được những việc làm để mưu sinh. Điều đó có thể làm giảm xuống tình trạng tệ nạn xã hội xảy ra. Em nghĩ VN mình cần phải mở rộng ra các quan hệ quốc tế để có thể đưa các nguồn nhân lực còn lại có năng lực thật sự để ra nước ngoài làm việc để đáp ứng được nhu cầu và đưa VN mình ra phát triển chứ không phải là nằm thụ động ở một mức nào đó. Đó là câu trả lời của em.
Chân Như: Cám ơn phần chia sẻ của ba bạn Lâm Duy Tiến Toàn và Kiều Mỹ đã dành thời gian đến với chương trình tuần này.
Chân Như
phóng viên RFA
Theo RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét