Sự ra đi của một "Tâm Tư"??? - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Sự ra đi của một "Tâm Tư"???


P/S: Khi post note này, anh Lãng lét mắt thấy Vietnamnet đăng tin phản bác tin tức của DPA, nói ông Thanh vẫn còn khỏe mạnh và DPA loan tin vịt. Nếu quả vậy thì mừng cho ông Thanh và gia quyến. Ngược lại, Thông tấn xã DPA của Đức cần phải "rút kinh nghiệm nghiêm túc và sâu sắc" đối với sai lầm rất nghiêm trọng này :). DPA là một hãng thông tin uy tín, mà giờ lại phạm sai lầm kiểu này rất là đéo được. Anh Lãng giữ nguyên note này, vì nhiều nội dung phân tích gắn với các sự kiện chính trị chứ không phải chỉ với thông tin về cái chết của ông Thanh.

Sáng nay anh Lãng lét mắt đọc trang tin tiếng anh của DPA, trang tin chính thức của Cộng Hòa Liên Bang Đức, thì thấy một tin rất giật mình: "http://www.dpa-international.com/news/asia/vietnam-defence-minister-dies..."

Theo trang thông tin này, thì Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã qua đời vào ngày chủ nhật 19/07/2015 tại một bệnh viện của Pháp, sau một thời gian điều trị căn bệnh ung thư phổi ở đây.

Điểm lại các sự kiện liên quan, thì hoạt động gần nhất của Đại tướng Phùng Quang Thanh là cuộc gặp với Bộ trưởng quốc phòng Pháp vào ngày 19/06/2015. Khi đó, trông ông còn rất khỏe mạnh:

Ông Thanh gặp mặt chính thức Bộ trưởng quốc phòng Pháp tại Paris

Ngày 02/07/2015, nhiều tờ báo trong nước loan tin, ngày 30/06/2015, ông Phùng Quang Thanh đã được phẫu thuật khối u tại một bệnh viện của Pháp, dẫn nguồn từ Ban bảo vệ sức khỏe Trung Ương. Đây là tin tức chính thống duy nhất về ông Phùng Quang Thanh sau nhiều đồn đoán xôn xao trên các trang web phi chính thống. Cũng theo các nguồn tin này, khối u của ông Thanh không phải ung thư, và kết quả sau phẫu thuật là rất khả quan.

Sau 20 ngày, thông tấn xã Đức đăng tin ông Thanh qua đời.

Chuỗi các sự kiện diễn ra rất gần nhau, khiến người ta không thể không liên tưởng đến những yếu tố bất thường.

Ngày 19/06/2015, ông Thanh gặp mặt chính thức Bộ trưởng quốc phòng Pháp tại Paris. 11 ngày sau đó, tức ngày 30/06/2015, ông được thông báo đã phẫu thuật khối u phổi tại một bệnh viện Pháp. Là một nhân vật trọng yếu trong Bộ chính trị Việt Nam, việc ông Thanh qua Pháp trị bệnh chắc chắn phải là kết quả của một quá trình thu xếp lâu dài, chứ không thể là một quyết định đột ngột. Việc ông có chuyến công du chính thức gặp người đồng cấp tại Paris, với một dáng vẻ rất khỏe mạnh, rồi nhập viện phẫu thuật 11 ngày sau đó, khiến có nhiều đồn đoán đáng ngờ.

Điểm lại con đường hoạn lộ của Đại Tướng Phùng Quang Thanh, có thể nói cuộc đời binh nghiệp của ông dường như được xếp sẵn để leo lên vị trí cao nhất. Thành tích chói sáng trong cuộc đời ông, là việc được phong anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 1971 sau nhiều thành tích trong chiến đấu. Ông tiếp tục phục vụ trong quân đội, được cử đi đào tạo nhiều khóa nâng cao, và liên tục được phong hàm trong suốt quá trình tại ngũ. Năm 2006, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng. Năm 2007, ông leo lên đến đỉnh cao nhất của hệ thống phong hàm Việt Nam với hàm Đại tướng. Kể từ đó đến nay, ông Thanh đã giữ vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng được hơn 9 năm. Là một nhân vật trọng yếu nắm trong tay Bộ Quốc Phòng, ông có chân trong cơ quan quyền lực nhất của Việt Nam: Ủy viên Bộ Chính Trị. Có nhiều đồn đoán, sự nghiệp của ông sẽ còn lên cao nữa trong đại hội 2016 vào năm sau, nhiều khả năng ông sẽ nắm cương vị Chủ tịch nước, với quyền Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nếu xảy ra chiến tranh.

Một sự nghiệp bằng phẳng và chói sáng, nếu nó không có một vết nhơ. Theo nhiều thông tin phi chính thống được loan tải trên mạng, thì con trai của ông Thanh là Phùng Quang Hải, một quân nhân chen ngang, gia nhập quân đội chỉ vài năm và được phong quân hàm đại tá, nắm trong tay một Tổng công ty lớn của quân đội với vô số dự án đặc quyền. Ông Phùng Quang Hải được cho là sở hữu khối tài sản lên tới nhiều trăm tỷ. Không có tin phản bác chính thức nào được đưa ra, nhưng độ xác thực của các thông tin trên mạng khiến hầu hết người dân đều tin chúng là thật, khi nguồn tin cung cấp chụp rõ từng ngôi nhà, từng sổ đỏ và từng hợp đồng mua bán sở hữu nhà đứng tên ông Phùng Quang Hải.

Tuy nhiên vết đen lớn nhất trong sự nghiệp chói lọi của Đại Tướng Phùng Quang Thanh, lại là từ những câu phát ngôn của ông với tư cách là người đứng đầu các lực lượng vũ trang Việt Nam về Trung Quốc. Năm 2014, tại Shangrila, ông dùng những từ miêu tả quan hệ mâu thuẫn gia đình để mô tả mâu thuẫn Việt Nam - Trung Hoa. Tại hội nghị này, Trung Quốc gánh chịu những lời chỉ trích quyết liệt về các hành động xâm lấn lãnh thổ từ các nước tham dự hội nghị, trong đó Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất và trực tiếp nhất. Đặc biệt khi trước đó chỉ ít tuần, Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào hoạt động sâu trong vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, dẫn đến cuộc đối đầu kéo dài hơn 71 ngày của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng hải quân Trung Quốc. Lời tuyên bố của ông Thanh có lẽ không có vấn đề gì lắm nếu ông ta là Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao, vốn là một nơi nghệ thuật ngôn từ được áp dụng nhiều hơn trong các quan hệ quốc tế. Là Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, ông Thanh được chờ đợi sẽ gửi những thông điệp mang tính dứt khoát, rõ ràng về quan điểm của Việt nam đối với các quyền lợi quốc gia. Ông ta đã không làm điều đó.

Ngày 29/12/2014, tại hội nghị chính phủ về việc triển khai nghị quyết Quốc hội về các nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2015, Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh khiến dư luận gần như bật ngửa với lời phát biểu: "Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc". Lời phát ngôn của người đứng đầu lực lượng vũ trang khiến nhiều người Việt Nam thấy rất "tâm tư", nhưng không giống với sự "tâm tư" của ông Phùng Quang Thanh. Hầu hết người Việt nam đều biết những gì đã diễn ra trong hệ thống tuyên truyền trong 30 năm qua. Cuộc chiến năm 1979 hầu như không được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông kể từ năm 1990 cho đến mãi tận gần đây. Trước năm 2007, thậm chí việc tàu đánh cá Việt Nam liên tục bị cướp bóc và tông chìm bởi tàu Trung Quốc vẫn chỉ được nhắc đến với mật danh đã thành kinh điển: Tàu lạ". Có thể nói hệ thống tuyên truyền Việt Nam đã cố hết sức để làm người Việt Nam không ghét Trung Quốc, kể cả với việc bưng bít thông tin và ém nhẹm các nguy cơ về an ninh quốc gia. Tuy nhiên sự phổ biến của Internet và đặc biệt là dã tâm không ngừng nghỉ của Trung Quốc đã làm nỗ lực ấy của cả hệ thống tuyên truyền Việt Nam đổ sông đổ biển. Các hình ảnh ngư dân Việt nam bị cướp bóc được lan truyền khắp hệ thống mạng, đặc biệt là đoạn Clip quay cảnh tàu chấp pháp Trung Quốc rượt đuổi và đè bẹp tàu cá Việt Nam được đăng tải trên mạng khiến dư luận bàng hoàng về những gì đang diễn ra ở Biển Đông. Sự việc lên đến cao trào khi Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào lãnh hải Việt nam ngang nhiên khoan thăm dò. Trong cùng thời gian, Trung Quốc bồi lấp 7 đảo nhân tạo với kích cỡ khổng lồ tại khu vực Trường Sa. Là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng, với hệ thống tin tình báo quốc phòng trong tay, ông Thanh biết những điều đó trước bất cứ ai. Nhưng riêng ông vẫn thấy "tâm tư và lo lắng" không hiểu tại sao người Việt Nam cứ ghét Trung Quốc. Trong bối cảnh quyền lợi quốc gia đang bị đe dọa sống còn, sự "tâm tư" ấy của Bộ Trường Bộ Quốc Phòng khiến nhiều người Việt Nam "tâm tư", nhưng theo một cách hoàn toàn khác.

Việc ông Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm và hội đàm chính thức với Tổng thống Obama ngày 08/07/2015 gây một cơn bão truyền thông cả trong và ngoài nước. Ảnh hưởng của nó lớn đến nỗi có một tờ báo Trung Quốc đăng tin về sự thất thế của "phe thân Trung Quốc" trong hệ thống chính trị Việt Nam. Cũng theo tờ báo Trung Quốc này, thì phe thân Trung Quốc ấy có tên đích danh của ông Phùng Quang Thanh. Dù sao thì đây là một tờ báo thuộc nước lạ. Chúng ta không nên tin theo những lập luận được đài địch nêu ra :) Anh Lãng không bình luận về sự thật của nội dung này. Anh rất "tâm tư".

Cũng trong thời gian ngắn ngủi vài tuần ông Thanh trị bệnh, một loạt vị trí trọng yếu của Bộ Quốc Phòng có sự thay đổi, trong đó có vị trí Tư lệnh và Chính ủy Quân khu thủ đô, đồng loạt được thay thế trong cùng thời điểm. Đây là những vị trí rất trọng yếu, nắm quyền bảo đảm an ninh cho hệ thống chính trị Việt Nam, nói cách khác là ngoài nghĩa vụ chống ngoại xâm, thì đây là lực lượng chống đảo chính trọng yếu khi trấn giữ sự an toàn cho trung tâm đầu não chính trị của Việt nam. Những sự thay đổi đột ngột này, đặc biệt khi gắn với sự biến mất của ông Thanh, càng khiến có nhiều đồn đoán.

Nếu thông tin về cái chết của ông Thanh là sự thực, thì một lần nữa cho thấy sức mạnh của hệ thống thông tin phi chính thống khi những đồn đoán đã được đưa ra từ nhiều tuần trước đó. Nó sẽ khiến nhà nước gặp khó khăn nhiều hơn khi sự tin tưởng của dân chúng vào những nguồn tin phi chính thức ngày càng vượt trội hệ thống báo chí được nhà nước kiểm soát. Mặt khác, sự ra đi của ông Thanh sẽ làm thay đổi cơ bản tương quan lực lượng trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Dù sao thì trong 9 năm làm ông Thanh làm Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng, Việt Nam vẫn cần mẫn và chịu khó mua sắm vũ khí hàng năm. Tất nhiên cần phải hiểu rằng, chính sách quốc phòng mua sắm trang bị để phòng thủ của Việt Nam luôn nhất quán kể từ năm 1990 đến nay, qua rất nhiều đời Tổng Bí Thư, Thủ Tướng và Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng. Do đó không thể nói ông Thanh là người thúc đẩy chu trình ấy. Ngoài ra, cơ chế quyết định của Bộ Chính Trị Việt Nam, cơ quan quyền lực tối cao, là một cơ chế mang tính tập thể. Thành ra thực sự ông Thanh nghĩ gì trong đầu thì chỉ mình ông biết. Ông ra đi mang theo bí mật của riêng mình, giống như nhiều nhân vật cấp cao ở vị trí của ông.

Cát bụi trở về với cát bụi. Vài năm trước, một vị Đại Tướng Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng khác về với thời gian là Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, có hàng chục vạn người đến viếng lễ tang ông một cách hoàn toàn tự nguyện. Từ đó đến nay, mộ ông Giáp có hàng vạn người đến viếng mỗi năm. Một dấu ấn không thể mờ phai cho những gì mà lịch sử và dân tộc ghi nhận cho cống hiến của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đối với nền độc lập quốc gia. Khi ông Giáp còn sống, ông chỉ là một người bị tước bỏ quyền lực trong nhiều chục năm, còn ông Thanh đang nắm trong tay mọi quyền hành của một ủy viên bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng. Ông Giáp chỉ có trong tay sự kính trọng còn ông Thanh nắm trong tay quyền lực. Giờ đây ông Thanh ra đi khi còn đương chức. Lịch sử và dân tộc sẽ có đánh giá gì cho ông về những điều ông đã làm cho đất nước này? Những nhân vật chính trị còn đương chức khác, giờ có một dịp may để quan sát và chứng kiến sự khác biệt giữa hai sự ra đi. Trong một thiên Lãng luận bàn về di sản của "Đại Tướng Võ Nguyên Giáp", anh Lãng cũng từng phân tích về điều mà ông Giáp tác động đến lịch sử ngay cả khi ông đã chết. Những quan chức cấp cao Việt Nam, một lúc nào đó, chính họ sẽ phải đặt câu hỏi rồi chuyện gì sẽ diễn ra khi đến lượt mình?

Một nén nhang dành cho ông Thanh, như một đạo lý truyền thống của người Việt nam. Chết là hết, chỉ hy vọng rằng mỗi sự ra đi đều sẽ mang trong nó những thông điệp để lại với lịch sử và hậu thế.

Lãng
Theo FB Lãng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad