Tổ Quốc 206: Liên Bang Nga vẫn bị loại khỏi G7 - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Tổ Quốc 206: Liên Bang Nga vẫn bị loại khỏi G7


“…Obama khám phá ra rằng ông đã không biết điều mà đa số các nghiên cứu chính trị đã khẳng định: chủ nghĩa thực tiễn không thực tế, bởi vì sự nhu nhược khuyến khích kẻ hung bạo…"

Cũng như năm trước, hội nghị thượng đỉnh G8 năm nay, họp trong hai ngày 7 và 8 tháng 6-2015 tại Đức, vẫn là G7 bởi vì Liên Bang Nga đã bị loại bỏ trong danh sách các nước tham dự. G8 theo định nghĩa là hội nghị tám nước tiên tiến nhất về công nghiệp. Nga không được tham dự vì bị buộc tội đã xâm lược Ukraine.

Nguyên sự kiện Nga bị cả bảy nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật và Canada đồng ý loại bỏ khỏi khối G8 -và như thế G8 trở thành G7- tự nó cũng đã có ý nghĩa. Cả bảy nước này đều là những nước dân chủ, hội nghị thượng định G7 năm nay xác nhận sự hình thành của một trật tự dân chủ, các nước dân chủ không cần và cũng không sợ các chế độ độc tài. Vả lại G7 2015 cũng chỉ phản ánh một thực tế mới là Nga không còn là một cường quốc nữa, trọng lượng kinh tế của Nga, trước đây bằng 3% kinh tế thế giới, chỉ còn duới 2% sau những biện pháp trừng phạt. Cuộc xâm lược Ukraine đã là một tai họa cho Nga. Giờ này chắc chắn Putin đã nhận ra là Nga không đủ sức để lộng hành bất chấp công pháp quốc tế.

Đó là sự kiện nổi và chính thức. Nhưng thượng đỉnh G7 năm nay nhắc lại một sự kiện khác có ý nghĩa hơn nhiều, đó là thời đại của chủ nghĩa thực tiễn, mà Obama là một tín đồ nhiệt thành khi nhận chức tổng thống Mỹ, đã hoàn toàn chấm dứt.

Chủ nghĩa thực tiễn có nghĩa là đặt quyền lợi lên trên hết và khi có mâu thuẫn giữa quyền lợi và đạo đức thì quyền lợi được dành ưu tiên. Trong chính sách đối ngoại chủ nghĩa thực tiễn có nghĩa là tránh mọi xung đột ngay cả để bảo vệ nhân quyền. Obama đã dõng dạc tuyên bố sẵn sàng bắt tay với các chế độ độc tài hung bạo ngay trong bài diễn văn nhận chức. Vài tháng sau ông nhắc lại tại Cairo. Obama đã được bầu một phần vì tuyên bố trước là sẽ triệt thoái quân Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan. Đặc tính chính của chủ nghĩa thực tiễn là sự nhu nhược trong chính sách đối ngoại.

Putin đã là một nạn nhân của Obama. Ông đã xâm lược Ukraine chủ yếu vì nghĩ rằng Obama sẽ không có phản ứng, nhưng sau cùng Obama đã phải có phản ứng vì áp lực của Châu Âu và của chính dư luận Mỹ sau khi hàng ngàn người thiệt mạng, nhiều nước thuộc Liên Xô có nguy cơ bị cuốn hút vào một thảm kịch tương tự như Ukraine, hòa bình tại Châu Âu và quyền lợi Mỹ bị đe dọa. Obama khám phá ra rằng ông đã không biết điều mà đa số các nghiên cứu chính trị đã khẳng định: chủ nghĩa thực tiễn không thực tế, bởi vì sự nhu nhược khuyến khích kẻ hung bạo.

Một khách mời của G7 năm nay, thủ tướng Iraq al-Abadi, cũng đã thẳng thắn phê phán quyết định rút quân Mỹ khỏi Iraq một cách hấp tấp của Obama như là một thất bại. Al-Abadi hoàn toàn có lý. Cuộc chiến Iraq có thể đã là một sai lầm nhưng nó đã xong và Mỹ đã thắng, quân đội Mỹ chỉ cần ở lại để huấn luyện quân đội của chế độ dân chủ vừa được thành lập. Kết quả của quyết định rút quân Mỹ khỏi Iraq là lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo đã được phục hồi, trên đà đánh đổ chế độ dân chủ non trẻ Iraq, phá hoại các di tích lịch sử và tàn sát hàng chục ngàn người vô tội nhân danh một đức tin Hồi Giáo điên cuồng, đồng thời đe dọa hòa bình tại Trung Đông và nguồn nhiên liệu của thế giới. Sai lầm của Obama đã có hậu quả kinh khủng.

Obama đến hội nghị G7 lần này trong sự bẽ bàng. Công lao của ông chỉ là đã đóng góp khiến người Mỹ hiểu rằng chủ nghĩa thực tiễn phải bị dứt khoát vất bỏ.

Ban biên tập Tổ Quốc
Bài do Ông Nguyễn Thanh Giang gửi trực tiếp cho VA News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad