Larry Engelmann | Nước Mắt Trước Cơn Mưa - “Không ai se bi bo lai! Dung lo!” - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Larry Engelmann | Nước Mắt Trước Cơn Mưa - “Không ai se bi bo lai! Dung lo!”


NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, nguyên tác Anh Ngữ “Tears Before The Rain” là một tập sử liệu về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, do Larry Engelmann, Giáo Sư Đại Học San Jose State thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn nhiều thành phần: người Mỹ, người Việt, kẻ thắng người bại …Những cuộc phỏng vấn này khởi sự từ 1985, sách xuất bản năm 1990. Bản dịch Việt Ngữ do nhà văn Nguyễn Bá Trạc thực hiện năm 1993, xuất bản năm 1995 tại California.

STUART HERRINGTON
(Đại úy – Ủy ban Liên hợp Quân sự, phái bộ Hoa Kỳ)
“Không ai se bi bo lai! Dung lo!” (Không ai sẽ bị bỏ lại! Đừng lo!)

Tôi rất lạc quan khi trở lại Việt Nam vào tháng 8 năm 1972. Nhưng vào khoảng thời gian vụ ngưng bắn được ký kết, tôi bớt lạc quan đi. Lúc nghe tin Nixon giải nhiệm, tôi bắt đầu cảm thấy khá chắc chắn: Xứ này có lẽ sẽ sụp đổ. Khi Nixon rời nhiệm sở ngày 8 tháng tám năm 74, tôi lắng nghe tin trên máy thu thanh trong văn phòng tôi tại Sàigòn, và đối với tôi, tin này mang một giá trị then chốt. Niềm tin tưởng Nam Việt Nam có thể thắng và sống còn đã tuyệt đối rúng động. Rồi đến vụ thất thủ Phước Long đầu năm 1975 mới là cái biến cố đã làm cho tôi phải gửi hết vật dụng sở hữu về nhà, làm tôi viết thư cho ông bà già mà nói rằng “Con sẽ về, có lẽ trước tháng tám.” Nó đã làm tôi viết đơn cho Ngũ giác đài để bắt đầu tìm kiếm nhiệm vụ mới. Chính đấy là biến cố đã làm cho tôi đưa vợ con ra khỏi vùng đồng bằng, về Sàigòn ở sát bên tôi.

Bấy giờ tại văn phòng Tùy viên Quân sự, chúng tôi sống trong cái không khí ngày qua ngày, tùy thuộc vào việc Quốc hội Mỹ chấp thuận hay khước từ những yêu cầu viện trợ thêm. Và lúc bấy giờ chỉ còn hàng loạt khước từ. Tùy viên Quân sự lúc ấy, Tướng John Murray rất thất vọng, đôi khi ông than thở với tôi. Ông cay đắng và chua chát. Việc ra đi của tướng Murray và sự cay đắng của ông ghi lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong tôi. Tình cờ, tôi có mặt trong văn phòng ông sau khi ông lớn tiếng trong điện thoại với một nhân vật nào đó từ Bộ Quốc phòng. Nhân vật này đã gọi để khiển trách ông vì cuộc phỏng vấn nói về việc “đổi máu lấy đạn” với một phóng viên tờ New York Times. Ông kể cho tôi nghe cuộc phỏng vấn, rồi bảo: “Tôi vừa nói với họ là nếu họ còn gọi điện thoại cho tôi chuyện ấy nữa, tôi sẽ mở hẳn một cuộc họp báo tại Hạ Uy Di mà kể huỵch toẹt tất cả cái câu chuyện khốn nạn này ra.”

Bài liên quan
Chuyến đi Hà Nội cho Ủy ban Liên hợp Quân sự vào ngày 11 tháng Tư là chuyến đi Hà Nội cuối cùng của tôi. Sau đó, Harry Summers phụ trách vụ đi này. Dầu sao, không còn nghi hoặc gì nữa, bọn Bắc Việt đang nói một cách dõng dạc và minh bạch rằng: “Chúng tôi sẽ để cho bọn các anh ra đi, hãy mang theo người của các anh. Sẽ không có tắm máu. Máu chảy đã đủ rồi. Chúng tôi sẽ cần có sự ủng hộ của nhân dân miền Nam để tái thiết đất nước.” Nhưng cái thông điệp dõng dạc và minh bạch nhất, đó là: Bắc Việt không có ý định cản trở việc ra đi của chúng tôi.

Họ muốn phái bộ Mỹ trong Ủy ban Liên hợp Quân sự ở lại – Họ muốn giữ hiệu lực cho Hiệp định Ba Lê, bởi vì Hiệp định này chứa đựng những cam kết của Hoa Kỳ hứa hẹn trả tiền hàn gắn vết thương chiến tranh trong điều khoản XXI. Họ mong muốn củng cố hiệp định ấy, mặc dầu ngay việc ngưng bắn tự nó cũng đã đổ vỡ do sự vi phạm của Thiệu, và mặc dầu, chẳng cách gì chúng ta có thể hoàn tất được điều khoản VIII (b) là điều khoản liên hệ đến việc tìm kiếm người mất tích trong khi thi hành công tác. Bắc Việt cảm thấy hiệp định Ba Lê là một thứ khí cụ pháp lý để đạt viện trợ Hoa Kỳ.

Do đó, hiọ đã nói với tôi, với Harry Summers và bất cứ ai chịu lắng nghe, rằng phái bộ Mỹ nên ở lại Sàigòn, bất kể tình trạng xảy ra cách nào, chúng tôi vẫn sẽ được an toàn.

Tôi gửi các vật dụng sở hữu của tôi ra khỏi xứ chỉ vì tôi cảm thấy tất cả mọi người đang rời đi. Cho đến bốn tuần lễ cuối cùng, chúng tôi mới bắt đầu nghĩ phái bộ Mỹ trong ủy ban liên hợp quân sự có thể sẽ ở lại. Đại tá John Madison liên lạc với Roger Shields, họ nói với ông ta: “Chúng tôi nghe rõ rệt là người ta muốn chúng tôi ở lại. Chúng tôi cần được chỉ thị về việc này.” Chúng tôi được họ bảo sửa soạn mà ở lại. Cho đến tận buổi sáng ngày 29 khi vào toà Đại sứ, chúng tôi vẫn còn nghĩ chúng tôi sẽ ở lại.

Buổi sáng cuối cùng hôm ấy khi rời Tân Sơn Nhứt, chúng tôi đã có: thuốc men, máy thu thanh, thực phẩm. Chúng tôi có một đoàn ba chiếc xe chất đủ thứ, chúng tôi tuyển mộ cả một tay phụ trách truyền tin ở lại với chúng tôi. Lúc ấy có một khoảng thời gian chừng như các nhà lãnh đạo quốc gia muốn chúng tôi ở lại, và đây là một hành vi tượng trưng chứng tỏ rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng lo liệu vụ những người mất tích. Vì thế, giống như những người lính tốt, chúng tôi chuẩn bị thi hành, mặc dầu nói cho ngay cá nhân tôi không lấy gì nồng nhiệt cho lắm về việc ở lại Sàigòn sau khi người Mỹ rút đi. Chúng tôi cười đùa với nhau việc này, chúng tôi nói là chúng tôi sẽ chui vào một căn phòng trong toà đại sứ, khoá cửa lại cầu nguyện để chờ bộ đội Bắc Việt kéo đến. Lại còn phải chuẩn bị đối phó một chuyện nữa, ấy là: Chúng ta đã bỏ rơi những người miền Nam Việt Nam. Họ không lấy gì làm vui lắm về chuyện này đâu.

Khoảng một giờ sáng ngày 28 tháng tư, Đại tá Summer, Đại tá Madison và tôi đến khu hồ tắm tại căn cứ văn phòng Tùy viên Quân sự, nơi chất người lên xe buýt đưa ra máy bay di tản. Tôi định đến văn phòng leo lên ghế dài chợp mắt vài ba giờ. Tôi lái một chiếc xe Land Rover, đi ngang Trạm gác số 2 của Thủy quân Lục chiến Mỹ. Trạm này ở ngang bên lề đường, sát căn cứ, lúc ấy có hai Hạ sĩ Darwin Judge và Charles McMahon đang ứng trực. Tôi ngừng lại, hỏi: “Mọi việc ra sao, các cậu.” “Tốt thôi, thưa Đại úy.” Cả hai đều mặc áo giáp. Tôi vào văn phòng, ngả lưng một lúc trên cái ghế đệm dài của Đại tá Madison. Trong phòng, có hệ thống vô tuyến truyền thanh để liên lạc với Thủy quân Lục chiến ở toà Đại sứ. Hệ thống này liên hợp tất cả các trạm gác, tôi cho máy chạy. Đến bốn giờ sáng, địch pháo kích. Một quả sang bên kia đường, trúng ngôi nhà của ông tướng. Một quả đúng chỗ hai anh Hạ sĩ Judge và McMahon đứng. Một quả nữa vào khu để xe moóc. Sức công phá của rốc-kết 122 ly thật dữ dội làm rung chuyển cả toà nhà văn phòng Tùy viên Quân sự. Tôi nhớ lá cờ đặt trên bàn làm việc của Đại tá Madison rơi xuống. Lập tức, tôi nghe tiếng la trong máy vô tuyến là khu tập thể dục đã trúng đạn, bị nhiều thiệt hại. Tôi chạy ra khỏi văn phòng. Tôi đến trạm y tế, phá cửa ra. Các Thủy quân Lục chiến tại cao ốc bấy giờ đang ở cả trong công sự trú ẩn nằm phía ngoài cổng bộ chỉ huy văn phòng Tùy viên Quân sự.

Lệnh báo động vẫn còn. Tôi la lớn: “Ở đây có ai phụ trách cứu thương không?” “Thưa, có tôi.” Tôi bảo người lính Thủy quân Lục chiến chỗ để thuốc, tôi bảo anh ta lấy một chiếc xe chạy ra khu tập thể dục. Trước đấy tôi đã thấy khoảng bốn trăm người trong khu này. Tôi nghĩ nếu quả rốc-kết đánh trúng khu này thì thật lôi thôi.

Rồi tôi chạy đến cổng gác số hai. Chiếc xe cứu thương đang đậu ở đấy, viên Trung sĩ Kevin Maloney đang đứng đấy, rồi chiếc xe cứu thương trở bánh chạy đi. Còn Maloney vẫn đứng như trời trồng. Hắn đứng thẳng đuỗn người. Tôi hỏi: “Anh làm gì vậy?” Hắn đáp: “Trình diện Đại úy, tôi Trung sĩ Maloney, Tiểu đội Trưởng Cảm tử. Tôi đang canh gác vị trí. Hai người của tôi đã tử thương.” Hắn vừa dứt, thì một quả rốc-kết phóng đến nổ tàn bạo bên kia đường. Đây thực là một thứ vũ khí khủng khiếp. Cả hai chúng tôi nhảy ùm vào một đường rãnh. Tôi nói: “Bạn già Maloney ơi. Nếu muốn canh gác thì chỗ này tốt hơn. Nằm chỗ này mà canh.”

Đúng lúc quả rốc-kết 122 ly bắn đến, đại liên bắt đầu khạc đạn. Toàn thứ dữ, loại một trăm ba mươi ly. Đạn bay phía dưới đường, bên kia đường. Nhìn lửa cũng có thể biết một loạt ngắn đã rơi xuống ngay bên kia đường, trước mặt chúng tôi. Gần đến phát khiếp. Miểng đạn văng ra, đụng mấy sợi xích cánh cổng kêu rổn rảng ngay phía sau chúng tôi.

Tôi không có mũ sắt, chỉ đội mũ vải. Cái mũ sắt đã để trong khu Cư xá Sĩ quan độc thân. Tôi bò đến lượm một cái mũ sắt nằm lăn lóc trên mặt đất, đội vào đầu, rồi bò về lại chỗ Maloney. Lúc ấy họa có khùng mới đứng dậy. Tôi cứ nằm đấy, chờ dịp bò ra. Trong không khí nặng nề của lệnh báo động và những loạt đạn rơi, chẳng ai dại đánh bạc với tính mệnh để đứng dậy đi quanh. Cho nên chúng tôi nằm phục ở đấy. Đây sẽ là vị trí canh gác của Maloney, khi nào hoàn hồn, hắn sẽ ngồi đấy mà canh. Lửa phụt từ phía bên kia đường, chỗ dốc Tân Sơn Nhứt. Có nhiều tiếng phát nổ. Maloney chợt thấy bóng người băng ngang đường chỉ cách chúng tôi năm mươi, sáu mươi bộ Anh về phía trái. Hắn nhắm mũi súng, dù không biết đấy là ai. Chúng tôi nhảy vọt ra. Hắn cầm khẩu M- 16, tôi cầm khẩu 45, chặn họ lại. Hoá ra là hai an ninh người Việt làm cho một hãng thầu Mỹ. Maloney bắt họ dừng. Tôi nhận ra họ. Họ nói tiếng Việt bảo tôi họ phải chạy ra vì đạn bắn rất chính xác, ở đây nguy hiểm quá.

Một vài chiếc máy bay cất cánh trong lúc vẫn còn lệnh báo động, ít nhất có một chiếc AC-119 bay lên. Rồi một chiếc thám thính cơ cũng bay lên. cả hai đều bị hoả tiễn tầm nhiệt bắn hạ. Hàng ngàn người chứng kiến việc ấy.

Tôi nhớ còn có một chiếc Hueys của hãng Air America bay lởn vởn, nhưng tôi nhớ chắc chắn một chiếc AC-119 và một chiếc máy bay bà già L-19 đã cất cánh, cả hai đều bị bắn hạ trong tầm chứng kiến của cả thành phố Sàigòn.

Chúng tôi về nằm lại chỗ đường rãnh một lúc. Bấy giờ trời bắt đầu hửng sáng. Maloney và tôi ngồi dậy – Lệnh báo động đã rút. Chúng tôi đi quanh. Chúng tôi tìm thấy mảnh vụn các tử thi rơi vung vãi. Một chiếc giầy bốt còn nguyên bàn chân bên trong. Một phần của khẩu M- 16 với cò súng và cơ bẩm còn nguyên danh số nhờ đó sẽ xác định được của ai. Vài miếng thịt da người văng lên, mắc vào sợi giây xích sắt móc trên cổng ra vào.

Sau đó tôi tìm ra là loạt đạn đại liên đã rơi ngay vào sân đánh banh tay của văn phòng Tùy viên Quân sự. Những bức tường gỗ của sân banh găm đầy miểng đạn. Tôi nghĩ chỉ có một, hai người bị thương nhẹ, thế thôi. Mấy vòng bắn tạo ra sợ hãi hơn là thiệt hại. Còn Hạ sĩ Judge và Hạ sĩ McMahon chẳng may đã đứng ở một chỗ xui vào một lúc xui.

Tôi mang khẩu M-16 vào trung tâm chỉ huy đưa cho Đại tá Thủy quân Lục chiến Slade, đụng đầu Joan là vợ của tướng Homer Smith khi bước vào. Bà ấy thét lên khi thấy tôi. Tôi chẳng hiểu tại sao bà ấy thét dữ dội thế, tay cứ chỉ vào tôi.

Tôi dở cái mũ sắt khỏi đầu. Cái mũ sắt tím bầm máu. Tôi vào phòng vệ sinh, cạo rửa lớp máu, thấy một cái lỗ to tướng ngay trên thành mũ. Giống như có ai đã dùng dao mở hộp mà khoét một cái lỗ trên ấy.

Đó là cái mũ sắt của Hạ sĩ Judge mà tôi nhặt được và đã đội lên đầu. Sau đó tôi đội cái mũ này trong suốt cuộc di tản. Tôi đội cái mũ ấy ở Bangkok. Rồi tôi gửi cái mũ sang Mỹ kèm lá thư kể rõ lai lịch cho Bộ Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Hoa kỳ. Tôi nói tôi cảm thấy họ phải giữ cái mũ này, cái mũ có viết tên Hạ sĩ Judge với một cái lỗ to tướng trong ấy. Tôi gửi cho Thủy quân Lục chiến để đưa vào viện bảo tàng của họ, nhưng không bao giờ nhận, một chữ hồi âm. Tôi nghi có thằng chó đẻ nào đã xoáy mất cái mũ này. Đáng lẽ, tôi cứ giữ lấy cái mũ thì hơn. Tôi đã định gửi cái mũ cho gia đình người lính trẻ, nhưng tôi suy ngẫm, tự bảo: “Đừng làm thế, Herrington ạ. Làm thế hơi quá. Có những người bố muốn giữ cái mũ của con, nhưng có những người bố không thể chịu đựng nổi. Hãy để yên cho các đại diện tang ma của Thủy quân Lục chiến đến mà chia buồn với gia đình nạn nhân.”

Vào Trung tâm Chỉ huy, tôi lấy một tấm bản đồ – bởi vì không phải tôi cứ nằm phưỡn mà chơi. Tôi cố tính toán xem đạn bắn đến từ hướng nào. Tôi vẽ mũi tên chỉ hướng đạn bay tới, tìm cách định điểm vị trí đặt súng. Tôi tính toán đầy đủ, để sẵn trong trung tâm ngõ hầu có ai cần phản ứng gì, hoặc dội ít quả bom xuống bọn chúng chăng. Rồi người ta bảo là Đại tá Madison và Đại tá Harry Summers đang kiếm tôi, chúng tôi được lệnh phải làm báo cáo cho toà Đại sứ.

Tôi liên lạc với Đại tá Madison và Đại tá Harry Summers lúc bảy giờ sáng. Chúng tôi ăn điểm tâm trong văn phòng Đại tá Madison. Bữa ăn do tôi nấu. Vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, lúc nào mới được ăn bữa kế, nên với cả đống đồ ăn ở đây, chúng tôi ăn thả dàn. Tôi chiên trứng với thịt heo muối, khui một chai sâm banh, nghe thật tởm, nhưng tôi nhớ tôi đã làm như thế. Ăn nhậu kiểu này, coi như sẵn sàng chấp nhận mọi tai ương của số mệnh, mà hỏi “Tốt lấm, cái gì bây giờ đây?” Thật hiển nhiên chung cuộc đã gần kề. Chúng tôi lai rai một lúc, giữ liên lạc với toà Đại sứ cho đến khi được lệnh lên đấy.

Lái xe đi, chúng tôi sẵn sàng một chuyến sôi nổi, vì lúc ấy mọi con đường đều dẫn đến Tân Sơn Nhứt. Khắp nơi, lũ lượt người Việt tỵ nạn kéo đến Tân Sơn Nhứt, người Mỹ nào thò mặt ra đường trong bối cảnh này đương nhiên phải chấp nhận mọi rủi ro rắc rối thôi. Vì thế, chúng tôi phải đi hai, ba xe. Tôi lái chiếc Land Rover. Madison và Summers đi chiếc Ford đen – cho xe ra cổng, chúng tôi bảo: “Phải đi sát nhau. Lạy Chúa. Cầu cho chúng ta đi đến nơi về đến chốn!”

Bấy giờ đường phố đang hỗn loạn, rất dễ trở thành nạn nhân của lính Việt Nam Cộng Hoà. Họ đang bất bình. Cái ấy mới đáng lo, chứ chúng tôi không nghĩ gì đến lính Bắc Việt. Vừa ra cổng đã thấy có chuyện lộn xộn, tôi phải quành xe ra rìa đường, leo qua rãnh mà tránh đám chướng ngại. Tôi không còn nhớ có chuyện quỷ quái gì xảy ra, nhưng tôi nhớ đã phải chạy trước với chiếc Land Rover như vậy. Tôi nhìn gương chiếu hậu, van vái cho Madison và Summers cùng qua được. Và họ cũng vọt qua được. Trên đường đến toà Đại sứ chúng tôi nhìn thấy những đám đông chạy quanh như cơn lốc, mọi thứ xảy ra đều có một vẻ rất là bất định. Sau lưng chúng tôi, những cột khói bốc lên từ Tân Sơn Nhứt. Tôi cảm thấy nhẹ người khi thoát được khỏi cổng Tân Sơn Nhứt, bởi sau đó sẽ còn nhiều chuyện xảy ra đến rợn tóc.

Chúng tôi lái xe chạy đến toà Đại sứ. Trong toà Đại sứ, có một trung úy Thủy quân Lục chiến phụ trách máy truyền tin đứng trên sân thượng gọi chuồn chuồn vào. Cha này trượt chân khỏi bãi đáp trực thăng, rơi lộn cổ từ sân thượng toà Đại sứ xuống mái nhà cách khoảng 15 bộ Anh, cấm đầu xuống, phải chở hắn ra ngoài hạm đội chữa trị. Lúc ấy, thỉnh thoảng mới có trực thăng bay vào, rất rời rạc, chúng tôi không biết tại sao. Máy truyền tin của lính Thủy quân Lục chiến không được tốt để liên lạc với văn phòng Tùy viên Quân sự. Họ có thể nói chuyện với trực thăng, nhưng không gọi vào văn phòng Quân sự được.

Khi chúng tôi biết như thế thì trời đã tối. Chúng tôi đều sửng sốt. Đại tá Madison bảo: “Lạy Chúa tôi. Đây là một chuyện ngu xuẩn nhất mà tôi chưa hề được biết.” Vì vậy tôi vào, tóm một cha, tôi hỏi: “Này, lôi thôi quá. Bạn biết tần số của Trung tâm Điều hành Di tản tại Tân Sơn Nhứt không?” Hắn cho biết, tôi bèn đi ra cái xe thùng trong đó có máy vô tuyến. Tôi lôi máy ra, gắn một cây ăng-ten dài, sử dụng tín hiệu của Thủy quân Lục chiến tại toà Đại sứ mà gọi vào văn phòng Tùy viên Quân sự.

Hóa ra mấy cha bên văn phòng không biết chuyện gì đang diễn ra bên toà Đại sứ cả. Khi họ nghe tiếng gọi trong đêm, có một người đến trả lời máy. Tôi bèn hỏi: “Chuyện gì vậy? Chúng tôi đợi mãi sao không thấy trực thăng đến?” Hắn bảo: “Tình trạng ở đấy ra sao?” Tôi đáp: “Tình trạng ở đây là có vài ngàn người đang đợi trực thăng. Trực thăng đâu?” Hắn bảo tôi đợi.

Thế đấy, chúng tôi chỉ cách nhau có năm dặm Anh mà lại không có phương tiện truyền thông. Lúc ấy khoảng tám giờ đêm 29 tháng tư. Sau đó, chúng tôi biết việc di tản ở văn phòng Tùy viên Quân sự tiến hành nhanh chóng, không trở ngại gì nhiều, và việc di tản đã được dành ưu tiên cho nơi này. Chừng nửa đêm sau khi công tác tại đấy hoàn tất, ưu tiên của chuồn chuồn sẽ chuyển sang chúng tôi. Chúng tôi chỉ cần bình tĩnh đợi thôi.

Nhưng khoảng nửa đêm, gần như tất cả các chuyến bay tại toà Đại sứ đều ngưng. Nếu biết trước như thế, chúng tôi đã có thể sắp xếp. Sắp xếp, nghĩa là chúng tôi đã có thể nói cho mọi người được biết. Vì tình trạng như thế làm người ta tưởng chúng ta đã bỏ rơi họ, nên chúng tôi phải vất vả đương đầu với những người này. Họ rất sợ bị bỏ rơi. Chúng tôi cứ phải đi quanh nói với mọi người rằng: “Đã có lời hứa tất cả chúng ta sẽ ra đi – Trực thăng sẽ đến. Đừng lo, cuộc di tản chưa chấm dứt. Ngoài ra, tôi vẫn còn đang ở đây với quý vị, chính phủ tôi chắc chắn sẽ không bỏ rơi tôi. Hãy bình tĩnh. Chừng nào tôi còn đây thì tôi sẽ đi chuyến chót sau khi tất cả quý vị đã ra đi. Vậy xin hãy cộng tác với chúng tôi bằng cách trở lại hàng cho ngay ngắn, đứng vào với gia đình, đừng xô đẩy, chen lấn nữa.”

Bấy giờ rất tối. Nhiều lộn xộn xảy ra. Người ta chen khủng khiếp, đến độ kinh hoàng. Một thông dịch viên người Việt trẻ tuổi chạy đến thầm thì vào tai tôi, nói mấy người xô đẩy đó là đám người Đại Hàn. Họ không hiểu chúng tôi nói gì, nên cứ xô đẩy chen lấn. Vì vậy tôi cầm cái loa nói bằng tiếng Anh hỏi xem có sĩ quan Đại Hàn nào ở đấy không. Một sĩ quan Hải quân Đại Hàn, tùy viên Đại sứ Đại Hàn, cùng vợ tiến đến. Tôi nói: “Ông phải giúp chúng tôi điều khiển người của các ông.”

Họ có chừng bốn mươi, năm mươi người đàn ông đàn bà, nhân viên toà Đại sứ Đại Hàn. Ông Đại sứ, bí thư, các Tùy viên Quân sự, Tùy viên Hải quân, cùng với gia đình họ đều có đấy. Đầy đủ cả mà chúng tôi không biết.

Ông Đại sứ Đại Hàn, bí thư Đại sứ, các Tùy viên Quân sự sau cùng đều đi được, nhưng họ đã cố quyết mang vào trực thăng những chiếc vali của họ, nên tôi phải bắt bỏ lại. Chúng tôi đã bảo mọi người không được mang theo vali. “Xem lại vali của quý vị, lấy ra những gì quý giá: thư từ, giấy tờ…đem theo. Nhưng vali không được phép mang đi. Trực thăng chỉ chở người, không chở hành lý.” Tất cả những người Việt Nam đều tỏ vẻ chịu đựng tuân hành. Chúng tôi bảo mọi người là họ có thể mang theo mấy cái xách tay nhỏ, hay cặp giấy nhỏ, thì được. Bấy giờ tôi kiểm soát lối vào trực thăng, nên khi một người Đại Hàn tiến đến với một cái vali, tôi giật vali khỏi tay hắn, ném vào mấy bụi cây. Một cha thứ hai lại cố làm như vậy, tôi lại giật cái vali, ném vào bụi. Người thứ ba là một phụ nữ, kéo lê một cái vali nữa, tôi giật lấy khỏi tay, lại ném vào bụi cây. Cô ta rú như tử thần, bò lăn lộn, nhào ra lấy lại cái vali, cố đưa vào trực thăng lần nữa. Tôi giật khỏi tay cô ta lần thứ hai, ném cái vali bảo cô vào trực thăng mau. Cô ta lại chạy trở ra, nhặt cái vali. Cô ta bíu chắc lấy cái quai xách, nhất định không buông. Cuối cùng, tôi lấy khẩu M-16 dộng báng súng vào cánh tay cô ta khoảng ba lần, tôi hét lên những câu không thể in ra đây được, cho đến khi cô ta la thét lên vì đau mà buông cái vali ra. Tôi nhấc bổng cô ta, ném vào trực thăng, chiếc trực thăng bay đi. Cái trực thăng này là chuyến cuối cùng chở thường dân. Sau này tôi được biết đó là thư ký riêng của Đại sứ Đại Hàn. Cô ta bị bầm khắp cánh tay. Sau này Đại tá Harry Summers cũng có nói với một sĩ quan Đại Hàn rằng: “Anh nên giải thích cho cô ấy biết nếu Đại úy Herrington không nhét cô ấy vào trực thăng thì giờ này có thể cô ấy đang nằm tù ở Hà Nội. Ông ta đã cho cô ấy đi. Nếu ông ta để cô ấy ở lại với cái vali thì giờ này cô ấy vẫn còn ở đấy với cái vali.” Chiếc vali đựng vàng và nữ trang. Nó nặng phát khiếp. Hiển nhiên, nó đựng tất cả những gì quý giá thu nhặt của tất cả những người Đại Hàn. Đại tá Harry bảo người sĩ quan này hãy thuyết phục cô ta rằng cô đừng phiền trách gì tôi, bởi chính tôi đã cứu cái mạng còm của cô ta.

Một hai tuần lễ trước khi xứ này sụp đổ, tôi lấy làm ngờ về việc cá nhân tôi có thể ra đi trong vòng danh dự. Tôi hết sức lo lắng, tôi nói với ông bà già của tôi rằng với cách giải quyết tình hình đã xảy ra từ nhiều năm qua, thì chẳng lý do gì để mong đợi một sự đối phó mã thượng vào giây phút cuối. Tôi lo lắng cực độ rằng chúng tôi sẽ bỏ rơi người của chúng tôi, các nhân viên chúng tôi, gia đình họ, các bạn hữu của tôi. Là một người Mỹ, mặc dầu chính tôi đang phụ trách việc di tản tất cả những người Việt có lý do chính đáng ra đi, tôi thực lo sợ vào phút chót, có thể người ta sẽ bảo “Hãy cứu lấy người Mỹ, quên mẹ nó những bọn khác đi.” Tôi lo lắng việc ấy ngay từ đầu. Không có bao nhiêu người Mỹ quan tâm về những người Việt trong cái bối cảnh ấy, nhưng có tôi, có Đại tá Madison, Đại tá Harry Summers đã lo lắng về họ.

Nhưng đêm hôm đó tại toà Đại sứ, trực thăng bay rất nhanh, chỉ kịp đủ thì giờ cho chúng tôi quẳng người vào. Khoảng đâu chừng từ nửa đêm đến ba giờ sáng (ba giờ rưỡi là chuyến chót bay vào), Đại tá Madison đã phát biểu nhiều câu rất nặng với Wolf Lehman, Phó Đại sứ, người thực sự phụ trách công việc. Theo quan niệm của tôi và của rất nhiều người khác, Đại sứ Martin đã đau yếu trầm trọng vào cái bối cảnh của cuộc chơi này. Ông có ra ngoài, tự xem xét công việc với một vệ sĩ, nhưng ông run lẩy bẩy, cho nên người có thẩm quyền để chúng tôi liên lạc chính là Wolf Lehman. Lehman rất điềm tĩnh, ông ta lạnh như tiền. Ông ta bước ra, nói: “Quý ông biết là phải tranh thủ gấp, sắp hết giờ, Hoa Thịnh Đốn mất kiên nhẫn rồi.” Madison bảo: “Chúng tôi đã đếm đầu, còn lại 420 người ở đây, chúng tôi còn cần vài chiếc trực thăng nữa.” Và Lehman nói: “Được, ông sẽ có những gì ông cần.” Cho đến lúc đó, chúng tôi đã tuyệt đối kiểm soát tình thế. Chúng tôi đã cho người tỵ nạn đứng thành nhóm, chỉ còn sẵn sàng đẩy họ vào mấy chiếc chuồn chuồn. Suốt đêm đó khi chuồn chuồn bay vào, chúng tôi đặt sẵn từng nhóm, chỗ này 50 người, chỗ kia 50 người. Nếu là chuồn chuồn lớn, chiếc CH- 53 đến thì chúng tôi đẩy cả nhóm vào. Nếu là chuồn chuồn nhỏ, chiếc CH-46, thì một nửa nhóm vào. Lúc Lehman ra kiểm điểm tình hình, Madison báo cáo với ông ta còn lại bao nhiều người, còn cần bao nhiêu trực thăng, thì Lehman nói: “Được, tôi sẽ thu xếp,” chính đến lúc đó, mọi việc đổ vỡ.

Cầu thang lên nóc thượng toà Đại sứ chen chúc người. Vì nếu chỉ dùng bãi đáp tại khu đậu xe không đủ, nên phải dùng cả sân thượng cho chuồn chuồn đậu. Chúng tôi đã nhồi vào cầu thang mấy trăm người Việt giống như bóp ống kem đánh răng. Họ sẽ đi bằng trực thăng CH-46 trên nóc thượng. Người ta từng bảo sân thượng này không chịu đựng nổi sức nặng của chiếc CH-46, nhưng chúng tôi vẫn cứ phải dùng.

Rồi người ta bảo chúng tôi là chỉ còn sử dụng một bãi đáp thôi, hãy mang hết người Việt trong cầu thang, đẩy họ ra, để tất cả mọi người ở ngoài. Lehman lại bước đến bảo Madison: “Tôi nghĩ sắp dứt điểm rồi.” Madison nói: “Sao được, hãy còn 420 người nữa, việc này chắc chắn làm được, chúng ta đã cam kết với họ.” Madison khá cứng rắn việc ấy. Lehman trả lời: “Được, tôi sẽ sắp đặt chuyện này.”

Cho nên khi Lehman bước khỏi bãi đậu xe thì Madison tưởng chúng tôi đã nhận được lời bảo đảm của người điều khiển chương trình là sẽ lo liệu cho tất cả mọi người ra đi. Nên ông bảo tôi đi loan báo cho tất cả mọi người được biết. Do đó tôi đã thi hành.

Tôi nói với họ bằng tiếng Việt: “Không ai se bi bo lai! Dung lo!” (Không ai sẽ bị bỏ lại, đừng lo!) Tôi nhắc đi nhắc lại như thế nhiều lần. Chính tôi cũng đã tin như thế. Madison đã tin như thế. Summers đã tin như thế. Rồi đột nhiên không còn chuồn chuồn nữa.
Kean bước đến gần Madison, tôi thấy họ nói chuyện với nhau một cách trầm trọng. Bấy giờ tối trời, nhưng có đèn pha và đèn xe hơi rọi. Madison cãi với Kean, ông ta bảo: “Phải có mấy cái trực thăng mà họ đã hứa với tôi, nếu không tôi sẽ trình chuyện này lên ông Đại sứ.” Kean nói với Madison rằng: “Đây là lệnh Tổng thống, tôi không thể cho lính của tôi chịu thêm hiểm nghèo ở đây nữa.” Madison bảo: “Được, nếu cần hãy để tôi trình Đại sứ.” Kean nói: “Ông không trình được nữa đâu. Đại sứ đã đi rồi.” Kean chỉ tay lên chiếc CH-46 vừa cất cánh khỏi nóc sân thượng, chiếc máy bay mang số 09 do phi công Gerry Berry lái. Bấy giờ là lúc 4 giờ 47 phút sáng.

Madison ngẩn người. Ông gọi Harry Summers và tôi lại bàn tán “Cứt thiệt – Chúng ta làm gì bây giờ.” Madison nói: “Thủy quân Lục chiến đang rút. Đây là lệnh Tổng thống. Chúng ta là bọn thua cuộc rồi.”

Và Madison bắt buộc phải ra một cái lệnh cứng rắn. Ông ta nói với tôi: “Stu Herrington, anh ra đứng với mấy người Việt Nam. Hãy cho Harry và tôi đủ thì giờ thu xếp rồi lên sân thượng. Xong, anh lên nóc thượng.” Bấy giờ hãy còn lính Thủy quân Lục chiến ở ngoài, trên bức tường. Những người Việt còn lại, 420 người lúc ấy tất cả đều ở trong bãi đậu xe. Họ ngồi thành hàng. Những hàng này sắp ngay sau những chiếc xe mở máy, đèn pha đều bật sáng. Tôi ra ngồi trên thành một chiếc xe với một cái máy truyền tin. Vào thời điểm này, không có gì để nói trong máy cả, vì lẽ khi đóng toà Đại sứ lúc nửa đêm, người ta đã phá hủy toàn bộ hệ thống truyền tin rồi. Cái máy truyền tin chẳng là gì, nhưng tôi chỉ làm bộ như tôi đang liên lạc với trực thăng mà thôi. Tôi bảo những người Việt: “Đừng lo lắng gì cả, sẽ có một cái trực thăng to lắm đến đây, rồi tất cả chúng ta sẽ ra đi.” Đó là một điều khó nói, bởi lúc ấy tôi đã biết rõ, như vậy tức là tôi đã lừa bịp người ta.

Tôi cứ ngồi đấy như thế đến 15 phút, có lúc đã định buột mồm bảo “Thây kệ” và tôi tự tranh cãi với mình về dự định tự đem tôi ra làm con tin mà bảo “Đem thêm trực thăng vào đây, không thì tôi không đi.” Và rồi tôi nhận ra lính Thủy quân Lục chiến đang ra đi, người ta sẽ không bao giờ đưa trực thăng đáp xuống vùng không an toàn, như thế tôi sẽ bị cầm tù, và rồi sẽ hồi hương. Đường binh nghiệp của tôi sẽ tàn vì bất tuân lệnh Tổng thống, rồi tôi nhận ra hiển nhiên mặc cho tôi có buồn đau về việc này thế nào chăng nữa, tôi cũng không thể đưa họ đi được. “Đừng có khùng, anh không thể đưa những người này đi nổi. Anh có vợ con, có một sự nghiệp trong quân đội. Anh sẽ không đưa họ đi làm gì. Như thế tốt lành gì cho anh? Anh chẳng đạt được gì cả.” Tất cả những ý nghĩ ấy cứ thế chạy qua trong đầu tôi.

Trong đám người lúc ấy, nhiều gia đình có trẻ con. Tôi còn nhớ rất rõ những người lính cứu hỏa Việt Nam mặc áo choàng mầu vàng trong đám người này. Tôi sẽ không bao giờ quên những người lính cứu hỏa ấy. Tôi nhớ họ, vì trước đấy tôi đã hỏi họ có muốn đi chưa, nhưng họ đều nói “Chưa đâu, chúng tôi còn phải ở lại, lỡ có chiếc trực thăng nào trục trặc gì thì chúng tôi mới biết sử dụng các khí cụ mà cứu chữa.” Gia đình họ đi trước để họ rảnh tay làm việc. Vì thế tôi đã đưa hết gia đình họ lên một chiếc chuồn chuồn vào lúc giữa trưa.

Trong lúc tôi đứng đấy thì một chiếc chuồn chuồn đến, đáp xuống sân thượng rồi cất cánh. Madison không dặn tôi nên đứng đấy bao lâu. Tôi nghĩ “Chà, không chừng mình phải nên ở trên cái máy bay này.” Lúc ấy rất tối, tôi cố nhìn xem có ai ra hiệu gì không. Liệu tôi có thể thấy họ ở trên nóc thượng không? Cuối cùng sau 15, 20 phút, trong lúc làm bộ như đang gọi máy nói chuyện với một cái trực thăng, tôi nhìn người Việt Nam ngồi gần nhất mà nói: “Tôi phải đi tè một cái nhé.” Người ấy cười, tôi lẻn vào bụi rậm với điệu bộ như sắp đi tiểu.

Chỗ ấy có một căn nhà và một hàng rào cây chung quanh. Tôi bước vào hàng rào, luồn quanh căn nhà, khuất khỏi tầm mắt họ, tôi đi vào cổng hậu toà Đại sứ. Trước đó, lúc ban ngày, có một tấm bảng kỷ niệm, một chút lịch sử mà tôi có nhiệm vụ phải lấy mang đi. Tôi đã tìm gặp một ông Hải quân hồi hưu, kỹ sư Toà Đại sứ, ông này kiếm được một cái xà beng, hai chúng tôi đã cố nậy tấm bảng ra. Tấm bảng rất lớn, rất nặng. Chúng tôi đặt tấm bảng lên sàn nhà, ngay phía trong cửa, dựng bên chân tường. Khi ra đi tôi sẽ phải lấy tấm bảng này mang theo.

Tấm bảng khắc hàng chữ “Để tưởng niệm những người Mỹ can đảm đã bảo vệ toà Đại sứ này trong trận tổng công kích Tết 1968.” Và ghi tên những người quân cảnh, những người lính Không vận, những người Thủy quân Lục chiến đã chết. Có năm người đã chết, tên họ ở trong tấm bảng ấy. Tôi đã nghĩ tôi không nên bỏ lại tấm bảng. Nhưng khi đi ngang phòng khách, nơi để tấm bảng, tôi đang buồn phiền tức giận về lệnh di tản. Tôi nghĩ “sau khi mấy ông này đã chiến đấu và bỏ mình ngay tại chỗ tôi đang đứng đây, họ đã chết để bảo vệ cái toà Đại sứ này, mà bây giờ tôi lại chạy đám Cộng sản ngoài ngưỡng cửa thành phố, bỏ rơi tất cả những người ngoài kia, thì chắc là họ phải lăn lộn ở dưới mồ.” Rồi tôi tự bảo: “kệ xác cái tấm bảng này”, tôi bỏ nó lại đấy.

Tôi chạy lên tầng thứ hai. Tôi vào hành lang văn phòng Đại sứ – Hành lang trống rỗng. Tôi chạy thêm bốn, năm bước nữa, nhòm vào văn phòng Đại sứ. Mọi thứ vẫn ngăn nắp như ông Đại sứ sắp sửa triệu tập một buổi họp. Tôi chạy trở lại cầu thang, soát xét thử văn phòng Quân vụ xem còn thứ gì của chúng tôi không. Tất cả đã như biến mất hết. Tôi chạy lên sân thượng thấy Trung sĩ Xạ thủ Pace và Bill Bell ở đấy. Madison, Summers và Bill Herron đã đi cả rồi.

Bell, Pace và tôi nhảy vào chiếc CH-46. Bell mệt lử, hắn bỏ lên thành cầu mà vào máy bay. Từ trong bóng tối, thêm một lính Thủy quân Lục chiến nữa chạy đến. Như vậy chiếc trực thăng cất cánh chỉ chở có bốn người. Bốn người Mỹ thôi! Chuyện ấy thật tởm. Cái trực thăng này ít nhất còn có thể chở thêm bốn mươi lăm người nữa. Tôi nhìn lui, thấy đám người chờ bên dưới, thấy đèn đường Sàigòn và ngôi toà Đại sứ. Trong trực thăng mọi người im lìm như chết.

Tất nhiên tôi cảm thấy tởm đến phát bịnh. Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi thấy tệ hại như lúc bỏ rơi những người ấy mà chạy. Sau khi chuồn chuồn cất cánh, đến một cao độ nào đó, họ đóng cánh cửa hầm sau lại. Tôi nhớ khi bốc lên, nó nghiêng sang một bên, tôi nhìn thấy toà Đại sứ, bãi đậu xe, những ngọn đèn đường. Và nỗi yên lặng. Đường phố im lìm, không xe cộ, không đám đông, không có gì cả. Trông như lệnh giới nghiêm đang được tuân hành.

Khi chúng tôi đến tàu U.S.S. Okinawa thì Madison đã gặp Jim Bolton. Tôi thấy Jim Bolton, nhưng tôi không tò mò nghe câu chuyện riêng giữa anh ta và Madison. Sau đó Summers và Madison bảo tôi là họ đã nói chuyện với Bolton. Tất cả chúng tôi đều giận phát điên. Chúng tôi tức tối vì trong nhóm chúng tôi, tất cả đều đã bị bức bách phải phản bội những người Việt Nam. Chúng tôi đã phải nói dối người Việt, mặc dầu đó không phải là chủ tâm chúng tôi. Chúng tôi đã bỏ rơi những con người đáng thương ấy ở lại. Không một ai trong chúng tôi không cảm thấy giận ghét chuyện này.

Một gã phóng viên của tờ Cleveland Press ở trên tàu Okinawa đã phỏng vấn Summers, rồi sau đó phỏng vấn tôi. Summers hỏi gã: “Anh có biết anh vừa chứng kiến chuyện gì không?” Gã phóng viên trả lời “Sự sụp đổ của Sàigòn.” Summers nói: “Anh vừa chứng kiến một sự phản bội cực kỳ hạ tiện.”

Gã phóng viên phỏng vấn tôi những gì đã xảy ra ở toà Đại sứ, bởi tôi là người cuối cùng ra đi. Tôi nhớ là tôi không cầm được nước mắt khi gã phỏng vấn tôi. Cứ nghĩ đến việc bỏ rơi những người ấy, khi nói chuyện tôi lại khóc. Tôi xấu hổ hết sức về việc tôi đã bỏ lại những ngưòi ấy.

Sau đó tôi bay sang vịnh Subic, đến Thái Lan. Đến Thái Lan chẳng bao lâu, lại được triệu về Vịnh Subic để gặp một ủy ban thuộc bộ Tham mưu Quân đội có nhiệm vụ điều tra cuộc di tản. Tôi được triệu về đó (Madison và Summers đã được gọi sang Hạ Uy Di, tôi đoán thế) để báo cáo những việc xảy ra vì tôi là người sĩ quan chót ra đi, tôi là chứng nhân cho những biến cố tại toà Đại sứ. Cái bí mật lớn lao nhất chính là ở toà Đại sứ. Họ không có một kế hoạch nào cho những tác vụ di tản lớn từ toà Đại sứ cả. Kế hoạch đã có của toà Đại sứ quá sức đơn giản: tối đa vài trăm người sẽ được chở bằng xe buýt ra Tân Sơn Nhứt, còn lại năm sáu chục người gồm Đại sứ và nhân viên sẽ được bốc đi bằng máy bay Air America từ nóc sân thượng. Phương tiện xe buýt sẽ là một phần của kế hoạch để chở tối đa vài trăm người ra Tân Sơn Nhứt. Thế thôi. Cho nên khi toà Đại sứ trở thành trung tâm điểm của những vụ trực thăng vận lớn, đó chỉ là do hoàn cảnh tình cờ. Và bởi họ đã không hoạch định việc này, nên họ đã không biết cái gì. Hiển nhiên đã không có phương tiện truyền thông giữa toà Đại sứ và văn phòng Tùy viên Quân sự trong nhiều tiếng đồng hồ. Không ai biết một chuyện gì xảy ra ở tòa đại sứ cả.

Cho đến tận giây phút cuối cùng, tất cả những người di tản với tướng Smith, những người ở văn phòng Tùy Viên Quân Sự, những người đã ra tàu, những người ở bộ tư lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương, ở Bộ Tư Lệnh tại Thái Lan, không một ai hay biết chuyện gì xảy ra cả.

Vì lẽ đó, tôi đã bị gọi ra trước ủy ban để thẩm vấn, họ đã thẩm vấn nhiều người bên Thủy Quân Lục Chiến, nhưng cái trở ngại là những người này đã mô tả một hình ảnh tổng quát của chiến dịch di tản ” Frequent Wind” mà thôi.

Tôi không hẵn tin người ta cố ý trình bày sai sự thật, mặc dầu nhiều người từng châm biếm là các Thủy Quân Lục Chiến đã bóp méo sự thật để chứng tỏ họ là những chiến sĩ can trường: Họ là những người đầu tiên đã đến chiến đấu, họ cũng là những người cuối cùng đã chiến đấu trong đơn độc. Tôi không nhất thiết phải tin như vậy, mặc dù có lúc tôi từng cả tin như thế.

Thủy Quân Lục Chiến từ hạm đội được đưa tới tòa Đại Sứ thì ngay từ đầu họ đã nhận tin có 2 người chết trong lúc thi hành nhiệm vụ. Tất nhiên ai chẳng biết Sài Gòn lúc bấy giờ đang bị bao vây bởi 16 sư đoàn với trọng pháo, tức là chỉ trong vòng có 20 đến 30 cây số. Chẳng có gì bí mật chuyện quân đội Bắc Việt có thể và sẽ vào Sài Gòn. Địch quân đem theo cả hỏa tiễn địa không SAM đi từ miền Bắc dọc đường số 1, đi từ khu vực Khe Sanh xuống, đây là tin do bên tình báo ước đoán. Như thế tất nhiên khi Thủy Quân Lục Chiến vào Sài Gòn, họ đã biết rõ họ chỉ là một lực lượng rất nhỏ nhoi, có thể bị chụp dưới lửa đạn của toàn thể quân đội miền Bắc Việt Nam. Và rồi xảy ra những chuyện 2 Thủy Quân Lục Chiến tử thương, chuyện bắn rốc -kết, bắn đại liên.

Chúng tôi biết việc quân Bắc Việt tấn công Sài Gòn vào buổi sáng ngày thứ 30. Chúng tôi biết có một đạo quân vào từ hướng Tân Sơn Nhứt. Một đạo quân khác từ phía bắc qua lối Tân Cảng. Và có một gọng kìm của ít nhất 3 đạo quân nữa thọc vào Sài Gòn nhằm tiến chiếm các mục tiêu là Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia và Dinh Tổng Thống.

Sự việc quả như thế, nhưng các Thủy Quân Lục Chiến ở vịnh Subic lại tạo ra một ấn tượng rằng chúng tôi đã thoát được trong đường tơ kẽ tóc với lửa đạn dữ dằn để chống lại cuộc di tản.

Các Thủy Quân Lục Chiến tạo ra ấn tượng trong buổi thuyết trình là tình trạng Tòa Đại Sứ nóng bỏng. Tôi ngồi yên suốt buổi thuyết trình ở Subic. Đôi khi lạc lõng. Ba mươi ông Thủy quân Lục chiến ăn nói hùng hồn trong phòng thuyết trình. Ông Tướng Carey cứ ngồi đó mà nghe trình bầy. Phiền quá. Những điều tôi nghe họ nói về toà Đại sứ thiệt không giống gì với những điều tôi đã chứng kiến và trải qua. Tôi bèn viết một mảnh giấy chuyển cho tướng Cleveland, Chủ tịch ủy ban. Tôi nói: “Tôi rất phiền. Tôi sẽ phải đứng dậy để trình bày về tòa Đại sứ, nhưng những gì sẽ nói lại mâu thuẫn hẳn mấy ông Thủy quân Lục chiến này.” Trước giờ nghỉ ăn trưa, Tướng Cleveland bảo: “Tôi biết ông phiền muộn lắm, Đại úy Herrington ạ.” Tôi nói: “Thưa ông vâng. Nếu đó là cái toà Đại sứ như cách họ mô tả thì tôi không còn rõ là tôi đã ở đâu, bởi vì nó không giống những điều họ nói chút nào.” Ông ta bảo: “Tốt, bởi thế mà anh đã ở đây. Tôi muốn anh trình bầy đúng sự thực xảy ra – Có lẽ tốt hơn hết chúng ta sẽ ở lại đây trong giờ ăn trưa và cùng làm việc với nhau.” Tôi đáp: “Thưa vâng”. Do đó tôi đã ở lại trong giờ ăn trưa. Tôi vẽ ngay ngắn một tấm bản đồ khu vực toà Đại sứ, đâu là hồ tắm, đâu là các bức tường, tất cả đầy đủ rồi tôi thuyết trình. Phải bạo phổi mới nói được bài thuyết trình này, vì ngay lập tức, các ông Thủy quân Lục chiến dựng đứng cả lên.

Tôi trình bầy với họ cuộc di tản tại toà Đại sứ diễn ra không có một đối lực nào cản trở. Không có chuyện khói lửa dữ dằn tại toà Đại sứ. Chẳng có súng nhỏ, súng máy, tiểu pháo, đại pháo, chẳng có lửa khói gì sất. Chung cuộc của toà Đại sứ đã diễn ra thật hấp tấp vội vã – điều này chúng tôi không thể hiểu nổi – là tại sao không quét dọn cho sạch sẽ. Mấy ông Thủy quân Lục chiến đã trình bầy rằng cuộc di tản tại toà Đại sứ hoàn tất tốt đẹp, và đây là một thành công cực kỳ vĩ đại. Nếu Kean có ở đây, anh ta sẽ có thể nói thẳng cho mọi người rõ: cuộc di tản ấy chẳng thành công vĩ đại chút nào. Hiển nhiên, mấy ông Thủy quân Lục chiến không hề có mặt tại toà Đại sứ. Họ chỉ thuyết trình theo cái cách họ hiểu chuyện dựa trên lời mấy phi công trực thăng nói với họ qua máy vô tuyến mà thôi.

Tôi chấm dứt bài thuyết trình – Tướng Carey loại riêng ra những gì tôi nói. Tôi bèn bảo: “Thưa, điều duy nhất mà tôi có thể nói là tôi đã thuyết trình dựa trên trí nhớ đã phối kiểm, đã xác nhận của cả một nhóm nhiều người, gồm năm trung sĩ xạ thủ Thủy quân Lục chiến và tôi. Sáu người chúng tôi có lẽ đã có tổng cộng từ hai mươi lăm đến ba mươi năm kinh nghiệm chiến đấu. Nếu quả vụ di tản tại Tòa Đại Sứ bị ngăn trở, thì tại sao chẳng có một binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến nào bắn lấy một phát đạn? Cái quy luật đầu tiên của sự dấn thân chiến đấu là bắn trả lại kia mà? Có nhiều người, thí dụ các phi công Thủy Quân Lục Chiến đã nhầm lẫn. Thấy khói bốc ra do việc nhân viên trung ương tình báo sử dụng khí cụ phá hủy hệ thống truyền tin trên mái nhà, họ đinh ninh rằng Tòa Đại Sứ bị tấn công bằng hơi ga, họ gọi máy la hoảng lên. Khói trên nóc Tòa Đại Sứ là khói do việc tiêu hủy tài liệu đã được mô tả thành ra “Tòa Đại Sứ bị cháy”. Lúc ấy nghe bất cứ một tiếng nổ nào quanh Tòa Đại Sứ – nhưng ở tận ngoài Sài Gòn- là lính Thủy Quân Lục Chiến cũng nháo nhào chạy mà kêu thét ầm ĩ “Địch lọt vào bờ tường phía Bắc”, “Địch lọt vào bờ tường phía Nam”. Những chuyện ấy lập đi lập lại suốt đêm, họ cứ chạy từ bờ tường này sang bờ tường kia la hoảng là địch xâm nhập chỗ này, địch xâm nhập chỗ nọ… nhưng thật ra chẳng có chuyện gì. Mấy cậu lính Thủy Quân Lục Chiến non choẹt đã sợ mất hồn vì 2 người bị giết, chỉ bấy nhiêu thôi. Còn chuyện Tòa Đại Sứ đặt trong tình trạng bị tấn công, cuộc di tản ở Tòa Đại Sứ bị đặt trong tình trạng chiến đấu thì KHÔNG!.

Tôi trình bày với lối như thế, và bảo họ rằng có khoảng 420 người bị bỏ rơi tại đấy. Tôi có cảm tưởng các Thuỷ Quân Lục Chiến có mặt không thích bài thuyết trình của tôi chút nào. Tôi tin họ đã nhìn thấy các hình ảnh của vụ di tản ấy chỉ qua lời kể của các phi công, và đã hiểu sai những sự kiện diễn ra trên mặt đất. Cái ấn tượng tổng quát họ vẽ ra là chúng ta khó khăn lắm mới thoát được nơi ấy, xe tăng Bắc Việt đã đến gõ tận cửa rồi. Quý vị đã rõ: Sự việc không xảy ra như thế.

Tôi đã viếng thăm Đài Kỷ Niệm Chiến Sĩ Trận Vong Chiến Tranh Việt Nam vài ba lần. Lần đầu tiên đến đấy, tôi cố kiếm tên những người tôi biết ở Việt Nam. Tôi kiếm tên của Judge và McMahon. Tôi không có cảm xúc sâu đậm về Đài Kỷ Niêm này. Không giống những người đã gặp trở ngại trong việc đương đầu với các kinh nghiệm Việt Nam mà Đài Kỷ Niệm này gợi lên cho họ thêm ưu tư phiền muộn, lòng xấu hổ và niềm ân hận, những cái ấy không xảy ra trong tôi. Tôi nghĩ đó là một cái Đài Kỷ Niệm Chiến Sĩ Trận Vong khá trang nghiêm, nhưng nó không gợi lên những cảm xúc nào khác trong tôi nữa cả. Tôi cũng chẳng hào hứng gì về những chuyện kiến trúc của cái Đài này. Nó chỉ là một bức tường.

Tôi không thấy đấy là một ý tưởng kiến trúc kỳ diệu gì, tôi cũng chẳng có gì để phê bình, công kích. Tôi chỉ thấy đó là một bức tường với vô khối tên người, tôi cũng chẳng rõ tại sao người ta phải tranh cãi chuyện ấy. Đối với tôi, đài này là một lời phát biểu, bởi vì khi nhìn thấy năm mươi tám ngàn cái tên của năm mươi tám ngàn con người được khắc vào cùng một chỗ, thì cái ý tưởng được phát biểu ra ấy là sự tàn ác trong việc hy sinh tính mạng con người. Nhưng tôi không gặp vấn đề khó khăn trong việc đương đầu với chuyện này. Mặc dầu bản thân tôi đã trải qua rất nhiều thời gian ở Việt Nam, và bản thân tôi có rất nhiều lý do để cảm thấy nhờm tởm khủng khiếp về những gì đã xảy ra, nhưng may mắn thay, tôi thuộc vào nhóm đại đa số thầm lặng của những cựu chiến binh Việt Nam đã đương đầu được tình trạng này một cách khá tốt đẹp.

Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng hình ảnh của những cựu chiến binh Việt Nam râu ria lởm chởm, mặc những bộ đồ trận cũ kỹ, khóc than trách móc về những thất bại của cuộc đời họ là do chiến tranh Việt Nam, đây chỉ là một số rất nhỏ của tập thể cựu chiến binh Hoa Kỳ dự trận Việt Nam. Họ không phải là những người đại diện. Những người cựu chiến binh Hoa Kỳ dự trận Việt Nam điển hình là những người đã khá thích nghi lại đời sống bình thường một cách tốt đẹp, họ là những người lứa tuổi bốn mươi thành công trong công ăn việc làm hoặc bất cứ công cuộc nào họ theo đuổi. Tôi không chấp nhận ý niệm rằng những cựu chiến binh của trận địa Việt Nam bình thường là những người quý vị đã thấy: họ tự nhốt mình trong cái cũi nhốt cọp bên đài kỷ niệm chiến sĩ trận vong để cố thuyết phục mọi người là họ vẫn đang còn sống như những tù nhân. Bản thân tôi đã cứng cáp thêm sau chiến tranh Việt Nam bởi vì cái viễn tượng đã truyền đạt được toàn bộ triết lý của đời sống tôi. Và tôi nghĩ rằng có nhiều người như chúng tôi hơn là những người mặc đồ trận, đội mũ rừng ôm nhau khóc sướt mướt vào những ngày lễ truy điệu chiến sĩ trận vong. Tôi không có ý bảo tôi không có lòng thương cảm những chuyện đó, nhưng tôi rất tiếc mà phải nói rằng: Hình ảnh của tập thể cựu chiến binh trận Việt Nam trước mắt dân chúng Mỹ đã mù mờ và bất chính xác như là chính cuộc chiến tranh xảy ra – Tôi chẳng nên ngạc nhiên gì về việc báo chí truyền thông Mỹ đã bóp méo cái hình ảnh của các cựu chiến binh Việt Nam. Toàn bộ cuộc chiến này, sự thực về cuộc chiến này cũng đã bị họ bóp méo rồi.

Larry Engelmann
Theo Tương Tri

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad