Làn sóng dân chủ thứ tư đang gia tốc - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Làn sóng dân chủ thứ tư đang gia tốc


“…dù muốn hay không Nga cũng sẽ không thể giúp chế độ cộng sản Việt Nam và Bắc Kinh cũng sẽ phải buông Việt Nam. Rất có thể là Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được tín hiệu là từ nay phải tự lo lấy mình vì Trung Quốc đang phải đương đầu với những vấn đề nội bộ nghiêm trọng hơn nhiều…”

Trong không đầy nửa năm tổng thống Obama đã chịu hai thất bại đau đớn. Đau đớn và tủi nhục vì chúng có cùng một lý do: cử tri Mỹ đánh giá ông là nhu nhược và thiếu khả năng.

Đầu tháng 11/2014, Obama thua đậm và mất đa số tại thượng viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mặc dù kinh tế Mỹ đang khởi sắc mạnh mẽ, một thất bại đáng ngạc nhiên bởi vì cử tri Mỹ thường chỉ đánh giá chính phủ trên tiêu chuẩn kinh tế và các tổng thống Mỹ thường vẫn mất lòng dân khi can thiệp nhiều ở bên ngoài, ngay cả với lý do chính đáng. Obama, ngược lại, bị phê phán là đã quá nhu nhược. Việc rút quân một cách vội vã khỏi Iraq được nhìn, không oan, như là nguyên nhân chính của của sự trỗi dậy của lực lượng Hồi Giáo quá khích Daesh, kéo theo những thảm kịch đang diễn ra tại Trung Đông.

Bốn tháng sau, thủ tướng Do Thái Netanyahu được mời đọc một bài diễn văn chống chính sách thỏa hiệp với Iran của tổng thống Mỹ ngay trước quốc hội Mỹ. Biến cố này - rất không bình thường và không đúng đắn của cả quốc hội Mỹ lẫn thủ tướng Do Thái - đã có tác dụng khiến Natanyahu giành được thắng lợi trong một cuộc bầu cử mà trước đó mọi thăm dò dư luận đều cho thấy là ông sẽ thất bại. Phải nói rằng uy tín của Obama đã xuống rất thấp. Đã thế, ngay sau khi giành được thắng lợi Netanyahu đã tuyên bố chống lại việc thành lập một nhà nước Palestine, điều mà Hoa Kỳ chủ trương và thế giới đòi hỏi, nhưng tổng thống Obama đã không thể làm gì khác hơn là tuyên bố sẽ thích nghi chính sách Trung Đông của Hoa Kỳ với tình huống mới, nghĩa là Hoa Kỳ sẽ phải nhượng bộ một chọn lựa xấc xược của một nước nhỏ. Thật là bẽ bàng.

Trong lúc Obama mất uy tín và mất mặt vì nhu nhược thì tổng thống Pháp François Hollande, mà mức độ tín nhiệm đã mất gần hết, lấy lại được một phần uy tín nhờ thái độ quả quyết bảo vệ dân chủ và nhân quyền tại Trung Đông và Châu Phi. Tình hình tại Mỹ và Pháp chứng tỏ rằng chủ nghĩa thực tiễn, nghĩa là hy sinh các giá trị đạo đức và thỏa hiệp với các thế lực hung bạo vì lợi ích ngắn hạn, đã phá sản. Nhân dân các nước dân chủ lớn -Hoa Kỳ, Châu Âu và cả Nhật - đã hiểu rằng quyền lợi dài hạn của họ là đóng góp cho một trật tự dân chủ trên toàn thế giới.

Làn sóng dân chủ thứ tư, bắt đầu với Mùa Xuân Ả Rập đầu năm 2011, đang gia tăng vận tốc bởi vì cùng một lúc với thái độ quả quyết mới của các nước dân chủ cả Nga lẫn Trung Quốc đều đang bối rối như chưa bao giờ thấy. Kinh tế của Nga đã sụp đổ sau cuộc phiêu lưu điên dại tại Ukraine, Trung Quốc đã đến lúc không thể giấu được tình trạng suy thoái nữa và thực trạng có thể bi đát hơn rất nhiều so với các dự đoán thông thường.

Như vậy dù muốn hay không Nga cũng sẽ không thể giúp chế độ cộng sản Việt Nam và Bắc Kinh cũng sẽ phải buông Việt Nam. Rất có thể là Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được tín hiệu là từ nay phải tự lo lấy mình vì Trung Quốc đang phải đương đầu với những vấn đề nội bộ nghiêm trọng hơn nhiều. Nhưng làm sao có thể tự lập khi, do hậu quả của một chính quyền bất tài và tham nhũng, kinh tế Việt Nam từ vài năm nay đã chỉ chưa sụp đổ nhờ sự tiếp sức của Trung Quốc? Chính quyền cộng sản sẽ bắt buộc phải tranh thủ sự hợp tác tận tình của các nước dân chủ mà điều kiện là phải tôn trọng nhân quyền dù tương lai của chế độ sẽ như thế nào.

Rất có thể lịch sử đang sang trang ngay trong lúc này.

Ban biên tập Tổ Quốc

Tác giả gửi trực tiếp đến VA News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad