![]() |
Thực tế có gì chuyển biến và hệ lụy của tình trạng công dân chết trong đồn công an ra sao?
Vụ việc mới
Báo mạng Tuổi Trẻ ngày 7 tháng 4 loan tin về trường hợp bà Nguyễn Hồng Lương, 62 tuổi, ngụ tại đường Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội chết sau khi đến trụ sở phường Điện Biên.
Theo bản tin thì chính gia đình nạn nhân cho rằng bà này bị sát hại, trong khi đó phía Ủy ban Nhân dân phường Điện Biên nói rằng bà này gây hỏa hoạn nên chết.
![]()
-Triệu Quang Phục
|
Giấy chứng tử của bệnh viện đưa ra ngày 2 tháng tư nói bà Lương phải điều trị tại khoa bỏng và chết vào ngày 2 tháng tư với lý do ‘sốc bỏng không hồi phục’.
Vụ việc vừa nêu là trường hợp có thể nói mới nhất được truyền thông trong nước loan tin chính thức.
Lâu nay trên cả nước từng có nhiều vụ việc công dân bị chết trong đồn công an mà cách lý giải được đưa ra là tự tử. Gia đình các nạn nhân đều cho rằng người thân của họ vẫn khỏe mạnh trước khi bị bắt và tinh thần bình thường, không có lý do gì phải tự tử. Ngoài ra những cách thức tự vẫn được đưa ra không thuyết phục được nhiều người như nạn nhân buộc dây vào cửa phòng giam để thắt cổ…
Kêu oan không được trả lời
Khi nhận thấy có những bất minh về cái chết của người thân, gia đình nạn nhân đều có khiếu nại, yêu cầu cơ quan chức năng phải làm rõ nguyên nhân cái chết của thân nhân họ. Tuy nhiên, hầu như các trường hợp khiếu nại đều không được giải quyết một cách thấu đáo.
|
“Đưa đơn đã 3 năm rồi mà vẫn cứ chìm trong im lặng, chẳng thấy nói gì cả. Đã kêu đến cấp ông chủ tịch nước mà chẳng thấy nói gì! Bây giờ họ xem như không có gì, họ xem như đã ra quyết định là giải quyết rồi. Quyết định của họ trái pháp luật nếu người dân thấy không thỏa đáng thì kiện. Nhưng kiện thì ngay cả phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nói kiện đến đâu thì cuối cùng cũng chuyển về chỗ của ông ấy.
Tôi thấy có trường hợp của rất nhiều người như ở Thái Nguyên, trong Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, trong Thành phố Hồ Chí Minh… Vụ sau cháu Bảo của tôi một năm như vụ anh Nhựt ‘xăm lốp ô tô’ cũng chìm vào im lặng thôi.
Thực tế mà nói thì luật pháp nghiêm minh, nhưng người thực thi không biết đi đến đâu, không bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người dân, không bảo vệ được nhân quyền để người dân được sống một cách yên ổn.”
Người thi hành pháp luật thiếu nghiêm minh
Dư luận trong nước lâu này không chỉ quan ngại đến tình trạng công an dùng nhục hình đánh chết người dân khi bị giam giữ tại đồn trụ sở xét hỏi, mà còn có những trường hợp nhưng bị kết tội oan. Hai vụ oan sai tù đang được nói đến là trường hợp hai tử tù Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng mà gia đình lâu nay cũng kêu oan đến chủ tịch nước nhưng vẫn chưa có tiến triển gì. Thậm chí chánh tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình có những phát biểu mà gia đình Hồ Duy Hải cho là vi phạm luật, sẽ có đơn khiếu nại.
Dì của Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Rưỡi cho biết:
“Sau phiên họp Quốc hội ngày 20 tháng 3, có nói đến đầu tháng thư trả lời nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì.
![]()
-Triệu Quang Phục
|
Sắp tới đây chúng tôi sẽ làm đơn tố cáo ông Trương Hòa Bình, vì ông đối xử oan sai với Hồ Duy Hải được thì 90 triệu dân, ‘quyền sinh sát’ nằm trong tay chánh án; chúng tôi đấu tranh không chỉ cho Hồ Duy Hải mà cho người khác sau này nữa."
Hệ lụy gia đình, luật sư
Gia đình của những người có thân nhân bị chết oan hay bị kết án oan lâu nay không chỉ phải chịu cảnh người thân mất mạng mà phải bán ‘cơ nghiệp’ dành dụm để đi khiếu nại cho người bị oan ức.
Thế rồi nếu người thân quá bức xúc về trường hợp oan sai, có nặng lời hay hành vi phản đối lại bị cơ quan chức năng qui kết ‘gây rối trật tự công cộng’ hay chống người thi hành công vụ. Hai trường hợp mới nhất là cậu và bác của học sinh Tu Ngọc Thạch ở Vạn Ninh, Ninh Hòa, Phú Khánh sau phiên phúc thẩm vào ngày 24 tháng 3 vừa qua, dù rằng tòa tuyên phải điều tra lại từ đầu như vụ của Ngô Thanh Kiều.
Bản thân luật sư tham gia bào chữa cho người bị nạn như trường hợp luật sư Võ An Đôn từng bị cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đòi tước giấy phép hành nghề. Tin đồn về một người bị cho là ‘phản động’ được tung ra khiến nhiều người dân trong vùng không còn dám đến nhờ luật sư Võ An Đôn trợ giúp pháp lý cho nữa.
“Trước ngày liên ngành công an, viện kiểm sát, tòa án thành phố Tuy Hòa ra kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề của tôi thì có rất nhiều người đến nhờ tư vấn cũng như bào chữa tại tòa; nhưng sau đó có tin đồn tôi sắp bị bắt về tội phản động. Từ ngày đó đến nay, rất ít người, lâu lâu mới có người dám đến mặc dù tôi trợ giúp pháp lý cho những đối tượng như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 18 tuổi phạm tội… nhưng người ta cũng không dám tới.”
Tuy nhiên với lương tâm của một luật sư trẻ, mong muốn đấu tranh cho công lý, luật sư Võ An Đôn luôn xác định không chùn bước bất chấp mọi hiểm nguy cho bản thân và cho gia đình khi sống tại một làng quê xa xôi của tỉnh nhỏ Phú Yên.
Hiện nay nhờ vào các trang mạng xã hội, nhiều người biết đến trường hợp của luật sư Đôn, họ lên tiếng hoàn toàn ủng hộ cho vị luật sư này trong các vụ án oan sai mà ông tham gia bào chữa.
Gia Minh
phóng viên RFA
Theo RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét