Chỉnh trang, làm đẹp đô thị: trước hết là chất lượng sống - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Chỉnh trang, làm đẹp đô thị: trước hết là chất lượng sống


Một trong những cây cầu bắc qua kênh Tân Hóa-Lò Gốm. Ảnh: TLTBKTSG Online
Hôm 5-4 vừa rồi, TPHCM đã khánh thành dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm và đường hai bên kênh với tổng chiều dài gần 10 ki lô mét, đi qua bốn quận (6, 11, Tân Bình, Tân Phú). Dự án bao gồm: mở rộng dòng kênh, nắn dòng chảy, nạo vét bùn, đắp bờ kênh, xây tường ngăn lũ, cải tạo mặt đường hai bên kênh, đồng thời xây 10 cây cầu qua kênh, chỉnh trang các khu cảnh quan dọc tuyến kênh. Con kênh Tân Hóa - Lò Gốm từ chỗ một con kênh chết, bị ô nhiễm nặng nề nay đã trở thành dòng kênh trong lành hơn, không còn rác rến, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Dọc theo bờ kênh, cây cỏ đã bắt đầu xanh, người lớn đi bộ, tập thể thao, trẻ em vui chơi.​ Hàng triệu người dân các quận mà dòng kênh đi qua đã được hưởng lợi từ dự án này. Dự án cũng góp phần giải quyết vấn đề chống ngập chung cho cả thành phố.

Cùng với dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã hoàn thành trước đây thì dự án cải tạo kênh và đường ven kênh Tân Hóa - Lò Gốm và sắp tới là phục hồi kênh Hàng Bàng vốn đã bị lấp, hẳn sẽ mang lại một bộ mặt mới khang trang cho thành phố và mang lại cho người dân dọc các con kênh trên một không khí trong lành hơn cho lá phổi, một môi trường sống vệ sinh hơn, những con đường lưu thông thông thoáng hơn, nói chung là một môi trường sống chất lượng hơn.

Chỉnh trang, làm đẹp đô thị trước hết cần những công trình dân sinh thiết thực như vậy. Đó là làm sao giải quyết được nạn ô nhiễm môi trường sống, mang lại không khí trong lành cho người dân; làm sao giải quyết được nạn ách tắc giao thông để xe cộ lưu thông trôi chảy; làm sao cho cảnh quan thành phố xanh mát, phong quang, thoáng đãng. Chỉnh trang trước hết là nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị.

Đẹp trước hết là ở chất lượng sống; làm đẹp hình thức cũng cần nhưng không phải là nhu cầu trên hết, và làm đẹp hình thức cũng đừng đồng phục “sến súa” như không ít người có cảm giác gần đây ở nhiều thành phố.

Ấy vậy nhưng những năm gần đây, cứ đến các dịp lễ Tết là người dân Sài Gòn, Hà Nội và một số thành phố khác lại được chứng kiến khu trung tâm thành phố mình “giăng đèn kết hoa” (hoa giả) cứ như dựng rạp đám cưới ở quê làng. Hình tượng hoa, chim bồ câu, hình tượng quả địa cầu, hình tượng một công trình kiến trúc biểu trưng nào đó, và những khẩu hiệu, những dòng chữ giăng giăng trên đầu, nhấp nháy tỏa sáng vào ban đêm, đến ban ngày thì trơ ra như những gương mặt nhòe nhoẹt phấn son. Ở nhiều con đường vốn hè phố đã chật hẹp, người ta lại cắm thêm những cột cờ san sát, vừa gây khó khăn cho việc đi lại vừa tạo cảm giác lòe loẹt. Mới đầu thấy cũng vui vui, càng về sau càng nhiều người tỏ ra dị ứng với những trang trí kiểu như vậy.

Kiểu trang trí lòe loẹt hoa đèn, ngập tràn hoa hoét này, về sau còn được áp dụng cho thắp sáng ở các cây cầu mới xây lại ở Sài Gòn khiến nhiều người đi đường kêu nhức mắt. Người ta cũng thắc mắc không biết mỗi lần “giăng đèn kết hoa” như vậy ngân sách thành phố tiêu tốn bao nhiêu, dù rằng trên các cột đèn cột điện hai bên đường thấy có gắn những tấm biển đề tên các nhà tài trợ là ngân hàng này, doanh nghiệp kia. “Xã hội hóa”, vận động đóng góp chi phí trang hoàng, làm đẹp thành phố thì quá tốt, phải chi nó đừng lòe loẹt, phải chi nó sang trọng hơn.

Nhiều người ước, thay vì “giăng đèn kết hoa” đồng loạt như nhau trên nhiều tuyến đường, cắm cột cờ san sát trên các hè phố, người ta chọn một số ít công trình kiến trúc đẹp, mang tính biểu tượng để trang hoàng hoặc để chiếu sáng nghệ thuật về đêm khiến chúng trở thành những điểm nhấn đẹp lộng lẫy và sang trọng khó quên trong con mắt cư dân đô thị và du khách.

Nhưng đừng quên một thành phố đẹp trước hết là ở chất lượng sống.

Quỳnh Yên
Theo TBKT Sài Gòn Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad