Cha mi là nguỵ - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Cha mi là nguỵ



“Cha mi là ngụy!” Ông cán bộ xã đã nói như thế và đẩy tờ sơ yếu lí lịch về phía chị tôi. “Tại răng mi lại khai cha mi là nông dân?” Đó là câu chuyện xảy ra cách đây hơn 10 năm, khi chị tôi làm đơn xin việc và phải lên xã chứng cái gọi là “sơ yếu lí lịch.” Ở Việt Nam, đến bây giờ vẫn vậy, sơ yếu lí lịch không phải là tờ giấy giới thiệu kinh nghiệm, khả năng và kiến thức của bản thân mà là bản trình bày về yếu tố chính trị của gia đình. Trong sơ yếu lí lịch luôn có đoạn hỏi: Tên cha mẹ, trước 30/4/1975 làm gì? Sau 30/4/1975 làm gì? Ở đâu? Cơ quan nào? Nhiệm vụ gì? Chị tôi, có lẽ sợ bị từ chối công việc, nên đã ghi cả 2 mục trước và sau 30/4/1975 rằng cha tôi là nông dân. Chị tôi về nhà, cầm tờ giấy bị cán bộ xã phê vào ở dòng lý lịch của cha tôi: “trước 30/4/1975: theo ngụy quân ngụy quyền”, ngồi khóc ở bậc hiên. Tôi không nhớ rõ lúc đó cha tôi đã nói gì. Tôi chỉ nhớ người phê vào đó cũng là một người họ hàng trong gia tộc nhà tôi. Tôi không giận người đó nhưng tôi cứ hỏi tại sao, chúng ta cùng bà con dòng giống, cùng máu đỏ da vàng lại phải chỉ mặt một đứa hàng con cháu mà rằng: “Cha mi là ngụy!”

Tôi đang đọc cuốn sách Căn tính và bạo lực của Amartya Sen. Ông chỉ ra rằng người ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ những người mà họ nhận là có cùng identity (căn tính). Chính việc định danh tôi là cộng sản, anh là ngụy cùng với việc kích động chủ nghĩa dân tộc, cho rằng dù anh máu đỏ da vàng, dù anh là đồng bào nhưng anh theo ngụy, tôi phải tiêu diệt anh đã đẩy dân tộc này vào một cuộc chiến tang thương dai dẳng. Cũng cùng một cách thức ấy, những người Khmer Đỏ đã tàn sát những người anh em của họ, những người Nazi đã biến nước Đức thành một cơn ác mộng mà tới bây giờ, người ta vẫn còn đau đớn khi nhắc lại. Cơn say tiêu diệt của những người cộng sản không chỉ dừng lại ở sự kiện 30/4/1975 mà kéo theo sau đó là cuộc đọa đày của những con người bán mạng sống trên biển cả, là cuộc sống đói rách và truy bức của những người liên quan đến chế độ VNCH trong những trại cải tạo trên núi cao, là những tù nhân chính trị không hứa hẹn ngày về.

Để rồi 40 năm trôi qua, trong những ngày này, những người cộng sản lại tưng bừng cờ quạt để kỷ niệm cái gọi là “ngày giải phóng”, các phương tiện truyền thông truyền hình dày đặc những từ “xứng danh thành phố mang tên bác”, rồi “giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc” và những bài ca gợi nhớ bao nhiêu căm thù và xương máu. Tôi đang nhìn thấy một sân khấu bằng carton sặc sỡ, ở đó, những người cộng sản đang nhảy múa, ca hát, rồi chỉ trỏ vào đám đông mà rằng: “Này nhé, ngày này năm xưa nhé, ông đã chiến thắng chúng mày, ông đã nã pháo vào đầu chúng mày. Bây giờ, nào, chúng mày lặp lại đi, ông chiến thắng, chúng mày thua cuộc, và chúng ta làm hòa nhé.”

Tôi không thuộc về một nhóm người cầm cờ vàng đứng ở quảng trường Trocadéro hô vang “Đả đảo Cộng sản”, đốt cờ Việt Nam, ca bài ca tuyên thệ, nhưng tôi cảm thông cho họ, tôi hiểu nỗi đau mà họ đã và đang trải qua. Nếu anh đã từng chen chúc nhau trên những chiếc thuyền chật hẹp, trốn đi giữa đêm khuya, chứng kiến người thân chết hoặc bị hãm hiếp ngay trước mặt và sống sót, đợi chờ trong những trại tị nạn năm này qua năm kia, thì tôi nghĩ những cơn ác mộng đó sẽ còn hiển hiện trong anh mỗi khi đêm về. Lẽ ra những đau thương đó phải được an ủi, xoa dịu thì ngược lại, anh chà xát nó bằng cách nhắc tới nhắc lui mỗi năm như một sự tra tấn tinh thần. Hay chính anh cũng chưa bao giờ tin vào cái gọi là chiến thắng ấy? Hay chính anh đã thấy lý tưởng mình từng theo đuổi là sai lầm như Dương Thu Hương 40 năm trước bật khóc giữa Sài Gòn mà anh không đủ can đảm để nhìn nhận? Hay chính anh, những kẻ đã quen với súng ống, tra tấn, tuyên truyền, bàn tay không quen làm chuyện lương thiện, miệng lưỡi không quen nói lời yêu thương thì chuyện đồng cảm với nỗi đau của kẻ khác là điều quá xa lạ?

Người Âu châu từng đánh nhau 2 trận tang thương hồi đầu thế kỷ trước nhưng rồi cũng chính những người từ những quốc gia đã từng cầm súng giết nhau ấy đã ngồi lại để cùng xây dựng nên Liên minh châu Âu. Những ngày kỷ niệm về 2 cuộc chiến đó là những dịp để người ta tưởng nhớ những người đã hi sinh, nhìn lại những sai lầm họ đã mắc phải để tránh lặp lại những điều đó trong tương lai thay vì tung hê chiến thắng. Cư xử được với nhau như vậy, tôi cho là nhờ nền tảng văn hóa, văn minh tốt mà người Châu Âu có được. Với Việt Nam, tôi còn thiếu rất nhiều ngây thơ để tin rằng câu chuyện hòa giải như miệng lưỡi tuyên truyền sẽ trở thành hiện thực, bởi vì đồng cảm, yêu thương, dám nhìn nhận sai lầm không phải là tố chất của những kẻ thiếu văn minh và đê hèn.

Michiki
Theo blog Michiki

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad