Nỗi khổ của người sống - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

Nỗi khổ của người sống


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm ngoái có 67.823 doanh nghiệp phá sản, giải thể. Đây là những doanh nghiệp chính thức “cắt hộ khẩu”, chưa kể số tạm ngưng hoạt động đang làm ăn thua lỗ, đang hấp hối, lay lắt sống và số tự giải tán, mất tích, không báo tử... chắc còn nhiều hơn. Có 74.842 doanh nghiệp mới thành lập. Sinh - tử là chuyện thường tình của cuộc sống nhưng khi số tử và hấp hối nhiều hơn số sinh thì cơ cấu kinh tế sẽ teo tóp, mất cân đối và lâm trọng bệnh.

Thiên hạ bảo “người chết hết khổ”, chết là hết vì có biết gì nữa đâu, chỉ khổ cho người còn sống. Doanh nghiệp đóng cửa thì chỉ chết tên còn công nhân thì thất nghiệp, kéo theo hệ lụy là đời sống gia đình của họ đã vất vả lại càng thêm khó khăn. Giả thử mỗi doanh nghiệp có vài chục nhân viên thì số mất việc làm đã là vài triệu người! Các doanh nghiệp phá sản thường đã có một thời hoạt động ổn định. Còn các doanh nghiệp mới, như trẻ sơ sinh, không phải “Phù Đổng” mà vươn vai ngay thành dũng tướng. Phải mất vài năm chập chững mới trưởng thành. Nhiều doanh nghiệp chết, đồng nghĩa là thuế - nguồn thu chính của ngân sách quốc gia - từ thuế doanh thu, thuế lợi tức, thuế xuất nhập khẩu đến thuế thu nhập cá nhân - bị ảnh hưởng trầm trọng.

Trong khi đó, nhìn sang bộ máy hành chính vốn đã cồng kềnh lại không ngừng nở nồi. Việc lập thêm các quận huyện, các phòng ban và cả các tổ chức mới khiến biên chế muốn giảm cũng khó. Cả nước hô hào tinh giản biên chế nhưng cứ giảm được 2 thì lại tăng thêm 3. Tôi biết có một vụ của Chính phủ gồm 16 biên chế: 1 vụ trưởng, 1 vụ phó, 12 hàm vụ phó và chỉ có 2 chuyên viên. Tướng nhiều gấp mấy lần lính, lương nào mà trả nổi. Tất cả đều dựa vào nguồn thu thuế trong khi bệnh lãng phí lại ngày càng trầm kha.

Ngoài gánh nặng thuế đè trên vai, còn hàng trăm nỗi khổ mà chỉ người trong cuộc mới có thể hình dung, từ quà tặng, đãi đằng đến gửi gắm nhân sự, hay tham gia các show truyền hình từ thiện đến kỷ yếu đặc san vì có công văn, giấy giới thiệu của những người giữ trọng trách cao. Mời quảng cáo và tham gia hoạt động từ thiện mà như ra lệnh. Có chút chức quyền là ai cũng hoạch họe doanh nghiệp được.

Thuế và doanh nghiệp cũng giống cảnh sát và người tham gia lưu thông. Thuế sờ tới đâu là doanh nghiệp bị phạt tới đó, y hệt cảnh sát giao thông dừng phương tiện của dân, cỡ nào cũng bị phạt. Cảnh sát giao thông và thuế thay vì làm nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở thì cứ tìm sơ hở để phạt. Hầu hết các doanh nghiệp đều ít nhiều vi phạm về những nguyên tắc thuế nhưng chưa được nhắc nhở từ đầu. Đợi mấy năm mới quyết toán thì chuyện đã rồi, “cái nảy sảy cái ung” , “tình ngay mà lý gian”, thế là phải chịu phạt với mức lũy tiến.

Khi tìm hiểu các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), ai cũng kinh ngạc về sự phát triển thần kỳ của Dubai, một trong bảy tiểu vương quốc. Dubai toàn hoang mạc, dầu lửa chỉ chiếm 6% GDP (Việt Nam là 11%) nhưng nhờ chính sách thuế cực kỳ táo bạo đã làm nên kỳ tích thời đại. Dubai miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn cả thuế thu nhập cá nhân để mời gọi các nhà đầu tư. Doanh nghiệp thế giới đổ xô về Dubai, họ thuê nhà, sử dụng các dịch vụ, tổ chức sản xuất và xuất khẩu tại chỗ, tạo thêm vô số việc làm. Nhờ bộ máy gọn nhẹ, chính sách đúng, quản lý hiệu quả và tiết kiệm thế là giàu, dù xứ họ chả có tài nguyên gì ngoài cát hoang mạc. Doanh nghiệp Việt Nam không dám mơ như Dubai, chỉ mong bớt bị “hành là chính”; chỉ ước được đóng thuế minh bạch, công bằng, hợp lý và chỉ cầu tiền thuế được sử dụng hiệu quả.

Một trong những “Gót chân Achilles” của giáo dục phổ thông và cả đại học Việt Nam là gần như thiếu hẳn mảng giáo dục về thuế. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những vi phạm không đáng có, vô tình đẩy doanh nghiệp đến bờ phá sản. Mong sao những việc trên sẽ được khắc phục triệt để nhằm khoan sức cho dân, trong đó có các doanh nghiệp. Giải pháp rất giản đơn và ai cũng biết. Đó là tinh giản bộ máy, giảm chi, tiết kiệm, chống tham nhũng và lãng phí bằng hành động cụ thể chứ không hô khẩu hiệu. Vấn đề là có muốn làm, có dám làm và làm tới bến hay không.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng
TBKTSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad