Thư gửi Đoan Trang (P.3): “Dân chủ chụp mũ” hay làm gì cho dân chủ? - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

Thư gửi Đoan Trang (P.3): “Dân chủ chụp mũ” hay làm gì cho dân chủ?


Cô gái người Việt Nancy Nguyen từ California đến ủng hộ Hongkong

Đừng vội trách tuổi


Chào Đoan Trang! Tôi biết bạn từ lần nghe bạn đối đáp với cán bộ an ninh trong trại Lộc Hà. Từ đó, tôi hay đọc những bài viết của bạn trên nhiều nguồn khác nhau. Tôi nhận thấy chúng ta có một sự đồng điệu nhất định nào đó, lại nhân phong trào Hồng Kông, tôi viết lá thư trao đổi này, xoay quanh câu chuyện: Nền dân chủ nào cho chúng ta.

Hy vọng bạn sẽ lấy phiền hà vì hành vi này.


Chính trị hóa lớp trẻ


Tới thời điểm này (10/2014), thế giới vẫn dang hướng về những con người trẻ tuổi thông qua Joshua Wong (Hồng Kông) và Malala Yousafzai (Pakistan). Đó là những con người dám dấn thân đòi hỏi các quyền phổ quát của nhân loại cho chính đất nước của họ.

Còn lớp trẻ Việt Nam thì sao? Hầu hết “các nhà đấu tranh dân chủ” có xu hướng dè bỉu vì “đám trẻ” mải trong cái cuồng quay của màu áo xanh Đoàn TNCS, trong những bữa tiệc, sàn nhảy thâu đêm suốt sáng, thích thú với các màn cởi áo trên báo chí… mà không quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội nước nhà.

Nhưng nghĩ ngược lại, “phong trào dân chủ” ở Việt Nam đã làm gì để “khai trí” đối với thế hệ học sinh – sinh viên? Có tổ chức hội đoàn nào đã đưa những luận điểm về dân chủ thiết thực đến tầng lớp này? Một tầng lớp vốn bị chi phối có hệ thống thông qua sự tuyên truyền dày đặc của nhà nước (từ cấp mẫu giáo cho đến đại học, từ trong nhà với VTV1 cho đến khi ra đường với những chiếc loa truyền thanh), và những lời khuyên “thừa mứa”, dẫn sự thờ ơ, thụ động, nghe lời, và một nỗi sợ thể chế vô hình ngự trị.

Chưa! - Chúng ta thực sự chưa chú trọng, chưa chú ý đến vấn đề đào tạo một lớp thế hệ trẻ về chính trị - Một nguồn lực quan trọng trong việc quyết định số phận dân tộc, và là yếu tố then chốt duy trì sự bền bĩ trong phong trào đấu tranh dân chủ.

Khi tác giả Lê Quốc Quân đặt câu hỏi “Trách ai” thì chính tác giả đã tự trả lời: Vì những người lớn hèn kém mà tuổi trẻ bị thui chột. Đừng vội trách tuổi trẻ, hãy trách chính chúng ta.

Trách chúng ta vì để những “lời khuyên thừa mứa” tạo nên cái “gien sợ” thắng thế. Vì vẫn để cho lớp trẻ ngày nay mò mẫm trong cái bể internet.

Tất nhiên, vẫn sẽ có những bạn trẻ tự thoát ra khỏi lời khuyên đó và mò mẫm thành công, dẫn đến “phản ứng online” đối với những bất công xã hội. Nhưng chừng đó chưa đủ để khiến những bạn trẻ đó dám biểu lộ trạng thái chính trị ở ngoài đời. Chưa đủ để hình thành một lớp thanh niên dám bày tỏ thái độ chính trị công khai. Cái “gien sợ” vẫn khiến phần lớn thanh niên mãi không thể lớn lên được trong nền chính trị hủ bại.

Đảng cộng sản, ngay khi còn là một tổ chức Hội (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí), số lượng thành viên chưa nhiều, cũng đã chú trọng gắn kết chặt chẽ yếu tố tuyên truyền và đào tạo. Trong giai đoạn 1925 – 1927, đã tiến hành 10 khóa học chính trị; đưa người đi đào tạo quân sự ở Đại học Phương Đông – Liên Xô; Hoàng Phố - Trung Quốc.

Còn trước đó, nằm trong phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20, Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu dù đường lối đấu tranh khác nhau, nhưng hai cụ vẫn chú trọng đào tạo lớp người mới bằng cách đưa du sinh sang Nhật Bản; diễn thuyết, dạy học thông qua trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Các khóa học đó không những phổ cập về kiến thức thông thường, mà bao hàm cả phương pháp đấu tranh, mục tiêu đấu tranh, nhiệm vụ và vai trò từng cá thể theo học. Trên hết, là khơi dậy được sự can đảm, niềm tin, tiếp sức cho lý tưởng đấu tranh của mỗi người học viên.

Như vậy, chính trị hóa lớp trẻ thông qua sự ra đời các lớp đào tạo về kỹ năng, kiến thức (các quyền phổ quát nhân loại) đấu tranh, về hiện tượng chính trị - xã hội phải được xem là điều kiện tiên quyết nhất cho sự thành công hay không thành công của phong trào dân chủ. Nhất là khi chúng ta muốn có một thế hệ thanh niên dấn thân và dám lên tiếng. Chính các lớp đó (trực tuyến và bên ngoài) sẽ giúp cho thanh niên và những người xung quanh gọt bỏ lời khuyên an phận thủ thường, để có được tư duy phê phán cái xấu, cái ác trên cơ sở hành trang là trí thức độc lập.

Hiện nay, vấn đề dẫn dắt lớp trẻ chính trị vẫn hiện hữu, thông qua các hội luận về các vấn đề tư tưởng, tự do, dân chủ từ các nhân vật, sự kiện, tác phẩm lịch sử, hoặc đương đại. Những hoạt động như thế này tuy còn hạn hẹp về không gian tổ chức (ở Hà Nội là chủ yếu) nhưng đã tạo ra giá trị lan tỏa rất lớn, gắn kết tiếng nói của những bạn trẻ chung chí hướng lại với nhau. Tất nhiên, sự biểu lộ và hoạt động đó không phải vì cờ vàng hay cờ đỏ. Đơn giản, vì cái nhu cầu tự do, dân chủ của chính họ. Chính vì vậy, nó đã giúp cho không ít các bạn trẻ đả thông được tư tưởng, dẫn đến thái độ chính trị độc lập với nhà nước. Đấy chính là bước đi vững chắc cho việc hình thành một lực lượng/ phong trào Occupy Central thực tế tại Việt Nam.

Điều đó cho thấy rằng, thế hệ trẻ ngày nay không hẳn như thế hệ mà nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhận định là không ý thức, chẳng làm được cái gì cả vì đã được dẫn dắt, cho học chương trình Mác-Lê nin, đạo đức Hồ Chí Minh. Nếu bản thân chúng ta tiến hành “vận động giới trẻ”.

Vậy nên, đã đến lúc ngừng việc phê phán giới trẻ, và bắt đầu chuỗi hoạt động nhằm giúp giới trẻ có cơ hội được tìm hiểu kỹ hơn về xã hội, phê phán bất công xã hội. Điều này, làm gia tăng số lượng chủ thể độc lập ở Việt Nam, nhất là khi các hoạt động dẫn dắt đó nhắm vào số lượng cử nhân thất nghiệp đang có chiều hướng gia tăng lên trên mức 75.000 người. Để từ đó, kiến tạo nên một thế hệ, dõng dạc tuyên bố: Chúng tôi chỉ không muốn nhìn thấy thế hệ tiếp theo của mình mất tự do và trở thành những con rối.

Và một lời tuyên bố dõng dạc như vậy, sẽ tạo cảm ứng domino trong việc đả thông tư tưởng người xung quanh.

Tất nhiên, quá trình đào tạo lớp trẻ chính trị phải là quá trình truyền đạt tư tưởng tự do, dân chủ, chứ không phải là sự ve vuốt bằng những đồng tiền hay lợi quyền nào đó (như hứa hẹn cho ra nước ngoài). Và nó phải là quá trình đào tạo, hướng dẫn lâu dài, có bài bản, quy củ.

Trên báo Thanh Niên ngày 05/10, có một bài viết “Mình có một tuổi trẻ - để đánh mất tất cả”, trong đó có ý đáng lưu tâm: Khi vũ trụ nằm trong lòng bàn tay và nhen lửa trong trí óc những đứa trẻ, kẻ bịp bợm đừng hòng tước đoạt tự do của họ - tự do trong ý nghĩ – trong suy tư – và trong cách thay đổi thế giới gần bên họ.

Tự do trong suy nghĩ sẽ dẫn đến sự thay đổi số phận con người và dân tộc. Nhưng vẫn cần được dìu dắt ban đầu.


Gắn kết nhu cầu cơ bản với dân chủ


Nhà thơ Thái Bá Tân đã chia sẻ cái bệnh lãnh cảm chính trị qua bài thơ: “Không quan tâm chính trị.”/Anh tuyên bố chân thành./ Nhưng chính trị, rất tiếc,/Luôn quan tâm đến anh./ Chính trị là thực tế,/ Là cuộc sống, là đời./Anh không quan tâm nó/Thì kể cũng buồn cười.”

Trong cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông. Ngoài những cảnh tượng sinh viên đối đầu với cảnh sát thì còn có cảnh tượng người dân phản ứng đoàn biểu tình ở Hồng Kông (loại trừ yếu tố can thiệp của chính quyền đặc khu), vì cuộc biểu tình làm gián đoạn miếng cơm manh áo, và việc học hành của con cái họ: Đây là thứ chúng tôi không yêu cầu (không cần).

Những hiện tượng này ở Việt Nam diễn ra phổ biến hơn thông qua những lời khuyên. Khi mà cơm áo gạo tiền khiến mọi người quên đi cả sự “tự do, dân chủ” (vốn là gốc gác của no đủ).

Hiện tượng dân chủ bị chế nhạo là làm rối loạn nền trị an quốc gia, suy sụp nền kinh tế, khiến đất nước rơi vào chiến tranh, âm mưa của bọn phản động – đế quốc… có đầy trên các diễn đàn, mạng xã hội. Vấn đề là nó được rất nhiều người hưởng ứng, chia sẻ.

Có phải vì chính quyền đã hết sức thành công trong việc khiến một lớp người chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài? Hay là đã tạo ra một lớp người “quá già và an phận”? Điều đó có, nhưng rõ ràng, trong một xã hội, việc tiến hành cuộc đấu tranh dân chủ vấp phải sự cản trở là không lạ. Ngay như Martin Luther King trong cuộc đấu tranh cho quyền người da đen cũng vấp phải phản kháng của không ít người, nhưng rồi sao?

Nước Mỹ ngày hôm nay đã có một tổng thống da đen đầu tiên.

Phong trào đấu tranh dân chủ hiện nay ở Việt Nam không ngoại lệ, nhưng làm sao để người dân bài bác dân chủ ít hơn người dân ủng hộ và tham gia vào các hoạt động dân chủ (cần dân chủ)?

Trong tháp nhu cầu, khi cái ăn, cái mặc đã đủ (vật chất) thì người ta mới nghĩ đến cái xa hơn là dân chủ, tự do (tinh thần). Nhưng với đà này ở Việt Nam thì bao nhiêu là đủ? Ngay như hiện tại, Việt Nam là nước có thu nhập bình quân đầu người trung bình thấp (chứ không phải quá thấp), cái trạng thái lưng chừng đó đã dẫn đến tâm lý muốn yên ổn, tập trung làm ăn để cải thiện cuộc sống.

Việc chờ đợi đến thời điểm mà dân Việt Nam đủ về vật chất là sự hoang tưởng và thụ động. Chính vì vậy, phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam nên chủ động gắn mình với nhu cầu cơ bản của nhân dân. Ngắn gọn là làm sao để đưa cái dân chủ, trở thành một khái niệm gần gũi hơn với người dân, cơ bản như nhu cầu ăn, ngủ.

Nhận định này là có cơ sở khi thực trạng bi đát về kinh tế, những bất công của xã hội đang ngày càng khiến nhu cầu dân chủ, tự do đi đến bức thiết. Nhưng sự bức thiết đó phải được các hội đoàn dân sự nắm bắt lấy. Tìm cách đưa sự quan tâm của người dân (chủ yếu giới trẻ) từ showbiz Việt với những Kenny Sang, Ngọc Trinh… sang chất bảo quản, ung thư, nước uống nhiễm hóa chất… rồi lên dần xả thủy điện, cắt điện, nạn chiếm công vi tư…

Tôi tin rằng, hoạt động thúc đẩy dân chủ, tự do trở thành cơ bản đó sẽ trở thành hiện thực. Vì tới thời điểm hiện giờ, các hội đoàn dân sự đã làm khá tốt bước đầu của nó (trên cơ sở mang tính chất tuyên bố/ thử ngỏ) như: Tuyên bố 258, phong trào Tôi muốn biết, phát tài liệu Quyền con người, Kiến nghị/ thư ngỏ về các hành vi qui phạm Nhân quyền…

Giai đoạn tiếp theo là đa dạng hóa cách thức gắn kết dân chủ với thực tiễn xã hội. Ví như, vấn đề bức cung của ngành công an đang gây bức xúc trong xã hội, nếu các Hội đoàn hợp lại, khởi phát lại phong trào “Stop Police killing civilians” trước đó, nhưng thay vì qua hình thức truyền thông như thư ngỏ/kiến nghị/tuyên bố… thì lần này sẽ tiến hành việc thu thập thông tin, chứng cớ, tố cáo, lên án cũng như có hình thức chia sẻ với gia đình nạn nhân, đưa sự hiện diện của hội đoàn đến gia đình nạn nhân thì tôi tin, sức ảnh hưởng sẽ rất lớn. Một ví dụ khác, là trong ba tháng cuối năm, thường là mùa bão lũ rét, nếu các hội đoàn hợp sức lại, làm chương trình chia sẻ mùa đông/ mùa bão lũ (thông qua hỗ trợ thông tin, vật chất) ở các vùng dân tộc Tây Bắc, Tây Nguyên gắn kết với việc lên án nạn phá rừng “hợp pháp” và các dự án thủy điện lợi ích nhóm cũng là cách gắn kết phong trào đấu tranh dân chủ vào thực tiễn đời sống người dân.

Nói thẳng ra, với việc đi sát các sự kiện của xã hội và bổ trợ cho tiếng nói người dân trước các ung nhọt xã hội, sẽ từng bước giúp cho người dân nhận thức được rằng, nước có thể lật được thuyền. Xóa bỏ sự vô cảm về chính trị trong trong dân, đưa đến nhận thức “chính quyền phải sợ dân, chứ không phải dân sợ chính quyền” – Và đây chính là hệ dân chủ sống động thực tiễn mà người Việt Nam đang cần.

Ngoài ra, việc tiến hành phong trào dân chủ thực tiễn, cũng là xóa bỏ quan niệm cố hữu bấy lâu nay, khi đánh đánh đồng giữa “đấu tranh dân chủ” với “xóa bỏ Đảng cộng sản”. Dẫn đến bản chất không còn là phong trào dân chủ nữa mà trở thành một cuộc cách mạng xóa bỏ Đảng cộng sản. Chính yếu tố đánh đồng trên dẫn đến việc, nhóm hay cá nhân đấu tranh đều bị đàn áp không thương tiếc, và các giá trị dân chủ bị chính quyền lợi dụng để tuyên truyền, khép tội. Dùng thành quả quá khứ để đánh vào phong trào, lấy xáo động trật tự trị an nhằm răn đe, sai lệch hóa nhận thức của nhiều người. Khiến cho phong trào dân chủ Việt Nam rơi vào những bước đi chậm chạp, số lượng người quay lưng với dân chủ nhiều hơn số lượng người ủng hộ dân chủ.

Xã hội Việt Nam đang thay đổi, và lối tư duy dân chủ già cỗi, cần phải loại bỏ. Đi sâu, đi sát vào đời sống của người dân, nghe và hiểu người dân cần gì, muốn gì để lên chương trình hoạt động.

Lối xây dựng phong trào như thế sẽ tạo ra một xu hướng ủng hộ dân chủ thực sự như thế ấy. Vì đấu tranh dân chủ, theo đuổi chính trị để thúc đẩy nền dân chủ, xây dựng nền dân chủ Việt Nam suy cho cùng cũng là thay đổi nhận thức chung của đông đảo người.

Có nên “bài cộng sản”?



Từ ngôi sao 5 cánh đến những người cộng sản


Một căn bệnh đang tồn tại trong cộng đồng dân chủ hiện nay là căn bệnh đào thải cộng sản triệt để. Tất cả những gì liên quan đến cộng sản đều phải được bài trừ. Từ ngôi sao năm cánh cho đến những bài viết có hơi hướng nhìn nhận các thành tựu của cộng sản, cho đến những người cộng sản đã, đang tham gia đấu tranh dân chủ.

Đoan Trang mến, tôi có cảm giác rằng dân chủ ở Việt Nam vẫn là sự nhạy cảm. Như một con nhím sẵn sàng xù lông để chống lại những yếu tố cộng sản, để rồi từ đó, hầu hết đi theo con đường bài bác cộng sản.

Ở hải ngoại thì, trong ngày 2/9 vừa qua, khi Tòa đô chánh Ottawa treo cờ Việt Nam, thì gặp ngay sự phản đối của cộng đồng người Việt vì lý do… cộng sản. Trong khi, ông Đô trưởng Ottawa Jim Watson cho biết, việc treo cờ đỏ sao vàng đơn thuần vì nó nằm trong lá cờ đại diện quốc gia của 120 nước mà Bộ ngoại giao Canada thừa nhận từ năm 2006.

Một nhà hàng ở Dallas, Texas buộc phải thay đổi biểu tượng logo - ngôi sao màu đỏ, lý do, những người Việt tị nạn ở đây thấy nó giống “biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản”. Thay vì chú ý đến mục đích của nhà hàng là mở tiệm bán bánh mì thịt heo kiểu Việt Nam đầu tiên ở Mỹ. Trong khi trước đó, Tòa án Nhân quyền Châu Âu (trụ sở tại Strassbourg), tuyên bố biểu tượng đó là của phong trào công nhân, cánh tả chứ không phải nền độc tài. [1]

Ở trong nước, tư duy ám thị “cộng sản” thu nhỏ lại, nhưng bản chất không đổi thông qua thái độ, hành vi khiêu khích, bôi bác, nhục mạ cờ đỏ sao vàng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Trạng thái quay lưng ấy, lấn sân sang cả những người cộng sản và từng phục vụ trong chính quyền. Hầu hết đều bị nghi ngờ, châm biếm, đả kích, đều bị cho là “tay sai, nằm vùng, mật thám, an ninh cộng sản”…

Trước là Trịnh Công Sơn, Đơn Dương, Bùi Tín, sau này là Thích Nhất Hạnh, Nguyễn Huệ Chi, Lê Hiếu Đằng, Nguyễn Quang A, Lê Hiền Đức, Trần Độ, Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, Nguyễn Thanh Giang, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Anh Hùng, Phạm Chí Dũng…

Sự ám ảnh về “ván bài lật ngửa” khiến cho phong trào đấu tố trong giới dân chủ diễn ra thường xuyên. Dù rằng, nhìn tổng thể của phong trào dân chủ hiện nay, từ những kiến nghị, thư ngỏ cho đến các tổ chức dân sự, thì những người từng là cộng sản, từng phục vụ trong chính quyền vẫn đang đi đầu/ dẫn đầu trong công cuộc đấu tranh. Bởi những ai càng hiểu về Đảng cộng sản và chế độ thì họ càng có khả năng dẫn dắt cuộc đấu tranh dân chủ đi từng bước vững chắc, thành công hơn. Về lâu dài, chính những người đó sẽ diễn biến Đảng, là lực lượng cốt yếu nhất giúp xoay chuyển chế độ. Chính vì lý do đó mà, hệ thống Đảng vẫn luôn đặt cao mục tiêu chống tự diễn biến trong Đảng.

Rõ ràng, tâm thế dân chủ kiểu “nhìn đâu cũng thấy vi trùng” ở người cộng sản, sự dị ứng đến mức cực đoan lá cờ màu đỏ đã không cho thấy lợi ích nào cho sự phát triển dân chủ, mà ngược lại, nó đang cản trở một cách gay gắt. Nếu khiến cho phong trào dân chủ không thể mạnh mẽ lôi cuốn được những người “không có cảm tình với chính quyền” vào hàng ngũ, trong khi đó, lại đẩy những người cộng sản đang tham gia phong trào đấu tranh (thực sự) hiện nay rơi vào tình trạng đứng giữa hai luồng đạn.

Chưa kể sự “bày trừ cộng sản bằng mọi cách” khiến cho một số cá nhân, tổ chức đấu tranh dân chủ Việt Nam dễ rơi vào tình trạng nôn nóng, vội vàng sử dụng các thông tin (chưa xác cứ, nặc danh); viết những bài có tình tiết hư cấu, bịa đặt, thậm chí mạo danh, mạo tin (không dẫn chứng)… nhằm vào một cá nhân hoặc chính tổ chức cộng sản trong trận tuyến truyền thông. Khiến cho các thông tin đầy lỗi sơ hở đó, được chính quyền (thông qua các cây bút trên báo nhà nước) sử dụng lại để tấn công vào phong trào dân chủ. Làm người dân (đặc biệt là thanh niên) quan tâm đến vấn đề dân chủ, tự do ở Việt Nam chỉ biết ngán ngẩm khi nhìn vào.

Trong khi đó, người được lợi là ai?

Chính quyền! Vì họ đã gieo mối nghi ngờ, và khiến cho những cá nhân dân chủ đối đầu nhau. Vì họ lợi dụng sự nôn nóng, vội vàng nhưng thiếu suy nghĩ trong việc chống lại Đảng cộng sản.

Cụ Phan Bội Châu trong Việt Nam quốc sử khảo cũng đã chỉ ra rằng: Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất.

Lẽ nào, xã hội dân chủ mà chúng ta hướng tới là là như vậy sao?

Tôi hoài nghi về điều đó, Đoan Trang ạ. Và tôi cố gắng xoa dịu sự trăn trở đó bằng ý niệm, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của nền dân chủ.

Có lẽ, giới đấu tranh dân chủ cần phải xác định rõ ràng, rạch ròi giữa những người cộng sản và những người mang danh cộng sản; cờ đỏ sao vàng với thể chế hiện tại.

Đồng thời, chúng ta học cách tôn trọng đối phương ngay cả trong cách hành xử với các sự kiện, nhân vật trong lịch sử. Phải có lập luận, quan điểm, lập trường, dẫn chứng, tuyệt đối tránh sự công kích, bôi nhọ bằng mọi cách. Làm như vậy, vô tình dẫn đến sự phản cảm, khiến cho những ai khi nhìn vào chỉ thấy mỗi sự cực đoan.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới chấm dứt được cái thực trạng, ai chửi rủa chính quyền nhiều nhất, bài trừ cờ đỏ sao vàng kịch liệt nhất, bài trừ những người cộng sản hoặc từng phục vụ trong chính quyền gay gắt nhất, chính là những “nhà dân chủ nhất”.

Nếu cực lực bài bác kiểu như vậy, thì phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam không khác lắm so với phong trào đập phá nhà máy, xí nghiệp ở Bình Dương… chỉ vì thấy bảng hiệu là chữ tượng hình.

Vậy nên, hãy tạo ra lợi ích số đông, trước khi bàn về màu cờ, người cộng sản. Và thay vì bày trừ thì nên học hỏi, học hỏi không chỉ dừng ở các kiến thức về bất tuân dân sự, từ kinh nghiệm của phong trào đấu tranh dân chủ ở các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới; mà học cả trong lịch sử Đảng cộng sản với quá trình hình thành và phát triển; học ở cả cách thức họ tuyên truyền và vận động cuộc cách mạng…


Học hỏi người cộng sản


Phong trào đòi tự do, dân chủ hiện nay đi theo hướng bất tuân dân sự, thông qua việc hình thành các tổ chức xã hội dân sự.

Việc học hỏi về phương pháp đấu tranh nêu trên, cách thức vận hành xã hội dân sự, lẫn tìm hiểu kinh nghiệm các phong trào đấu tranh khác đã hoặc đang xảy ra trên thế giới là điều cần thiết.

Ngoài việc, thâu nộp những người cộng sản “chia tay ý thức hệ” thì học hỏi người cộng sản trong việc xây dựng và phát triển lực lượng cũng là cách giúp cho phong trào dân chủ tại Việt Nam phát triển mạnh trên cơ sở hiểu hơn về “đối phương”.

Đấu tranh dân chủ, tự do trong thể chế hiện nay, càng hiểu nhiều về Đảng cộng sản bao nhiêu thì càng có lợi bấy nhiêu. Từ tính cách, nhận định, quan điểm của những người cộng sản qua hồi ký, bài viết, phỏng vấn cho đến tìm hiểu về quá trình thành lập, hoạt động của Đảng cộng sản qua những bộ lịch sử Đảng toàn tập; lịch sử đảng bộ; tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nhiều người hoạt động trong phong trào dân chủ hay chỉ trích những người cộng sản là bậc thầy tuyên truyền, là những kẻ tẩy não. Nhưng tôi nghĩ lại, nếu những người hoạt động phong trào dân chủ mà học được cách tuyên truyền của người cộng sản thì tình hình lại tốt hơn. Tất nhiên, sự tuyên truyền đó đảm bảo bằng một nền tảng dân chủ, sẵn sàng thực hiện các lời tuyên truyền đó ở hệ thống chính trị - xã hội tương lai.

Học cách đưa tuyên truyền qua mạng lưới truyền thông trở thành tiêu chí cao nhất trong thực hành dân chủ, phải đảm bảo nó mang tính triệt để, hệ thống nhằm làm cho nguồn thông tin len lỏi đến mọi ngõ ngách của xã hội.

Học hỏi cách thức vận hành một tổ chức, tính kỷ luật của tổ chức, cách tập hợp lực lượng người từ con số 0 của Đảng cộng sản, cho đến bài học về tuyên truyền (báo chí, văn thơ…); tiếp xúc tầng lớp; về vấn đề triển khai các phương thức và mục tiêu cách mạng trong từng thời kỳ là những bài học đáng giá về thu hút lực lượng. Ví như: thời điểm năm 1936 – 1939, Đảng cộng sản đã quyết định chuyển nội dung đấu tranh chung chung của giai đoạn trước đó (1930 – 1931) là chống phát xít, bảo vệ hòa bình, đòi tự do dân chủ sang chống pháp xít, đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình… Sự chuyển hướng về mục tiêu, phương pháp đấu tranh đó đã cho thấy người cộng sản khôn khéo đến thế nào khi bám sát sườn vấn đề dân sinh nhằm thu hút sự chú ý và bổ sung lực lượng cảm tình.

Hay như cái cách mà tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đồng chí đã làm nhằm gia tăng lực lượng hội viên là thông qua việc xác định giai cấp đấu tranh chính là công nhân, năm 1928, qua đó tiến hành chương trình “Vô sản hóa”, đưa người vào sinh hoạt cùng công nhân. Dẫn đến số hội viên từ 300 người (1928) tăng lên 1.700 người (1929).

Học ở cả tính kỷ luật về mặt tổ chức, thống nhất về mặt tư tưởng đấu tranh ở người cộng sản.

Vì chúng ta đang thiếu và yếu. Cụ thể, chúng ta xác định tầng lớp nào là chủ chốt của cuộc đấu tranh? Mục tiêu đấu tranh trước mắt, lâu dài của chúng ta là gì? Đảng cộng sản có phải là đối tượng đấu tranh hay những kẻ tư bản đỏ mới chính là đối tượng? Phương pháp hoạt động của các hội đoàn là gì? Có bao nhiêu tổ chức chú ý về vấn đề kỷ luật và đào tạo nhân sự ban đầu và các hoạt động đề ra trong thời điểm từ đây đến ĐH Đảng Cộng sản XII (2016) nhằm quy kết lực lượng, cảm tình viên?...

Tổ chức ra đời trong thời gian vừa qua là điều tốt, vì nó khắc chế được tình trạng manh múng, đấu tranh theo dạng cá nhân hoặc phụ thuộc bởi các tổ chức ở bên ngoài. Tuy nhiên, tổ chức đó phải đúng là một tổ chức về mặt tính chất, trong đó bao gồm cả chương trình hoạt động, kỷ luật, tài chính, lực lượng để biết rằng nó đang “sống” trong thực tiễn xã hội chứ không phải đang “tồn tại”. Lấy ví dụ tổ chức Lao Động Việt chẳng hạn, tổ chức này có thể tiến hành cho người vào làm công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung, khu công nghiệp Sóng Thần, Việt-Sing; Biên Hòa... Vừa làm việc, vừa sống, vừa tuyên truyền thì lượng công nhân hiểu biết quyền lợi và đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn của Công đoàn sẽ khởi phát. Đặc biệt là sự hiểu biết về quyền tự do, dân chủ, khi mà lượng công nhân có trình độ CĐ-ĐH bắt đầu tăng lên (hệ quả của nền giáo dục cung hơn cầu), nhưng đời sống về tinh thần, vật chất không ổn định.

Đây là điều mà các hội đoàn dân sự hiện nay cần lưu tâm và học hỏi (không định kiến). Cũng là giúp cho phương pháp đấu tranh bất tuân dân sự ở Việt Nam không rơi vào thế thụ động.

---

[1]. http://www.european-left.org/fr/positions/news-archive/european-court-human-rights-ruled-against-hungarian-state-cases-related.

Hiện tượng dân chủ chụp mũ


Ngoài việc chụp mũ một cá nhân, tổ chức là tay sai cộng sản thì một hiện tượng phổ biến khác diễn ra trên các mạng xã hội là chụp mũ dư luận viên và xỉ nhục chức danh này.

"Dư luận viên" Nguyễn Văn Minh. Ảnh: Facebook Nguyễn Văn Minh
Đó là thói quen thường thấy, chúng ta đang trên đường đấu tranh cho một nền xã hội dân chủ, nơi sự bất đồng chính kiến được tôn trọng. Nhưng một số người chưa hiểu hết được điều đó. Bất cứ ai, bất cứ điều gì trái ý họ liền bị chụp mũ là dư luận viên và xỉ nhục nó dưới cái tên “dư lợn viên”, “dân ba củ”.

Chúng ta nhân danh tự do ngôn luận, mong muốn thiết lập các giá trị phổ quát nhân loại tại Việt Nam. Nhưng rõ ràng, chúng ta cần phải học cách ứng xử/ thái độ dân chủ. Mặc dầu, không ngớt nói đến vấn đề tự do, dân chủ.

Vậy nên, trừ khi có bằng chứng chắc chắn, còn không, thì không ám chỉ, không áp đặt danh xưng “dư luận viên” lên bất cứ người nào. Vì hành vi đó tương đương với hành vi “bịt miệng đối phương”. Đối với một số người đã rõ ràng là “dư luận viên” thì cũng tránh xúc phạm nhân phẩm, danh dự của họ, nghề nghiệp của họ như: “dư lợn viên”.

Ông Trần Nhật Quang hay cô sinh viên Hoàng Thị Nhật Lệ, kể cả tác giả Nguyễn Văn Minh (hay viết bài đả kích người hoạt động dân chủ trên báo Quân đội nhân dân)… chưa phải là người nói điều hay lẽ phải. Nhưng rõ ràng, họ có quyền được nói lên suy nghĩ, chính kiến của mình mà không phải đối mặt với sự sỉ nhục dưới các ám ngữ khác nhau.

"Dư luận viên" Trần Nhật Quang.
Dân chủ, đến từ đối thoại, tranh luận dựa trên sự tôn trọng, chứ dân chủ không đến từ việc chụp mũ nhau bằng mọi giá. Dân chủ không phải là sự kêu gào hay quan điểm ngoài môi, mà dân chủ là sự thực hành liên tục tinh thần cũng như đạo đức dân chủ. Trong đó bao hàm tự do và tôn trọng sự tự do (về mặt ngôn luận, học thuật…).

Khi chúng ta xác định đường lối đấu tranh bất tuân dân sự và đấu tranh cho dân chủ, thì từ hành động cho tới lời nói phải ôn hòa và dân chủ (dân chủ từ cơ sở). Tránh mọi khiêu khích có thể xảy ra và bản thân phải biết chấp nhận cả bất đồng chính kiến.

Xin đừng nhìn vào Joshua Wong và những bạn trẻ Hồng Kông mà chỉ thấy mỗi ngưỡng mộ, hãy nhìn vào đó để học hỏi cách ứng xử của các bạn ấy: văn minh, lịch sự, ý thức rất cao về tự do dân chủ. Nhìn để giảm bớt thái độ cho đến lời nói mang phong thái “chợ búa”, đôi co, chửi rủa, thách thức các lực lượng chức năng, vì những điều đó chỉ tạo cớ cho họ (chính quyền) hành xử một cách bạo lực.

Tôi hiểu những người đang dấn thân đấu tranh cho dân chủ, tự do ở Việt Nam hiện nay không phải là Đức Phật hay Chúa Jesus về mặt quyền năng, nhưng bản năng của một người đi đầu trong đấu tranh dân chủ là sự cảm hóa, tránh mọi lời nói thóa mạ, mạ lị những đối tượng đứng bên kia. Tôi hiểu rằng, Việt Nam không được hưởng cơ sở dân chủ như Hồng Kông, nhưng không vì thế mà chúng ta làm biến chất dân chủ được.

Bởi muốn hình thành nên một xã hội dân chủ bền vững, chứ không phải là một xã hội vô chính phủ về sau, thì những người trong phong trào dân chủ cần nhận thức đúng về dân chủ thông qua thái độ của mình. Và sự cốt yếu, tính hữu dụng của cách hành xử dân chủ trong từng chặng đường đấu tranh mới là điểm cần đến, chứ nó không được tính bằng một vài cuộc họp báo, hay được phỏng vấn bởi báo chí nước ngoài.

Có như vậy, thì xã hội dân chủ ở phía trước sẽ là một xã hội dân chủ thực sự với một nhà nước pháp quyền thực chất. Nếu hiện tượng “chụp mũ” dân chủ đi sâu vào thành bản chất thì nền dân chủ về sau sẽ không khác gì nền dân chủ nửa mùa sau “cách mạng” như Ukraina, Nga….

Xã hội dân sự, suy cho cùng cũng chỉ là tập hợp nhiều nhóm người, đa tiếng nói, nhưng lại cùng một mục tiêu. Nơi tạo ra lớp người để phần lớn dân tộc này đủ tin mà đi theo.

Do đó, để tránh hiện tượng dân chủ chụp mũ phá hoại phong trào từ bên trong. Những cá nhân, tổ chức đấu tranh dân chủ nên học tập cách hành xử dân chủ của nhóm Thái Độ vào cuối thập niên 60, đầu 70 ở Sài Gòn. Nhóm từng có lập trường chống cộng sản vì không chấp nhận phương thức làm cách mạng, chứ không phải chống lại việc làm cách mạng của họ. Chống lại chính sách Hoa Kỳ tại Việt Nam chứ không chống Hoa Kỳ. Và chủ trương thực hiện cách mạng xã hội (không cộng sản).

Hay mới đây, có một nhóm bạn trẻ công khai tự xưng là dư luận viên (Sài Gòn), tôi hy vọng rằng, chúng ta sẽ tập dượt về cách hành xử dân chủ qua cách đối luận với nhóm bạn này trong nhiều vấn đề liên quan đến đất nước.

Chế độ dù có bất công đến mấy, nhưng chừng nào chưa xây dựng được lớp người có đủ trình độ nhận thức về “dân chủ, bất tuân dân sự, ôn hòa” thì tiến hành lật đổi hay thay đổi thể chế là điều không nên. Đó là lý do vì sao, đã có ý kiến rằng, phong trào đấu tranh dân chủ hiện nay nên bắt đầu quay trở lại con đường của cụ Phan Châu Trinh.


Bảo vệ và ghi nhớ


Đoan Trang thấy mừng không khi thấy Hội Bầu bí tương thân ra đời vào cuối năm 2013 và Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam ra đời vào ngày 18/02/2014? Đối với tôi, nó là sự phấn khởi đến tột cùng, vì đến giờ này, chúng ta cũng có một tổ chức để nhắc nhở nhau không quên những nhà đấu tranh dân chủ đang bị giam cầm.

Có một thời điểm, mà người đấu tranh rơi vào trạng thái cô đơn, khi họ dấn thân mở đường cho một nền tảng tương lai dân chủ Việt Nam, nhưng bị bỏ rơi ngay khi bước vào tù, bị bơ vơ khi ra tòa, và bị lãng quên sau khi được tha.

Trong bài “Chân dung một người tù bị lãng quên” của tác giả Huỳnh Trọng Hiếu trên Dân Luận, đã cho thấy điều đó, khi bác Nguyễn Tuấn Nam, một tù nhân chính trị vừa mới thi hành xong 18 năm tù trong tổng số 19 năm mà Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên phạt đối với cá nhân ông. Khi “Trên thực tế, chúng tôi không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ đảng Nhân Dân Hành Động hay cá nhân ông Nguyễn Sỹ Bình. Tôi là người tiếp xúc và trao đổi thường xuyên với ông Bình cũng như nhiều nhân vật lãnh đạo khác ở Hoa Kỳ và Âu châu trước khi tôi bị bắt. Tuy nhiên, tôi không nhận được sự hỗ trợ nào, trong suốt quãng thời gian bị giam cầm trong lao tù, tất cả anh em trong tổ chức cũng không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào. Có vài người đã chết vì không được viện trợ”.

Đó là cách thức vắt chanh bỏ vỏ mà những “nhà đấu tranh dân chủ” Việt Nam trước đó đã làm. Cách hành xử ấy vắt kiệt nguồn nhân lực dám dấn thân, và bằng cách đó, nó triệt tiêu gần như hoàn toàn sự phản kháng tại Việt Nam. Và xin đừng đổ tội này cho cộng sản, tay sai cộng sản.

Thứ hai là, hiện nay, phong trào dân chủ ở giai đoạn đầu, đang còn rối về mặt tổ chức lẫn hướng đi. Và tôi thấy, chúng ta đang tiến hành một nền dân chủ diễn thuyết bằng cách vận dụng mạng xã hội.

21 tổ chức ra đời, mỗi một tổ chức đều mang những cái tên khác nhau. Nhưng đúng như Đoan Trang nhận định, vấn đề trùng lắp nhiệm vụ hoặc khái quát mục tiêu của từng tổ chức Hội vẫn là vấn đề đang gặp phải.

Đấu tranh cho dân chủ là mục tiêu chung, là cách nói khái quát. Nhưng cụ thể nó là gì?

Hội nhà báo Độc lập là nơi truyền tin tức, phản biện xã hội thì tổ chức Lao Động Việt phải là nơi tiếp xúc và đấu tranh lợi quyền cho người lao động.

Một số Hội như Bầu bí tương thân và Hội Cựu tù nhân lương tâm; Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo có trùng lắp nhiệm vụ không? Hội đồng Liên Tôn và Hội Cao Đài là về mặt tôn giáo, bảo vệ tự do tôn giáo, vậy thì Hội Bảo vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo có trùng lắp không?...

Sự ra đời của một hội đoàn bất kỳ là điều đáng mừng, nhưng nếu cứ tiếp tục ra đời, mà không đi sâu – đi sát về mặt nhiệm vụ thì dẫn đến hiện tượng “lạm phát tổ chức”.

Nhiệm vụ chung chung là đấu tranh dân chủ luôn được nhắc đến, nhưng đấu tranh thực chất, theo từng tiêu chí Hội thì lại ít được chú trọng. Do đó, trùng lắp, lặp lại, chồng chéo nhiệm vụ là điều khó tránh khỏi.

Mục đích ra đời của các tổ chức Hội là tập hợp các cá thể rải rác, trở thành một cộng đồng với nhiệm vụ chung nhất. Nhưng trong tình hình hiện nay, mỗi hội đoàn dù nhiều, nhưng số thành viên (thậm chí là lãnh đạo/ điều hành) lại rải rác, một người nhiều Hội, Đoàn. Thì đó cũng là sự tái rải rác dưới một hình thức khác mà thôi.

Dân chủ là gì? Đơn giản chỉ là cách thức để hiện thực hóa những điều cơ bản ở người dân.

Vì vậy, nếu một hội đoàn bất kỳ tồn tại chỉ góp phần làm dài thêm danh sách thì Đoan Trang có nghĩ nên tự giải tán hoặc là tiến tới sáp nhập hội lại với nhau nhằm tăng thêm nguồn lực, nhân lực hay không?

Vì chỉ có làm như thế, thì mới có chuyển biến từ lượng sang chất, tính chặt chẽ tăng lên, tính lỏng lẻo, tự phát giảm xuống. Khắc chế được trường hợp mạnh ai nấy làm như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc duy trì nền tài chính độc lập và minh bạch, từ đóng góp của thành viên lẫn đóng góp bên ngoài, các hội đoàn cũng cần chú ý tiến hành các hoạt động kinh doanh bên lề để gia tăng quỹ hội.

***

Không ai biết được tương lai, nền chính trị - xã hội Việt Nam sẽ trải qua những biến cố nào. Nhưng ở vị trí là những người quan tâm đến vấn đề thịnh vượng quốc gia thông qua việc từng bước đấu tranh và giành lấy quyền tự do, dân chủ căn bản ở hiện tại và tương lai cho mỗi người Việt. Tôi tin, chúng ta sẽ quyết định được việc chúng ta là ai, chúng ta hành xử như thế nào, chúng ta đấu tranh ra sao, và xã hội mà chúng ta gây dựng dân chủ, tự do đến mức nào?

Do đó, dù tôi không mong mỏi hay kỳ vọng quá lớn vào các tổ chức, cá nhân đấu tranh dân chủ hiện nay, nhưng thông qua các hoạt động trong thời gian qua, tôi biết, đó là tia hy vọng duy nhất mà mình có thể tin vào.

Và tôi biết, chúng ta còn một quãng đường đi dài hơi, nhưng tôi và bạn bằng sự học hỏi không định kiến và thái độ ôn hòa, bằng tinh thần dân chủ lẫn trách nhiệm dân chủ, bằng việc hành xử đúng như một chủ thể/ tổ chức dân chủ thực sự, rũ bỏ đi sự cực đoan, mạo danh vốn gây nhiễu thông tin bấy lâu nay… Sẽ xây dựng được một nội lực dân chủ đủ mạnh, cùng với ngoại lực, dốc sức đưa hai tiếng Việt Nam vươn mình lớn dậy một lần nữa. Và khi đó, hai tiếng Việt Nam là hai tiếng tự hào ở một xã hội tự do dân chủ thực sự, chứ không còn là hai tiếng tủi nhục, cay đắng và bĩ cực như ở xã hội hiện tại.

Và đấy, đấy sẽ là cách hành xử dân chủ, hướng đi dân chủ và là nền dân chủ mà chúng ta tìm đến! Đoan Trang ạ!

Lê Trân Ký
Theo VNTB

1 nhận xét:

  1. Việt Nam Dân chủ - Tiến bộlúc 19:51 19 tháng 10, 2014

    http://bolapquechoa.blogspot.com/2014/10/tri-thuc-loai-3.html

    Trả lờiXóa

Post Bottom Ad