Điều kiện cần và đủ cho nghĩa vụ quân sự tại VN - phần 2 - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Điều kiện cần và đủ cho nghĩa vụ quân sự tại VN - phần 2


Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia một buổi diễu hành.


Nghe bài tường thuật phần 1
Ủy ban thường vụ quốc hội Việt Nam hiện đang bàn thảo về việc sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2013, trong đó có 1 số điểm đáng chú ý liên quan đến các trường hợp được tạm hoãn hoặc miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đó là câu chuyện ở hội trường Quốc hội tại Hà Nội. Hôm nay, diễn đàn bạn trẻ xin mời quý vị các bạn cùng nghe những chia sẻ của Tiến Trung, Minh Hiển và Trường Sơn về đề tài này.

Chân Như: Trong phiên thảo luận về việc sửa đổi Luật NVQS, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai nói: “Ở Hàn Quốc, mọi thanh niên đến tuổi đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự”. Vậy Theo các bạn, tình hình Việt Nam hiện nay là trong thời chiến hay thời bình, có giống Hàn Quốc hay không, kể cả những vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo và Hoàng Sa, cùng với 1 số đảo đá tại Trường Sa bị mất đang hiện hữu ?

Minh Hiển: Tôi cho rằng Việt Nam có một số đặc thù hơi khác so với Hàn Quốc bởi vì ở hai miền Nam Bắc Triều Tiên năm 1953 họ mới chỉ đạt được thỏa thuận ngưng bắn. Như vậy trên danh nghĩa họ vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Ngoài ra cộng với sự đe dọa thường xuyên hiện hữu từ phía Bắc Triều Tiên nên khiến Hàn Quốc phải duy trì một chính sách quốc phòng. Còn Việt Nam có thể nói vẫn đang trong thời bình. Tuy nhiên, Việt Nam có một số lãnh thổ đang bị Trung Quốc chiếm đoạt, cộng với một vài tuyên bố đe dọa căng thẳng gần đây. Do vậy chúng ta vẫn cần phải có sự chuẩn bị về dân sự mặc dù không bắt buộc hay gấp rút như Hàn Quốc nhưng phải luôn sẵn sàng.

Tiến Trung: Tôi cũng đồng ý với ý kiến của bạn Minh Hiển. Đúng là Việt Nam đang trong thời bình vì không có tuyên bố chiến tranh với bất kỳ nước nào. Tuy nhiên, bành trướng quân sự của Trung Quốc cũng đang đe dọa toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Vì thế, theo tôi vào thời điểm này việc đi nghĩa vụ quân sự là cần thiết, nhưng chúng ta cần đảm bảo được công bằng và quyền con người trong công việc này. Quan điểm của tôi công bằng thì ai cũng phải thực hiện nghĩa vụ với quốc gia dưới hình thức này hay hình thức khác. Đặc biệt là công bằng giữa người dân thường với đảng viên cộng sản và về dài hạn thì chúng ta phải tiến đến quân đội chuyên nghiệp. Còn vấn đề quyền con người chúng ta phải đảm bảo quyền tự do tư tưởng, không được bắt ép quân lính phải theo ý thức hệ hoặc một học thuyết chính trị nào.


  Tôi nhấn mạnh rằng, quốc gia nào cũng cần phải cân bằng giữa lực lượng quân đội và phát triển kinh tế.

- Minh Hiển
Trường Sơn: Theo tôi nghĩ, bà Trương Thị Mai so sánh nước ta với Hàn Quốc là không nên vì tình hình ở hai nước hoàn toàn khác nhau. Theo tôi sẽ hay hơn nếu bà nói rằng bài học lịch sử. Đất nước chúng ta luôn luôn ở trong tình trạng đó là không lúc nào không bị đe dọa. Ngay cả lúc này, bài học lịch sử cho thấy rằng kẻ thù của chúng ta luôn luôn chờ sơ hở để tấn công. Và tôi luôn đồng tình là đất nước chúng ta nên và bắt buộc phải có một lực lượng quân sự mạnh nhưng để so sánh với Hàn Quốc thì không thể.

Chân Như: Với những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông và những bài học lịch sử đã qua, thì theo các bạn: Để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải, ngoài yếu tố phương tiện kỹ thuật thì Việt Nam cần tới 1 quân đội như thế nào? Những đòi hỏi với người lính về kỹ năng, kiến thức và tinh thần chiến đấu ra sao ?

Tiến Trung: Về kỹ năng kiến thức chúng ta cần phải tinh thông nghiệp vụ và sử dụng thành thạo khí tài quân sự. Để làm được điều này, theo Trung nghĩ, về dài hạn chúng ta vẫn phải hướng đến quân đội chuyên nghiệp. Thứ hai tinh thần người lính chiến đấu rất là quan trọng. Người lính chỉ chiến đấu khi họ tin họ đang chiến đấu vì chính nghĩa và họ có thể tin cậy vào người chỉ huy của mình để nghe theo mệnh lệnh chiến đấu.

Bộ đội Việt Nam tưởng niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. AFP photo
Theo tôi ngoài việc không trung thành với bất kỳ một đảng chính trị nào, quân đội cần phải đặt nhiệm vụ bảo vệ người dân và tổ quốc lên hàng đầu. Và cũng cần phải nhắc lại là chính phủ Việt Nam cần phải bãi bỏ lời thề trung thành với đảng cộng sản trong quân đội như hiện nay. Quân đội chỉ trung thành với chính phủ do dân bầu ra qua bầu cử tự do công bằng. Chỉ khi như vậy thì người lính mới có thể tin tưởng người chỉ huy và có thể chiến đấu được. Bản thân tôi đã từng trong quân đội tôi biết tinh thần chiến đấu binh lính rất thấp không đảm bảo được công bằng.

Minh Hiển: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh Trung ở điểm là lực lượng quân đội phải đặt mục tiêu là bảo vệ nhân dân tổ quốc lên hàng đầu, không nên điều khiển theo một ý chí của một đảng phái cụ thể nào cả bởi vì tổ quốc và nhân dân luôn luôn là quan trọng. Và tôi hoàn toàn ủng hộ về quan điểm đó.

Trường Sơn: Theo tôi trước hết Việt Nam cần phải có một đội quân chuyên nghiệp chứ không như đội quân nghĩa vụ như ngày hôm nay bởi vì chúng ta biết rằng lính của chúng ta bây giờ đi lính chỉ có 18 tháng. Như thế đến khi có biến, tôi nghĩ, sẽ không đảm bảo vì quân đội không được rèn luyện thường xuyên. Trước hết chúng ta nên có một quân đội chuyên nghiệp, họ đi lính trong thời gian dài coi lính là nghề. Tiếp theo về kỹ năng kiến thức và tinh thần thì tất nhiên chúng ta phải đòi hỏi một đội quân có trí thức về sử dụng kỹ thuật chiến đấu, về chiến thuật cũng như là sử dụng các loại vũ khí. Chúng ta cũng cần một đội quân được đầu tư bài bản từ kỹ năng kiến thức và cả về mặt vũ khí nữa. Còn vấn đề như anh Trung nói thì tôi hoàn toàn đồng ý.


  Dù chúng ta có học vị cao như thế nào nhưng một khi anh không muốn đi quân đội, không muốn coi quân đội là nghề nghiệp của mình thì anh sẽ không có ý chí để học hỏi nắm bắt với kiến thức quân sự.

- Tiến Trung
Chân Như: Nếu như các bạn để ý sẽ thấy, Quân đội Việt Nam thường có khẩu hiệu “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng cho biết: thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình theo quy định hiện hành là quá ngắn để trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết. Đến khi họ nắm vững hết thì lại hết thời hạn Nghĩa Vụ Quân Sự. Do vậy, mục tiêu để có được một quân đội tinh nhuệ khó có thể thành hiện thực. Vậy để có được 1 quân đội tinh nhuệ, các bạn thử đứng trên cương vị người làm chính sách quốc phòng, các bạn sẽ đưa ra ý kiến gì ?

Trường Sơn: Theo ý kiến phổ quan của cá nhân em, thực sự về kiến thức quốc phòng của em không nhiều, để cần có một đội quân tinh nhuệ theo em trước hết chúng ta phải có một đội quân được chọn lọc kỹ càng. Khâu tuyển quân phải chặt chẽ; Chỉ tuyển những người, thứ nhất có trình độ, thứ hai về mặt thể hình phải tốt. Tiếp theo đội quân này phải ở trong quân đội một thời gian đủ, ít nhất phải lên đến con số 5 chứ không thể là 18 tháng như hiện nay.

Như vậy, họ được huấn luyện chiến đấu liên tục và có thể là tham gia các cuộc diễn tập với cả quân đội nước ngoài nữa, thì mới đủ để thành lập nên một đội quân tinh nhuệ. Trong hoàn cảnh hiện nay những thanh niên tốt nghiệp cấp 3, đi lính 18 tháng được huấn luyện sơ sài xong thì không thể nào. Theo tôi thì sẽ rất khó để Việt Nam thành lập một đội quân tinh nhuệ với chất lượng lính như hiện nay.

Minh Hiển: Tôi cho rằng nguyên nhân bất cập hiện nay nằm ở chỗ đó. Việt Nam chúng ta đang thực hiện một chế độ nghĩa vụ quân sự mang tính chất đại trà. Theo tôi đánh giá , thời gian nguồn lực rất hạn chế, cộng với trình độ của những người tham gia không cao nên rất khó có thể đạt được khẩu hiệu “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” được. Theo tôi nên áp dụng hai hình thức rõ rệt, thứ nhất hình thức tuyển quân, sẽ nhằm hướng tới lực lượng quân sự như một nghề, một công việc. Và cơ chế này có thể phát huy được nhiều tính chủ động và sáng tạo sử dụng được thêm các nguồn lực của xã hội nữa. Còn nghĩa vụ quân sự theo tôi vẫn cần thiết tuy nhiên thay vì thời gian 18 tháng như bây giờ thì có thể xem xét lại, theo tôi, thiên về giảm xuống dành thời gian và nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Tiến Trung: Trong thời gian tôi trong quân đội, tôi thấy rằng thứ nhất, sỹ quan quân đội lương thấp; Binh lính đi nghĩa vụ cũng không có lương chỉ là phụ cấp vài trăm ngàn một tháng. Thứ hai họ phải hy sinh rất nhiều. Các sĩ quan phải trực chiến, phải ở trong doanh trại liên tục 24/24 để đảm bảo sẵn sàng chiến đấu.Việc đãi ngộ không xứng đáng nên tinh thần chiến đấu của quân đội rất thấp. Theo tôi cần phải xây dựng quân đội chuyên nghiệp và phải trả lương xứng đáng cho người lính. Khi đó họ mới có thể yên tâm công tác nhất là khi Việt Nam chỉ bảo vệ đất nước chứ không xâm lược đất nước nào. Chúng ta không cần quân đông nhưng cần quân đội tinh nhuệ tức là khí tài trang bị vũ khí và hiện đại và người lính phải được huấn luyện tốt.

Binh lính Việt Nam diễu hành trong lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tổ chức hôm 05/7/2014 tại Hà Nội. AFP photo
Chân Như: Cũng trong phiên thảo luận về sửa đổi Luật Nghĩa Vụ Quân Sự, nhiều ý kiến cho rằng: nên hạn chế/thu hẹp số trường hợp được tạm hoãn hoặc miễn Nghĩa Vụ Quân Sự. Chẳng hạn như chỉ tạm hoãn cho học sinh phổ thông, sinh viên hệ chính quy đang theo học. Các hệ học tại chức, từ xa thì không được tạm hoãn. Từ các năm sau sẽ tuyển cán bộ, công chức, viên chức vào phục vụ trong quân đội nhằm tăng chất lượng hạ sỹ quan, binh sỹ trong quân đội thì các bạn có nhận định thế nào ? Và theo các bạn thì Việt Nam cần nhân lực phát triển kinh tế hơn hay cần nhân lực cho quân đội hơn?

Tiến Trung: Tôi xin nhấn điểm quan trọng chỗ này tức là dù chúng ta có học vị cao như thế nào nhưng một khi anh không muốn đi quân đội, không muốn coi quân đội là nghề nghiệp của mình thì anh sẽ không có ý chí để học hỏi nắm bắt với kiến thức quân sự. Cho nên quan điểm cần phải cho cán bộ công chức các viên chức tốt nghiệp đại học và cao đẳng trung cấp phục vụ quân đội để nâng cao chất lượng, theo tôi, quan điểm đó là sai lầm. Bởi vì một khi không có ý chí nguyện vọng muốn phục vụ thì anh sẽ không bỏ thời gian tâm huyết của anh ra để tìm hiểu về kiến thức quân sự, nên chất lượng như vậy không thể cao được.


  Trong hoàn cảnh hiện nay những thanh niên tốt nghiệp cấp 3, đi lính 18 tháng được huấn luyện sơ sài thì không thể nào Việt Nam thành lập được một đội quân tinh nhuệ với chất lượng lính như hiện nay.

- Trường Sơn
Do đó vẫn quay lại là chúng ta cần phải xây dựng quân đội chuyên nghiệp. Thứ hai muốn có tiền để có trang bị vũ khí hiện đại thì chúng ta phải có phát triển kinh tế, mà kinh tế hiện đang lụn bại thì không có tiền để mua sắm vũ khí hiện đại. Do đó quan điểm của tôi Việt Nam cần tập trung nhân lực, tài lực vào phát triển kinh tế.

Minh Hiển: Tôi xin nhấn mạnh vào vế sau của câu hỏi trước, tức là Việt Nam cần phát triển nhân lực kinh tế hơn hay cần nhân lực cho quân đội hơn? Tôi nhấn mạnh rằng, quốc gia nào cũng cần phải cân bằng giữa lực lượng quân đội và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trừ trường hợp trong bối cảnh chiến tranh thì mọi thứ ưu tiên cho quân đội. Còn trong các bối cảnh khác thì lực lượng kinh tế vẫn phải là cốt lõi. Vì vậy với đề xuất điều chỉnh đối tượng gọi đi nghĩa vụ quân sự như trên, theo tôi, sẽ ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế.

Tôi cũng chia sẻ quan điểm của anh Trung: khi họ đã đi theo dạng nghĩa vụ miễn cưỡng thì đối tượng đang học tập hay đã học tập xong có trình độ hay chưa thì cũng không cải thiện được nhiều về chất lượng. Đồng thời tạo ra ảnh hưởng xấu đến kinh tế. Có nghĩa là họ đã tốt nghiệp xong, đang đi làm tự nhiên lại cắt ngang họ ra để thực hiện một cái nghĩa vụ đại trà mà có phần miễn cưỡng. Và điều này còn xảy ra một việc đáng quan ngại hơn: việc phân luồng ra đối tượng như thế sẽ là cái kẽ hở cho nhiều việc thiên vị và bất công để dành cho các mối quan hệ chạy chọt để không phải đi nghĩa vụ quân sự.

Trường Sơn: Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với hai ý kiến trên. Theo tôi, câu hỏi này có hai vấn đề. Thứ nhất đó là hạn chế thu hẹp số trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Đặc biệt là tôi có để ý một chi tiết đó là các sinh viên học hệ tại chức và từ xa thì không được tạm hoãn, theo tôi, cái này hoàn toàn vô lý và không công bằng. Đã ở trong một nền giáo dục thì bất cứ cấp bậc hay hệ nào đi chăng nữa thì người ta đều có quyền được học tập, không thể cắt ngang việc học tập của người ta rồi gọi đi lính trong thời bình được.

Tuy nhiên, chuyện thu hẹp trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự thì tôi có để ý có một điều luật đó là những người không phải đi nghĩa vụ quân sự như con của liệt sĩ, của thương binh.Tôi không đồng ý điểm này vì chúng ta đang ở trong thời bình và kể cả thời chiến thì tất cả phải ra mặt trận chiến đấu. Trong thời bình đơn giản chúng ta đến để huấn luyện, chứ không có chuyện anh là con của liệt sĩ hay thương binh thì được ở nhà, còn tôi phải đi như thế là không công bằng trong xã hội. Vấn đề tiếp theo đó là họ muốn tuyển những viên chức hoặc cử nhân hay thạc sĩ đã tốt nghiệp đại học cao đẳng vào phục vụ trong quân đội.

Theo tôi cái này là bất khả thi vì môi trường trong quân đội mức đãi ngộ không đủ hấp dẫn để khiến cho những người có trí thức thật sự vào cống hiến. Như chúng ta thấy quân đội nước ngoài mức đãi ngộ của họ rất lớn cho nên họ không cần phải đi vơ vét quân họ chỉ cần đăng thông báo và người ta đến đăng ký thôi. Ngoài từ “Tổ quốc thiêng liêng” ra thì đồng lương và mức đãi ngộ cũng rất quan trọng vì ảnh hường trực tiếp đến đời sống của ngưòi ta. Theo tôi, nếu không giải quyết được vấn đề đó thì chúng ta không thể nào đi đến được một quân đội tinh nhuệ vì họ sẽ không thể tồn tại với mức lương như hiện nay.

Chân Như: Xin cám ơn phần chia sẻ của ba bạn Tiến Trung, Trường Sơn và Minh Hiển.

Chân Như cũng hy vọng các bạn trẻ đang nghe chương trình cũng sẽ tham gia vào hội luận để hầu nêu lên chính kiến của mình, đó là quyền bày tỏ mà mỗi con người trên trái đất này đều phải có.

Các bạn có thể gởi email về cho Chân Như qua hoangc@rfa.org hay theo dõi Chân Như qua facebook tại facebook.com/Channhu.rfa

Các tân binh trong ngày nhập ngũ


Nghe bài tường thuật phần 2
Liên quan đến việc sửa đổi luật nghĩa vụ quân sự năm 2013 được quốc hội VN đang bàn thảo, mời quý vị nghe cuộc chia sẻ về luật này cùng với ba bạn khách mời Tiến Trung, Minh Hiển và Trường Sơn.

Chân Như: Chúng ta đều hiểu rằng, để duy trì các hoạt động của quân đội thì phải có ngân sách, nhiều ý kiến tại nghị trường đã nêu lên mối lo ngại về ngân sách của việc tăng chỉ tiêu tuyển quân hàng năm cũng như thu hẹp đối tượng được tạm hoãn hoặc miễn Nghĩa Vụ Quân Sự. Mặt khác, số quân dịch hiện tại Việt Nam ước tính khoảng hơn 620.000 người được xem là cao nhất Đông Nam Á. Mối lo ngân sách trong thời điểm hiện nay hoàn toàn có cơ sở, bởi nợ công của Việt Nam đang là vấn đề lớn. Các bạn có nghĩ rằng, Việt Nam cần duy trì quân số lớn vậy hay không ? Bài toán ngân sách quốc phòng nên cân đối ra sao?

Minh Hiển: Tôi xin mượn một câu trong binh pháp của người Trung Quốc ngày xưa là “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Lực lượng quân sự của chúng ta được coi là nhất Đông Nam Á nhưng chất lượng theo phản ánh là kém, thì chúng ta hoàn toàn phải xem xét lại vấn đề này chứ.

Tiến Trung: Đúng như bạn Minh Hiển đã nói là chúng ta cần quân đội ít nhưng phải tinh nhuệ. Do đó chúng ta cần phải giảm số quân thì như vậy lương của những người trong quân đội còn lại sẽ tăng lên. Thứ hai ngân sách nhà nước do tiền đóng thuế của dân cho nên tiền đó không được phép chia cho hệ thống đảng phái chính trị hoặc cho hệ thống đoàn thể chính trị xã hội mà chỉ chia chính phủ phục vụ dân, trong đó có quân đội. Do vậy khi chúng ta cắt bớt được hệ thống đảng và hệ thống đoàn thể chính trị xã hội thì quỹ lương sẽ tăng lên rất nhiều. Như vậy sẽ có tiền để trả cho quân đội. Thứ hai, chúng ta thấy Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước rất giàu mạnh trong khu vực Châu Á nhưng họ vẫn phải liên minh với phương tây nhất là Mỹ. Như vậy, chúng ta phải liên kết được với Hoa Kỳ để có được huấn luyện những vũ khí, khí tài để có thể bảo vệ đất nước trước sự đe dọa của Trung Quốc.

Trường Sơn: Theo tôi số lượng quân 620 ngàn của Việt Nam cũng xấp xỉ bằng số quân đội của Hàn Quốc hiện nay. Hàn Quốc có nền kinh tế rất mạnh và họ cũng chỉ dám duy trì lực lượng số quân như vậy, và tình hình đất nước của họ còn nguy hiểm hơn chúng ta. Theo tôi nghĩ, không có lý do gì chúng ta phải duy trì số lượng quân đội lớn như vậy. Đây là một gánh nặng rất lớn đối với cả ngân sách và đây là cản trở không nhỏ đối với việc đưa quân đội lên hiện đại vì chúng ta bỏ quá nhiều tiền để nuôi số quân như thế này thì chúng ta không thể dành ra số tiền đầu tư cho vũ khí và chiến lược được. Tôi có một ý kiến nữa trong số 620 nghìn quân, bởi vì chúng ta biết rằng trong quân đội có những chức rất lố bịch như chính trị viên chẳng hạn, tôi không hiểu để làm gì nên cắt cái chức ấy đi, nếu cắt bớt đi cũng giảm được cơ số lính.

Trong bài toán ngân sách quốc phòng thì nên cân đối ra sao thì chúng ta vẫn phải hiểu một điều đó là một quốc gia không thể thiếu quân đội nếu thiếu quân đội thì quốc gia ấy sẽ chết. Thế nhưng có quân đội đồng nghĩa với việc chúng ta phải chi tiêu. Việc chi tiêu phải làm sao để quân đội chúng ta vừa không những đủ tiền để duy trì mà còn phải nâng mức hiện đại cũng như tinh nhuệ và phải vừa làm sao đó không để cho mối lo vỡ nợ không đè lên đầu chúng ta. Có một vấn đề nhạy cảm mà chúng ta không ai biết đó là một năm đảng chi bao nhiêu tiền, và tiền của đảng là tiền của dân. Nếu trong một xã hội mà có nhiều đảng phái chẳng hạn thì tôi nghĩ đất nước chúng ta sẽ có khá nhiều tiền để tổ chức quân đội không phải lo những vấn đề ngày hôm nay.

Chân Như: Theo các Số liệu giám sát từ Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho hay số công dân nhập ngũ hằng năm chỉ chiếm 0,12% tổng dân số và 5,87% tổng số công dân nam trong độ tuổi 18-25. Con em nông dân, người chưa có việc làm chiếm số đông (trên 80%) và có xu hướng tăng. Vậy theo các bạn, việc gia nhập quân ngũ có thể được coi là một cứu cánh cho những thanh niên nghèo tại các vùng quê, cũng như những người không có khả năng thăng tiến bằng học vấn hay không?

Trường Sơn: Theo tôi, đây hoàn toàn không phải là cứu cánh cho con em nông dân vì chúng ta biết rằng mức đãi ngộ và phụ cấp trong quân đội rất là thấp và tôi nghĩ anh lính nào còn uống ruợu, hút thuốc thì số phụ cấp có khi không đủ. Nhiều trường hợp các anh đi lính nợ nần nhiều quá gia đình phải lên chuộc về, cái này rất phổ biến. Theo tôi, đó không phải là cứu cánh. Đã nói là cứu cánh thì đây phải là một nơi trả cho người ta một đồng lương hợp lý để người ta dựa vào đồng lương này để tồn tại và có thể nuôi sống gia đình. Với tình hình thực tế mức đãi ngộ như hiện nay thì hoàn toàn không đủ, nó chỉ mấy trăm nghìn một tháng. Tôi vẫn cho học vấn là quan trọng nhất. Chúng ta nên để cho các thanh niên đi theo con đường học hành tạo mọi điều kiện cho họ đến trường.

Tiến Trung: Tôi cũng xin chia sẻ lại một số câu chuyện tôi chứng kiến trực tiếp trong quân đội. Khi vào quân đội, tôi thấy một số bạn hoàn cảnh gia đình khó khăn. Các bạn đó cũng rất có nguyện vọng muốn phục vụ lâu dài trong quân đội, vì ngoài đời các bạn cũng không có khả năng làm việc gì hết. Thế nhưng tôi cũng chứng kiến rất nhiều các thanh niên như vậy khi họ thành sĩ quan với đồng lương rất thấp nên cuối cùng họ chán nản xin ra rất nhiều. Các sĩ quan trong trung đoàn Gia Định của tôi cũng có nói với tôi họ bị kẹt, vì khi muốn xin ra cấp trên không cho họ cũng không ra được. Đồng lương quá thấp mà sự hy sinh quá lớn, phục vụ 24/24 trong doanh trại, bỏ bê vợ con ở nhà. Theo tôi về lâu dài chúng ta cũng phải nâng được mức lương cho quân đội và tiến tới quân đội chuyên nghiệp.

Thanh niên nhận quân trang nhập ngũ, ảnh minh họa.
Minh Hiển: Có một điều tối thấy rất kỳ lạ. Có một tâm lý có vẻ như đang rất phổ biến ở Việt Nam (tôi xin lỗi những ai đang trong quân đội) là học dốt hay trượt đại học, không có việc làm hay khó khăn mới đi bộ đội. Tôi thấy điều này ảnh hưởng xấu đến chất lượng của lực lượng quân sự. Chúng ta phải tìm cách nào đó bằng chế độ tuyển quân hay chế độ đãi ngộ nó thật sự hợp lý thì mới có thể khuyến khích được những người có trình độ và tài năng thật sự gia nhập quân ngũ chứ không thể nào trở thành cứu cánh cho các thanh niên nghèo tại các vùng quê hay không có khả năng thăng tiến vào quân ngũ. Tuy nhiên, điều này tôi cho rằng khó có thể đạt được trong tình trạng quân sự như hiện nay, bởi vì việc phình to về bộ máy đào tạo thiên về số lượng mà chất lượng thì không có; Rồi chế độ đãi ngộ mất hợp lý thì rất khó có thể thu hút được những nguồn nhân lực chất lượng cao cho lực lượng quân sự.

Chân Như: Tham nhũng tại Việt Nam được xem là quốc nạn, có trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các bạn có nghĩ rằng trong việc xét tuyển Nghĩa Vụ Quân Sự hàng năm có loại tiêu cực này xảy ra hay không ? Nếu có thì thường xảy ra như thế nào ?

Tiến Trung: Mở rộng diện gọi nhập ngũ hiện nay chỉ khiến cho nạn tham nhũng và hối lộ hoành hành hơn. Tôi thấy rất nhiều người đã hối lộ cho cán bộ quân đội địa phương để họ có thể hoãn nhập ngũ; Ngược lại cũng có nhiều bậc cha mẹ do con mình hư hỏng, kết bạn xấu, nghiện ngập nên lại phải hối lộ để con mình được gọi nhập ngũ. Nạn tham nhũng như vậy cho những người muốn đi và không muốn đi đều phải hối lộ cả, do đó không hề đảm bảo được công bằng.

Thứ hai nữa ta thấy gần 90 phần trăm số lính nhập ngũ đi nghĩa vụ quân sự là con em của nông dân; Còn con em của những người có tiền và có quyền thì rất hiếm, hầu như không có ai cả. Vậy thì chúng ta có thể thấy con cái đảng viên cộng sản cao cấp cỡ ủy viên trung ương trở lên chắc chắn không ai đi lính cả. Điều đó không đảm bảo được công bằng nên tinh thần binh lính rất thấp, thấy không xứng đáng phải hy sinh như vậy trong khi người khác đang hưởng thụ. Tham nhũng, hối lộ, bất công xảy ra như vậy, theo tôi, không thể nào xây dựng quân đội hùng mạnh được.

Minh Hiển: Tôi xin mở rộng vấn đề sang một câu chuyện tôi thấy được trên báo chí và phản ảnh từ phía báo chí. Bên Hàn Quốc việc trốn đi nghĩa vụ quân sự rất là khó khăn bởi một số các quan chức cấp cao dành được một số quyền ưu tiên cho con em của họ. Thế nhưng công cụ báo chí của họ thì những việc đại khái như những người trốn hay tìm cách trì hoãn việc đi nghĩa vụ quân sự rất khó qua được cửa báo chí bởi vì có thể bị moi ra và họ phản ánh bất cứ lúc nào, họ không bị rào cản nào để ngăn trở việc đăng tải các thông tin đấy với quần chúng cả.

Trong khi ở Việt Nam thì lại khác, cứ hình dung nếu báo chi bây giờ khơi ra một vụ trốn đi nghĩa vụ quân sự của một đồng chí X nào đấy rất to chẳng hạn, thì ngay lập tức nguồn tin ấy có thể bị ngăn trở lại bởi vì có thể là do các thế lực thù địch nào đó lợi dụng thông tin để xuyên tạc nói xấu chẳng hạn. Vì thế, thông tin không bao giờ khách quan cho người dân và thiếu hẳn đi một công cụ để kiểm soát các tiêu cực trong việc nghĩa vụ quân sự như hiện nay ở Việt Nam. Tôi muốn nói sang vấn đề Bắc Triều tiên có 1 điều bất hợp lý, tức là ở Bắc Triều Tiên họ có vẻ tập trung quân sự suốt ngày, các hoạt động quân sự rùm beng như thế, nhưng tỉ lệ của các quan chức cấp cao có con em đi phục vụ trong nghĩa vụ quân sự lại thấp hơn con số đó ở Nam Triều Tiên, Hàn Quốc.

Trường Sơn: Việc tiêu cực trong quá trình tuyển quân, tôi nghĩ rằng toàn dân Việt Nam ai cũng biết là có. Ngay cả bạn bè của tôi không tham gia học đại học thì ở nhà bị gọi đi. Họ có chia sẻ kinh nghiệm đó là khi biết tin mình trong danh sách phải sang khám để tuyển quân thì chuyện hối lộ đút lót, chạy chọt để khỏi bị gọi nhập ngũ đó là chuyện hết sức bình thường. Tôi nghĩ hỏi câu hỏi này người Việt Nam nào cũng biết và thừa nhận đây là một hiện tượng có, và bạn bè tôi nói mức giá khoảng tầm từng này triệu, từng này triệu gì đấy, là họ có thể ung dung ở nhà không cần phải đi nghĩa vụ quân sự nữa.

Chân Như: Qua toàn bộ những gì đã trao đổi, để tổng kết lại cuộc thảo luận này, Chân Như xin mời các bạn nêu lên quan điểm các bạn muốn sửa đổi Luật Nghĩa Vụ Quân Sự theo hướng như thế nào ?

Tiến Trung: Tôi cũng đề nghị một số hướng sửa đổi cho luật nghĩa vụ quân sự. Thứ nhất phải sử dụng quân đội chuyên nghiệp, phải trả lương một cách xứng đáng cho những ai trong quân đội như là nghề nghiệp. Thứ hai quân đội không trung thành với bất kỳ đảng phái chính trị nào mà chỉ trung thành với chính phủ do dân bầu ra qua bầu cử tự do và công bằng. Bởi vì dân trả lương cho quân đội qua tiền thuế chứ không có đảng phái nào trả lương cho quân đội cả. Thứ ba không ai kể cả sĩ quan cấp trên lại có quyền buộc những người lính cấp dưới phải theo một ý thức hệ hoặc tôn giáo nào cả. Phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng của người lính vì họ cũng là một công dân, một con người. Họ đi lính vì nghĩa vụ của họ với tổ quốc với nhân dân chứ không vì nghĩa vụ với bất kỳ một nhóm lợi ích nào cả.

Minh Hiển: Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh Trung, nhưng cho tôi bổ sung them: hiện nay có một cái có thể làm ngay được đó là mở rộng vai trò kiểm soát của quần chúng để đảm bảo việc tuyển dụng gọi đi nghĩa vụ quân sự được công bằng là để cho báo chí họ đăng tải kịp thời và không nên đặt những rào cản nào về báo chí về những vấn đề này.Tôi thêm nữa là chính sách về ngân sách quốc phòng phải hợp lý, phải cân bằng để nhấn mạnh ý phát triển kinh tế phải đặt lên hàng đầu, bởi vì kinh tế vẫn là cốt lõi , có kinh tế mạnh thì lực lượng quân sự hay quân đội mới phát triển được.

Trường Sơn: Theo ý kiến của tôi thì tôi cũng chỉ có vài đóng góp lập lại như của anh Tiến Trung và của anh Minh Hiển. Đó là trước hết chúng ta cần có một đội quân chuyên nghiệp không cần đông về số quân nhưng phải cực kỳ tinh thông các kỹ năng và cần có một đội quân hiện đại.Phải có một sự đầu tư xứng đáng cho quân đội để theo kịp với thời đại và tiếp theo ta nên dần dần thu hẹp việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong một binh chủng nào đó nhất định thôi còn lại chuyển sang toàn bộ quân đội theo kiểu chuyên nghiệp.

Chân Như xin cảm ơn các bạn đã tham gia chương trình và cũng hy vọng các bạn trẻ đang nghe chương trình cũng sẽ tham gia vào hội luận để hầu nêu lên chính kiến của mình, đó là quyền bày tỏ mà mỗi con người trên trái đất này đều phải có.

Các bạn có thể gởi email về cho Chân Như qua hoangc@rfa.org hay theo dõi Chân Như qua facebook tại facebook.com/Channhu.rfa

Chân Như,
phóng viên RFA
Theo RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad