|
![]() |
Tất cả chỉ là sự thương yêu và đùm bọc
Chiếc máy bay của hãng hàng không Cathay Pacific đáp xuống phi trường Los Angeles vào lúc 9 giờ 30 tối ngày 21 tháng 10 mang theo tù nhân lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải từ Việt Nam sang được đồng bào Việt Nam sống ở vùng Little Sài Gòn và phụ cận chào đón như người thân về nhà. Tâm tình người mới đến lẫn người đi đón thật là một sự khác biệt lớn, cả hai đều mong được nhìn nhau như người thân hay ít ra như bạn bè, đồng chí hướng. Có thể phát xuất từ tâm tình ấy mà một người đi đón đã cầm lá cờ vàng đưa cho ông như một cách chia sẻ tâm trạng vui mừng của mình.
Lá cờ hiền lành với bao máu thắm trên lưng bỗng dưng trở thành đề tài tranh cãi. Nhiều câu hỏi đặt ra tại sao người tù nhân lương tâm này lại không cầm lấy lá cờ vàng. Người bênh vực thì cho rằng bản thân ông Nguyễn Văn Hải là một bộ đội miền Bắc, nếu đưa tay cầm lá cờ vàng khi mới vừa đặt chân tới Mỹ có thể sẽ bị kết án là kẻ cơ hội, mau quên nguồn gốc của mình.
Tranh cãi không có cơ hội chấm dứt trong khi sự thật không đúng với những gì mọi người nghe truyền miệng. Ông Ngô Chí Thiềng, người chứng kiến sự việc ngay từ đầu cho biết những gì ông thấy:
Hôm đó tôi cũng có mặt ở đó để đi đón anh Điếu Cày. Nói thực ra là đồng bào rất háo hức rất nhiều người mang theo cờ. Cá nhân tôi không biết là có nên mang cờ theo hay không vả lại mình cũng nghĩ nhiều khi tế nhị nhưng khi tới nơi thì tôi thấy rất nhiều cờ. Trước khi anh Điếu Cày xuất hiện thì chúng tôi nói chuyện gặp gỡ nhau, đi tới đi lui vòng vòng.
Đùng một cái ông Điếu Cày và hai người Hoa kỳ trong Bộ ngoại giao đi theo với ông Điều Cày đi ra bằng một cổng khác, đi bọc hậu đàng sau lưng mình. Tất cả mọi người bu vô rất đông, người thì sờ anh Điếu Cày, người thì cầm bao thư đưa tiền, tôi biết chắc là tiền mà anh Điếu Cày khi đó mệt mỏi lắm mà bà con người thì muốn sờ tay người thì muốn sờ lưng ổng, đập đập ổng muốn giúi cho ổng bao thư.

Ông Ngô Chí Thiềng
Ông Đinh Quang Truật, người cầm lá cờ đưa cho ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải thuật lại sự việc cũng giống với những gì mà nhân chứng kể, ông Truật nói:
Tên tôi là Đinh Quang Truật nguyên là cựu sĩ quan hải quân Quân lực VNCH. Tôi và một số anh em có mang theo một số cờ quốc gia và một ít cờ Mỹ, mục đích là tới có hình thức chào đón anh Điếu Cày cho nó được long trọng.
Chính tôi cầm một số cờ đó tôi phân phát cho đồng hương tới đón anh Điếu Cày. Khi anh xuất hiện có một số bà con bảo tôi anh cố gắng anh đưa lá cờ cho anh ấy…thành ra tôi cũng cố gắng tôi len lỏi đám đông đang vây anh Điếu Cày. Ngoài bà con vây anh Điếu Cày còn một số phóng viên của các đài và lúc đó anh đang tập trung trả lời phỏng vấn. Tôi vỗ vai anh ấy để anh chú ý và anh ấy hơi quay ngang về phía tôi một chút. Lúc ấy người nhân viên Bộ Ngoại giao bảo vệ cho anh ấy gạt tay tôi ra.

Anh Đinh Quang Truật
Khi sai một ly có thể đi một dặm
Điếu Cày Nguyễn Văn Hải được chào đón như một người hùng vừa trở về từ nhà giam khắc nghiệt sau hơn sáu năm tù tội. Mọi cử động, hành xử của ông được theo dõi từng chi tiết không những qua đôi mắt tò mò yêu mến ông mà có không ít tìm tòi những sơ suất có thể có của một người hoàn toàn xa lạ với thế giới bên ngoài, nhất là thế giới của hơn hai triệu người từng có những đau đớn do người cộng sản gây ra.

Ông Đỗ Chí Thiềng
Tôi đọc một bài nào đó hình như của Nhơn Lý hay của ai đó là người tung ra trước và đả phá chuyện anh Điếu Cày là người từ chối không nhận lá cờ và gạt qua một bên. Tôi thấy buồn quá. Khi anh Truật đưa lá cờ ra anh ấy không mong rằng anh Điếu Cày sẽ nhận lá cờ chẳng qua là vui mừng lấy lá cờ mà vẫy mà phất thôi. Người Mỹ theo bảo vệ anh Điếu Cày gạt ra thì cũng phải thôi chứ đâu có gì to chuyện. Tôi buồn vì họ không nhìn vấn đề theo chiếu hướng tích cực, họ chỉ đi tìm những cái nho nhỏ để mà thỏa mãn những gì họ cho là không đúng.
Khi được hỏi tâm trạng của mình ra sao khi đưa lá cờ cho Điếu Cày mà không thành công ông Đinh Quang Truật chia sẻ:
Tôi không buồn bởi vì phải hiểu tâm trạng, tinh thần của anh ấy lúc đó. Anh ta vừa mới trong nhà tù ra giống như bị nhốt trong lồng lâu quá bây giờ mọi thứ xuất hiện trước mặt anh ta làm cho anh ta không có tinh thần để mà hành động một cái gì khác ngoài vấn đề dồn hết tâm trí để trả lời những câu phỏng vấn của phóng viên.
Từ câu chuyện lá cờ có thể dẫn tới bao nhiêu hệ lụy khác nếu người Việt hải ngoại không cân nhắc kịp thời những tin tức chưa được kiểm chứng. Điếu Cày mặc dù chưa nói gì tới việc này nhưng chắc ông cũng lo âu khi đang sống trong một cộng đồng mà từng cử động của ông được nhìn một cách tỉ mỉ và vô cùng nghiêm khắc, kể cả sự nghiêm khắc của thương yêu và đùm bọc.
Mặc Lâm,
biên tập viên RFA
Theo RFA
========
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét