Kiến Thức Uyên Bác, Nghị Lực Phi Thường - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Kiến Thức Uyên Bác, Nghị Lực Phi Thường



“Đỗ Thông Minh: Hành Trình 45 Năm Hoạt Động”. Kiến thức uyên bác, nghị lực phi thường, Đỗ Thông Minh đã đóng góp xứng đáng cho niềm tự hào của tư chất dân tộc Việt Nam.
Mẩu chuyện nhỏ sau đây đã được tôi ghi lại trong thiên ký sự “Một buổi tối ở Nữu Ước” vào năm 1989 nhân lần đầu tôi được sang Mỹ để dự Hội nghị Địa chất Quốc tế lần thứ 28:

“Một hôm, tình cờ tôi gặp một cháu trai mười tuổi, con một Người Việt Hải Ngoại, ở New York. Cháu nói tiếng Việt không được sõi và ý chừng không muốn dùng tiếng mẹ đẻ.

Tôi hỏi cháu quê ở đâu. Cháu bảo ở California. "Cháu người nước nào?", tôi lại hỏi. Cháu bảo là người Mỹ. Tôi hỏi cháu có biết nước Việt Nam ở đâu không. Cháu bảo không biết.

Tôi nén một tiếng thở dài, nước mắt cứ muốn trào ra …”.

Tôi viết bài thơ “Tha hương”:
Những cây Floss Silk California
Nở màu hoa đào
Tôi nhìn
Giống hoa gạo quê tôi

Những em nhỏ Việt Nam nói tiếng Việt
Tôi nghe
Như tiếng nước ngoài

Những chú ngỗng trời
Xáo xác
Rót vào lòng tôi
Tiếng khóc

Bao giờ?
Chim tìm được
Quê hương

Năm 1996 tôi sang Mỹ lần thứ ba để đọc mấy tiết giảng về Cổ Địa Từ học tại trường Đại học UCLA. Một Người Việt Hải Ngoại đến thăm tặng tôi bộ sách “Vẻ vang dân Việt” của tác giả Trọng Minh. Sách viết về 75 người Việt Nam thành danh ở nước ngoài. Ngoài những nhà khoa học tên tuổi như Trịnh Xuân Thuận, Trương Dũng, Phạm Hoàng Bắc …., ở các lĩnh vực khác tôi đặc biệt lưu ý đến Đỗ Thông Minh vì ông góp phần giải tỏa cơ bản mối lo các thể hệ trẻ sinh ra ở nước ngoài sẽ quên tiếng mẹ đẻ, quên tổ quốc Việt Nam.

Sách “Vẻ vang dân Việt” viết về Đỗ Thông Minh như sau:

“ * Hoạt động:

Từ năm 1974, vừa đi học vừa làm thêm qua nhiều loại công việc: làm bánh, lao động tay chân, bảo trì nhà, dưỡng lươn, xếp chữ, in…, cho đến phiên dịch, xuất bản, xuất nhập cảng, hướng dẫn đời sống ở Nhật..

Làm thông dịch viên trại tỵ nạn Trung tâm Quốc tế Cứu Viện “International Assistance Center” (IRAC) từ năm 1983 đến năm 1988.

Năm 1985, thành lập và làm Giám đốc Trung tâm Cửu Long (Mekong Center), là trung tâm đầu tiên ở Nhật phân phối các sản phẩm Á Đông: sách, nhạc, thực phẩm, dịch vụ, đánh máy… cùng với bản tin Mekong đã ra đến số 27 năm 1995.

Năm 1986, thành lập nhà xuất bản Tân Văn, mua bản quyền và tái bản bộ từ điển Anh-Việt và Việt-Anh của Giáo sư Nguyễn Văn Tạo và các sách tự biên. Đến năm 1995, đã phát hành khoảng 20 tựa sách.

* Viết và biên soạn:

Đã viết khoảng 100 bài báo thuộc về ký sự, nhận định, biên khảo. Viết “Thư Đông Kinh” hay các bài biên khảo trên nguyệt san Phụ Nữ Diễn Đàn, Mõ (San Jose), Mõ Làng (San Francisco), Hồn Việt… ở Hoa Kỳ, Phổ Thông ở Úc.

1977-1978: chủ biên Hệ Tư Tưởng Việt Đạo Nhân Bản (dày khoảng 100 trang đánh máy). Đây là một tổng duyệt và tập đại thành dựa trên nguyên tắc thu hóa và sáng tạo, toàn diện và quân bình, căn cứ trên lập trường dân tộc mà suy nghiệm các trào lưu tư tưởng Đông – Tây kim cổ. Về triết lý, chủ trương lưỡng nhất thể tâm – vật đồng sinh, đồng tại; Về chính trị, chủ trương Dân Chủ Xã Hội (tương tự các nước Bắc u, Nhật Bản…), đứng trung lập và giao hảo với mọi quốc gia; Về kinh tế, chủ trương bình sản đi đôi với giáo dục khai phóng để đưa toàn dân lên mức học thức và tiểu tư sản. Qua hệ tư tưởng này, đã tiên đoán sự sụp đổ tất nhiên của chủ nghĩa độc tài cộng sản phi nhân bản, và sự thoái hóa của chủ nghĩa tư bản bóc lột, để tiến dần đến bình sản. Đây cũng chính là yếu tố cơ bản nếu muốn thăng hoa chủ nghĩa tự do dân chủ hơn nữa. Tất cả nhằm dựng người Việt và dựng đất Việt.

1983: soạn Bảng thường dụng Hán tự Nhật – Việt (gần 2500 chữ), phát hành năm 1984, có tới 70% người Việt ở Nhật sử dụng bảng này và cũng được lưu dụng ở Việt Nam.

1985: soạn Bảng thường dụng Hán tự Nhật – Anh (1945 chữ), phát hành năm 1990, dành cho người ngoại quốc học tiếng Nhật cũng như người Nhật học tiếng Anh. Riêng công trình này đã được giới thiệu trên khoảng 20 tờ báo và đài truyền hình Nhật Bản. Đã soạn giải tự khoảng 2200 chữ Hán bằng Việt – Nhật – Anh (phần Anh ngữ do thân phụ anh dịch từ Việt sang Anh).

1985: soạn Super – Mini Dictionary Hán – Nhật – Anh (1006 chữ Hán, có cả âm Bắc Kinh, Hán – Việt & Hán – Hàn, có thể tra bằng 10 cách), dày khoảng 350 trang, khổ thường và bỏ túi, đã được ấn hành năm 1994. Ấn bản tiếng Việt là Siêu vi Từ Điển sẽ phát hành trong năm 1996. Với sự tài trợ của một số thân hứu, đoàn thể Nhật Bản, sẽ in và phát hành miễn phí cho các người đang học Nhật ngữ tại Nhật Bản, Việt Nam, niên khóa 1996.

Cũng trong năm 1985, anh còn biên soạn Super – Little Dictionary Hán – Nhật – Anh (1945 chữ Hán – Hàn, có thể tra bằng 10 cách), dày khoảng 700 trang, khổ thường và bỏ túi, dự trù phát hành vào năm 1996, cuốn này cũng có số ấn bản tiếng Việt như trên.

Cuốn thứ ba là cuốn Super Medium Dictionary Hán – Nhật – Việt (2229 chữ Hán) với thí dụ, chữ ghép và đầy đủ giải tự, có thể tra bằng 7 cách: bộ, nét, âm Nhật, âm Bắc Kinh, âm Hán – Việt, âm Hán – Hàn và nghĩa tiếng Anh, dày khoảng 1400 trang, khổ thường, dự trù phát hành năm 1998.

Đã biên soạn và ấn hành Tự Điển Tin Học Tổng Hợp (Điện Khí – Điện Tử - Điện Toán – Điện Thông, 30000 từ), đối chiếu Anh – Việt năm 1994 và Việt – Anh (40000 từ) năm 1995.

Đang cùng một số chuyên viên Việt Nam biên soạn 2 cuốn Tự Điển Điện Toán và Điện Tử căn bản (khoảng 5000 từ, có giải thích và hình ảnh) Anh – Việt – Pháp và đối chiếu ngược. Đây là cuốn sách tiếng Việt đầu tiên thuộc loại này ở hải ngoại, khởi viết từ năm 1990. dự trù ấn hành vào năm 1996. Tự Điển Tin Học Tổng Hợp (30000 từ), đối dịch Anh – Việt, phát hành năm 1996. Tự Điển Tin Học Tổng Hợp (40000 từ), đối dịch Việt – Anh, phát hành năm 1995”.

Thấm thoắt đã 20 năm, hai mươi năm tôi biết Đỗ Thông Minh và bảng liệt kê trên cũng chỉ ghi được một phần thành tích của Đỗ Thông Minh từ cách đây 20 năm.

Khối lượng công việc kể trên đã quá đồ sộ. Tuy nhiên , ông vẫn không hề ngừng nghỉ. Cho tới nay ông đã viết tổng cộng hai vạn trang các thể loại sách báo về nhiều lãnh vực. Trong đó có hai bộ sách khổng lồ: “Con đường Dân chủ - Bản án chế độ Cộng sản” và “Thân phận: Năm điều tâm cảm – Mười điều tự vấn”.

1 - Bộ sách “Con đường Dân chủ - Bản án chế độ Cộng sản” ấn bản 2 được biên soạn trong 12 năm gồm 14 cuốn, 7 448 trang, xuất bản năm 2015 là một biên niên sử ghi lại chi tiết những hoạt động diễn ra ở Việt Nam.

Sách ghi tường tận ngày, tháng, năm tất cả các sự kiện diễn ra trong công cuộc đấu tranh bảo vệ quyền con người và đòi hỏi dân chủ hóa cho Việt Nam:

“ - Ngày 8/6/1988, cố Tổng Giám Mục Huế, Philipphê Nguyễn Kim Điền bị CS thủ tiêu bằng thuốc độc đã từng nói: “Từ ngàn xưa, trải qua lịch sử Giáo Hội, đã có nhiều vị chết để bảo vệ bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội ngày nay đã có một vị Giám Mục nào sẵn sàng liều chết để bảo vệ Nhân Quyền chưa? Ngày hôm nay tôi là người được diễm phúc ấy: Thiên Chúa đã gọi tôi để chịu Tù Tội và Chết Chóc vì bảo vệ Nhân Quyền và Công Lý!”. Ai cũng biết rằng trong tư cách một con người, một công dân và một Kitô hữu, nhóm Linh Mục Nguyễn Kim Điền (gồm cả các LM Chân Tín, Phan Văn Lợi, Nguyễn Hữu Giải, Nguyễn Văn Lý…) đã luôn tranh đấu cho tự do tôn giáo lẫn tự do chính trị vốn là hai mặt của cùng một thực tế: nhân quyền. Một bậc chân tu – sống đạo vì đời – không thể nào chỉ đòi hỏi tự do tôn giáo mà thôi.

- Ngày 17/11/1993, Giáo sư Nguyễn Đình Huy bị bắt khi ông sửa soạn tổ chức buổi “Hội thảo Quốc tế Phát triển Việt Nam” dự định ngày 27/11/1993 tại Sài Gòn với sự bảo trợ của Ủy ban Quốc tế Yểm trợ Việt Nam và Liên minh Dân chủ Việt Nam, dự trù khoảng 30 chính khách quốc tế từ u châu, Úc châu, Mỹ châu, Á châu đến dự …. Ngày 1/8/1995 ông cùng 8 người thuộc nhóm lãnh đạo PTTNDT và XDDC bị tòa án CSVN xử gần như bí mật, không luật sư biện hộ với bản án 15 năm tù.

- Ngày 9/8/2002 cựu trung tướng CSVN Trần Độ qua đời tại Hà Nội … khi làm trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương ông chủ trương “cởi trói” cho văn nghệ, bị mất chức vì đưa ra nhận định rằng: “Văn hóa mà không có tự do là văn hóa chết. Văn hóa mà chỉ còn có văn hóa tuyên truyên cũng là văn hóa chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu, càng bóp chết văn hóa bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hóa, những nhà văn hóa cao đẹp” … Trong đám tang của ông có 250 vòng hoa đến từ khắp bắc nam gửi tới thể hiện sự đồng cảm của dư luận. Khi bắt đầu lên tiếng đấu tranh Dân chủ, ông bị trù dập, tước đảng tịch năm 1999 và bị công an chặn đường để tịch thu “Nhật ký Rồng Rắn” … trang 42 cuốn này ghi: “Nói thì dân chủ, vì dân chủ, mà làm thì chuyên chính, phát xít… Chế độ này bắt mọi người phải đóng trò, bắt trẻ con phải đóng trò, bắt người già phải đóng trò … (Họ đã) hình thành một xã hội dối lừa, lãnh đạo dối lừa, đảng dối lừa, cán bộ dối lừa, làm ăn giả dối, giáo dục giả dối, bằng cấp giả dối, đến gia đình cũng lừa dối, lễ hội lừa dối, tung hô lừa dối …”. Ông cho rằng “Chế độ cộng sản hiện nay tàn ác hơn Hít Le và Tần Thủy Hoàng cộng lại”.

- Ngày 4/9/1992, cựu sĩ quan Không Quân VNCH Lý Tống (tên thật là Lê Văn Tống, đơn vị Ó Đen, người từng lái chiến đấu cơ phản lực A37 bị bắn rơi tại Phan Rang vào những ngày cuối trước khi miền Nam sụp đổ, bị bắt giam, sau đó vượt ngục và năm 1983, vượt biên bằng đường bộ qua Cam Bốt, Thái, Mã Lai tới tỵ nạn tại Tân Gia Ba (Singapore) qua đoạn đường dài 8000km, định cư tại Hòa Kỳ năm 1984) từ Hoa Kỳ bay qua Thái Lan, rồi cưỡng bách chuyến bay của Hàng không Việt Nam VN850 từ Bangkok về Sài Gòn để thả truyền đơn kêu gọi nổi dậy trên bầu trời thành phố nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng Thống B. Clinton. Ông nhảy dù xuống, sau đó bị bắt xử 20 năm tù, nhưng được thả ra vào tháng 9/1998.

Ngày 1/1/2000, ông đã thuê máy bay nhỏ từ Miami, Florida, bay thả truyền đơn trên thủ đô Haneva của Cuba, người Cuba Tự Do coi ông như “Anh Hùng”.

(….. )

Không chỉ ghi chép những sự kiện lớn liên quan đến các nhân vật có chức sắc, có tiếng tăm, bộ sách còn miệt mài ghi chép tỷ mỷ những sự kiện bột phát liên quan đến “dân đen”:

- Ngày 12/4/2007, khoảng 300 dân oan, đại diện 628 hộ từ Tây Ninh ra Hà Nội (cách khoảng 2000 km), sau thời gain dài khiếu kiện tại Văn phòng Chính Phủ và Trụ Sở Tiếp Dân của đảng CSVN trước vườn hoa Mai Xuân Thưởng không kết quả, đã đồng loạt biểu tình. Cuộc biểu tình kéo dài cả tuần lễ.

- Ngày 18/10/2007, lúc 9 giờ sáng, dân oan Nguyễn Thị Kiều Trinh tỉnh Lào Cai, đi khiếu kiện đã 9 năm, không có nhà cửa, bị tù 2 năm nên chồng bỏ… đã quyết định quấn chăn tẩm xăng tự thiêu ngay tại Trụ Sở Tiếp Công Dân ở số 10 Cầu Giấy, Hà Nội để phản kháng việc cướp đất, cướp nhà. Khi chị châm diêm thì các vệ sĩ đã dùng bình chữa lửa dập tắt.

- Ngày 16/11/2007, 30 dân oan biểu tình trước Trụ Sở Tiếp Công Dân tỉnh Hải Phòng số 15 đường Hoàng Diệu. Trong số này có ông Nguyễn Văn Lẫm, 80 tuổi, đã đi khiếu kiện 20 năm nói: “Có chửi chúng nó, chúng nó cũng cứ trơ ra.” Ông Lê Văn Bàng khoảng 70 tuổi, gia đình chính sách có anh hy sinh, bản thân là thanh niên xung phong, đã khiếu kiện gần 20 năm. Bà Lê Thị Ngập, 69 tuổi, gia đình chính sách, bị cướp nhà, cướp đất từ năm 1998, khi phản đối thì công an huy động hơn 150 người đến uy hiếp, bắt giam 3 người con suốt 7 năm. Ông Nguyễn Đức Giác, 75 tuổi, đi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đã khiếu kiện từ năm 1972, tức 35 năm. Ngoài ra, còn khoảng 50-60 người khác cứ luân phiên nhau hết lên Hà Nội lại về Hải Phòng, nhưng thực tế không được giải quyết gì cả, mà còn bị lăng mạ, đàn áp, bắt giam… cuộc sống rất cơ cực, tang thương!

(….)

Cứ thế, cứ thế, Đỗ Thông Minh kiên nhẫn, miệt mài xây dựng bộ biên niên sử đầm đìa nước mắt dưới thời cai trị tàn hại của ĐCSVN.

2 - Bộ sách “Thân phận: Năm điều tâm cảm – Mười điều tự vấn” tái bản năm 2015 thành 15 cuốn, tổng cộng 8 000 trang.

“Năm điều tâm cảm” nói về nhân loại liên quan đến các lĩnh vực về vũ trụ quan, nhân sinh quan, thế giới quan, Xã hội quan, gia đình quan.

Trong vũ trụ quan (Tâm cảm 1), sau khi khái quát về chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật, ông trình bày quan niệm “Tâm Vật đồng nguyên”: Tâm và Vật không phân biệt hay sinh ra nhau, mà chỉ là hai mặt của cùng một vần đề (một hiện tượng).

Trong nhân sinh quan (Tâm cảm 2) ông trình bày 3 luật cơ bản của thế giới vật chất và tinh thần bên ngoài và bên trong con người (luật nhân quả, luật đồng bộ, luật trùng hợp ngẫu nhiên) và đề nghị một lối sống hòa hợp, vị tha để có được sự ung dung, tự tại, không bi lụy mà luôn lạc quan.

Tâm cảm 3 trình bầy về vấn đề dân tộc trong bối cảnh quốc tế. Tâm cảm 4 nói tới những nhu cầu thoát ách thống trị bởi chê độ độc tài toàn trị. Tâm cảm 5 bàn về tình yêu thương hiếu đễ trong gia đình, họ tộc.

“Mười Điều Tự Vấn” là những băn khoăn trăn trở trước vấn đề dân tộc. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra và giải đáp: Việt Nam đang đứng ở đâu?, Người Việt mạnh yếu chỗ nào? Văn hóa giữ vai trò gì trong việc phát triển quốc gia? Tại sao người Việt hay đi trễ? Hiện tượng kèn cựa khó kết đoàn. Thói trọng từ chương, bằng cấp ...

Tự vấn, trăn trở để hướng về cội nguồn và đến với thế giới nhằm mở ra con đường canh tân đất nước.

Nhà Văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc hiện là Giám Đốc cơ quan định cư IRCC, Chủ Tịch sáng lập Việt Museum nêu câu hỏi: “Bây giờ, ở đây chúng ta sẽ gọi Đỗ Thông Minh với danh hiệu nào?” và xác định: “Ông là nhà biên khảo với một gia tài sưu tầm và ấn loát vô cùng vĩ đại trải dài trên ngàn trang sách. Ông là nhà cách mạng đã từng theo gót tiền nhân Đông Kinh Nghĩa Thục thủơ xưa tìm đường cứu nước ngay từ khi nước vừa mất trong tay cộng sản”.

Nhà văn Vũ văn Lộc quả đã không quá lời khi xưng tụng Đỗ Thông Minh “là nhà biên khảo với một gia tài sưu tầm và ấn loát vô cùng vĩ đại”.

Nhưng vẫn chưa đủ, Đỗ Thông Minh còn là nhà giáo dục học, giáo dục học đường (qua việc soạn hàng loạt tự điển đủ kích cỡ, đủ loại: Tự điển Ngôn ngữ, Tự điển Tin học Tổng hợp …), và, giáo dục xã hội. “Mười hai Điếu Bất” của ông có thể xem là phương châm sống cần được thuộc nằm lòng và tụng niệm hàng ngày cho những ai muốn sống như một người chân chính, một người tử tế:

12 ĐIỀU BẤT

Thấy mà không cảm là bất tri!
Biết mà không lo là bất nghĩa!
Lo mà không làm là bất dũng!
Làm mà không suy là bất trí!
Tính mà không tới là bất chính!
Chia mà không đồng là bất công!
Mất mà không đòi là bất trung!
Lấy mà không trả là bất lương!
Nói mà không giữ là bất tín!
Đau mà không thương là bất nhân!
Sống mà không luồn là bất khuất!
Chết mà không thẹn là bất tử!

Làm thuyết khách, ông đã vượt hành trình dài bằng 40 vòng Trái Đất, qua Hoa kỳ (40 lần), Canada (5 lần), Hàn Quốc (3 lần), Úc (2 lần), Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Mexico, Đài Loan, Thái Lan (mỗi nơi 1 lần) để thuyết trình và giao lưu với đồng hương Việt Nam ở khắp nơi.

Là nhà báo, từ năm 1991 tới nay ông vẫn đang phát hành đều đặn khoảng 350 “Thư Đông Kinh”. Ở Hà Nội tôi vẫn nhận được thường kỳ tờ bán nguyệt san này với cập nhật rất kịp thời những tin tức từ Nhật Bản, thế giới và Việt Nam.

Tôi tán đồng quan điểm và trân trọng tinh thần nhân văn của Đỗ Thông Minh trong tư cách một nhà chính trị. Ông giải thích: “Chính làm cho đúng luật pháp, việc nuớc, khuôn phép, để trị là sửa trị bằng ứng xử uyển chuyển khéo léo, biến thù thành bạn...”.

Theo Đỗ Thông Minh người làm chính trị cần nắm vững 1 số nguyên tắc căn bản, như: (1) vạn vật biến dịch, có sinh có tử, có hình có hoại, (2) nhân quả, gieo gió gặt bão, nhân nào qủa nấy, (3) cùng tắc biến, có khi tiệm tiến, có khi đột biến, phải nắm bắt cơ hội, vì trì hoãn bất thành, nhưng dục tốc bất đạt và (4) cực tắc phản, mọi chuyện khi đến cùng cực sẽ đổi chiều, có khi thuận lợi có khi bất thuận lợi.

Tuy cổ võ cho đấu tranh bất bạo động nhưng Đỗ Thông Minh không loại bỏ bạo động. Ông nói “Phải biết tùy thời mà baọ động hay bất bạo động, nhưng căn bản là phải tôn trọng sinh mạng con người, không thể nhân danh hạnh phúc con người để di giết người bừa bãi”.

Phương châm chiến thuật chiến lược của ông rất rõ ràng: “Truớc hết là đề cao lý tưởng tự do dân chủ và giáo dục quần chúng về lý tưởng cao đẹp này. Tiếp đến, phải thay đổi tư duy, giới trí thức cần đưa ra những nghiên cứu cần thiết về trào lưu tư tưởng mới và thuyết phục quần chúng nghe theo. Thêm vào đó, cần xây dựng lực luợng đấu tranh có chỉ đạo sáng suốt, kết nối thế hệ, kết hợp mọi tầng lớp dân chúng trong một mẫu số chung là lý tưởng dân chủ. Ngoài ra, cần có sự kết hợp trong ngoài để khai dụng địa bàn quốc nội với hậu cần hải ngoại, tạo thế liên kết nhịp nhàng tiến về tự do dân chủ”.

Đỗ Thông Minh tâm sự: “Chúng tôi sinh năm 1950, du học Nhật Bản năm 1970, tốt nghiệp đại học Nhật Bản ngành hóa học hữu cơ năm 1975. Tuy tốt nghiệp đại học Nhật Bản ngành hóa học hữu cơ, nhưng tính say mê chuyện cộng đồng và đầu óc luôn nghĩ về đất nước nên không muốn chôn chân trong phòng thí nghiệm hay công ty, do đó, chưa bao giờ đi làm bằng sở học. Chúng tôi không có nghề tay phải mà chỉ làm một số chuyện tay trái theo sở nguyện là đóng góp những gì mà chúng tôi nghĩ là sẽ mang đến ích lợi cho cộng đồng, quê hương dân tộc.

Vào năm 1970, khi qua Nhật Bản du học cũng là khi ở tuổi 20 bắt đầu biết nhận thức tới nay, với 45 năm đồng thời học hỏi và làm công tác truyền thông, chúng tôi chỉ mong đem những kiến thức thu thập được chia sẻ để quảng bá tới người Việt ở khắp mọi nơi trong và ngoài nước cũng như trao đổi để học hỏi thêm.

….. Thuở nhỏ cũng như thời sinh viên, chúng tôi chơi đá banh, bóng bàn, đã có lần may mắn đoạt giải vô địch sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản. Thế nhưng thể chất ít nhiều không khỏe lắm. Khoảng năm 1985, phát hiện bị viêm thận. Từ năm 1986, bắt đầu phải lọc máu cách nhật. Dù vậy, vẫn đã có lần qua Hoa Kỳ hoạt động và lọc máu tại đây. Năm 1990, được ghép thêm một quả thận từ vợ hiền, sức khỏe hồi phục”.

Sống nhờ một quả thận của vợ ghép cho, đã chịu phẫu thuật 7 lần, thường xuyên phải nhập viện (Khoảng 1.000 lần, trong đó có cả những lần trên đường đi thuyết khách ngoài Nhật Bản) mà Đỗ Thông Minh vẫn không ngại dốc sức cống hiến cho nhân quần xã hội với tinh thần xả thân, bởi vậy khối lượng công việc ông đã thực hiện quá đồ sộ. Không học hàm học vị nhưng trí tuệ của ông thuộc tầm cao cùng với nhiều “nhà” trong giới khoa bảng.

Kiến thức uyên bác, nghị lực phi thường, Đỗ Thông Minh đã đóng góp xứng đáng cho niềm tự hào của tư chất dân tộc Việt Nam.

Hà Nội Xuân Bính Thân
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 5, ngõ 341 đường Trung Văn
Quận Nam Từ Liêm – Hà Nội
Mobi: 0984 724 165
Tác giả gửi tới VA News từ Hà Nội, Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad