Phối hợp: Giải pháp cho các vấn đề xã hội (tiếp theo) - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019

Phối hợp: Giải pháp cho các vấn đề xã hội (tiếp theo)


Phối hợp (collaboration), về mặt xã hội học, hay có thể nói hầu hết các lĩnh vực và ngành nghề, ngày càng được xem là các đặc điểm đưa đến sự thành công trên bình diện lớn, và mang tính định hình của sự sáng tạo và tăng trưởng [7].

Ngay cả trong lĩnh vực học thuật, càng ngày các chuyên gia càng phối hợp với nhau. Những cá nhân thần đồng/xuất chúng mà trước đây làm việc một mình bây giờ là huyền thoại của quá khứ. Ngày hôm nay, những đột phá (breakthrough) lớn nhất xảy ra khi mạng lưới những người có động lực mạnh mẽ và với tầm nhìn tập thể cùng tham gia và chia sẻ ý tưởng, thông tin và công việc [8]. Greta Thunberg là một điển hình mạnh mẽ và ấn tượng nhất [9].
Trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo, hay nói chung là mọi vấn đề liên quan đến con người, phối hợp là một trong các chìa khóa quan trọng nhất để đưa đến kết quả lớn và quan trọng.

Phối hợp để vận động số đông

Lý do căn bản nhất, là mỗi chúng ta, dù tài giỏi, thần đồng, xuất chúng đi nữa, khả năng của từng cá nhân cũng sẽ có giới hạn của nó. Vài tổ chức/tập thể, dù lớn mấy, cũng có những giới hạn của nó. Những vấn đề, thử thách của con người trên bình diện quốc gia và quốc tế cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trên tinh thần vì quyền lợi chung. Hòa bình, an ninh, kinh tế, thay đổi khí hậu, môi trường sống v.v… là những vấn đề như thế.

Phối hợp, thật ra, nói dễ nhưng làm khó. Nó có lắm ưu điểm, nhưng cũng dễ tạo ra nhiều lãnh đạo giả và xung đột trong cách làm việc. Nhưng người Hồng Kông, dù chưa thành đạt các mục tiêu của họ, họ đã kích động tinh thần và truyền cảm hứng mạnh mẽ lên toàn thế giới trong thời gian qua. Vì sao? Vì họ có tinh thần và khả năng phối hợp rất cao. Vì thế cho nên các cuộc biểu tình của họ, tuy không có lãnh đạo, nhưng nhờ khả năng phối hợp tài tình, họ huy động được số người tham dự với tỷ lệ dân số cao nhất. Cách đây 5 năm, chỉ có khoảng một hai trăm ngàn người tham dự. Năm nay, có đến một hai triệu người. Có đến 2,9 triệu người tham gia đi bầu trong kỳ bầu cử quận vừa qua.

Các cách thức phối hợp

Để phối hợp thành công, phong trào dân chủ Hồng Kông đã vận dụng hiệu quả tâm lý con người qua các phương pháp sau đây [10].

Một, thiết kế các hoạt động phải có khả năng tạo ra kết quả cụ thể. Như thế mới giữ được lửa, duy trì suy nghĩ tích cực, và hướng tới tinh thần và mục tiêu chung.

Hai, về nguyên tắc, bất cứ ai cũng có thể thực hiện các hoạt động này. Như thế mới huy động được số đông. Mặt đồ đen, cầm dù, đeo khẩu trang/mặt nạ v.v… ai cũng làm được.

Ba, hoạt động có thể được thực hiện cùng với cuộc sống hàng ngày (thay vì chiến dịch hoặc sự kiện một lần). Chẳng hạn, trên đường đi làm về, những người biểu tình Hông Kông thay áo quần ra rồi bắt tay tham gia và vận động nhau, thay vì phải nghỉ nguyên ngày.

Bốn, các hoạt động đáp ứng nhu cầu trong cộng đồng. Mục tiêu của biểu tình Hồng Kông là đưa ra năm yêu cầu chính đáng, bảo vệ quyền lợi của người Hồng Kông.

Năm, hoạt động chủ yếu dựa vào sự tự lực cánh sinh, ai làm được gì thì làm, trong khả năng của mình, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố bên ngoài, hay các tổ chức lớn, để hỗ trợ họ, mặc dầu họ biết họ cũng cần đến sự hỗ trợ của quốc tế.

Sáu, hoạt động đối diện và thách thức nguồn gốc của vấn đề (ở đây là Bắc Kinh can thiệp quá nhiều vào nền chính trị “một quốc gia hai thể chế” tại Hồng Kông). Cho nên họ đấu tranh để chống đối sự can thiệp của Bắc Kinh và mong muốn từ đó tạo ra một ý thức trách nhiệm về một viễn ảnh Hồng Kông mà trong đó tương lai tốt đẹp hơn.

Tinh thần phối hợp

Để phối hợp hiệu quả, những người tham gia cần thể hiện các đức tính/tinh thần sau đây.
Cần học cách lắng nghe (active listening). Kỹ năng này không phải dễ, và không phải ai cũng có. Nó cần được học, thực tập, trau dồi, và ý thức không ngừng.

Cần tập trung vào các ý tưởng, thay vì vào con người hay vào cá nhân. Khi tranh luận, hay phê bình, cần tránh tối đa nhắm vào con người, mà hãy nhắm vào vấn đề. Phân tích và phê bình sự việc, hành vi, thay vì chỉ trích nguyên con người đó.

Cần mở rộng lòng, trái tim, bộ óc khi phối hợp. Nghĩa là thay vì làm lớn chuyện, thì hãy học làm chuyện lớn, học làm việc với nhau (Open Up Instead of Size Up).

Cần quan tâm để ý đến sự thiên kiến đã định sẵn (confirmation bias) trong chính mình. Ai cũng có thiên kiến cả, không ngoại trừ ai. Phần lớn người ta chỉ muốn nghe những gì hợp tai hay hợp nhãn quan của mình.

Cần sự kết nối bên ngoài lĩnh vực và văn hóa của mình một cách sâu rộng. Nghĩa là phải có tinh thần bao hàm (inclusive) thay vì loại trừ (exclusive). Cần nhiều người ở nhiều lĩnh vực khác nhau và có cách nhìn, đánh giá, phân tích khác mình để bổ túc cho nhau. Những người mà có khả năng nhìn ra được những điều, khía cạnh mà mình nhìn không ra. Đi tìm tài năng có thể bổ túc cho mình hay dạy mình những điều mình không có.

Cần tránh tối đa sự chia rẽ (divisiveness), nghi kỵ, tị hiềm.

Cần gia tăng giáo dục và đào tạo thường xuyên, cho mình và những người chung quanh.

Cần tránh dĩ hòa vi quý. Khi có quá nhiều ý kiến, nó dễ dàng đi đến sự đồng thuận ở giữa để thỏa mãn mọi người. Đây là điều hay nhưng cũng có thể là điều dở. Cho nên cần phải luôn thách thức chính mình và những người chung quanh để phát huy những ý tưởng xuất sắc.

Cần phải nhớ tầm quan trọng của sự chuyên môn. Phối hợp đòi hỏi cấu trúc ngang hàng khi hoạt động, tức ngang nhau, và do đó dân chủ. Nhưng cũng phải tôn trọng và vận dụng khả năng chuyên môn và chỗ đứng của chuyên gia. Ý kiến của đám đông không thể thay thế vai trò của chuyên gia được.

Vài kết luận

Nhiều người Việt có xu hướng trông chờ lãnh đạo. Nhiều người ao ước có được một lãnh đạo sáng suốt, một minh quân xuất hiện, để tập hợp quần chúng, để huy động sức mạnh, và để mang lại thay đổi cho Việt Nam.

Nhưng chờ như thế chẳng khác gì chờ sung rụng. Đến bao giờ mới xảy ra! Lãnh đạo đâu phải tự nhiên xuất hiện. Nó là cả một quá trình tôi luyện, học hỏi, phấn đấu, dấn thân, thử nghiệm, rút tỉa kinh nghiệm, vượt qua những thất bại ê chề, vượt qua nghịch cảnh của chính mình v.v… Nói theo ngôn ngữ của thông minh cảm xúc (emotional intelligence) là phải có ý thức, biết tự chủ, hiểu biết về xã hội và có khả năng quản lý mối quan hệ với người khác.

Khi điều kiện cần và đủ, sẽ có lãnh đạo. Đối với phong trào đấu tranh tại Hồng Kông cũng thế. Nhưng khi chưa có lãnh đạo? Phối hợp. Hơn nữa, phối hợp là phương cách hiệu quả nhất hiện nay để chống lại độc tài. Vì sao? Vì độc tài, tự bản chất, là thâu tóm quyền hành, là tập trung quyền lực, vào một hay vài cá nhân, vào một hay vài tổ chức/đảng phái. Phối hợp thì ngược lại. Nó mang đặc tính của một xã hội dân sự linh động mà ai cũng có vai trò trong đó. Càng nhiều người tham gia với tinh thần độc lập, tự quyết và có tư duy phản biện, họ sẽ có một số ảnh hưởng nhất định nào đó. Trong bối cảnh như thế, rất khó để có thể tập trung ảnh hưởng hay tập trung quyền lực. Rất khó để trở thành độc tài và toàn trị.

Nhưng phối hợp cần phải đi song song với nền giáo dục cấp tiến để mỗi con người trong xã hội đó biết quyết định lấy các vấn đề trọng yếu ảnh hưởng lên cuộc sống của mình. Điều đó có nghĩa người Việt cần thay đổi cách nhìn về giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội và quan hệ quyền lực.

Tóm lại, tản quyền (decentralisation) và ủy/trao quyền (empowerment) là chìa khóa để xây dựng các tổ chức xã hội dân sự vững mạnh và để xây dựng nền tảng dân chủ vững ổn cho một Việt Nam tương lai.

Trong lúc này, các tổ chức đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam có thể áp dụng tinh thần phối hợp thật sự để xây dựng liên minh. Sẵn sàng làm việc với nhau vì mục đích chung. Mỗi người mỗi tổ chức đều có một số khả năng, tuy cũng đầy giới hạn, nhưng khi cùng nhau phối hợp cho mục tiêu chung, sức mạnh và kết quả sẽ gia tăng đáng kể. Đây cũng là điều mà nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay không muốn. ĐCSVN muốn cộng đồng người Việt hải ngoại luôn chia rẽ nhau và tranh chấp nhau. Họ cũng chủ trương các cá nhân và tổ chức nào còn hoạt động tại Việt Nam luôn nghi kỵ nhau và không thể hợp tác nhau. Họ cũng muốn cô lập hoặc bứng đi các cá nhân nào còn ở trong vai trò lãnh đạo mà có ảnh hưởng. Việc bắt nhà báo tiến sĩ Phạm Chí Dũng vừa qua cũng nằm trong mục đích này, dù họ có đưa ra bất cứ luận điệu tuyên truyền nào [11].

Những người Việt từng kinh nghiệm với cộng sản đều hiểu biết điều này. Chẳng có gì mới mẽ ở đây cả. Ngay người ngoại quốc giáo sư Stephen Young cũng hiểu sâu sắc cách chia để trị của cộng sản qua bài “Ai thống trị Việt Nam ngày nay?” [12]. ĐCSVN không cần chính họ tài giỏi. Họ chỉ cần người dân không thể phối hợp với nhau là họ đã thành công. Nhưng hiểu là một chuyện. Vượt qua được chính mình hay không, và làm được hay không, là chuyện khác. Cũng như biết chứng hư, tật xấu là một chuyện, nhưng vượt qua được, bỏ được nó hay không, là cả một tiến trình. Nhưng nếu để cái tôi quá lớn và không phối hợp được với nhau thì thật là đáng tiếc. Trong khi đó một chế độ thô bạo, bất lực và hèn hạ vẫn tiếp tục đè đầu cưỡi cổ người dân.

Mỗi người Việt, mỗi nhà hoạt động, nên nỗ lực trở thành một phối hợp viên, không cần lãnh đạo, cho đến khi nào lãnh đạo được tín nhiệm. Ngay cả khi có lãnh đạo, sự phối hợp vẫn mang tính quyết định để có thể vận động được số đông. Hơn nữa, khi phối hợp, chúng ta học cách bỏ cái tôi to lớn sang một bên, để cái chung, cũng như sự sáng tạo, sáng kiến, đổi mới được phát triển tối đa, đem lại những thành quả chung cho tập thể, cho đất nước.

Do đó, nhu cầu phối hợp hành động là tối quan trọng. Cho mục đích cao cả nhất. Mục đích chung của con người, xã hội, quốc gia, và nhân loại. Không phối hợp được với nhau vì mục đích chung thì mọi mơ ước đều viễn vong (wishful thinking).

Phạm Phú Khả
Blog VOA
Tài liệu tham khảo:

7. Karen Sternheimer, “Learning Sociology through Collaboration”, Everyday Sociology, 17 April 2017; Lynda Moultry Belcher; Reviewed by Jayne Thompson, “Advantages & Disadvantages of Collaboration in the Workplace”, Psychology Today, 4 April 2019; Jeffrey Davis, “How Wonder Plays a Key Role in Collaboration”, Psychology Today, 4 April 2019.

8. Jeff DeGraff, “The Good, the Bad, and the Future of Creative Collaboration”, Psychology Today, 11 May 2019.

9. Somini Sengupta, “Greta Thunberg, on Tour in America, Offers an Unvarnished View”, The New York Times, 18 September 2019; Agence France-Presse in Stockholm, “'The climate doesn't need awards': Greta Thunberg declines environmental prize”, The Guardian, 30 October 2019.

10. Jeff DeGraff, “What Can Companies Do to Create a Culture of Innovation?”, Psychology Today, 24 October 2017; Jeffrey Davis, “3 Psychological Barriers to Creative Collaboration”, Psychology Today, 31 July 2018; Jeffrey Davis, “How Wonder Plays a Key Role in Collaboration”; 29 June 2016.

11. “Nhà báo Phạm Chí Dũng bị bắt vì ‘tuyên truyền chống nhà nước’”, VOA Tiếng Việt, 21 tháng 11 năm 2019.

12. Stephen B. Young, “Ai thống trị Việt Nam ngày nay?”, Dân Luận, 17 tháng 1 năm 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad