Khách du lịch bỏ trốn – Chọn uy tín hay lợi nhuận? - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

Khách du lịch bỏ trốn – Chọn uy tín hay lợi nhuận?


Theo CNA, tính đến ngày 28/12, Cục Di dân Đài Loan đã tìm được 14/152 du khách Việt Nam mất tích, bao gồm 5 nam, 9 nữ trong đó có 4 phụ nữ tự trình diện. (Ảnh chụp hôm 28/12/2018)


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Từ thực trạng ề chề…

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng trưởng liên tục, bình quân 20% một năm. Tuy nhiên, tình trạng khách lợi dụng du lịch để ở lại nước ngoài, cư trú bất hợp pháp, cũng gây quan ngại không ít.

Ngoài nhiều vụ khách lẻ bỏ trốn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, thì vụ việc 152 khách du lịch Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan gần đây gây chấn động. Sau vụ việc này, Đài Loan đã ngưng chính sách visa Quan Hồng đối với các công ty du lịch. Tháng 3-2019, Đài Loan mới mở lại chính sách này nhưng đi kèm một số điều kiện chặt chẽ hơn.

Visa Quan Hồng là một phần nằm trong chính sách Tân Hướng Nam của Đài Loan. Theo chính sách này, công dân của một số nước khi xin visa du lịch sang Đài Loan, sẽ được miễn nộp chứng minh việc làm và chứng minh tài chính, khi tham gia tour theo đoàn trên 5 người, tại các công ty du lịch được chỉ định.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Công Ty Du Lịch Lửa Việt, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 15/7 nhận định:

“Việc nhà nước quản lý các công ty du lịch đưa khách đi nước ngoài hiện nay hết sức là lỏng lẻo, dẫn đến việc rất nhiều trường hợp bỏ trốn. Theo tôi đây là một dấu lặng rất buồn. Đất nước được thống nhất hơn 40 năm rồi, nhưng nhiều người dân vẫn bế tắc, họ vẫn tìm cách “vượt biên” một cách bất hợp pháp, như vậy rõ ràng là cuộc sống phải bế tắc thế nào thì họ mới tìm đường họ đi.”

Theo tôi đây là một dấu lặng rất buồn. Đất nước được thống nhất hơn 40 năm rồi, nhưng nhiều người dân vẫn bế tắc, họ vẫn tìm cách “vượt biên” một cách bất hợp pháp, như vậy rõ ràng là cuộc sống phải bế tắc thế nào thì họ mới tìm đường họ đi.

-Nguyễn Văn Mỹ
Trước tình trạnh nhiều khách du lịch Việt Nam bỏ trốn, không chỉ Đài Loan, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng vừa hủy bỏ, đình chỉ có thời hạn tư cách đại diện xin cấp visa đoàn, của 8 công ty du lịch vì vi phạm nghiêm trọng quy ước đã cam kết.

Trước đó, từ ngày 10-6, Hàn Quốc đã tạm ngưng cấp thị thực 5 năm cho người Việt Nam, tạm trú hợp pháp tại Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn. Nguyên nhân theo phía Hàn Quốc là do, tỉ lệ làm giả sổ tạm trú và tỉ lệ người sinh sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc theo dạng visa 5 năm tăng mạnh.

Anh Thuận Phong, một hướng dẫn viên du lịch lâu năm hiện sống ở Sài Gòn, nhận xét với RFA hôm 15/7:

“Vấn đề là những thị trường Á Châu không đơn thuần là thị trường du lịch đối với người Việt Nam, mà có những công ty du lịch làm việc rất bậy bạ, họ tuyển (người-pv) một cách gián tiếp để cho đi lậu để trốn ra nước ngoài để làm việc, chưa kể vấn đề gái gú qua đó làm việc. Do đó người ta mới đánh động lên. Đó là những công ty không có uy tín, nhưng mà Tổng cục du lịch Việt Nam không kiểm soát được, vì chỉ cần đóng vô quỹ của nhà nước 200 triệu là có thể thành lập công ty du lịch quốc tế. Họ bán tour nhưng không thực hiện tour vì không đủ khả năng, nên họ bán khách qua công ty du lịch khác. Kiểu như vậy nên bát nháo, đặc biệt là các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc trốn nhiều, để ở lại đi lao động.”

…đến hệ lụy đáng báo động

Trước đây, vào năm 2013, từng có đoàn khách du lịch Việt Nam gồm 15 người đi tour sang Israel thì đã bỏ trốn cả 15 người. Sau đó, vào năm 2016, cũng từng có đến 59 du khách người Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc khi du lịch miễn visa đến đảo Jeju.

Lực lượng di trú Đài Loan hộ tống hai phụ nữ Việt Nam bị bắt, được cho là một trong số 152 người Việt Nam bị mất tích sau khi đến Đài Loan, vào một chiếc xe bên ngoài văn phòng di trú ở thành phố Tân Bắc vào ngày 28 tháng 12 năm 2018. AFP
Việc du khách bỏ trốn không những gây ảnh hưởng quan hệ ngoại giao, còn gây ảnh hưởng tới chính sách cấp phép nhập cảnh đối với những người muốn du lịch thực sự, khi chính quyền các nước sở tại buộc phải siết chặt lại chính sách visa. Chưa kể về lâu dài có thể ảnh hưởng đến các thị trường du lịch khác và uy tín của ngành du lịch Việt Nam.

Trao đổi với RFA từ Hà Nội hôm 15/7, ông Ngô Văn Thỏa, giám đốc công ty cổ phần lữ hành Hoàn Mỹ, nhận định:

“Hiện nay công ty mình không làm nhiều về thị trường đó nên không ảnh hưởng lớn. Nhưng những công ty khác khi bị siết chính sách visa thì phải điều chỉnh khá nhiều về tỷ phần cũng như chính sách. Đài Loan và Hàn Quốc đều phải thay đổi cả, phải điều chỉnh lại kế hoạch, họ phải xét duyệt kỹ hơn.Bên cạnh đó là phải đa dạng hóa thị trường, cân đối bằng các thị trường ít rủi ro về visa như Dubai và Trung Đông. ”

Đáng lo ngại, tình trạng trên có xu hướng ngày càng gia tăng, với ngày càng nhiều chiêu trò tinh vi để “qua mắt” các lực lượng chức năng, gây hậu quả không nhỏ tới uy tín người Việt tại nước ngoài, làm mất đi cơ hội của những người lao động và du khách.

Theo ông Ngô Văn Thỏa, việc khách du lịch bỏ trốn ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản… không phải do công ty mà do cá nhân. Ông Thỏa cho rằng công ty du lịch chỉ là nạn nhân, họ xét duyệt hồ sơ thận trọng. Tuy nhiên nhiều cá nhân đã làm giả giấy tờ rất tinh vi, cho nên các công ty bị ảnh hưởng theo.

Ông Nguyễn Văn Mỹ cũng cho rằng, khách mà họ đã muốn trốn thì rất khó kiểm soát, không thể biết giấy tờ đó thiệt hay giả. Cho nên các công ty phải cảnh giác hơn, trường hợp nào nghi ngờ thì phải loại ra ngay. Tuy nhiên, ông nói tiếp:

“Về phía các công ty lữ hành, họ biết rõ trốn nhưng họ vẫn tổ chức, bởi vì nhà nước chưa có biện pháp chế tài hay xử theo pháp luật một cách cụ thể, thời gian quản lý như vậy khá dài, dẫn đến việc khách bỏ trốn khá nhiều.”

Về phía các công ty lữ hành, họ biết rõ trốn nhưng họ vẫn tổ chức, bởi vì nhà nước chưa có biện pháp chế tài hay xử theo pháp luật một cách cụ thể, thời gian quản lý như vậy khá dài, dẫn đến việc khách bỏ trốn khá nhiều.

-Nguyễn Văn Mỹ
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, công ty du lịch chỉ phòng được người ngay, còn gặp người gian thì phải chấp nhận đó là “rủi ro trong kinh doanh”. Tuy vậy, ông cũng cảm thán rằng: “Trước khi mình trách người dân thì mình phải trách nhà nước, quản lý kém thì mới làm giấy tờ giả được (!?).

Cũng đồng quan điểm đó, ông Ngô Văn Thỏa nói thêm, về phía nhà nước thì có thể giải quyết khá đơn giản,tuy nhiên, vấn đề là nhà nước có làm quyết liệt hay không? Công ty du lịch có thể nhận diện những người có ý định trốn, nhưng công ty du lịch không có thẩm quyền để giải quyết. Báo chính quyền thì giải pháp chính quyền đưa ra không mấy quyết liệt. Theo ông, nếu có sự chỉ đạo quyết liệt từ phía chính phủ thì may ra có thể giải quyết được triệt để vấn đề này.

Tín hiệu mới

Tuy vậy, sau cùng ông Nguyễn Văn Mỹ nhận định: “Đáng mừng là gần đây nhà nước cũng có một số biện pháp rất gay gắt, như vừa rồi mới ban hành nghị định, nếu 1 khách trốn ở lại thì công ty bị rút giấy phép có thời hạn 6 tháng hay 1 năm, hoặc bị phạt rất nặng, có thể lên đến 100 triệu.”

Theo ông Mỹ, biện pháp này tuy muộn còn hơn không, nếu ban hành sớm hơn, thì chắc chắn đã hạn chế được chuyện đi tour rồi bỏ trốn ở lại như các vụ việc xảy ra trong thời gian qua.

Vào ngày 21/3/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, có hiệu lực từ 1/8 tới, mức phạt sẽ lên tới gần 100 triệu đồng nếu các doanh nghiệp lữ hành để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc khách nước ngoài trốn ở lại Việt Nam trái phép. Đồng thời, kèm hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 12 đến 18 tháng.


Trung Khang
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad