Phật ở đâu? - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

Phật ở đâu?


Một buổi ăn của các em tại tu viện không có tên. (Hình: Facebook Ba Kiem Mai)

Phật tử Việt Nam đang chuẩn bị cho Phật Đản – sinh nhật của Đức Phật. Năm nay, rằm tháng 4 rơi vào ngày 19 tháng 5 dương lịch và dịp Phật Đản 2019 này sẽ là lần thứ ba, Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak (đại lễ mang tính quốc tế của Phật giáo, kỷ niệm cùng lúc ba sự kiện: Phật Đản, Phật Thành đạo và Phật nhật Niết bàn).

Đang có rất nhiều lý do để người Việt, đặc biệt là Phật tử Việt Nam nên tự hỏi: Phật ở đâu?..

***

Cách nay bốn tuần, facebooker Chau Thi Phan đưa lên facebook của bà câu chuyện mà bà đặt tên là: Ở đó, chùa đã được cầu chứng bởi giáo dân (1)…

Ngôi chùa ấy không có biển để người ta biết tên của tự viện, không có chánh điện, chỉ có hai tăng nhân và một lũ trẻ từ hai đến hơn mười tuổi. Nếu không có hai bóng áo vàng, hàng chục bóng áo lam, áo nâu sồng của những đứa trẻ thấp thoáng bên trong, không ai nghĩ đó là “cửa Phật”.

Theo mô tả của bà Châu, thật ra, ngôi chùa mà bà và bạn bè đến thăm chỉ là một căn nhà tuềnh toàng, vách gạch, mái tôn. Căn nhà ấy vừa đặt bàn thờ Phật, vừa là chỗ ăn ở của lũ trẻ. Trong khuôn viên cái gọi là chùa, có một căn nhà khác trong tình trạng xây dựng dở dang, tượng và bát nhang nằm rải rác chung quanh, chẳng khác gì bị bỏ hoang...

Sở dĩ bà Châu và bạn bè bỏ thời gian, công sức từ Sài Gòn đến Long Khánh, băng qua thêm một con đường đất đỏ ngoằn nghèo dẫn vào chân núi Chứa Chan, khó đi đến mức người ngồi trên xe chỉ sợ xe… lật, tìm tới “chùa” vì qua facebook, họ biết, đó là nơi hai người đàn ông thí phát quy y đang nuôi lũ trẻ, đứa thì bị vứt bỏ từ lúc mới chào đời, đứa thì vì cha mẹ không thể hoặc không muốn nuôi dưỡng do chúng thiểu năng,...

12 đứa trẻ vốn dĩ bất hạnh ấy đã có một mái ấm, đang và sẽ còn lớn lên trong tình thương, bằng mồ hôi của hai tăng nhân. Cả hai quần quật làm vườn, thu hoạch rau củ, trái cây, làm sữa đậu nành, bún xào chay, chả giò chay,… mang đi bán để mua sữa, mua quần áo và những nhu yếu phẩm tối cần thiết giúp lũ trẻ tồn tại.

Hai tăng nhân kể với bà Châu, họ có chung thầy. Tám năm trước, cả hai rời thầy, cùng nhau đi tìm một nơi thanh tịnh làm nơi tu tập và chọn chỗ hiện nay – vốn là một cái cốc bị bỏ hoang và chủ cốc đồng ý bán… chịu. Họ dựa vào mình, dựa vào nhau, không dựa vào bá tánh. Rồi hoàn cảnh đẩy đưa, họ tự nguyện làm chỗ dựa cho lũ trẻ…

Do ái ngại trước… cảnh chùa, một số Phật tử phát tâm muốn hỗ trợ cả hai tăng nhân dựng một gian nhà riêng để thờ Phật nhưng chính quyền địa phương không cho vì cả hai tăng nhân không phải là thành viên của… Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Gian nhà bên cạnh dở dang là vì thế.

Cả hai tăng nhân giải thích, họ không ghi danh làm thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam vì sẽ phải đóng nhiều thứ tiền. Hóa ra, ngay cả treo biển đề tên tự viện cũng phải đóng hàng trăm triệu. Chẳng lẽ không phải thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không phải là… tu (?). Thôi thì dành khoản tiền đó để nuôi lũ trẻ!

Một trong hai tăng nhân bảo với bà Châu. Vài năm trước, do tường nứt toác mà không có tiền, ông tâm sự trên facebook, hi vọng có ai đó sẽ giúp cho ba bao xi măng. Thế rồi một trong những người đọc nhắc rằng, Đức Phật bỏ cả ngai vàng, tọa thiền dưới gốc cây chịu bao mưa nắng để tu, giờ, tại sao chỉ vì bất tiện chút xíu mà đã đi xin?.. Lời nhắc nhở đó khiến ông giật mình và kể từ đó, cả hai tự làm, tự lo…

Có một tình tiết mà sau khi phát giác, bà Châu mạnh miệng kết luận, ngôi chùa không ra chùa ấy đã được các giáo dân Công giáo cầu chứng: Khi xuống bếp, trò chuyện với những người mà bà cho là đến chùa làm công quả, giúp hai tăng nhân nấu nướng cho lũ trẻ, họ làm bà sửng sốt khi khẳng định họ không phải là Phật tử…

Họ là những giáo dân Công giáo sống quanh chùa. Cảm động trước cảnh hai tu sĩ khác tôn giáo thức khuya, dậy sớm, làm việc quần quật rồi tất tả chạy chợ, bán những thứ tự làm, vừa để nuôi thân, vừa để nuôi lũ trẻ, khiến họ tự thấy cần xúm vào phụ một tay. Bà Châu gọi đó là bằng chứng chùa đã được cầu chứng – thẩm định giá trị!

Cuối câu chuyện vừa kể, bà Châu giải thích, bà không nêu tên tự viện vì bà không muốn tâm sự của bà gây thêm khó khăn cho hai tăng nhân. Những câu chuyện mà một vài facebooker khác từng kể trên mạng xã hội về ngôi chùa này đã trở thành lý do khiến hai tăng nhân bị chính quyền địa phương gọi lên răn đe: Đừng lợi dụng lũ trẻ để kiếm tiền!

Dẫu bà Châu không nêu nhưng tìm trên facebook vẫn có thể biết ngôi chùa trong câu chuyện bà Châu kể là Tịnh thất Sơn Lâm, tọa lạc tại ấp 1, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Hai tăng nhân trú trong tịnh thất là Đại đức Thích Chơn Lâm và Tỳ kheo Thích Nhuận Hiền (2).

Tịnh thất Sơn Lâm chưa có biển, chưa có chánh điện, tượng rồi bát nhang đang ngổn ngang giữa nắng mưa nhưng có Phật không? Ai dám bảo là không?

***

Cuối tuần này, đại diện Phật giáo của nhiều quốc gia sẽ đến Việt Nam tham dự Đại lễ Vesak.

Ai cũng biết, với Việt Nam, Đại lễ Vesak không chỉ là sự kiện của riêng Phật giáo, đã rất nhiều lần chính quyền Việt Nam sử dụng Đại lễ Vesak như một bằng chứng, chứng minh rằng Việt Nam tôn trọng “tự do tôn giáo”, nỗ lực không ngưng nghỉ để thăng tiến nhân quyền như đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Năm nay là lần thứ ba Đại lễ Vesak diễn ra tại Việt Nam. Trừ lần đầu (2008), Đại lễ Vesak được tổ chức ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình như một bằng chứng, chứng minh sự ủng hộ vô điều kiện của chính quyền Việt Nam với Phật giáo. Lần thứ hai và lần này, Đại lễ Vesak đều diễn ra tại các đại tự cùng do… Công ty Xây dựng Xuân Trường đầu tư.

Chùa Bái Đính – nơi diễn ra Đại lễ Vesak lần thứ hai tại Việt Nam (2014) – là một kiến trúc nằm trong Khu Du lịch Tâm linh Tràng An.

Cho đến giờ này, người ta chỉ biết chùa Bái Đính có chín cái nhất, không… châu Á thì cũng… Đông Nam Á hoặc Việt Nam, có xá lợi Phật được rước từ Ấn Độ về, Đại lễ Vesak từng được tổ chức tại đó… và cũng từ đó, Khu Du lịch Tâm linh Tràng An trở thành một điểm hành hương, tham quan nổi tiếng, khách du lịch tăng theo mức triệu/năm.

Người ta chưa biết tại sao Công ty Xây dựng Xuân Trường được giao hàng chục ngàn héc ta công thổ, kể cả núi, rừng, sông, suối? Người ta cũng chưa biết tại sao vốn đầu tư vào Khu Du lịch Tâm linh Tràng An, đặc biệt là hạ tầng, tuy là công quỹ (ít nhất cũng khoảng 3.000 tỉ) nhưng tổ chức khai thác thì lại do Công ty Xây dựng Xuân Trường đảm nhận và hưởng… 90% doanh thu (3).

Chẳng biết có phải Đại lễ Vesak hồi 2014 ở Việt Nam mở đường hay không mà Công ty Xây dựng Xuân Trường lại được giao chừng 4.000 héc ta nữa để xây dựng Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc. Trong Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc cũng có đại tự: Chùa Tam Chúc và đây là nơi được chọn để tổ chức Đại lễ Vesak vào cuối tuần này.

Công ty Xây dựng Xuân Trường không giấu diếm tham vọng sẽ đầu tư xây dựng Tổ hợp Du lịch Tâm linh chùa Hương, diện tích 1.000 héc ta. Nếu tham vọng này được chấp nhận, Công ty Xây dựng Xuân Trường sẽ là doanh nghiệp khai thác Kế hoạch thực hiện “tuyến du lịch tâm linh” từ Hà Nội đến Ninh Bình đã được chính quyền Việt Nam phê duyệt và hệ thống hạ tầng của tuyến du lịch tâm linh này hoàn toàn là vốn ngân sách.

Phật có ở trong những đại tự cấu thành các Khu Du lịch Tâm linh không? Rộng hơn, Phật có ở trong những đại tự do các tăng nhân đang nắm giữ đủ loại chức vụ, cả chính trị (Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc,… ), lẫn lãnh đạo tăng đoàn các cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đang trụ trì hay không?

Phật ở đâu khi những tăng nhân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức bán sao để giải hạn, bán vong để giải nghiệp? Phật ở đâu khi những tăng nhân này tu tập trong xa hoa, thậm chí đua nhau phô trương sang, giàu qua xe hơi, điện thoại, đồng hồ... Vừa niệm Phật vừa chửi thề, rủa xả chúng sinh, vừa gõ mõ, vừa đánh người, thậm chí đánh lẫn nhau như thời gian vừa qua?

Theo Phật có nên theo những tăng nhân, thay vì nhìn vào giáo pháp để tự vấn, tự điều chỉnh trên con đường tu tập thì lại thỉnh thị ý kiến của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam trong tất cả mọi chuyện và tìm mọi cách để gắn cho bằng được đạo pháp với chủ nghĩa xã hội hay không?


Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad