Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị cảnh sát Liên bang Đức liệt vào hạng nguy hiểm như khủng bố? - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2018

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị cảnh sát Liên bang Đức liệt vào hạng nguy hiểm như khủng bố?


Có ít nhất 5 nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đã tham gia, dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Vụ việc dẫn độ này đã xảy ra cách đây hơn 4 tháng, trước đây hoàn toàn không có một hình ảnh nào được phổ biến, nay đúng vào lúc phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh ở Việt Nam sắp sửa bắt đầu thì bỗng nhiên xuất hiện những ảnh chụp dẫn độ nghi can Nguyễn Hải Long dưới sự canh phòng cực kỳ cẩn mật của đội đặc nhiệm chống khủng bố "BFE +" của Đức.

Đội đặc nhiệm chống khủng bố "BFE +" đưa nghi can Nguyễn Hải Long vào đồn Cảnh sát Đức

Tờ nhật báo Đức Oberpfälzischer Netz trong số báo cuối tuần 05 - 07.01.2018 đã đăng nguyên trang báo bài tường thuật về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt trong đó có đăng những hình ảnh nghi can Nguyễn Hải Long bị dẫn độ về Đức dưới sự canh phòng cực kỳ cẩn mật của đội đặc nhiệm chống khủng bố "BFE +" của Đức.

Sau đây là những chi tiết trong bài báo mà đề cập đến nghi can Nguyễn Hải Long.

Hồi 12.8.2017 nghi can Nguyễn Hải Long, chủ văn phòng chuyển tiền MoneyGram tại chợ Sapa CH Séc, đã bị cảnh sát CH Séc bắt ở thủ đô Prag. Theo điều tra của cảnh sát, Nguyễn Hải Long là người đứng ra thuê mướn ở Prag chiếc xe 7 chỗ ngồi, hiệu Multivan VW (Volkswagen) của Đức, trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 24.07.2017 và đã đích thân lái chiếc xe đến Berlin trong ngày đầu tiên thuê mướn. Vào ngày 23.07.2017 chiếc xe này được đội mật vụ đến từ Việt Nam sử dụng để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.

Ảnh chụp bài báo trên tờ Oberpfälzischer Netz trong số báo cuối tuần 05 - 07.01.2018
Ảnh chụp trang nhất tờ Oberpfälzischer Netz trong số báo cuối tuần 05 - 07.01.2018

Mười một ngày sau khi bị cảnh sát CH Séc bắt, nghi can Nguyễn Hải Long, 46 tuổi, đã bị dẫn độ từ Prag về nước Đức vào ngày 23.08.2017.

Trong bài báo cũng có mô tả việc dẫn độ nghi can Nguyễn Hải Long từ Prag về Đức.

Phía Đức và CH Séc thỏa thuận với nhau địa điểm bàn giao nghi can Nguyễn Hải Long là ngôi làng Waidhaus của Đức, nằm sát biên giới Đức-CH Séc.

Làng Waidhaus, nơi cảnh sát CH Séc bàn giao nghi can Nguyễn Hải Long cho cảnh sát Đức

Việc dẫn độ được thực hiện theo các biện pháp bảo vệ an ninh cao nhất và với sự hỗ trợ của đơn vị đặc nhiệm "BFE +" (tên gọi của lực lượng tinh nhuệ chống khủng bố, chuyên bắt giữ và bảo vệ nhân chứng của Cảnh sát Liên bang Đức).

Lực lượng tinh nhuệ chống khủng bố "BFE +" của Cảnh sát Liên bang Đức

Đầu tiên chiếc trực thăng chuyên dụng "Super-Pumas" của Cảnh sát Liên bang Đức đáp xuống một bãi cỏ gần đồn Cảnh sát Liên bang Đức ở làng Weidhaus. Từ phía Cộng hòa Séc, những chiếc ô tô của cảnh sát CH Séc áp tải nghi can Nguyễn Hải Long từ Prag tiến đến. Nghi can này đã được bàn giao tại đồn Cảnh sát Liên bang Đức ở đường Vohenstrauss.

Sau khi làm xong thủ tục bàn giao, các thành viên của đội đặc nhiệm "BFE +" đã đưa nghi can ra chiếc trực thăng chuyên dụng „Super Puma“ trên một bãi cỏ gần đó để chở về giam trong nhà tù Berlin. Những nhân viên chống khủng bố này được trang bị súng ống hạng nặng và mặc áo giáp chống đạn. Nghi can Nguyễn Hải Long cũng được cho mặc áo giáp để đề phòng bị ám sát diệt khẩu.

Đội đặc nhiệm chống khủng bố "BFE +" áp tải nghi can Nguyễn Hải Long lên trực thăng

Vụ việc dẫn độ này đã xảy ra cách đây hơn 4 tháng, trước đây hoàn toàn không có một hình ảnh nào được phổ biến, nay đúng vào lúc phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh ở Việt Nam sắp sửa bắt đầu thì bỗng nhiên xuất hiện những ảnh chụp dẫn độ nghi can Nguyễn Hải Long dưới sự canh phòng cực kỳ cẩn mật của đội đặc nhiệm chống khủng bố "BFE +" của Đức. Điểm đáng lưu ý, tất cả những ảnh chụp trên đều được chú thích rõ là của Cảnh sát Liên bang Đức.

Có ít nhất 5 nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đã tham gia, dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Đặc biệt bài báo kể rõ, nhờ hệ thống định vị GPS gắn trên xe VW-Multivan do nghi can Nguyễn Hải Long thuê mướn (trong ngày xảy ra vụ bắt cóc, nghi can Nguyễn Hải Long không có mặt ở Berlin, mà ở Prag) nên cảnh sát điều tra biết được chính xác lộ trình của xe và xác định được hành trình di chuyển đúng từng giây. Theo điều tra của cảnh sát, ngay sau khi bị bắt cóc, chiếc xe đã chở Trịnh Xuân Thanh và cô tình nhân Đỗ Minh Phương (26 tuổi. Trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cô bị dùng để "chim mồi") từ công viên Vườn Thú (Tiergarten) về Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin và chiếc xe bắt cóc VW-Multivan màu xám bạc đã đổ xe trong sân suốt 5 tiếng đồng hồ.

Cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy vụ bắt cóc này là do mật vụ Việt Nam và Đại sứ quán CHXHCN Việt Nam tổ chức từ đầu đến cuối. Có ít nhất 5 nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đã tham gia, dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, trong số đó 2 người đã bị Bộ Ngoại giao Đức trục xuất về Việt Nam.

Người thứ nhất bị trục xuất là Đại tá tình báo Nguyễn Đức Thoa. Qua hình ảnh thu được từ những máy quay phim giám sát của khách sạn "Sylter Hof" thì thấy Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin là đại tá Nguyễn Đức Thoa, đại diện của tình báo Việt Nam tại Đức đã đến khách sạn gặp nhóm đặc vụ bắt cóc. Ngoài ra chính Đại tá Nguyễn Đức Thoa là người đứng ra đặt phòng khách sạn này. Với những bằng chứng đó, sau này phía Đức đã trục xuất đại tá Nguyễn Đức Thoa về Việt Nam.

Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam Nguyễn Đức Thoa, đại tá tình báo, đại diện của tình báo Việt Nam tại Đức
Trong thời gian nhốt Trịnh Xuân Thanh ở Đại sứ quán, lúc đó một cô nhân viên của đại sứ quán đã gọi điện thoại đến một công ty du lịch ở Berlin và đặt mua 3 vé máy bay về Việt Nam cho buổi tối cùng ngày 23.07.2017. Đây là hãng máy bay Trung Quốc, máy bay cất cánh từ sân bay Tegel ở Berlin lúc 19 giờ 40 bay về Hà Nội ngang qua Bắc Kinh và Soul (thủ đô Nam Hàn).

Hai tiếng đồng hồ trước khi máy bay cất cánh, Đại sứ quán đã cử người đến dọn phòng khách sạn Sheraton, nơi Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Minh Phương trú ngụ. Người được cử đi dọn phòng là một nam nhân viên cấp cao, Bí thứ thứ nhất, phụ trách về bộ phận lãnh sự của Đại sứ quán Đức tại Berlin.

Bí thứ thứ nhất này đã dùng xe công vụ của Đại sứ quán đến đón một người phụ việc (một người đàn ông) để cùng đi dọn phòng. Người này nhận được một tờ giấy Ủy nhiệm được ký bởi một nữ nhân viên cấp cao, phụ trách về bộ phận chính trị của Đại sứ quán Đức tại Berlin.

Sau đó lúc 19 giờ 40, trên máy bay ngoài cô Đỗ Minh Phương còn có 2 người đi kèm theo, áp tải cô về Việt Nam. Một trong 2 người là nam nhân viên phụ trách về công việc hành chính cho Đại sứ quán. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhân viên này đã trở lại Berlin làm việc như cũ. Có lẽ đó là người thứ hai của Đại sứ quán đã bị phía Đức trục xuất về Việt Nam.

Cho đến nay 2 người trong số ít nhất 5 nhân viên Đại sứ quán tham gia, dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đã bị trục xuất về nước. Không biết trong thời gian tới số phận của 3 nhân viên Đại sứ quán còn lại sẽ ra sao? Và phía Đức còn tiếp tục phát hiện ra những nhân viên nào khác nữa hay không?

Linh Quang
Thoibao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad