Sợ thảm họa biến thành khủng hoảng, dân nài chính phủ thu mua cá chết - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Sợ thảm họa biến thành khủng hoảng, dân nài chính phủ thu mua cá chết


Chính quyền Việt Nam đưa ra một số khuyến cáo không nên ăn cá ở những khu vực xảy ra thảm họa.
Một số nhà hoạt động, tổ chức dân sự Việt Nam đang lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam khẩn cấp có biện pháp thu mua và tiêu hủy cá chết ở các vùng biển miền Trung để tránh tình trạng nhiều người vớt cá nhiễm độc đem bán cho thương lái trữ đông, từ đó chuyển đi các nơi để tiêu thụ, chế biến.

Chưa bao giờ, Việt Nam đứng trước một thảm họa về môi trường khiến người dân cả nước quan tâm nhiều như vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung hiện nay.

Hiện tượng hàng chục tấn cá ở cả những tầng nước sâu chết trôi giạt vào bờ biển miền Trung suốt dọc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, diễn ra từ hồi đầu tháng tới nay vẫn chưa có kết luận cụ thể.

Chính quyền Việt Nam đã đưa ra một số khuyến cáo không nên ăn cá ở những khu vực xảy ra thảm họa, nhưng với những người dân mà chén cơm hàng ngày phải dựa vào nguồn cá, hải sản từ biển, thì các khuyến cáo trên chỉ dừng lại ở trên các phương tiện truyền thông. Chi phí sinh hoạt hàng vẫn cần, tiền lãi ngân hàng cho các phương tiện đánh bắt, kinh doanh vẫn phải trả trong khi vẫn chưa nhận được những hỗ trợ mà chính quyền loan báo chu cấp khiến người dân ở nhiều khu vực tiếp tục nhặt cá chết đem bán, mặc dù bản thân họ không dám ăn, thậm chí không dám xuống biển.

Theo thông tin VOA ghi nhận được từ những người đang khảo sát thực tế ở khu vực xảy ra thảm họa, một số người dân vẫn đi nhặt cá chết để bán cho các thương lái thu gom trữ đông lạnh. Cá sống do ngư dân đánh bắt vào bờ, do không ai mua, nên cũng được bán rẻ lại cho thương lái trữ đông. Cả cá sống và cá chết được trộn lẫn vào nhau để dành tiêu thụ trên thị trường sau này. Thực tế đang diễn ra này khiến cho một số nhà hoạt động, tổ chức xã hội dân sự lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam phải khẩn cấp thu mua để tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn trong những ngày tới.

Cá chết trắng ven biển miền Trung (ảnh chụp từ trang vietnamnet)
Một bạn trẻ đang đi khảo sát tình hình thực tế ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, cho VOA biết:

“Chuyện bây giờ thu mua rồi để vào trong những xe đông lạnh, sau đó chở đi những nơi khác hoặc có thể trữ lại, sau một thời gian rồi đưa ra bán thì quả thực hiện tại nó tạo thành một nguy cơ, một thảm họa lớn hơn những gì mình có thể tưởng tượng. Do đó mà hiện tại bây giờ, theo sự khảo sát của em ở đây, ngày càng có nhiều lời gần như là khẩn nài chính phủ phải vào cuộc, bởi vì bây giờ chỉ có chính phủ mới đủ nguồn lực để giải quyết vấn đề này thôi.”

Theo ý kiến của bạn trẻ này, việc xử lý lượng cá chết khổng lồ vẫn tiếp tục giạt vào bờ biển miền Trung hiện nay vượt quá khả năng của bất cứ cá nhân hay tổ chức dân sự nào.

“Việc tiêu hủy như thế nào cho đúng cách thì nó là yêu cầu đòi hỏi rất nhiều chuyên môn và kỹ thuật nằm ngoài năng lực của các tổ chức dân sự bây giờ, cũng như bất kỳ cá nhân nào. Do đó bây giờ rất mong muốn là chính phủ phải vào cuộc ngay lập tức. Bây giờ là đã quá chậm trễ rồi, nhưng có còn hơn không. Phải vào cuộc ngay lập tức!”.

Hiện có rất nhiều người dân lên tiếng yêu cầu nhà chức trách phải hành động ngay để giải quyết thảm họa. Một số lời kêu gọi xuống đường biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn vào sáng 1/5 để ‘bảo vệ môi trường’ đã xuất hiện trên mạng xã hội. Một kiến nghị gửi cho Tòa Bạch Ốc cũng đã thu nhận được trên 122.000 chữ ký (tính đến sáng 29/4), trong đó yêu cầu chính phủ Mỹ giúp Việt Nam bằng cách cung cấp khảo sát nghiên cứu độc lập về tác động môi trường của nhà máy thép Formosa và nêu vấn đề với chính quyền Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Obama.

Một nguồn tin khác từ Việt Nam cho VOA biết một số người dân đang cố gắng tiến hành các nghiên cứu độc lập để tìm ra nguyên nhân thực sự gây ra thảm họa hiện nay, nhưng những cố gắng đó đang gặp trở ngại.

Người dân ở nhiều khu vực tiếp tục nhặt cá chết đem bán, mặc dù bản thân họ không dám ăn, thậm chí không dám xuống biển.
“Có một số anh em họ muốn tiến hành độc lập thu thập các mẫu cá, mẫu nước biển…để tiến hành để xét nghiệm một cách độc lập, không phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước. Hiện tại các anh em định đi làm chuyện đó đang bị truy lùng gắt gao. An ninh ở các tỉnh người ta nhận mặt, phát hiện và người ta bao vây không cho tiếp cận để lấy các mẫu vật ở đó. Tôi còn đang theo dõi không biết có chuyện gì sẽ xảy ra với các anh em ở trong đó nữa. Họ đang phong tỏa và họ đang cố gắng bịt tất cả những thông tin mang tính độc lập, ngoài vòng kiểm soát của họ”.

Báo chí trong nước hôm 28/4 cho biết do lo sợ nước biển nhiễm độc có thể ảnh hưởng đến nguồn lương thực trong tương lai, người dân đã đổ xô đi mua muối, nước mắm về tích trữ. Cảnh tượng hỗn loạn, tranh giành nhau mua muối được truyền thông ghi nhận xảy ra ở các chợ ở Huế và Quảng Bình.

Tỉnh ủy Quảng Bình hôm 26/6 cho biết, tổng mức thiệt hại chỉ riêng ở tỉnh này đã lên đến 115 tỷ đồng, với khoảng 2.300 tàu và 500 thuyền nhỏ đánh cá, 350 hộ sản xuất muối, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch… bị ảnh hưởng bởi thảm họa đang diễn ra.



Khánh An
VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad