Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả: Sự im lặng ở Little Saigon, 5 nhà báo người Mỹ gốc Việt bi sát hại - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả: Sự im lặng ở Little Saigon, 5 nhà báo người Mỹ gốc Việt bi sát hại


Đôi lời: Đây là tài liệu báo cáo của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) xuất bản hồi tháng 12 năm 1994, đúng 21 năm trước. Tài liệu này nói về các ký giả là những di dân từ khắp nơi đến nước Mỹ, trong đó có những ký giả gốc Việt, đã bị ám sát, bị đe dọa, bị hành hung, bị khủng bố… Nhân sự kiện PBS công chiếu bộ phim Khủng bố ở Little Saigon, xin được giới thiệu tài liệu của CPJ, phần “Silence in Little Saigon: Five Vietnamese-American Journalists Killed“, phần nói về sự khủng bố các ký giả gốc Việt. Nếu ai đó nói rằng, Frontline và Propublica chiếu bộ phim “Khủng bố ở Little Saigon” là “bôi nhọ”, “xuyên tạc” cộng đồng người Mỹ gốc Việt và các chiến sĩ VNCH, xin mời đọc tài liệu này để thấy rằng 21 năm trước, Ủy ban Bảo vệ Ký giả cũng đã từng lên án sự khủng bố nhắm vào các ký giả.

BỊ NHỮNG KẺ KHỦNG BỐ NHẮM TỚI

Ảnh chụp từ tài liệu của CPJ
Vào mùa hè vừa qua, xướng ngôn viên của một đài phát thanh Việt ngữ ở Little Saigon thuộc miền Nam California đã nhận được một lời dọa giết khi họ phát đi cuộc phỏng vấn của BBC với các lãnh đạo Việt Nam. Chủ nhân của đài phát thanh đã giảm bớt đề cập đến sự kiện, nhưng xướng ngôn viên đã phải thận trọng và cân nhắc những gì họ phát đi. Sự kiện này đã mang lại nhiều ký ức bất an cho những nhà báo người Mỹ gốc Việt.

Năm nhà báo Mỹ gốc Việt đã bị sát hại từ năm 1981 đến 1990 trong suốt một làn sóng khủng bố phe hữu đã làm cho cộng đồng Việt Nam phải im lặng và lo sợ. Trong 5 sự kiện riêng biệt trải ra trên 3 tiểu bang, các nhóm lưu vong phe hữu tuyên bố chịu trách nhiệm, hoặc bị nghi ngờ, về cái chết của chủ nhiệm Dương Trọng Lâm vào năm 1981 ở San Francisco; vào năm 1982 của chủ nhiệm Nguyễn Đạm Phong ở Houston; năm 1987 của biên tập viên của một tạp chí, Phạm Văn Tập, ở Garden Grove, California; và vào năm 1989 và 1990, nhà thiết kế trang báo Đỗ Trọng Nhân và nhà báo Lê Triết, cả hai đều từ một tạp chí Việt Mỹ có trụ sở ở quận Fairfax, tiểu bang Virginia. Tất cả các vụ giết người này vẫn chưa được giải quyết. Các cuộc tấn công vào báo chí Việt Mỹ cũng bao gồm ít nhất 4 vụ âm mưu giết người, nhiều vụ đánh đập và dọa giết, và vô số các hành động phá hoại đối với các nhà báo và cơ sở báo chí.

Các vụ giết người và hành động bạo lực khác đã đe dọa giới báo chí Việt ngữ, những tiếng nói năng động và có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Phóng viên và biên tập viên bắt đầu né tránh những chủ đề gây tranh cãi liên quan đến đất nước [Việt Nam], chẳng hạn như khả năng bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam. Họ cũng tránh xa việc đề cập đến tham nhũng và tội phạm có tổ chức, được biết, thường được nhóm cực hữu đó bảo trợ.

Năm nhà báo bị sát hại trong vòng một thập niên, giai đoạn mà nhiều người tỵ nạn mới tới [Mỹ] vẫn còn tin rằng có thể chấm dứt sự cai trị của Cộng sản ở Việt Nam bằng phản kháng có tổ chức. Những kẻ phỉ báng cho rằng các nhà báo bị giết bởi vì họ thiên Cộng trong một cộng đồng tỵ nạn chống Cộng mãnh liệt, nhưng chỉ có một nạn nhân ủng hộ chính quyền cộng sản ở Việt Nam. Những người khác là những người chống Cộng, đã trở thành mục tiêu bởi vì họ hoặc bài viết của họ thiên về chính sách cởi mở của Mỹ đối với Việt Nam hoặc phê phán các nhóm lưu vong bán quân sự có thế lực, theo nguồn tin của cơ quan công lực và các thành viên của cộng đồng người Việt.

Các phe phái khác nhau dẫn đầu bởi các cựu viên chức hải quân và lục quân của miền Nam Việt Nam tranh giành quyền lãnh đạo phong trào. Nhiều nhóm bán quân sự tìm cách quyên tiền trong số những người tỵ nạn cho cuộc xâm nhập Việt Nam, và đã có sự bất đồng liên tục giữa họ trong suốt thập niên 1980. Các nhà báo và những người chỉ trích khác trong cộng đồng tố cáo rằng, một phần ngân quỹ quyên được dùng để tài trợ các dự án kinh doanh tư nhân, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp.

Các nguồn tin từ cơ quan an ninh và cộng đồng Việt – Mỹ cho rằng hầu hết – có lẽ là tất cả – các nạn nhân bị giết trong một kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng, được thi hành bởi đội sát thủ bí mật: Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng (VOECRN). Kẻ chủ mưu bị nghi vấn là những thành viên có ảnh hưởng của cộng đồng người Việt và cựu thành viên của chính quyền Nam Việt Nam và quân đội, theo nguồn tin của cơ quan công lực. Nhiều thành viên của VOECRN cũng hoạt động trong các nhóm lưu vong chống cộng hợp pháp, từng tổ chức các sinh hoạt chính trị khắp nước và vận động hành lang các nhà làm luật Mỹ chống lại các bước làm hòa với Việt Nam, theo nhân viên điều tra.

Chưa từng có một cuộc điều tra đầy đủ cấp liên bang về mối liên hệ giữa các vụ giết người này. Tuy nhiên, nguồn tin của cơ quan công lực cho Ủy ban Bảo vệ Ký giả biết rằng có chứng cớ đầy đủ chỉ ra rằng vài vụ giết người là thuê mướn sát thủ chuyên nghiệp thuộc những băng đảng tội phạm người Việt, trong khi số khác được thực hiện do chính tay của VOECRN.

VOECRN đã không xuất hiện kể từ 1990, nhưng giới chức trách cho biết nó chỉ nằm chờ và có thể tấn công trở lại. “Chúng tôi bắt đầu xem xét lại nhóm này bởi vì có nhiều điều không vui về quan hệ mới giữa Mỹ và Việt Nam”, một nhà điều tra của sở cảnh sát Garden Grove thuộc quận Orange, bang California, người đã theo dò xét các tội phạm người Việt trong 10 năm qua, nói. (Đa số các nguồn tin của cảnh sát yêu cầu giấu danh tính do hồ sơ vẫn còn mở). Vài cơ quan công lực của California đã phải báo động đầu năm nay sau các cuộc biểu tình bạo động được tổ chức để chống lại các nghệ sĩ và quan chức Cộng sản Việt Nam ghé thăm.

Đã không có nghi phạm nào bị bắt giữ hay bị cáo buộc với bất cứ vụ giết người nào hay những hành động sách nhiễu đối với nhà báo và cơ sở báo chí. Tội phạm xuất hiện dưới hình thức phổ quát bằng sự đe dọa và bạo lực ảnh hưởng toàn thể cộng đồng, và cảnh sát đã gặp nhiều khó khăn để thuyết phục những nhân chứng người Mỹ gốc Việt đứng ra làm chứng, một điều tra viên nói với Ủy ban Bảo vệ Ký giả. Các phần tử quá khích gây áp lực trong quần chúng. “Rất khó khăn cho chúng tôi trong việc thúc đẩy một vài người biết về những hồ sơ này để tìm ra kẻ giết người, bởi vì tôi không thể bảo vệ cho họ trước sự trả thù. Kẻ sát nhân đang sống ở trong cộng đồng”, một nguồn tin từ cơ quan công lực ở California nói. Sự sợ hãi còn tăng thêm do rào cản ngôn ngữ và sự nghi ngờ đối với giới chức trách mà người di dân mang theo từ Việt Nam.

Jim Badey, một điều tra viên hồi hưu của cảnh sát ở Virginia và chuyên viên về tội phạm Á châu, nói với Ủy ban Bảo vệ Ký giả rằng, giới chức trách Mỹ thường thất bại trong việc giải quyết các tội phạm chính trị trong cộng đồng Việt Nam bởi vì họ bỏ lơ hoặc không hiểu các mối thù hận chính trị của người Việt Nam. Ông Jim Badey cho biết, “Những gì mà giới chức trách không hiểu là những người này rất khác biệt… Nếu họ đe dọa giết người nào đó, họ sẽ tìm tới người đó. Có khi họ giết kẻ thù trong một cuộc xâm nhập tư gia hoặc ăn cướp, nhưng lý do nằm đàng sau sẽ là chính trị. Cảnh sát không nhìn xa hơn các chứng cớ có trong tay”.

Vài kẻ chủ mưu bị nghi ngờ trong các vụ giết người này có liên hệ với Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam, cũng thường được gọi tắt là Mặt trận, một nhóm lưu vong được thành lập ở San Jose, California, vào ngày 1 tháng 9 năm 1981, điều tra viên nói với Ủy ban Bảo vệ Ký giả. Mặt trận dẫn đầu các cuộc biểu tình chống lại bất cứ sự nhân nhượng nào đối với Việt Nam trong chính sách ngoại giao của Mỹ trong suốt thập niên 1980. Mặt trận cổ động một cuộc lật đổ quân sự đối với chính quyền Việt Nam và quyên tiền để thành lập một đạo quân đối kháng trong cộng đồng Việt – Mỹ. Điều này diễn ra ở California, Texas và Virginia. Trong nhiều cộng đồng địa phương, người tỵ nạn bị đe dọa sẽ bị gán tên thân cộng trừ khi họ đóng góp tiền bạc. Lãnh đạo của họ là Hoàng Cơ Minh, một cựu đô đốc của hải quân Nam Việt Nam, và Phạm Văn Liễu, một cựu đại tá. Thành viên của họ bao gồm các cựu thành viên của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Vào năm 1984, Mặt trận tuyên bố sai lệch rằng họ đã phát triển từ một đội quân vài trăm người tới vài ngàn người đặt căn cứ ở Thái Lan và Việt Nam.

Lấy ý tưởng từ cuộc chiến Contra [ở Nicaragua] do Mỹ hỗ trợ, ông Minh và những người khác trong nhóm hy vọng rằng chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ họ nếu các viên chức tin rằng họ có binh lính trên thực địa sẵn sàng để chiến đấu. Tuyên bố của họ đem lại hàng ngàn đô la mỗi tháng từ cộng đồng người Việt, nhưng không có viện trợ của Mỹ. Mặt trận thành lập tổ chức vận động quần chúng to lớn, tờ báo riêng, một đội tàu đánh cá và hệ thống nhà hàng. Vào năm 1985, nhóm bị chia hai khi ông Liễu tố cáo ông Minh và những người theo ông lấy tiền của quỹ Mặt Trận. Ông Liễu cũng tiết lộ rằng không có sự thật trong tuyên bố về việc Mặt Trận đã cài hàng ngàn chiến sĩ tự do bên trong Việt Nam. Sự ủng hộ trong cộng đồng Việt Nam bỗng tuột dốc. Vào năm 1987, ông Minh mưu tính dẫn đầu một nhóm chiến sĩ tự do vào bên trong Việt Nam, nhưng họ bị phục kích và ông được biết bị giết chết. Hai mươi người sống sót đã bị xét xử và bị tử hình ở Việt Nam. (Các lãnh đạo Mặt trận chống cãi rằng ông Minh vẫn còn sống sau cuộc phục kích và đang ẩn trốn ở Việt Nam.)

Vào năm 1991, một bồi thẩm đoàn ở San Jose đã truy tố 5 lãnh đạo cao cấp của Mặt trận do âm mưu lấy tiền từ ngân quỹ của tổ chức, với danh nghĩa bất vụ lợi, để xài riêng. Những người bị truy tố được tại ngoại hầu tra. Các luật sư của Mặt trận đã liên tiếp đệ đơn lên tòa, kéo dài vụ xử trong vòng bốn năm qua. Họ tranh luận rằng các hoạt động của Mặt trận bị chính phủ Mỹ ngăn cấm, và đã yêu cầu triệu tập viên chức của một số cơ quan chính phủ Mỹ, bao gồm Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Bộ Quốc phòng.

Các cuộc điều tra sơ bộ dẫn đến sự truy tố cho thấy Mặt trận đã thu được hàng triệu đô la trong thập niên 80, nhưng các lãnh đạo của họ đã dùng hầu hết số tiền cho bản thân và để tài trợ hệ thống nhà hàng. Ngay khi các lãnh đạo Mặt trận bị truy tố, một điều tra viên nói, cơ quan công lực nhận thấy một sự giảm sút thình lình các vụ tấn công với động cơ chính trị và các hành động sách nhiễu.

Các cuộc điều tra về vụ giết người

Một đường dẫn dấu vết của những lá thư, danh sách ám sát, và các chứng cớ khác có vẻ cột chặt các vụ giết hại năm nhà báo với cùng động cơ và cùng kẻ sát nhân. Động cơ là để bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến trong cộng đồng Việt – Mỹ. Chuyên viên điều tra và các nguồn tin cộng đồng tin rằng, kẻ sát nhân liên quan tới hai tổ chức bán quân sự cánh hữu: VOECRN và Mặt trận. Hai nhóm lưu vong này hoạt động xuyên tiểu bang và quốc gia, [điều này] cung cấp đầy đủ lý do cho một cuộc điều tra sâu rộng của liên bang vào những hoạt động này.

Nhưng điều đó đã không xảy ra. Các sở cảnh sát địa phương đã mở ra các cuộc điều tra sâu rộng về một số vụ giết người, nhưng sự hợp tác giữa các cơ quan công lực đã tỏ ra thiếu sót. Bằng chứng của các trường hợp trước đây đã bị thất lạc; một số bị mất. Nhiều nhà điều tra địa phương quan tâm đến giải mã vụ án thì về hưu. Điều tra của FBI trong vài vụ giết người chưa đi đến kết luận và ngắn hạn. Không có lực lượng đặc nhiệm liên kết giữa liên bang và địa phương được thành lập với nguồn lực và thẩm quyền để tổng hợp các chứng cớ trong tất cả các vụ án, mặc dù có sự hiện hữu của các đơn vị đặc nhiệm FBI chuyên truy tìm khủng bố quốc nội. VOECRN cũng không được liệt kê trong số các tổ chức khủng bố bị FBI chiếu cố cho tới năm 1987, khi báo chí tường thuật rằng FBI đã không xem nhóm này là một tổ chức khủng bố, cho dù VOECRN tuyên bố chịu trách nhiệm đối với các hành động khủng bố.

Vụ án mạng thứ nhất: Dương Trọng Lâm [tài liệu ghi Lam Trang Duong], San Francisco

21 tháng 7 năm 1981

Dương Trọng Lâm bị một tay súng bắn chết và nhanh chóng tẩu thoát trên đường phố của khu Little Saigon ở San Francisco vào tháng 7 năm 1981. Ông Dương là nhà báo đầu tiên bị giết ở Mỹ kể từ vụ sát hại Don Bolles năm 1976. Ông Dương đã di cư tới đất nước này khi còn là một thiếu niên vào thập niên 1960 và đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Quan điểm chính trị của ông đã đặt ông ở vị thế trái nghịch với những người mới tới, là những di dân chống cộng định cư tại vùng vịnh San Francisco.

Một nhà hoạt động cộng đồng và chủ nhiệm của một tuần báo nhỏ chuyên đăng lại các bài viết của truyền thông cộng sản, ông Dương đã nhận được nhiều lời hăm dọa trong những tháng trước khi ông bị giết chết. Tuy nhiên, sở cảnh sát San Francisco xem vụ sát hại ông như một vụ án mạng thông thường. Điều tra viên đã bỏ qua chứng cớ then chốt, như một lá thư từ một tổ chức chống Cộng người Việt, chưa được biết đến trước đây, tuyên bố nhận trách nhiệm trong vụ giết ông Dương. Lá thư được gửi tới văn phòng New York của hãng thông tấn AP và được đóng dấu bưu điện ở Las Vegas trong ngày ông Dương bị giết. Một tuần sau, Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc Đảng (VOECRN) ra mắt lần đầu tiên, cũng tuyên bố chịu trách nhiệm qua một cuộc điện thoại gọi báo chí Việt ngữ. Các nguồn tin của cơ quan công lực California nói họ tin rằng có lẽ cùng một người đứng đàng sau cả hai nhóm.

Báo chí Anh ngữ dòng chính chợt bùng lên trong thời gian ngắn các bài tường thuật về vụ ám sát chính trị đầu tiên này trong cộng đồng người Việt. Nhưng sự quan tâm tàn lụi nhanh chóng, để lại cho báo chí Việt ngữ thường xuyên theo dõi sự việc.

Ông Dương bị sát hại ở khu Tenderloin ở San Francisco, một khu lao động được biết đến như Little Saigon vào đầu thập niên 80 khi nó trở thành chỗ ở lý tưởng cho những người tỵ nạn Việt Nam mới tới. Một số cư dân người Việt trông thấy vụ bắn người, nhưng chỉ có một cựu thủy quân lục chiến Mỹ từng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam là nhân chứng duy nhất sẵn sàng nói chuyện với điều tra viên của cảnh sát. Với sự mô tả của ông, cảnh sát bắt giữ tay súng nghi phạm, Dat Van Nguyen, 25 tuổi, một nhân viên tính tiền ở nhà hàng Việt Nam nhỏ mà ông Dương mới mở. 9 tháng sau, người này được thả ra vì nhân chứng chối bỏ tuyên bố trước đây. Sở cảnh sát đã đánh mất lá thư của VOERCN gửi đi, bỏ mất một đầu mối quan trọng tiềm tàng cho các cuộc điều tra về sau nhắm tới nhóm này. Các nhà điều tra hình sự và nguồn tin cộng đồng nói rằng quan điểm thân Hà Nội của ông Dương đã không tạo sự dễ dàng cho cảnh sát tìm được thông tin từ cộng đồng Việt Nam.

Vụ án mạng thứ hai: Nguyễn Đạm Phong, Houston

24 tháng 8 năm 1982

VOECRN lại ra tay ở Houston vào ngày 24 tháng 8 năm 1982. Nguyễn Đạm Phong, một nhà báo lâu năm, chủ tuần báo Tự Do, bị bắn chết tại lối đậu xe ở nhà ông. Ông Phong là một người chống Cộng đã trốn khỏi Hà Nội năm 1975 với vợ và 10 người con. Ông là một thành viên có ảnh hưởng của cộng đồng người Việt ở Houston, nơi mà dân chúng bắt đầu than phiền về phương pháp quyên tiền của một nhóm người lưu vong tuyên bố đang hoạch định một cuộc tấn công quân sự lớn chống lại Việt Nam.

Cộng đồng đang đầy dẫy những lời đồn về chuyện tiền đi về đâu. Ông Phong và các nhà báo địa phương khác viết tường thuật về vụ lừa đảo được tiến hành dưới danh nghĩa tinh thần yêu nước Việt Nam, và họ cảnh báo di dân cẩn thận với tiền của mình. Ông đã nhận được nhiều lời dọa giết. Vài ngày trước khi bị giết, một người đàn ông gọi điện thoại nói rằng ông sẽ chết nếu phát hành bất cứ bài viết nào về các nhóm lưu vong hay băng đảng địa phương. Ông Phong vừa mới phát hành một loạt các bài viết về Mặt Trận Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam có trụ sở ở California.

Kẻ ám sát ông Phong đã gây bất ngờ cho ông tại nhà. Cảnh sát nói ông ra mở cửa và gặp mặt kẻ giết người. Tại nhà của ông, cảnh sát tìm thấy một danh sách giết người của Đảng Việt Nam Diệt Cộng Hưng Quốc. Nhân viên công lực nói tổ chức đó là VOECRN với cách phiên dịch khác. Vào năm 1990, các tay súng tử hình ông Lê Triết, một cây viết cho tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong, một trong những nhà báo có tên trong danh sách giết người được tìm thấy ở nhà ông Phong.

Một cảnh sát điều tra về hưu theo dõi vụ án cho biết, khó có thể tìm được sự trợ giúp từ cộng đồng [Việt Nam]. Sở cảnh sát Houston không có nhân viên nói tiếng Việt và không hiểu gì về sinh hoạt văn hóa và chính trị trong cộng đồng. “Ý nghĩ về một tổ chức tội phạm người Việt là rất mới vào thời đó. Chúng tôi không có những chuyên viên được huấn luyện”, một nhà điều tra yêu cầu không nêu danh tánh, nói. FBI đã nhúng tay vào, nhưng vụ án vẫn còn chưa được giải mã. Các chuyên gia về tội phạm Á châu có kiến thức về sát nhân nói rằng, vụ án mạng ở Houston có lẽ cung cấp đầu mối tốt nhất cho hàng loạt các vụ giết người. “Mối liên quan giữa kẻ giết người, người tài trợ và nguyên do rõ ràng hơn nhiều. Có một nhóm người Việt thuộc giới quân đội tới định cư trong khu vực. Sự tham gia của họ có thể được tìm ra dễ hơn vào thời đó; chứng cớ có thể thu thập được”. Một nguồn tin của Bộ Tư pháp cho biết.

Các điều tra viên của Houston đã bối rối từ lúc khởi đầu. “Có rất nhiều vụ bạo lực trong cộng đồng và các vụ giết người vì lý do chính trị bị lẫn lộn với cuộc chiến băng đảng”, một viên chức Houston về hưu nói.

Vào năm 1984, hai năm sau cái chết của ông Phong, vợ ông và nhiều nhân chứng người Việt khác nói với Ủy ban chống Tội phạm có tổ chức của Tổng thống rằng, có 13 băng đảng tội phạm người Việt đang hoạt động khắp nước vào thời đó. Một thành viên cho biết, hoạt động của các băng đảng tập trung ở Los Angeles, San Francisco, Chicago và Houston. Ông nói, các băng đảng che giấu hành động tội phạm bằng cách tuyên xưng họ là những nhóm chống cộng sản quyên tiền cho du kích quân ở Việt Nam. “Chồng của tôi bị giết vì vạch mặt các băng đảng này”, bà Phong nói.

Giữa năm 1982 và 1986, có nhiều hành động sách nhiễu và một âm mưu giết hại nhà báo người Mỹ gốc Việt ở Texas. Một nhóm nhà báo đã đưa ra tuyên bố vào ngày 30 tháng 5 năm 1986, yêu cầu bảo vệ đặc biệt của cảnh sát Houston. Cảnh sát gia tăng giám sát, nhưng đã không thực hiện vụ bắt giữ nào. Hầu hết những nhà báo ký tên trong bản tuyên bố nay đã về hưu.

Vụ án mạng thứ ba: Phạm Văn tập, Garden Grove, California

7 tháng 8 năm 1987

Nạn nhân kế tiếp là Phạm Văn Tập, biên tập viên của MAI, một tạp chí văn nghệ hào nhoáng. Ông Phạm bị giết vào năm 1987 trong một vụ hỏa hoạn có chủ ý ở văn phòng của ông, cũng là nơi ông sống ở Garden Grove, California, một phần của Little Saigon ở Nam California. Ông Phạm đã nhận được một lá thư vô danh cảnh báo ông về việc chạy quảng cáo cho công ty có trụ sở ở Canada chuyên gửi tiền mặt và kiện hàng về Việt Nam. Một số tuần báo Việt ngữ khác cũng nhận được thư hăm dọa, các nhà báo người Việt cho Ủy ban Bản vệ Ký giả biết. Người tỵ nạn xem những cơ sở thương mại này là tiền đồn cho nhà cầm quyền cộng sản ở Hà Nội. Vào năm 1985, VOECRN tuyên bố chịu trách nhiệm về việc ném bom lửa vào văn phòng ở Montreal của một trong các cơ sở thương mại đó.

Nhân viên điều tra đã loại bỏ nguyên do cướp của ra khỏi vụ giết ông Phạm vì họ tìm thấy vàng, tiền mặt và nữ trang trị giá hơn 50.000 USD sau vụ cháy. Kẻ phóng hỏa đã châm lửa ngay lối vào của văn phòng, là lối ra duy nhất của tòa nhà. Vụ hỏa hoạn gây chết người này là vụ thứ 7 trong vòng 13 tháng.

Năm ngày sau, VOECRN đã viết một lá thư tuyên bố nhận trách nhiệm trong vụ giết ông Phạm. Họ cũng tuyên bố chịu trách nhiệm đối với hành động bạo lực khác, gồm vụ giết hại nhà báo Dương Trọng Lâm ở San Francisco năm 1981. Cơ quan công lực địa phương xác định thư của VOECRN là nguyên gốc và yêu cầu sự trợ giúp của FBI. Các cuộc điều tra sơ bộ quả quyết sự liên hệ của nhóm này với vụ phóng hỏa công ty chuyển tiền ở Montreal. FBI đã mở cuộc điều tra, nhưng cuộc tổng điều tra phải mãi tới 1989 mới bắt đầu.

Cuộc tranh luận chính trị gia tăng trong cộng đồng Việt – Mỹ từ năm 1987 đến 1990. Với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản trong khối Liên Xô, người Mỹ gốc Việt bắt đầu công khai tranh luận về khả năng tái lập lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Nhà báo, luật sư và những thành viên có ảnh hưởng của cộng đồng bay về Việt Nam để thăm viếng thân nhân. Nhưng số người cực đoan chống trả lại. Hai nhà báo bị đánh trọng thương. Vào ngày 30 tháng 4 năm 1988, Vũ Long, một trong những cây viết nổi tiếng của Việt Nam, bị đánh dã man bên ngoài một trung tâm thương mại Việt Nam khi ông rời khỏi một nhà hàng ở Westminster, ngay phía nam Los Angeles. Những kẻ tấn công là 3 thanh niên vừa mới rời khỏi buổi lễ kỷ niệm lần thứ 13 ngày Sài Gòn sụp đổ. Ông Vũ sống ở Paris, sang thăm California trong thời gian bị tấn công, đã bị tê liệt vĩnh viễn.

Vào ngày 21 tháng 8 năm 1989, Đoàn Văn Toại, một cây viết gây tranh cãi và đứng đầu Viện Dân chủ cho Việt Nam có khuynh hướng cấp tiến, trụ sở Washington, bị bắn trọng thương tại cộng đồng nông nghiệp Fresno ở Bắc California. Ông Toại sống ở Fresno nhưng thường bay đó đây, được biết đã nhận được nhiều cú dọa giết trong quá khứ sau khi cho đăng những bài viết kêu gọi tái lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Một bài ông viết cho viện được một số báo chí Việt ngữ đăng lại trước vụ tấn công, gây ra nỗi giận dữ trong một số nhóm cộng đồng. FBI đã điều tra vụ việc, nhưng không tìm được sự hợp tác từ cộng đồng người Việt ở Fresno, vốn xem Toại là “tay sai cộng sản”.

Khoảng năm 1989, FBI cũng thành lập một lực lượng đặc nhiệm với cảnh sát ở Garden Grove, nơi mà nhân viên điều tra tin rằng nhiều hành động khủng bố được hoạch định. Nhiều nhân viên đặc vụ được phái làm việc cho lực lượng trong 6 tháng, nhưng cuộc điều tra đã không cho kết quả. Jeff Brody, phóng viên chuyên viết về cộng đồng người Việt cho tờ Orange County Register, nói rằng các nhân viên đặc vụ có vẻ có trình độ nhưng bị tách rời khỏi cộng đồng. “Vấn đề của các cuộc điều tra của các nhân viên đặc vụ không chuyên môn là họ tạo nên rất nhiều giấy tờ nhưng chỉ có thế”, một nhà điều tra địa phương nói.

Vụ án mạng thứ tư: Đỗ Trọng Nhân, quận Fairfax, Virginia

Ngày 22 tháng 11 năm 1989

Các vụ tấn công vẫn tiếp tục. Tại Quận Fairfax, tiểu bang Virginia, Đỗ Trọng Nhân, người thiết kế cho bán nguyệt san bảo thủ, lưu hành toàn quốc, Văn Nghệ Tiền Phong, được tìm thấy bị bắn chết trong xe của ông. Là một cựu trung tá trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ông Đỗ tới Mỹ năm 1981 sau khi trốn khỏi Việt Nam bằng thuyền. Ông không phải là một khuôn mặt gây tranh cãi của tờ báo thường viết những bài cay nghiệt về cộng đồng người Việt. Ông bị giết, theo cảnh sát, có lẽ do ông thường tỏ ra là một nhân viên cao cấp của tờ báo. Cuộc điều tra của địa phương về vụ án mạng đã không có kết luận. Các đồng nghiệp của ông ở tờ báo nghĩ cái chết của ông là sự cảnh báo cho các biên tập viên, mặc dù không có ai tuyên bố chịu trách nhiệm.

Vụ án mạng thứ năm: Lê Triết, Baileys Crossroads, Virginia

Ngày 22 tháng 9 năm 1990

Kẻ giết người ra tay tiếp theo với Văn Nghệ Tiền Phong gần một năm sau, vào ngày 22 tháng 9 năm 1990. Lê Triết, bình luận gia của tờ báo, và vợ của ông, bà Đặng Trần Thị Tuyết, bị bắn chết trong lúc họ đậu xe trước cửa nhà ở Baileys Crossrads, tiểu bang Virginia. Tên của ông Lê xuất hiện trên danh sách giết người được cảnh sát Houston tìm thấy tại nhà ông Nguyễn Đạm Phong, một nhà báo người Việt khác bị giết vì lý do chính trị. Tên của ông Nguyễn Thanh Hoàng, chủ nhiệm Văn Nghệ Tiền Phong, cũng nằm trong danh sách.

Là một công chức về hưu của quận Arlington, ông Lê thường viết những bài có tính cách châm biếm, tấn công các bên trong cuộc tranh luận về Việt Nam. Ông chỉ trích cả Mặt trận lẫn nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Trong số các bài viết cuối cùng của ông Lê là 3 bài về Mặt trận và những hoạt động của họ. Ông Lê và chủ nhiệm đã từng là những người ủng hộ Mặt trận lúc khởi đầu, nhưng quay sang chống lại họ vào đầu thập niên 1980. Hai ông chỉ trích giới lãnh đạo Mặt trận và các hành vi tham nhũng. Tòa báo đã từng bị đốt vào năm 1980 và 1989.

Cảnh sát và nhân viên của Văn Nghệ Tiền Phong giải thích rằng ông Đỗ, nghệ sĩ thiết kế, bị giết năm 1989 có lẽ để gửi một lời nhắn tới ông Lê và chủ nhiệm. Vào cuối năm 1990, tờ tạp chí cho đăng 3 bài viết của một cựu thành viên Mặt trận để tố cáo 3 lãnh đạo hàng đầu của Mặt trận trong việc ra lệnh hạ sát ông Lê. Các thành viên của Mặt trận đã đệ đơn kiện tội phỉ báng đối với ông Nguyễn Thanh Hoàng, chủ nhiệm tạp chí, và cựu thành viên Mặt trận đã viết bài báo. Cũng được nêu tên trong vụ kiện là Vũ Ngự Chiêu, nhà xuất bản sách có trụ sở ở Texas, người đã xuất bản một cuốn sách cùng tác giả. Ngày xử vụ kiện được định là ngày 5 tháng 12 năm 1994, tại Tòa Thượng thẩm quận Santa Clara ở San Jose, tiểu bang California.

FBI điều tra kỹ lưỡng trường hợp này. Tuy nhiên, với chỉ một số ít đầu mối khiêm nhường sau 6 tháng, các nhà điều tra liên bang đã trao trả vụ án lại cho sở cảnh sát quận Fairfax, người nói rằng vụ án vẫn còn mở. Nhưng những nhà điều tra địa phương ở California tìm hiểu về sự việc nói rằng cuộc điều tra về vụ giết người ở Fairfax thật ra bất động.


Hăm dọa các nhà báo Việt Mỹ

Đỗ Ngọc yến, Biên tập viên, nhật báo Người Việt bị đe dọa giết, Santa Ana, California

Tháng 4 năm 1990

Tên của ông Đỗ, biên tập viên nhật báo lớn nhất của người Việt ở California, nằm trong danh sách giết người được những người chống cộng loan truyền. Trong một tin nhắn được đánh máy, một nhóm không xác định danh tánh đã đe dọa tử hình ông Đỗ và các lãnh đạo cộng đồng khác vào ngày kỷ niệm Sài Gòn sụp đổ, được cử hành vào ngày 15 tháng 4 mỗi năm. Bản sao của thông cáo được gửi tới nhiều nhật báo Việt ngữ ở quận Cam và San Jose, California. Ông Đỗ đã từng bị hăm dọa trước đây do quan điểm ôn hòa trong quan hệ Mỹ Việt.

Tình trạng: chưa giải đáp

Nhật báo Người Việt – Xe giao hàng bị đốt cháy

Santa Ana, California

Ngày 24 tháng 4 năm 1989

Một người nào đó đã châm lửa một xe giao hàng của Người Việt đậu trước tòa soạn. Một hàng tin nhắn nguệch ngoạc trên tường của tòa soạn: “Người Việt, nếu mày là VC chúng tao sẽ giết”. Cuộc tấn công được kích động bởi một chương trình truyền hình cáp của ông Đỗ Ngọc Yến, biên tập viên nhật báo Người Việt, đã vô ý phát hình cảnh cho thấy lá cờ của cộng sản.

Tình trạng: chưa giải đáp

Đoàn Văn Toại, Nhà văn – Mưu sát

Fresno, California

Ngày 19 tháng 8 năm 1989

Ông Toại bị bắn trọng thương trên đường về nhà ở Fresno, California. Vụ bắn rõ ràng bị kích động bởi một bài bình luận do ông viết cho một tờ báo về chính sách bằng tiếng Anh, mà ông cho rằng đã bị dịch sai lầm sang tiếng Việt và được các báo cộng đồng đăng tải.

Ông Toại là một khuôn mặt gây tranh cãi trong cộng đồng người Việt bởi ông ủng hộ Việt Cộng trong cuộc chiến. Khi cộng sản chiếm Sài Gòn, họ đưa ông vào trại cải tạo, nhưng cộng đồng tỵ nạn ở Mỹ vẫn không tha thứ cho những hoạt động theo cánh tả của ông. Ông cũng chỉ trích các cựu lãnh đạo Miền Nam và lãnh đạo người tỵ nạn ở Mỹ.

Vào giữa thập niên 1980, ông nhận được nhiều lời đe dọa sau khi viết một bài gây tranh cãi cho báo Los Angeles Times, kêu gọi chính quyền Mỹ tái lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Một thư hăm dọa được gửi tới ông kèm theo một viên đạn. Trong bài viết, ông cũng tố cáo lãnh đạo của vài nhóm chống cộng biển thủ ngân quỹ được cho là quyên góp để tài trợ lực lượng kháng chiến quân du kích chống lại Việt Nam.

Tình trạng: chưa giải đáp (cho dù với sự điều tra của FBI)

Nguyễn Tú A, Chủ nhiệm Việt Press, bị đe dọa giết

Westminster, California

Ngày 3 tháng 8 năm 1988

Ông Nguyễn và hai người khác bị “kết án tử hình” trong yết thị dán trên các cột điện thoại trong khu thương mại Little Saigon ở Westminster. Sự đe dọa xảy ra sau khi ông Nguyễn và những người khác về thăm Việt Nam.

Vũ Long, nhà văn – Bị đánh trọng thương và bị tê liệt

Westminster, California

30 tháng 4 năm 1988

Nhà văn Vũ bị tê liệt suốt đời sau một vụ đánh đập nặng nề của những người chống Cộng ở Westminster. Ông Vũ đã bị đi tù 6 năm ở Việt Nam sau khi Cộng sản tiến chiếm [Miền Nam] năm 1975. Nhưng lời đồn trong cộng đồng tỵ nạn cho rằng ông cộng tác với Cộng sản. Sau khi ông được thả ra, ông và gia đình được tỵ nạn chính trị ở Pháp. Vụ tấn công ông đã xảy ra khi ông sang thăm Nam California qua lời mời của một dân biểu bảo thủ, dân biểu Robert K. Donan, một đảng viên Cộng Hòa có trụ sở địa hạt ở Garden Grove.

Tình trạng: chưa giải đáp

Nguyễn Thịnh, Biên tập viên báo Dân Việt – Bị sách nhiễu

Houston

Ngày 4 tháng 8 năm 1987

Xác của một con chó Đức (Greman Shepherd) để lại trên lối đậu xe ở nhà ông với một mẩu tin nhắn, nói mạng sống của ông bị nguy hiểm.

Tình trạng: chưa giải đáp

Trần Trung Quân, Biên tập viên Sài Gòn Thời báo – Mưu sát

Houston

Ngày 18 tháng 5 năm 1986

Quân bị một người lạ mặt gây thương tích vào ngày 18 tháng 5 năm 1986

Tình trạng: chưa giải đáp

Nguyễn Ngọc Linh, Xây Dựng, Hoàng Minh Thúy, Nguyễn Thịnh, Phan Hữu Tạo

Biên tập viên

Bị đe dọa, phá hoại, sách nhiễu

Houston

Ngày 30 tháng 5 năm 1986

Các biên tập viên này than phiền trong một thông cáo công khai về chiến dịch đe dọa và bạo lực. Mô tả các cú điện thoại hăm dọa, phá hoại và sách nhiễu, các biên tập viên đã yêu cầu cảnh sát xem xét kỹ lưỡng tất cả các sự kiện.

Tình trạng: chưa giải đáp

Bạch Hữu Bông, Chủ nhiệm Tuần báo Việt ngữ nhỏ – Mưu sát

Los Angeles

Ngày 5 tháng 1 năm 1982

Một tay súng chạy xe ngang qua và bắn liên tiếp vào ông Bông – nhưng không trúng – sau khi ông rời khỏi một nhà hàng ở China Town. Vụ bắn xảy ra sau khi ông Bông cho chạy một câu chuyện bắn giết của xã hội đen ở quận Cam. Câu chuyện xác định băng đảng là “Người Nhái”, một nhóm gồm các cựu thành viên của đội quân tinh nhuệ chuyên phá hủy dưới nước của Hải quân Việt Nam. Ông chỉ ra Nguyễn Hữu Tài, đầu đảng được biết đến với tên “Anh Tài”. Băng Người Nhái chuyên tống tiền những di dân người Việt ở quận Cam.

Văn Nghệ Tiền Phong – Bị ném bom lửa

Arlington, Virginia

Tháng Giêng 1980

Cư gia ở phía Bắc Arlington và cũng là tòa soạn của Nguyễn Thanh Hoàng, chủ nhiệm tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong, bị ném bom lửa trong khi ông và con gái 7 tuổi đang ở dưới tầng hầm. Cả ông Hoàng và con gái thoát hiểm an toàn. Thiệt hại cho căn nhà ước tính khoảng 125.000 USD. Tờ báo từng chỉ trích các nhóm lưu vong bán quân sự.

Các đề nghị

Vụ sát hại các nhà báo người Việt có thể được giải quyết trong vòng một năm nếu những bước sau đây được thực hiện, dựa theo các nguồn của cơ quan công lực và chuyên viên tội phạm Á châu:

  • FBI nên thành lập một lực lượng đặc nhiệm toàn quốc, để kết hợp làm việc với các cơ quan công lực địa phương tại các thành phố có án mạng xảy ra hay có những nhóm lưu vong bán quân sự được biết, thành lập. Lực lượng đặc nhiệm cần phải chia sẻ thông tin với các tiểu bang. Theo một điều tra viên, bất cứ cuộc điều tra nào không bao gồm yếu tố xuyên bang sẽ thất bại, bởi vì băng đảng được mướn để thực hiện các vụ giết người hoạt động xuyên tiểu bang.
  • Lực lượng phải gồm một số đáng kể nhân viên nói tiếng Việt hoặc chuyên viên về tội phạm Á châu. Vụ án mạng của Alan Berg ở Denver được giải quyết trong vòng một năm do FBI đã huy động tới 50 nhân viên công lực, nhiều người trong số đó là chuyên viên về các nhóm cực đoan da trắng. Vụ án mạng Manuel de Dios được giải quyết sau khi 30 chuyên viên về buôn bán ma túy từ Cơ quan Chống Ma túy [liên bang] và các cơ quan chống ma túy địa phương ở New York, Miami và Baltimore cùng làm việc với nhau trong một năm.
  • Những nỗ lực trước đây của FBI để điều tra các vụ án mạng của người Việt được hướng dẫn bởi một số ít các nhân viên tạm thời và không có kiến thức về tội phạm Á châu. Các cuộc điều tra này không có được ưu tiên trong hệ thống của FBI. Các điều tra của FBI thường chết yểu. Trong nhiều trường hợp, viên chức liên bang chấm dứt mọi điều tra trong hai tháng sau biến cố.
  • Các cuộc điều tra của FBI cũng thất bại do họ không chia sẻ thông tin một cách hiệu quả với giới điều tra địa phương. Nhiều chi tiết được nhân viên công lực địa phương khai quật có thể được dùng để giải mã các phương thức tổng quát được kẻ sát nhân sử dụng, theo chuyên viên tội phạm Á châu.
  • Các cuộc điều tra nên tập trung vào hai vụ xử sắp tới: Vào năm 1991, một bồi thẩm đoàn liên bang đã truy tố 5 thành viên của Mặt Trận Giải Phóng Việt Nam về tội giả làm tổ chức vô vụ lợi và không đóng thuế. Cuộc điều tra phát hiện giới lãnh đạo Mặt Trận đã dùng tiền quyên được của những người lưu vong cho các chi tiêu cá nhân. Mặt trận đã chống án bản án sơ bộ. Một phiên xử mới ước tính sẽ xảy ra trong vài tháng tới.

Vào ngày 5 tháng 12 năm 1994, một phiên xử dự kiến sẽ xảy ra tại Tòa Thượng thẩm San Jose, California, về vụ kiện phỉ báng do các lãnh đạo Mặt Trận kiện Nguyễn Thanh Hoàng, biên tập viên báo Văn Nghệ Tiền Phong, có trụ sở ở Virginia. Các lãnh đạo Mặt Trận kiện dựa trên một bài viết do tờ báo đăng tải trực tiếp ám chỉ Mặt Trận trong vụ ám sát nhà báo Lê Triết của báo Văn Nghệ Tiền Phong và vợ ông.


Tác giả: Ana Arana
Dịch giả: Trần Văn Minh
CPJ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad