Việt Nam thoát nghèo hay không phụ thuộc vào giáo dục tốt và dân chủ - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019

Việt Nam thoát nghèo hay không phụ thuộc vào giáo dục tốt và dân chủ


Theo một số thông tin được công bố thì mức thu nhập trung bình đầu người của Việt Nam vào năm 2008 đạt xấp xỉ 1000 đô la Mỹ.

Cửa hàng bán điện thoại thông minh Samsung và những người bán hàng rong trên vỉa hè. Hà Nội 2003.


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Mức thu nhập này được xem như là mức thu nhập trung bình, và bắt đầu từ lúc đó nhiều nhà quan sát kinh tế chính trị đã cảnh báo rằng Việt Nam sẽ bị rơi vào một cái bẫy gọi là bẫy thu nhập trung bình, trong đó nền kinh tế chủ yếu dựa vào việc khai thác sức lao động rẻ và giản đơn.

Đầu năm 2019, một viên chức cao cấp của Việt Nam là ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư lặp lại lời cảnh báo đó với tình trạng Việt Nam hiện nay nằm trong bốn cái bẫy: chi phí lao động thấp, sản xuất có giá trị thấp, có công nghệ thấp, và thu nhập trung bình.

Thực ra trong bốn điều vừa nêu thì điều thứ tư bao gồm ba điều còn lại gắn chặt với nhau, vì với lao động rẻ, giản đơn, chỉ có thể thao tác máy móc công nghệ thấp, hoặc không có máy móc, và vì thế tạo ra những sản phẩm không có giá trị cao.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội, nhận xét về tình trạng thu nhập trung bình của Việt Nam hiện nay:

“Chúng ta đã đạt được cái mức trung bình trong một thời gian khá dài rồi. (Năm nay) là xấp xỉ 2500, nhưng để đạt được mức 12000 đô la một đầu người, lại là một quá trình rất dài và khó khăn.”

Mức 12000 đô la một người một năm được xem như thu nhập của một quốc gia đã trở nên giàu có.

Theo một chuyên gia kinh tế khác là Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy, để cho một quốc gia thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình, không còn nghèo nữa thì cần ba điều sau đây:

“Thứ nhất là trình độ khoa học kỹ thuật của dân chúng phải cao, các công ty phải có sự sáng tạo, và thứ ba là thể chế của nhà nước phải tạo điều kiện cho sự sáng tạo đó.”

Ông dẫn ra ví dụ là Malaysia, một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, láng giềng với Việt Nam đang được dự báo là sẽ thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình để trở thành một nước giàu có sắp tới đây.

Khi được hỏi là nếu so sánh với Malaysia thì Việt Nam có một dân số quá đông đúc cần phải giải quyết việc làm ngay lập tức cho số lao động giản đơn, thì liệu chuyện thoát bẫy trung bình đó có khó khăn hơn hay không?

Ông Nguyễn Huy Vũ cho rằng trong bất cứ quốc gia nào cũng có hai lĩnh vực công nghiệp song song, một lĩnh vực chiếm dụng công lao động nhiều, một lĩnh vực khác cần kỹ thuật và kiến thức nhiều hơn. Theo ông Vũ, sự đầu tư vào lĩnh vực thứ hai sẽ làm cho nền kinh tế từ từ dịch chuyển ra khỏi khu vực chỉ sử dụng sức lao động giản đơn.

Các nước bị mắc bẫy thu nhập trung bình thì có nhiều lý do, trong đó có thể chế với các nhóm tư lợi, tham nhũng.

-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng đề cập đến việc phải thay đổi thể chế để thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình. Ông nhấn mạnh rằng trong tình hình Việt Nam hiện nay sự hình thành các nhóm lợi ích có quyền lực chính trị kinh tế lớn sẽ ngăn cản sự thay đổi thể chế đó:

“Các nước bị mắc bẫy thu nhập trung bình thì có nhiều lý do, trong đó có thể chế với các nhóm tư lợi, tham nhũng. Ví dụ như những nhóm này khống chế việc khai thác tài nguyên, xuất nhập khẩu, họ không cần quan tâm gì cả đến việc đầu tư phát triển công nghệ để đưa đất nước đi lên.”



Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói thêm là sự thay đổi chính sách, thể chế có thể khuyến khích sự đầu tư tư nhân, tạo nên một chuỗi sản xuất thoát khỏi tình trạng một sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam nhưng có rất ít giá trị là được tạo tại Việt Nam. Ông lấy ví dụ như ngành công nghiệp dệt may tại Việt Nam hiện nay, giá trị của một chiếc áo có khi chỉ có 50% là được tạo ra tại Việt Nam.

Một số ngành thoạt nhìn thì có thể nghĩ là có nhiều giá trị được tạo ra thay vì chỉ là lao động giản đơn, như sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam, nhưng theo ông Nguyễn Huy Vũ, thực tế có thể không phải như vậy.

Cuối cùng phải cải cách về dân chủ, vì khi người dân có được sự suy nghĩ dân chủ, khác biệt, thì họ mới sức sáng tạo, mới đổi mới được.

-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ
Hiện nay Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất điện thoại thông minh Samsung lớn nhất thế giới, và xuất khẩu điện thoại của hãng này chiếm đến ¼ xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018, theo hãng Reuters.

Tuy nhiên ông Vũ cho rằng những công ty như Samsung có cơ sở nghiên cứu, thiết kế ở các quốc gia phát triển như Châu Âu, Bắc Mỹ, còn tại Việt Nam là nơi được đầu tư để sử dụng sức lao động lắp ráp giá rẻ mà thôi.

Song song với việc thay đổi thể chế, để nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật của dân chúng, còn một điều quan trọng nữa để thoát bẫy thu nhập trung bình, là ông Nguyễn Huy Vũ nhấn mạnh việc phải có tự do dân chủ hơn:

“Cuối cùng phải cải cách về dân chủ, vì khi người dân có được sự suy nghĩ dân chủ, khác biệt, thì họ mới sức sáng tạo, mới đổi mới được.”

Đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, từ Đại học Maine, vấn đề giáo dục là vấn đề sẽ cản trở Việt Nam phát triển:

“Vấn đề là có chính sách tốt hay là không. Có chính sách tốt thì không lọt vào cái bẫy thu nhập trung bình đó. Mà chính sách tốt là vấn đề giáo dục. Việt Nam không có giáo dục tốt nên không thể đầu tư cái gì cả. Thành ra chỉ có thể làm công cho Samsung thôi, chứ còn hơn nữa thì không đủ trình độ cũng như kỹ năng để theo kịp.”

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho biết từ những năm 1980 ông đề nghị các giới chức Việt Nam chú ý đến việc giáo dục, nhất là các cấp tiểu học và trung học, nhưng không được lắng nghe, vì Việt Nam mong muốn có cái gọi là đi tắt đón đầu, chú ý vào việc phát triển đại học.

Việt Nam không có giáo dục tốt nên không thể đầu tư cái gì cả. Thành ra chỉ có thể làm công cho Samsung thôi.

-Giáo sư Ngô Vĩnh Long
“Đào tạo đại học để có thầy giỏi thì cũng tốt, nhưng cứ chú ý vào cái đó thì không đúng. Ông Nguyễn Thiện Nhân lên lại đưa ra chuyện trong bao nhiêu năm đào tạo 20 ngàn tiến sĩ. 20 ngàn tiến sĩ làm việc như thế nào được trong khi lẽ ra nên đào tạo vài triệu em cấp ba có trình độ để học tiếp để phát triển thêm.”

Giáo sư Ngô Vĩnh Long đưa ra ví dụ về Hàn Quốc, ngay cả dưới thời chế độ độc tài trước đây, họ đã bắt đầu chú ý đến giáo dục, bắt đầu trước tiên ở những cấp thấp nhất.

Hàn Quốc là quốc gia được xem là đã tăng tốc thành công vượt qua khỏi tình trạng thu nhập trung bình để trở thành một nước công nghiệp phát triển giàu có, nơi sản sinh ra tập đoàn Samsung hùng mạnh đầu tư vào Việt Nam để sử dụng sức lao động rẻ tại đây.


Kính Hòa
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad