Vườn Rau Lộc Hưng nhìn dưới khía cạnh pháp lý - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019

Vườn Rau Lộc Hưng nhìn dưới khía cạnh pháp lý


Sự kiện nổi bật nhất trong những ngày qua là khu Vườn Rau có diện tích khoảng 5 hécta của bà con dân oan Lộc Hưng, đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình đã bị nhà cầm quyền Tp.HCM bình địa thành đống tro tàn, tường gạch đổ nát, sắt vụn ngổn ngang chỉ trong vòng hai ngày vào ngày 04 và 08.01.2019 mà không tuân theo thủ tục pháp luật quy định, vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và Pháp luật VN.

Vườn Rau Lộc Hưng nhìn dưới khía cạnh pháp lý

Nguồn gốc

Đất Vườn Rau thuộc quyền quản lý và sở hữu của bà con từ những năm 1954 do Giáo hội Công Giáo cấp, được bà con sử dụng đất ổn định và liên tục cho đến hôm nay. Điều này đã được Linh mục Huỳnh Công Minh, Tổng Đại diện của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Giáo phận Sài Gòn, với tư cách chủ đất khẳng định với các cơ quan có thẩm quyền vào năm 2007. Đất của bà con Vườn Rau sử dụng ổn định và lâu dài (từ năm 1954 cho đến nay, gần 65 năm) với mục đích canh tác thể hiện qua các biên lai nghĩa vụ (1982 và 1983), phiếu thu đóng góp nghĩa vụ (1983), bản đồ diện tích đất Vườn Rau… Và Giáo hội Công Giáo và bà con chưa bao giờ từ bỏ quyền sử dụng đất Vườn Rau, cũng như chưa bao giờ bà con ký bất kỳ một văn bản nào của các cấp có thẩm quyền để tước bỏ quyền sử dụng đất của mình.

Về pháp lý

Đất của bà con Vườn Rau Lộc Hưng chưa bao giờ thuộc quyền quản lý và sở hữu của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN, chính nhà cầm quyền này đã “ăn cướp” của người nông dân nghèo một cách trắng trợn và ngồi xổm trên pháp luật. Bởi lẽ:

Thứ nhất: Vào thời điểm trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, đất Vườn Rau thuộc quyền quản lý và sở hữu của bà con Lộc Hưng do Giáo Hội Công Giáo cấp vào những năm 1954.

Thứ hai: Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Hội đồng Chính phủ lâm thời miền Nam đã ra các văn bản khẳng định “giải quyết tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân phải trên cơ sở nguyên canh là chính”, “Nhà nước chỉ quốc hữu hoá các đồn điền và ruộng đất của các tư sản nước ngoài”…; và ra các văn bản chỉ thị “đăng ký, thống kê sử dụng đất” mà sau này được xem là các giấy tờ hợp pháp… Cụ thể:

1) Quyết định số 31/QĐ-76 về việc quản lý và sử dụng ruộng đất của Hội đồng Chính phủ lâm thời miền Nam ngày 17/6/1976; và Chỉ thị số 235-CT/TW ngày 20/9/1976 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề ruộng đất ở miền Nam. Theo đó, quy định giải quyết tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân phải trên cơ sở nguyên canh là chính.

2) Quyết định số 188-CP ngày 25/9/1976 của Hội đồng Chính phủ về chính sách xoá bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân, phong kiến ở miền Nam Việt Nam. Theo đó, Nhà nước quốc hữu hoá các đồn điền và ruộng đất của các tư sản nước ngoài.

3) Quyết định số 201/CP ngày 01/7/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước. Nội dung cơ bản có Thống kê, đăng ký đất và UBND xã phải kiểm tra…;

4) Chỉ thị số 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước. Trong đó có nêu: “… đăng ký thống kê sử dụng đất trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam theo từng đơn vị hành chính trong từng cơ quan, tổ chức và cá nhân sử dụng đất. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân sử dụng đất có nhiệm vụ chấp hành đúng mọi thủ tục về đăng ký ruộng đất theo quy định của Tổng cục Quản lý ruộng đất”.

Chính vì lẽ vậy sau năm 1975, bà con Vườn Rau đã “thống kê”, “đăng ký”, “đo đạc” ruộng đất với các cơ quan có thẩm quyền trong “công tác quản lý ruộng đất” của nhà nước thông qua các biên lai “thu thuế” nên có đầy đủ cơ sở xác lập QSD đất.

Xin được nói thêm, tại điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Khoản 16, Khoản 17 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP: Qui định các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của chính phủ gồm:

Một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo chỉ thị số 299-TTg ngày 10 tháng 11 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước do cơ quan nhà nước đang quản lý, bao gồm:

a- Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã xác định người đang sử dụng đất là hợp pháp;

b- Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã hoặc cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, cấp tỉnh lập;

c- Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại điểm a và b khoản này.

Trường hợp trong đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất có sự khác nhau giữa thời điểm làm đơn và thời điểm xác nhận thì thời điểm xác lập đơn được tính theo thời điểm sớm nhất ghi trong đơn;

d- Giấy tờ về việc chứng nhận đã đăng ký quyền sử dụng đất của Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh cấp cho người sử dụng đất;

đ- Giấy tờ về việc kê khai đăng ký nhà cửa được Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh xác nhận mà trong đó có ghi diện tích đất có nhà ở;

e- Giấy tờ của đơn vị quốc phòng giao đất cho cán bộ, chiến sĩ làm nhà ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo chỉ thị số 282/CT_QP ngày 11 tháng 7 năm 1991 của Bộ trưởng Bộ quốc phòng mà việc giao đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất làm nhà ở của cán bộ, chiến sĩ trong quy hoạch đất quốc phòng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Một điểm cần nhấn mạnh Hiến pháp 1980 đầu tiên của Nước CHXHCNVN quy định tại Điều 20: “…Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo quy định của pháp luật…” Và Luật Đất Đai đầu tiên được ban hành và có hiệu lực vào năm 1987 quy định: “…Người đang sử dụng đất đai hợp pháp được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật này…”

Chính vì vậy, bà con Vườn Rau Lộc Hưng canh tác lâu dài và ổn định trên khoảng 5 hecta đất ngụ tại đường Chấn Hưng, phường 6, quận Tân Bình “đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình” và “người đang sử dụng đất đai hợp pháp được tiếp tục sử dụng” mà không cần đến cái gọi là “sổ đỏ”. Bà con Vườn Rau có đầy đủ căn cứ pháp lý để được nhà cầm quyền “công nhận quyền sử dụng đất” cho các hộ dân sinh sống lâu đời trên mảnh đất cha ông của mình đã để lại. Vụ việc nhà cầm quyền cưỡng chế đất của bà con trong các ngày 04 và 08.01.2019 đã phá hoại tài sản trên đất của bà con là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Đất Đai và đi ngược lại với chủ trương của Hiến pháp năm 1980.

(Trong bài kế tiếp, chúng tôi sẽ nêu rõ cơ sở pháp lý đối với cái gọi là Đất công và “các công trình trái phép” xây dựng tại Vườn Rau.)


FB Tin mừng Cho Người nghèo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad