Đi Nhật du học để mưu lợi hơn là giúp nước - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

Đi Nhật du học để mưu lợi hơn là giúp nước


Nhật Bản vừa qua đã đưa 12 công ty tư vấn du học của Việt Nam vào danh sách đen vì nghi ngờ cấp chứng chỉ tiếng Nhật giả cho các hồ sơ xin visa của sinh viên du học. Vụ việc này lại dấy lên làn sóng dư luận về chuyện các sinh viên Việt sang Nhật du học nhưng rồi ở lại bất hợp pháp và trở thành tội phạm.

Đi Nhật du học để mưu lợi hơn là giúp nước

Từ chối đơn xin thị thực


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Báo trong nước loan tin hôm 12/11/2018 trích tờ Mainichi của Nhật cho biết Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã có lệnh kể từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, đại sứ quán nước này tại Việt Nam sẽ từ chối đơn xin thị thực từ 12 công ty được nêu tên, vì nghi ngờ các công ty này đã cấp chứng chỉ tiếng Nhật giả trong một thời gian dài.

...Chưa lấy đủ ‘vốn’ thì họ sẽ trốn ra ngoài, đi làm mấy chỗ mà người ta cần và lương rẻ hơn lương chính thức. Sau đó thì trốn ở lại luôn...

-Cựu du học sinh Nhật
Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói đã thông báo với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về 12 công ty tư vấn du học này. Chúng tôi liên hệ với ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ Giáo dục – Đào tạo) để có thêm thông tin và được vị này cho biết.

Thường thì bên Nhật họ không muốn thông tin này ra ngoài vì đây là vấn đề ngoại giao. Khi nào họ nói họ cung cấp thì mới đưa ra, còn không thì không đưa ra bên thứ ba.

Chúng tôi hỏi thêm về hướng giải quyết của Bộ Giáo dục – Đào tạo và được ông Hưng cho biết.

Vừa rồi đã có một loạt giải pháp ký giữa hai bên. Việc này thôi để từ từ sẽ có thông tin trả lời đầy đủ, và đề nghị là không trao đổi những nội dung không chính thức. Bao giờ chúng tôi cũng trả lời qua trung tâm truyền thông của Bộ thì mới chính thống.

Truyền thông của Nhật đưa tin các quan chức nước này đã tiến hành các cuộc phỏng vấn trực tiếp với các ứng viên từ Việt Nam và nhận ra cứ 10 ứng viên thì có ít nhất 1 người không hiểu tiếng Nhật tốt để xin thị thực visa. Tỷ lệ này được nói lên tới 30% trong số các ứng viên được 12 công ty Việt trong danh sách đen làm hồ sơ.

Thực tế du học sinh tại Nhật

K, một du học sinh Nhật từ năm 2006, nói rằng các sinh viên du học tại Nhật được chính phủ tạo điều kiện có thời gian đi làm thêm để trang trải ngoài việc chính là học tập. K giải thích thêm:

Cờ quốc gia của Nhật Bản và Việt Nam tại Sân bay Haneda ở Tokyo hôm 28/2/2017. AFP
Ở bên Nhật, một tuần sinh viên được làm 28 tiếng, thì quy định như vậy thôi nhưng mà có nhiều sinh viên đâu có đi học, hoặc là đi học nhưng làm rất nhiều giờ. Ví dụ như học từ 9 giờ sáng tới 12 giờ trưa là xong, thì khoảng 1 giờ, 2 giờ là sẽ đi làm tới tối luôn. Có người đi làm rồi không đi học, làm nguyên ngày luôn.

Thực tế lo làm mà bỏ học dẫn đến hậu quả mất quyền cư trú hợp pháp tại Nhật. Khi mất quyền cư trú hợp pháp lại dẫn đến những sai trái tiếp theo, K tiết lộ với chúng tôi:

Không được gia hạn visa thì làm cách nào? Ví dụ như chưa lấy đủ ‘vốn’ thì họ sẽ trốn ra ngoài, đi làm mấy chỗ mà người ta cần và lương rẻ hơn lương chính thức. Sau đó thì trốn ở lại luôn, còn nếu mà muốn ở lâu dài thì nộp xin visa tị nạn chính trị.

Chiêu bài ‘tị nạn’

Thống kê chính thức của Bộ Tư pháp Nhật Bản công bố vào tháng 3/2018 cho biết người có quốc tịch Việt Nam nằm trong top 5 các quốc gia có số người xin tị nạn nhiều nhất tại Nhật trong trong 3 năm liên tiếp từ 2015 đến 2017. Quốc tịch Việt Nam chiếm tỉ lệ cao thứ 2 trong số các hồ sơ xin tị nạn tại nước này vào năm 2017 với 3.116 hồ sơ. Tuy vậy, có đến 2,295 hồ sơ đã bị Nhật Bản từ chối.

Có rất nhiều sinh viên sắp hết thời gian lưu trú ở Nhật mà không gia hạn được visa và không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp trường tiếng Nhật thì sẽ sử dụng chiêu là nộp hồ sơ xin tị nạn chính trị.

-Cựu du học sinh Nhật
Thống kê của Bộ Tư pháp Nhật khẳng định trong tổng số các hồ sơ xin tị nạn nước này nhận được thì có hơn 25% là du học sinh và công nhân hợp tác lao động. K xác nhận với chúng tôi:

Có rất nhiều sinh viên sắp hết thời gian lưu trú ở Nhật mà không gia hạn được visa và không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp trường tiếng Nhật thì sẽ sử dụng chiêu là nộp hồ sơ xin tị nạn chính trị. Nhưng được biết thì rất nhiều hồ sơ xin tị nạn chính trị của Việt Nam bị bác bỏ.

Trường Nhật ngữ Đông Du, một cơ sở trợ giúp sinh viên Việt Nam đi du học Nhật, cho biết từ năm 1991 đã đưa 1.960 người Việt đi Nhật nhưng chỉ có hơn 500 người về nước.

Được biết, K từng là một sinh viên trường Đông Du, tốt nghiệp đại học ở Nhật và quyết định ở lại để làm việc cho một phòng thí nghiệm tại Tokyo. Anh nói rõ lý do vì sao chọn ở lại:

Ở Nhật tiền lương cao hơn, mức sống tuy cao nhưng dễ chịu hơn ở Việt Nam. Nói chung là cảm giác an tâm, an toàn hơn Việt Nam. Giống như là ra đường không sợ bị trộm cắp, ít bị móc túi, không sợ tai nạn giao thông nhiều. Không khí thì trong lành, không ô nhiễm. Thức ăn thì mình an tâm mua các loại ở ngoài siêu thị mà mình biết xuất xứ, không sợ dơ bẩn hoặc xuất xứ từ Trung Quốc.

Ngoài ra, K cho biết tuy không phải là công dân Nhật, nhưng người nhập cư như K được quyền lên tiếng về các chính sách liên quan đến người nước ngoài của chính phủ và có thể nộp đơn lên các bộ phận. Anh nhấn mạnh về vấn đề tự do ngôn luận là không phải e dè như khi ở Việt Nam.

Thực tế cho thấy hiện nay nhiều sinh viên Việt Nam tại Nhật đang sống trong cảnh bất hợp pháp, thậm chí tù tội.

Số liệu của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho biết năm 2017, cộng đồng người Việt đã vượt qua Trung Quốc, trở thành nhóm nghi phạm nước ngoài đông nhất tại Nhật Bản, chiếm 30,2% tổng số tội phạm của công dân nước ngoài. Trong số các tội phạm Việt Nam tại Nhật, có khoảng 40% đã đến bằng visa du học và cư trú bất hợp pháp tại đây. Vấn nạn sinh viên đi du học rồi ở lại luôn được nói đến lâu nay; nhất là tại Hoa Kỳ.

RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad