Người Việt lớn tuổi qua Mỹ tại sao bị ghét? - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2018

Người Việt lớn tuổi qua Mỹ tại sao bị ghét?


Hy vọng những người Việt Nam được thân nhân bảo lãnh qua Mỹ và đang hưởng trợ cấp y tế, xã hội của chính phủ Mỹ nên có những cư xử biết tri ân và trân trọng những giúp đỡ ân tình từ tiền thuế của người dân Mỹ ở đây.

Trong khoảng 10 năm gần đây , một số đông du học sinh từ Việt Nam qua Mỹ hay nhiều người du lịch sang Mỹ đã tìm cách kết hôn với người có quốc tịch Mỹ để được ở lại Mỹ hợp pháp. Tìm không ra người Việt có quốc tịch Mỹ, thì họ kiếm đại một anh Mỹ gốc Mễ, gốc Tàu, hay Mỹ đen, Mỹ trắng gì cũng được, miễn sao họ chịu làm giấy tờ thẻ xanh cho họ ở lại. Và 3 đến 5 năm sau đó, họ vào quốc tịch Mỹ và chỉ 1 năm sau là bảo lãnh cả cha mẹ từ Việt Nam qua Mỹ. Cha mẹ vợ này có thể là 1 đảng viên cộng sản gốc lớn đang tại chức hay đang bị thất sủng muốn tìm đường qua Mỹ , hay là một đại gia có nhiều tiền muốn chuyển tiền cho con ở Mỹ giữ giùm, mua nhà đầu tư hay chỉ là một bà nhà quê muốn qua Mỹ để hưởng chế độ y tế MEDICAL, MEDICARE miễn phí ưu đãi của chính phủ Mỹ dành cho những người được bảo lãnh có thẻ xanh ở Mỹ hợp pháp.

Thế là những cha mẹ này qua Mỹ đã trên 65 tuổi, chưa bao giờ đi làm đóng thuế cho Mỹ đồng nào trong suốt cuộc đời của họ, lại đương nhiên được hưởng phúc lợi dành cho người cao niên ở Mỹ, mà những người đi làm đóng thuế cho Mỹ từ 20 % đến 35 % lợi tức hàng năm trong hơn 40 năm như tôi, như bạn, có khi còn không được như họ.

Thử làm 1 bài toán đơn giản nhé. Mỗi tháng MEDICARE, MEDICAL, MEDICAID trả tiền hoá đơn khi khám bác sĩ, đi lấy thuốc cao máu, tiểu đường , cao mỡ, đau nhức khớp xương, … không dưới 1000 USD một tháng. Nếu vào bệnh viện hay viện dưỡng lão thì không dưới 10000 USD một tháng. Nếu họ ở nhà thì chính phủ trả tiền con cháu của họ để chăm sóc họ ít nhất 10 USD/giờ, trung bình mỗi tháng 1000 USD đến 1500 USD. 5 năm sau nếu họ vào quốc tịch Mỹ thì mỗi tháng chính phủ Mỹ cấp cho họ tiền già nhân đạo 900 USD ở California. Đây không phải tiền hưu Social Security vì họ đâu có đi làm ngày nào cho Mỹ mà được hưởng lương hưu. Có khi họ than nghèo, nộp đơn xin Housing để được cấp nhà ở miễn phí, thế là chính phủ Mỹ lại è cổ ra trả mỗi tháng ít nhất 1000 USD để thuê nhà cho họ ở. Vì vậy mà họ hay nói đùa với nhau :”Tôi có một thằng con hiếu thảo lắm, tháng nào nó cũng gửi tiền cho tôi đúng ngày 1 tây mỗi tháng, đi bác sĩ bệnh viện khỏi tốn tiền còn tốt hơn là bảo hiểm mua 700 USD một tháng của những người Mỹ đi làm nhiều năm.”. Hỏi con bà là ai mà tốt vậy thì bà nói :”Là Tổng Thống Obama chứ còn ai nữa ?”

Thử hỏi ngân sách nhà nước Mỹ phải nuôi những người này trong ít nhất 20 năm cho đến khi họ qua đời, thì không thâm thủng, phá sản mới là chuyện lạ !

Điều làm tôi bất nhẫn là những người này năm nào cũng mua vé máy bay về VN đi chơi, thăm thân nhân, áo gấm về làng, khoe khoang và nổ . Nhưng chỉ về được 29 ngày rồi phải lật đật qua Mỹ trở lại, nếu không họ sẽ bị cắt hết trợ cấp. Về VN họ đem theo thuốc cao máu tiểu đường cao mỡ chỉ có 1 tháng nên ở lâu hơn phải mua thuốc ở VN tốn tiền nên họ không muốn chi. Khi trở qua Mỹ, họ mở miệng ra là nói nhớ Việt Nam, muốn về Việt Nam ở luôn. Họ nói không thích ở Mỹ, không cần ở Mỹ. Con cháu ở Mỹ bảo lãnh họ qua Mỹ thì họ chẳng bao giờ biết nói tiếng cảm ơn, có khi còn chửi rủa khi không vừa ý điều gì.

Tôi thật là ngao ngán khi phải tiếp xúc với những loại người này. Nước Mỹ không thiếu nợ họ, phải nuôi báo cô những người lúc nào cũng nói không cần ở Mỹ. Điều trớ trêu là 5 năm đầu ở Mỹ họ không được lãnh tiền già 900 USD một tháng vì chưa phải quốc tịch Mỹ. Cho nên sau 5 năm ở Mỹ một cách bất đắc dĩ, họ lại hỏi thăm xin thủ tục thi vào quốc tịch Mỹ dù bản thân không biết một chữ tiếng Anh nào. Họ đi xin giấy bác sĩ chứng nhận họ đau họ bệnh đủ thứ bệnh, kể cả bệnh tâm thần hay quên hay bệnh điếc khó nghe, nên xin bác sĩ chứng giấy bệnh để được miễn thi hay thi dễ một chút và có người Việt Nam thông dịch đi theo !

Tôi muốn nhắc lại một câu mà tôi đã đọc trước đây trên internet :”

Không phải ai muốn qua Mỹ là được. Đó là phước đức mấy đời của ông bà để lại, bạn mới có cơ hội đến Mỹ. Đáng lý ra, bạn nên biết trân quý sự may mắn này, thay vì bạn tỏ ra bất cần và chán nản. Nếu như nước Mỹ không như ý bạn muốn, thì bạn cứ việc mua vé máy bay mà quay về lại xứ thiên đường chủ nghĩa của bạn. Bạn không cần phải nói ra, tôi muốn về Việt Nam quá. Hay tôi rất hối hận khi đi Mỹ. Những câu nói này, đã vừa khó nghe, lại vừa chà đạp lên tinh thần yêu mến tự do, dân chủ của đồng hương ở đây. Không thích thì về, chứ cứ nói hoài mà vẫn ở đây, thì nhục lắm. Nếu bạn không thấy nhục, chúng tôi thấy nhục dùm cho bạn. “

Tôi đã từng gặp một bà già đã 93 tuổi nhưng móng tay móng chân lúc nào cũng sơn đỏ chót. Bà là người nhà quê ít học, không giàu có gì nhưng lúc nào cũng tỏ ra sang chảnh và đeo vòng vàng, hột xoàn để khoe của. Bà thích sống bề ngoài và phô trương. Bà thấy ai không có mua nhà, đi xe cũ thì bà hỏi sao ở Mỹ nhiều năm mà không mua nổi nhà ? Trong khi đó thì bà ở nhà mobile home ở chung với con cháu mà cứ tưởng là mình ngon lắm. Lúc nào bà cũng tỏ vẻ ta đây là hơn người, không cần ở Mỹ. Năm nào bà cũng kêu con cháu mua vé máy bay cho bà về VN chơi, mua quà cáp đem về, mặc cho con cháu bà nợ credit card, trả nợ mệt nghĩ. Bà đang nộp đơn xin thi quốc tịch Mỹ. Tôi thật mong là bà nên về Việt Nam xứ thiên đường của bà ở luôn vì bà cũng gần đất xa trời quá rồi.

Tôi hy vọng những người Việt Nam được thân nhân bảo lãnh qua Mỹ và đang hưởng trợ cấp y tế, xã hội của chính phủ Mỹ nên có những cư xử biết tri ân và trân trọng những giúp đỡ ân tình từ tiền thuế của người dân Mỹ ở đây, trong đó có rất nhiều đồng hương người Mỹ gốc Việt đi làm đóng thuế cho nhà nước để nhà nước chi trả các khoản chi y tế xã hội và trợ cấp tiền nhà mỗi tháng, dù có thể trước đây quí vị chưa bao giờ đi làm đóng thuế cho cho chính phủ Mỹ đồng nào. Xin đừng nói những lời khó nghe không cần làm cho nhiều người đồng hương thấy ghét. Nếu không thích ở đây thì xin mua vé máy bay một chiều về lại Việt Nam, đơn giản vậy thôi.

Một người Mỹ gốc Việt, a taxpayer

Holly Ngo
FB Holly Ngo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad