Tự đạo văn như Phùng Xuân Nhạ - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 19 tháng 2, 2018

Tự đạo văn như Phùng Xuân Nhạ


(Hôm trước tôi mới chỉ đặt nghi vấn. Sau khi chạy phần mềm phân tích và đọc chi tiết hai bài, thì tôi khẳng định chắc chắn là ông Nhạ đã tự đạo văn).

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đạo văn. Ảnh: báo GT

Một trong những nguyên tắc về đạo đức trong khoa học là, trong một bài báo nghiên cứu, khi sao chép lại cái gì từ đâu thì phải nói rõ đây là sao chép. Nếu không thì phạm tội đạo văn (nếu là copy của người khác nhận vơ thành của mình) hay tự đạo văn (nếu là copy lại cái cũ của chính mình đã công bố chính thức, giả vờ là mới). Các sinh viên ở các trường tốt
ngay từ khi làm luận văn tốt nghiệp cũng phải biết nguyên tắc đạo đức này, nếu bị phát hiện đạo văn hay tự đạo văn sẽ bị đánh trượt hoặc đuổi học.

Là một người làm lãnh đạo lâu năm trong ngành đại học, ông Phùng Xuân Nhạ không thể không biết nguyên tắc đạo đức trên. Tuy nhiên, chính ông Nhạ đã có hành vi tự đạo văn rất rõ ràng.

Cụ thể là, hai bài báo bằng tiếng Anh của Phùng Xuân Nhạ và Lê Quân, (VNU Journal of Economics and Business Vol. 29, No. 2 (2013) 75-853) và (Asian Social Science; Vol. 10, No. 9, 2014, pp26–39), một bài công bố năm 2013 và một bài năm 2014, giống nhau “như đúc”, từ mở đầu cho đến kết luận (và bài năm 2014 không hề nhắc tới sự tồn tại của bài năm 2013). Theo phần mềm tra cứu Turnitin, có 48% nội dung của bài năm 2013 được copy lại nguyên si trong bài năm 2014. Nhưng con số 48% đó mới chỉ thế hiện những chỗ copy nguyên si. Còn nếu tính cả những chỗ được viết lại, vẫn cùng một nội dung như thế nhưng dùng câu chữ khác đi để ngụy trang cho thành “công trình mới”, thì có thể nói là hai bài giống nhau gần 100%.

Hành vi tự đạo văn này là một gương xấu về đạo đức cho nền giáo dục và khoa học Việt Nam.


Trích dẫn như Phùng Xuân Nhạ

Đây là 1 đoạn trong báo cáo về sự giả khoa học của ông Nhạ. Toàn bộ báo cáo khá dài và sẽ được công bố công khai và gửi đến các cấp trên của ông Nhạ.

Một trong các yêu cầu tối thiểu đối với các bài báo khoa học nghiêm túc là các trích dẫn trong đó phải nghiêm túc: mỗi trích dẫn dùng làm chứng cứ phải ghi nguồn rõ ràng để người đọc nếu cần có thể tra cứu, và danh sách các nguồn tài liệu tham khảo phải ứng đúng với các trích dẫn trong bài báo. Ông Phùng Xuân Nhạ đã không biết đến hoặc không tôn trọng chuẩn mực khoa học tối thiểu này trong các bài báo của mình.

Một ví dụ điển hình là bài báo của Phùng Xuân Nhạ & Phạm Xuân Hoan năm 2014 về đầu tư cho giáo dục (Asian Social Science; Vol. 10, No. 18, 2014, pp96–108), với các biểu hiện bất thường sau đây về trích dẫn:

– Danh sách tài liệu tham khảo (References) của bài có tổng cộng 24 tài liệu, thì có đến 7 bài trong đó có tên tác giả người phương Tây được viết tắt bằng tên riêng thay vì tên họ, ví dụ như: James JH, Jonathan DL, Paul G, v.v. Đặc biệt là F. Cunha được trích dẫn liên tục trong bài báo này, nhưng trong mục References thì tên ông ta biến thành Flavio C. Tương tự như vậy với nhà kinh tế học G.N. Mankiw có trích dẫn trong bài báo, và trong danh sách tài liệu tham khảo thì biến thành ông Gregory NM.

– Một nửa só tài liệu trong danh sách References không thấy được trích dẫn ở bất kỳ chỗ nào bên trong bài báo. Ngược lại, có ít nhất hai trích dẫn bên trong bài báo (Oczan et al. (2000) và Jones (2002)) không thấy tương ứng với bất kỳ tài liệu nào trong danh mục tài liệu tham khảo, kể cả sau khi đã kiểm tra xem có nhầm tên riêng thành tên họ không.

Một ví dụ khác là bài báo của ông Nhạ về “mô hình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp” năm 2009 (Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh 25 (2009) 1-8). Trang đầu của bài báo này có câu: “Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 63% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, 37% được tuyển dụng không đáp ứng được công việc, nhiều công ty phải mất 1-2 năm đào tạo lại [1]”. Bản thân câu trên là tối nghĩa thiếu khoa học, vì tỷ lệ 63% thất nghiệp ắt phải là một tỷ lệ tính cho đến một mốc thời gian nào đó sau khi tốt nghiệp chứ không phải cả đời thất nghiệp, mà mốc đó không được nói đến trong câu. Nhưng ở đây ta tạm thời bỏ qua chuyện đó, mà xét trích dẫn [1] của câu. Khi ông Nhạ trích thống kê của Bộ, thì người ta chờ đợi là tài liệu tham khảo phải là một văn bản của Bộ, hoặc ít ra là một tài liệu khoa học nào đó có sao lại văn bản gốc liên quan của Bộ. Nhưng không, “tài liệu tham khảo” này mà ông Nhạ đưa ra để làm chứng cứ là một chương trình TV dành cho người Việt ở Mỹ! ([1] Đại Dương, Chất xám tại Việt Nam dưới mắt thiên hạ, Vietnamese American Television, 10/6/2008).

Những ví dụ trên phần nào cho thấy sự thiếu hiểu biết và thiếu nghiêm túc của ông Nhạ về việc nghiên cứu khoa học.


Nguyễn Tiến Dũng
GS Nguyễn Tiến Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad