Phải bảo vệ các nhà báo trước cái bẫy tài liệu mật ở Đà Nẵng - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

Phải bảo vệ các nhà báo trước cái bẫy tài liệu mật ở Đà Nẵng


Phải bảo vệ các nhà báo trước cái bẫy tài liệu mật ở Đà Nẵng. Ảnh: Báo PLO

Khi báo chí đồng loạt đăng tải Công văn của cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an gửi chính quyền TP. Đà Nẵng đề nghị hợp tác cung cấp tài liệu để điều tra 9 dự án và 31 nhà, đất công sản, có nghĩa là cuộc điều tra này không thuộc diện “Mật”, “Tối mật” hay “Tuyệt mật”. Kèm theo đó là danh sách 9 dự án và 31 địa chỉ công sản cũng được báo chí đăng tải, có nghĩa là các địa chỉ này cũng không nằm trong ba cấp độ Mật nói trên.

Một số báo còn nêu các công sản này được bán mà không qua đấu giá và nêu cụ thể những số tiền chênh lệch mua đi bán lại lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tên doanh nghiệp và tên người được ưu ái hưởng sự chênh lệch khủng này cũng được nêu ra, đó là ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) và công ty của ông ta. Nhưng báo chí thông tin tới đó thì dừng lại, mặc dù từ các đầu mối được chỉ ra, các nhà báo rất dễ dàng dùng nghiệp vụ của mình để tìm hiểu tiếp: Vì sao công sản được bán cho tư nhân mà không qua đấu giá? Cơ quan nào, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về sự thiệt hại nghiêm trọng của tài sản quốc gia trong những phi vụ này?

Lý do báo chí không thể đi xa hơn là vì trên mạng xã hội đang phát tán nhiều tài liệu với cả ba cấp độ Mật liên quan đến ông Vũ nhôm và công ty của ông ta. Những tài liệu đó gián tiếp chỉ ra vì sao Vũ nhôm được ưu ái. Đó là những tài liệu giả hay tài liệu thật không ai có thể biết chắc. Không có cơ quan nào khẳng định điều đó. Báo chí cũng không dám hỏi, mà dù có hỏi cũng không ai dám trả lời. Đó đang là một bức tường ngăn cản báo chí tiếp cận sự thật. Hình như tình trạng này chưa từng có tiền lệ.

Theo suy luận của tôi, nếu thật sự có những tài liệu mật nói trên thì dù cơ quan an ninh điều tra hay cơ quan điều tra của cấp nào đi chăng nữa cũng không thể động đến ông Vũ nhôm, vì họ không được phép tiếp cận tài liệu mật. Nhưng vì cơ quan an ninh điều tra đã vào cuộc, cho nên hoặc là những tài liệu mật được phát tán đó là tài liệu giả, hoặc nếu là tài liệu thật thì các tài liệu đó cũng đã được được một cấp có thẩm quyền giải mật theo các điều khoản của Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước và Nghị định 33 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

Vấn đề là các nhà báo của chúng ta không thể biết những tài liệu đó là thật hay là giả, nếu chúng là thật thì cũng không thể biết chúng đã được giải mật hay là chưa và giải mật tới đâu. Đây là một cái bẫy, cái bẫy không do ai cài, mà tự động giăng ra trong một tình huống không có tiền lệ.

Do đó, dù là tài liệu thật hay là giả, nếu là thật thì dù có giải mật hay chưa, thì cái bức tường ngăn nói trên vẫn đang tồn tại. Vượt qua qua bức tường này để tiếp cận sự thật rất có thể các nhà báo sẽ bị sập bẫy, sẽ trở thành đối tượng điều tra và có thể bị dính vào vòng tố tụng.

Xin lưu ý với các cấp có thẩm quyền: Bảo vệ tài sản quốc gia, chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm” không chỉ là trách nhiệm riêng của các cơ quan bảo vệ pháp luật, nói phải đồng thời là trách nhiệm của báo chí và của mọi công dân. Bởi vậy, cơ quan có thẩm quyền cần có trách nhiệm chính thức kết luận những tài liệu mật phát tán trên mạng xã hội liên quan đến ông Vũ nhôm là thật hay là tài liệu giả, nếu là thật thì cần công khai quyết định giải mật những tài liệu đó cho báo chí tiếp cận, đó là cách để bảo vệ các nhà báo. Và không chỉ riêng đối với trường hợp liên quan đến Vũ nhôm. Trừ các dự án trong lãnh vực an ninh quốc phòng do cơ quan nhà nước có chức năng làm chủ đầu tư, tất cả các tài liệu liên quan đến các dự án của các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng đều phải được giải mật, nếu như có các tài liệu mật liên quan đến các dự án này.

Tình trạng vô pháp ở Đà Nẵng diễn ra hàng chục năm, riêng 9 dự án và 31 công sản liên quan đến ông Vũ nhôm cũng diễn ra từ hơn 10 năm nay, nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật cả ở địa phương và trung ương đều không động tới, nói thẳng là vô trách nhiệm. Vì vậy, hơn ở đâu hết và hơn bao giờ hết, việc điều tra, kiểm tra, thanh tra tình trạng vô pháp ở Đà Nẵng cần phải được sự hậu thuẫn và giám sát của báo chí.


Mời xem Video: Bộ Công An triệu tập Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ liên quan vụ tham nhũng nhà đất công sản?



Ảnh: Báo PLO

FB Hoàng Hải Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad