‘Hậu Obama’: Việt Nam sẽ thất lợi gì nếu gia tăng đàn áp nhân quyền? - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

‘Hậu Obama’: Việt Nam sẽ thất lợi gì nếu gia tăng đàn áp nhân quyền?


Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, ngày 24/5/2016.

Nốt trầm đột ngột

Thực tế phũ phàng khó có thể bỏ qua là sự hiện diện lịch sử của Tổng thống Obama tại Việt Nam vào tháng 5/2016 không những không tạo cú hích cho phong trào dân chủ nhân quyền ở đất nước này, mà còn khiến không khí tranh đấu từ sôi động trở nên trầm buồn đột ngột.

Nếu cả những tờ báo của Mỹ còn phải dằn vặt tổng thống về hành động “lùi bước nhân quyền”, về triển vọng “được” Cam Ranh của Mỹ để đổi lấy việc hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, cùng thái độ được mô tả là “nhịn nhục” thái quá của Obama khi không hề lên tiếng phản ứng một cách thích đáng về thực tế sống sượng có đến 60% khách mời của tổng thống Mỹ bị công an Việt Nam chặn không cho tham dự cuộc gặp giữa ông và Xã hội dân sự, giới dư luận viên Hà Nội lại reo mừng lộ liễu.

Trong lúc báo chí quốc tế thi nhau khai thác đề tài “tương lai Việt - Mỹ”, những dư luận viên hung hăng nhất bắt đầu công kích “tương lai của phong trào dân chủ”. Lý lẽ được hệ thống tuyên giáo tung hê nhiều nhất là “tương lai của Việt Nam sẽ do chính người Việt Nam quyết định” - như một đoạn diễn từ được coi là then chốt trong diễn văn của Obama trước 2000 đại diện thanh niên và các tổ chức hội đoàn nhà nước tại Hà Nội.

Nếu suy diễn theo một cách nào đó, Mỹ đã “buông” nhân quyền.

Vì lợi ích ở Biển Đông và đặc biệt là lợi ích Cam Ranh, dường như Washington đã tạm gác lại chủ đề nhân quyền ở Việt Nam - vốn được xem là “còn tồn tại những cách hiểu khác nhau” giữa hai nhà nước cựu thù. Hệ quả là một khi đã nhận được quy chế “bình thường hóa quan hệ hoàn toàn” và được “tôn trọng thể chế chính trị”, chính quyền Việt Nam có thể tự cho phép mình muốn làm gì thì làm. Đây là một kịch bản đã được hình dung trước đây. Chỉ có điều, kịch bản này xảy ra khá sớm so với dự đoán của nhiều người.

Kịch bản “thỏa thuận quân sự” giữa Mỹ và Việt Nam lại có thể dẫn đến một kịch bản khá xấu về nhân quyền trrong thời gian tới: công an Việt Nam sẽ gia tăng đàn áp phong trào đấu tranh dân chủ tại đất nước này. Những hằn học ức chế mà giới công an trị phải nuốt vào lòng từ khoảng thời gian cuối năm 2015, đầu năm 2016 đến nay có thể trào ngược ra miệng nhằm mục đích “hồi tố”: một số nhân vật dân chủ đã tham gia vào phong trào tự ứng cử đại biểu quốc hội, một số thành viên của Xã hội dân sự đã gián tiếp hoặc trực tiếp góp tay vào những cuộc biểu tình số đông về bảo vệ môi trường sẽ có thể bị tạo cớ nhằm sách nhiễu, bắt bớ và thậm chí có thể bị truy tố.

Tự do tôn giáo cũng bởi thế có thể tiếp tục bị siết bức. Ngược lại với đòi hỏi của giới lập pháp Mỹ, Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục không chấp nhận các hoạt động của tôn giáo ly khai, bao gồm Công giáo, Phật giáo Thống Nhất, Tin Lành, Cao Đài và Hòa Hảo Thuần Túy.

Ngay sau khi Obama rời Việt Nam, đã có những biểu hiện và dấu hiệu cho thấy một chiến dịch “hồi tố” như thế đang được chính quyền và công an thăm dò.

Tuy nhiên, kịch bản “hồi tố” sẽ không quá xấu, thậm chí sẽ không thành hình, nếu cân nhắc đến từng chi tiết về khả năng chính quyền Việt Nam sẽ thất lợi đến mức nào nếu gia tăng đàn áp nhân quyền.

TTP và tự do tôn giáo

Trong toàn bộ câu chuyện được Mỹ chính thức dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, cái lợi lớn nhất và rõ ràng nhất của Việt Nam không phải là được mua vũ khí, chưa tính đến việc tìm đâu ra nguồn tài chính để mua, mà là sự vay mượn hình ảnh của cường quốc số một thế giới nhằm đối trọng quân sự với âm mưu thôn tính đang hiển hiện từng ngày của Trung Quốc.

Nếu được Việt Nam thỏa thuận để gia tăng sự hiện diện lực lượng hải quân tại Cam Ranh, Mỹ sẽ là một lá chắn chắc chắn để hạn chế đến mức tối thiểu một cuộc tấn công quy mô lớn của Trung Quốc trên Biển Đông và vào đải đất miền Trung Việt Nam. Chế độ cầm quyền ở Việt Nam cũng bởi thế sẽ tránh được một mối lo sầu thảm.

Nhưng khác với một thập kỷ trước, cái lợi lần này của Việt Nam mới chỉ mang tính tượng trưng. Vào những năm 2006 - 2007, Việt Nam đã được “bình thường hóa” hơn với Mỹ thông qua việc được Mỹ nhấc ra khỏi Danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC). Sau đó, cái lợi trực tiếp và hữu hình đã đến với Việt Nam khi chính quyền quốc gia này được chấp nhận là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mang lại một nguồn lợi kinh tế lớn, mà bằng chứng hiển hiện là tình hình xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ lên tới vài chục tỷ USD hàng năm, trong khi Việt Nam luôn phải nhập siêu ít nhất 30 tỷ USD mỗi năm từ Trung Quốc.

Còn giờ đây, TPP vẫn chưa thấy đâu. Triển vọng gần nhất là hiệp định thương mại này chỉ có thể được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2017. Nhưng nếu Việt Nam được chính thức tham gia vào TPP thì cũng phải mất ít nhất vài năm sau đó, các doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu thu lợi để góp phần vực dậy nền kinh tế đình đốn của quốc gia này.

Khác hẳn với thời điểm 2007 là lúc nền kinh tế việt Nam “lên đỉnh”, giờ đây tất cả đang lao xuống đáy. Không có TPP, tất cả sẽ tuyệt đối bế tắc.

Nhưng muốn được tham dự vào bữa tiệc mang tên TPP, phía Việt Nam lại phải thỏa mãn một số điều kiện về nhân quyền và tự do tôn giáo. Hẳn chính quyền quốc gia này chưa quên vai trò của Quốc hội Mỹ đã trở nên quan trọng đến thế nào từ năm 2014. Khi đó, phần lớn giới lập pháp lưỡng viện Mỹ đã đồng thuận để cài điều kiện tự do tôn giáo vào cơ chế Quyền đàm phán nhanh (TPA) - một tiền đề không thể thiếu để dẫn đến việc biểu quyết TPP sau này.

Từ cuối năm 2015 khi quá trình đàm phán TPP giữa 12 quốc gia được hoàn tất, trách nhiệm chính đối với TPP đã không còn nằm trong phần hành của Chính phủ Mỹ, mà chuyển sang tay Quốc hội nước này. Như vậy, có thể hiểu là sau chuyến thăm Việt Nam của Obama và từ nay đến khi Quốc hội Mỹ họp để biểu quyết về TPP, toàn bộ vi phạm tự do tôn giáo của chính quyền và công an Việt Nam đều được “ghi sổ”. Nếu không cẩn thận, Việt Nam rất có thể sẽ bị loại thẳng thừng khỏi TPP, cho dù đã mon men gần đích.

Nợ công và những kịch bản nhân quyền khác

Không chỉ TPP, tương lai của chính thể Việt Nam vẫn còn nhiều hứa hẹn kèm thách thức. Thách thức tồn vong của chính quyền này không chỉ nằm ở tác nhân Trung Quốc, mà còn là gánh nặng nợ công, nợ xấu và kinh tế suy sụp - di sản của nạn tham nhũng quốc gia và “triều đại Nguyễn Tấn Dũng”.

Cho tới giờ, Việt Nam vẫn chưa thể trả món nợ nước ngoài đến hơn 20 tỷ USD cho riêng năm 2015, chưa tính năm 2016 và những năm sau đó. Có nhiều dấu hiệu cho thấy những chủ nợ lớn nhất của Việt Nam - Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế ((IMF) - bắt đầu tăng cường “siết nợ”. ODA không còn là món quà từ trên trời rơi xuống mà lãi suất sẽ theo giá thị trường. Nếu không thể trả nợ, nhà nước Việt Nam đương nhiên sẽ bị tuyên bố vỡ nợ. Khi đó sẽ là “khủng hoảng toàn diện và sâu sắc” - như lo lắng đến mất ăn mất ngủ của giới lãnh đạo nước này.

Trong bối cảnh đó, có thể hiểu Việt Nam mong đợi đến thế nào một kịch bản được giãn nợ, hoặc tốt nhất là được xóa nợ - điều đã từng đơm hoa kết trái ở Myanmar khi quốc gia này được Câu lạc bộ Paris, Đức, Nhật, Na Uy… xóa đến 6 tỷ USD nợ vay vào cuối năm 2012.

Nhưng làm thế nào để Việt Nam vừa được tham gia TPP vừa được giãn nợ hoặc được xóa nợ, nếu giới lãnh đạo chính thể này vẫn giữ nguyên thủ đoạn vừa trẻ con vừa tiểu nhân khi dùng Cam Ranh để trả treo với Mỹ và “việc nào ra việc nấy” khi vẫn tiếp tục đàn áp nhân quyền?

“Thực tiễn” hiện nay là quá khó để chính thể Việt Nam quay lại thời “đàn áp vàng” từ năm 2008 đến năm 2012, khi vừa nhận được lợi ích kinh tế vừa quay lại bắt bớ những người bất đồng chính kiến và dân oan đất đai.

Bây giờ thì mọi chuyện đã khác, khác hẳn, thậm chí khác về bản chất. Sau “nốt trầm” mà Obama để lại Việt Nam, một lần nữa xuất hiện những dấu hiệu vừa kín đáo vừa lộ liễu cho thấy Mỹ vẫn quan tâm đến nhân quyền, nhưng “để dành” chủ đề này cho những cuộc đàm phán song phương khác hơn là Cam Ranh. Trong bối cảnh đó, bất cứ một sự gia tăng đàn áp nhân quyền đáng kể nào của chính quyền Việt Nam sẽ càng khiến chế độ này tự siết chặt hơn dây thòng lọng vào cổ mình.

Bởi thế, ngoài kịch bản chính quyền gia tăng đàn áp, vẫn còn những kịch bản khác: duy trì đàn áp nhưng “kềm chế bắt bớ” như thời gian trước khi Obama đến Việt Nam; hoặc có thể nới hơn một chút cho Xã hội dân sự nói chung trong lúc đàn áp mạnh tay hơn đối với một số tổ chức dân sự nói riêng và chưa nói gì đến Công đoàn độc lập…

Phạm Chí Dũng
Blog VOA

1 nhận xét:

  1. Người có óc (ks dầu khí) Xứ Tự Do
    Không phải chỉ ở VN, ở Mỹ hay bất kỳ ở nước nào trên khắp thế giới, chúng ta đều thấy nhửng người làm Chính Trị hay phục vụ cho chính phủ đều “Nói Dối như Chú Cuội” như sau:
    Ông Malinowski: Chính nhà nước Việt Nam cam kết cải cách luật để phù hợp hơn với Hiến pháp và các chuẩn mực nhân quyền quốc tế. Tổng thống Obama và lãnh đạo Việt Nam ra tuyên bố chung tại Hà Nội. Nhiều người dân Việt Nam đang dõi xem Quốc hội sẽ hành động thế nào?

    Ông này thừa hiểu ở VN, 1 nước được Trọng Lú lảnh đạo theo Giáo Điều Sắt Máu của ông tổ Mác, Lê, ông nội Mao Xếnh Xáng và bác Hồ thì Hiến Pháp và Luật Lệ là do bộ chính trị của đảng Cộng Sản đặt ra để cai trị, áp bức , và kềm kẹp người dân oan. Còn Quốc Hội thì qua các cuộc bầu cử chỉ toàn là nhửng cán ngố, nghị gật, những bù nhìn của đảng tạo ra cho có vẻ dân chủ xả hội chủ nghỉa. Người có óc đều biết những sự thật này, nếu ông không biết thì chỉ là nói dối !
    Chủ nhân ở nhà trắng và cả ông đều nói dối khi nói bải bỏ cấm vận vủ khí sát thương và xem xét cho CSVN gia nhập vào Hiệp Định Tự Do Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là không liên quan đến tên đế Quốc Đỏ xâm lược Trung Cộng!
    Ông nói 2 điều trên sẽ mang lại cho Mỹ sức đòn bẩy nhiều hơn vì Washington sẽ cân đo nhân quyền Việt Nam trước khi chấp nhận bán vũ khí sát thương hay giao kết thương mại với VN. Cả 2 điều này củng sai vì:
    1. CSVN chỉ mua nhửng phụ tùng cần thiết cho quân cụ, vũ khí đã cướp được ở Miền Nam VN. CSVN có thể sẻ mua máy bay do thám chống tàu ngầm P-C3 Orion đả phế thải của Mỹ. Nhửng vủ khí khác mới hơn sẽ tiếp tục mua của Nga, hay Ấn Độ. Ấn Độ đang mời CSVN mua hỏa tiển chống chiến hạm, máy bay Brahmos làm chung với Nga được xem là tân tiến nhất. Ấn Độ có thể sẽ bán máy bay phản lực Sukhoi SU-30MK1, hay tân tiến nhất là Sukhoi PAK FA hay T-50 làm chung với Nga.

    2. Hiện nay, CSVN nhận sản xuất nhiều hàng hoá qua nhửng khế ước chính hay phụ vì nhân công ở VN còn thấp hơn ở Ấn Độ và Trung Cộng. Nếu không vào được TPP thì hàng hoá xuất khẩu của VN vẩn còn bán được qua các nước khác như Nga, EURO, và nhất là Trung Cộng vẩn là nước nhập khẩu và xuất khẩu qua VN nhiều nhất. Cho CSVN vào TPP là sách lược chống và phong tỏa phát triển Kinh Tế Trung Cộng của Mỹ!

    Cuối cùng nói về Chính Trị hay bài học Miền Nam VN Tự Do đả học của TT Nixon và Kissinger khi cả hai đi đêm với Trung Cộng và CS Miền Bắc để bán đứng VNCH qua Hiệp Định Đình Chiến Paris 1972.

    Cuối Tháng 4 năm 2016, tại Thư Viện Tổng Thống Lyndon B. Johnson ở Viện Đại Học Texas tại thủ phủ Austin trong cuộc hội đàm về cuộc chiến mà nước Mỹ đã nhục nhả chịu thua CS Quốc Tế. Kissinger đả dối trá nói nước Mỹ không hề bán đứng VNCH, nhất là trong trận hải chiến giửa Hải Quân VNCH và tàu khưa ở Đảo Phú Lâm, Hoàng Sa vào năm 1974. Hải Quân VNCH đả nhờ Hạm Đôi 7 ở gần tiếp cứu nhưng Mỹ làm ngơ. Sau đó Tình Báo Mỹ cho VNCH biết là TC đang cho nhiều tàu chiến và máy bay Mig-21 từ Đảo Hải Nam đến tiếp viện nên Hải Quân VNCH đành phải rút lui. Đại Sứ Mỹ ở Sàigòn và DAO đã ngăn cản VNCH không cho máy bay phản lực F-5E từ Đà Nẳng ra trợ gíup Hải Quân VNCH vì Mỹ không muốn phải nhảy vào cuộc chiến như đả xảy ra ở Cao Ly năm 1950? Trong khi Đaị Sứ CSVN lên ba hoa về phát triển Nhân Quyền ở VN, thì trong cử tọa VN đến nghe có ngươì hét lớn : “Đừng Nói Láo nửa!”. Nhưng khi Kissinger nói ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi thấy hàng chục ngàn người dân VN và Đaị Sứ Mỹ rời bỏ Sài Gòn là ngày đau buồn nhất trong đời của hắn thì chẳng nghe ai hét lên: “Đừng Nói Láo nửa!”. Có lẽ vì người tỵ nạn VN hay người Mỹ gốc VN ghét CSVN hơn là người bạn dối trá và phản bội Mỹ!

    Hơn 90 triệu dân VN hàng ngày vẩn còn bị đàn áp, kèm kẹp, và Nhân Quyền chỉ là cái Bánh Vẽ của Mỹ cho họ thèm khát nhưng không bao giờ có thật. Tất cả chỉ là làm có lợi cho Chính Trị v à Kinh Tế của Mỹ. Nhửng câu nói của chính trị gia Mỹ từ trên xuống dưới chỉ là Dối Trá mà thôi

    Trả lờiXóa

Post Bottom Ad