Thảm họa Vũng Áng: những hệ lụy và cách chúng ta cần làm trong ngắn hạn và dài hạn - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Thảm họa Vũng Áng: những hệ lụy và cách chúng ta cần làm trong ngắn hạn và dài hạn


Thử hỏi với lượng độc đố gây chết cá như ở thảm họa Vũng Áng, nếu người dân ngây thơ tin mấy ông quan phủ cứ ăn, thì hỏi thế hệ trẻ của Việt Nam sẽ thế nào? Không ai trong bố mẹ chúng ta không đau lòng khi sinh ra một em bé dị dạng và dị tật. Và càng đau lòng hơn nếu cả một thế hệ trẻ của Việt Nam bị dị dạng.

Người dân mang cá xuống đường biểu tình. Nguồn ảnh: Facebook.
Sau 20 năm số phận của Việt Nam được vần vũ dưới bàn tay trực tiếp của ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cũng là thời điểm Trung Quốc đủ sức vươn tay “đầu tư và đầu độc” ra nước ngoài. Việc chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mở phanh cửa cho Trung Quốc lộng hành mọi mặt, từ khai thác tài nguyên đến đấu thầu và đầu tư các dự án lớn, chính là lý do vì sao càng ngày càng có nhiều trường hợp người dân phản kháng vì các dự án ô nhiễm.

Forsoma chỉ là một quân cờ lộ diện đầu tiên trong bàn cờ Domino của Trung Quốc trên dải đất hình chữ S này. Từ thảm họa Vũng Áng, chúng ta phải cương quyết yêu cầu quyền giám sát chính quyền Hà Nội trong việc truy tìm độc tố và nguồn thải. Kết quả này cũng được áp dụng như một cơ sở dữ liệu cơ bản tiền đánh giá ảnh hưởng môi trường của Forsoma, đồng thời sử dụng tiếp tục trong quá trình giám sát các hoạt động của Forsoma. Và cũng là tiền đề để chúng ta yêu cầu chính quyền Hà Nội phải thực thi và minh bạch các giấy phép hoạt động của tất cả các dự án trên toàn quốc.

Bài viết này sẽ đi vào 3 phần. Phần 1: sẽ đề cập đến những ảnh hưởng của thảm họa Vũng Áng. Phần 2: sẽ đề cập đến những kết luận của Bộ TNMT trong cuộc họp báo ngày 27 tháng 4. Phần 3: đưa ra phương pháp xác định độc tố và nguồn thải độc tố để mọi người làm cơ sở yêu cầu chính quyền Hà Nội phải thực thi theo đúng bổn phận của khoa học, đồng thời cũng để toàn dân giám sát việc thực hiện của họ, cũng như chặn đứng những kiểu trả lời bất nhất “đèn cù” của họ.

(Lưu ý: vì vấn đề quá rộng, mong mọi người có chuyên môn sâu từng phần bổ sung thêm cho hoàn thiện lên)

Phần 1: THẢM HỌA VŨNG ÁNG

Những quần thể và quần xã sinh vật nào bị đầu độc từ Thảm họa Vũng Áng: Đầu tiên người dân phát hiện cá, tôm nuôi chết, rồi lần lượt là động vật thân mềm (ngao, sò, ốc..), tiếp theo nữa là chim chết, và gần đây là các khu rừng ngập mặn non trẻ bị chết hàng loạt. Thực ra còn nhiều quần thể khác chết nữa nhưng với mắt thường chúng ta không nhận thấy đó là những loại vi sinh vật nước và đáy, những loài động vật và thực vật phù du (Phytoplankton và Zooplankton) kích cỡ hiển vi (muốn thấy chúng phải nhìn bằng kính hiển vi). Những rong tảo (thực vật bậc thấp) sống đáy (nên không dễ gì thấy được): các loài tảo đáy kích thước nhỏ (benthic algal), những loài rong kích thước lớn (marcroalgal/seaweet). Quần xã cỏ biển (seagrasses): cấu tạo cơ thể có các chức năng thân rễ và lá (như thực vật bậc cao), có thành phần và số lượng giống loài rất ít,  diện tích phân bố cũng tương đối nhỏ.

Ở nơi nào các loài cỏ biển phát triển nhiều trên diện rộng, sẽ được qui hoạch thành khu bảo tồn. San hô (coral reefs) là động vật nhưng sống nhờ cộng sinh với các loài tảo, thành phần loài trên cả thế giới cũng chỉ dạt vài trăm, phân bố hẹp (chỉ ở vùng biển nhiệt đới), sự phát triển của san hô sẽ được tính từ vài chục năm. Cỏ biển và san hô chỉ phân bố ở những tầng nước không quá sâu (khoảng 5-6 m đối với cỏ biển và 25-30 m đối với san hô) vì cả hai đều cần ánh sáng cho quá trình quang hợp, vì thế chúng thường phân bố cách bờ không xa.

Cả hai quần xã cỏ biển và san hô còn đóng một vai trò sinh thái cực kỳ quan trọng là môi trường sống, sinh sản của rất nhiều loài cá, và nhiều loài cá có giá trị cao như cá mú. Việc mất đi các hệ sinh thái cỏ biền và san hô, đồng nghĩa việc cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy sản. Từ vài thập niên gần đây, tổ chức IUCN đã rất nỗ lực để thiết lập càng sớm càng tốt tất cả những vùng có những rạn san hô có mật độ cao và có những loài quí hiếm, ví dụ ở Việt Nam có Khu bảo tồn Hòn Mun, và Phú Quốc.

Mức độ và qui mô ảnh hưởng của thảm họa Vũng Áng: cá chết, rồi chim chết, sò chết, rừng ngập mặn chết do độc tố xảy ra ở Vũng Áng kéo dài từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 phải được coi là một thảm họa về môi trường. Đáng lẽ một chính phủ có trách nhiệm sẽ phải ra công lệnh “Thảm họa quốc gia” như luật sư Lê Văn Luân yêu cầu. Tuy nhiên, nếu không có sự phát hiện của một ngư dân làm nghề lặn về đường ống cống thải khủng, cùng lượng và chất thải của Forsoma, không có sự phẫn nộ của người dân cả trong và ngoài mạng, sự dấn thân của các nhà báo, và đặc biệt là việc “lật bài ngửa: chọn cá tôm hay chọn nhà máy” của người đại diện Forsoma, ông PGĐ đối ngoại Chu Xuân Phàm, thì thảm họa này cũng được các quan phủ “búng cái móng tay” cho qua. Tuy nhiên, thực tế hiện tượng cá chết lần lượt xuất hiện bắt đầu từ khu vực Vũng Áng, Quảng Trị, rồi đến Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, và mới đây là Nha Trang, cùng với qui luật dòng hải lưu, đang đẩy chính quyền Hà Nội vào bế tắc và lúng túng, và càng làm cho người dân thấy rõ mức độ ảnh hưởng của thảm họa Vũng Áng, cho dù khối chính phủ cố dùng truyền thông trấn an dân bằng cách đưa hình ảnh mấy quan chức (có vẻ ngu dốt) làm “con tốt thí” ăn hải sản và tắm biển trong vùng biển xảy ra thảm họa.

Độc tố Vũng Áng gieo rắc khắp Việt Nam và xuyên quốc gia: Khi đã phát hiện ra cá chết ở vùng bờ biển Nha Trang, thì có nghĩa độc tố theo dòng hải lưu đã đến khu vực này. Khu bảo tồn rạn san hô Hòn Mun trong Vịnh Nha Trang sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Môi trường sinh sản của hàng trăm loài tôm cá biển tại khu bảo tồn này sẽ bị hủy diệt. Chúng ta còn chưa biết rồi dòng hải lưu sẽ mang độc tố Vũng Áng đi đến tận đâu. Độc tố Vũng Áng không chỉ khuếch tán ở môi trường biển của Việt Nam, nó còn khuếch tán trên không trung, thông qua các loài chim di cư. Hậu quả, độc tố Vũng Áng sẽ khuếch tán xuyên biên giới và xuyên lục địa. Nồng độ gây chết ngay đối với người dân ở các khu vực xa Vũng Áng, có thể không xảy ra. Nhưng một điều chắc chắn về lâu dài sẽ ảnh hưởng.

Cơ chế gây độc: Các độc tố đa phần đều làm ức chế quá trình trao đổi chất, đối với các loài cá vì hô hấp bằng mang, độc tố thấm vào các tế bào mang cá, gây ức chế và cá chết rất nhanh. Việc những người dân ăn cá tôm chết từ thảm họa Vũng Áng chắc chắn sẽ ảnh hưởng, có thể thấy được như nôn ói, nhưng cũng có thể không thấy được ngay, và càng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thai nhi thế hệ sau. Nhưng đau lòng hơn nữa là việc những người dân vì thiếu hiểu biết đã đi thu gom cá chết bằng tay mà không có bao tay bảo hộ đúng tiêu chuẩn, là việc tự mình phơi nhiễm với độc tố. Việc tiếp xúc với độc tố là các kim loại nặng đều gây nên những bệnh ngoài da rất nặng nề, không thể hoặc rất khó khăn trong điều trị, và độc tố còn tiếp tục thẩm thấu sâu vào trong cơ thể.

Việc các cơ quan có chức năng chậm trễ, hoặc không vào cuộc để người dân vô tư thu gom cá chết tự phơi nhiễm, nhìn thật đau lòng. Đã thế, ông PCT tỉnh Hà Tĩnh, nơi “vùng rốn của thảm họa” còn phát ngôn là cứ ăn và cứ tắm. Và mới đây thôi, ngày 30 tháng 4, đồng loạt các trang báo đảng đang căng sức quảng cáo những bức ảnh các ông quan phủ các cấp cùng khách mời ăn cá, hay cùng nhau xuống tắm biển, họ đang cố chứng minh là “mọi cái an toàn”. Mặc dù họ cũng trưng ra kết quả đo đạc của một số thông số môi trường và khẳng định là môi trường an toàn, nhưng càng đọc càng thấy đau lòng, thương họ vì thấy họ “quá dốt” tự mình làm những “thằng hề”, và đau lòng vì một đất nước có một dàn lãnh đạo như thế này sao?

Nồng độ độc tố tăng chóng mặt thông qua chuỗi thức và rủi ro đối với con người: Trường hợp Vũng Áng, mong mọi người hãy đừng vội tin maà mắc lừa khi  nhìn thấy hình ảnh mấy “ông hề” kia “nhảy biển” và “ăn cá”. Mọi người nên biết hãy tự bảo vệ bản thân mình và thế hệ sau của mình. Việc cá chết hàng loạt thì đã rõ rồi, chết như thế thì chắc chắn là có chất độc, còn chất độc gì thì còn nằm trong “hộp đen” của Forsoma và các ban ngành của chính phủ Việt Nam. Nhưng cho dù là chất độc gì thì ảnh hưởng của nó thông qua đường ăn uống từ thức ăn sang con người cũng đều giống nhau và cũng được thế giới nghiên cứu và khẳng định. Hiện tượng  những loài cá có kích thước lớn chết nhiều cùng một lúc cho thấy lượng độc tố rất cao. Vì đối với những cơ thể có kích thước càng lớn thì nồng độ gây chết (L50) phải càng cao. Sau khi cá chết một thời gian, người dân phát hiện nhiều xác chim chết. Nó thể hiện đúng qui luật nhiễm độc tố theo chuỗi thức ăn (do chim ăn cá chết có độc tố).

Độc tố thủy ngân (Hg) và thuốc trừ sâu (DDT) từ môi trường đã đi vào cơ thể các sinh vật và sau đó đi vào cơ thể con người, với mức độ tăng chóng mặt về lượng. Từ một nồng độ rất nhỏ (0.01 ppt) của độc tố thủy ngân trong môi trường nước, nó được hấp thụ và tích luỹ dần từ các loài vi tảo (2000 ppt)  đến các loài động vật nguyên sinh ăn tảo (14000 ppt), đến những loài cá ăn động vật nguyên sinh (98000 ppt), và tất cả các loài cá con của các loài cá lớn nhỏ đều ăn các vi tảo và các loài động vật nguyên sinh, đến những loài cá ăn các loài ăn động vật nguyên sinh (6900000 ppt), rồi những loài chim và động vật ăn cá (4800000 ppt trong trứng chim). Hoặc từ 0,02 ppt thuốc trừ sâu có trong nước, đã tăng lên 9,500 ppt trong cơ thể loài chim ăn cá, và 34,000 ppt trong cơ thể cá sấu (Hình 1).

Hình 1: Hàm lượng độc tố thủy ngân (Hg) (hình trái) và thuốc trừ sâu (DDT) (hình phải) tích lũy qua chuỗi thức ăn (nguồn internet).

Nồng độ độc tố tăng nhanh và gấp rất nhiều lần sau từng mắt xích của chuỗi thức ăn. Bởi chuỗi thức ăn này chỉ mô phỏng đơn lẻ, nhưng thực tế mối liên quan thức ăn của các sinh vật, kể cả con người rất phức tạp và bao gồm nhiều chuỗi đan xen. Hơn nữa, nồng độ độc tố tăng nhanh theo lượng thức ăn đòi hỏi tăng dần của các loài sinh vật trong chuỗi thức ăn.

Với một hàm lượng thủy ngân rất nhỏ ngoài tự nhiên, chưa hề làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cá, đã được tích tụ trong các loài cá biển, đặc biệt các loài cá thu. Nghiên cứu của thế giới đã cho thấy, độc tố thủy ngân trong cá thu sẽ gây sẩy thai hoặc dị tật đối với trẻ sơ sinh thông qua lượng cá thu mà người mẹ đã ăn vào. Chính vì thế, các nhà khoa học đã khuyến cáo các bà mẹ mang thai không nên ăn cá thu nhiều trong thời kỳ thai nghén và cho con bú. Thử hỏi với lượng độc đố gây chết cá như ở thảm họa Vũng Áng, nếu người dân ngây thơ tin mấy ông quan phủ cứ ăn, thì hỏi thế hệ trẻ của Việt Nam sẽ thế nào? Không ai trong bố mẹ chúng ta không đau lòng khi sinh ra một em bé dị dạng và dị tật. Và càng đau lòng hơn nếu cả một thế hệ trẻ của Việt Nam bị dị dạng.

Phần 2: BUỔI HỌP BÁO “7 PHÚT” VÀ NHỮNG KẾT LUẬN “ĐỈNH CAO TRÍ TUỆ”

Và đây, buổi họp báo “7 phút” của Bộ TNMT tối ngày 27 tháng 4, người đại diện Bộ này là ông Thứ trưởng Vũ Tuấn Nhân. Với những điểm kết luận của ông đưa ra tại buổi họp báo như sau [1]:

  1. Có 2 nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ.
  1. Đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt.
  1. Qua số liệu quan trắc và đánh giá của các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, môi trường nước biển chưa phát hiện các thông số môi trường vượt quy chuẩn quy định.

Cuộc họp báo này được đánh giá là “mang rơm gói lửa” [2]. Quả đúng thế, chỉ trong vòng 24 tiếng sau khi nội dung thông báo kết quả Họp báo của ông Vũ Tuấn Nhân, đã có 528 lượt người trên trang VnExpress và 136 lượt người chia sẻ kèm theo hàng trăm nút “ like” trên  trang Vietnamnet. Hầu hết đều có những nhận xét nghi ngờ kết quả hoặc phản ứng bất bình với những kết luận này.

Trong bài viết này người viết tập trung vào chất vấn ông Thứ trưởng Bộ TNMT Vũ Tuấn Nhân về những điểm ông đã kết luận trong cuộc như sau:

1- Cá chết do hiện tượng thủy triều đỏ

Vậy thủy triều đỏ là gì?: Thủy triều đỏ (redtide), hay còn có tên gọi khác là: tảo nở hoa, hay phú nhưỡng (Eutrophication).  Đó là hiện tượng do ô nhiễm hữu cơ của N (nitơ) ở mức độ rất lớn trong thủy vực sông, ngòi, vùng ven biển, tạo điều kiện cho một số loài vi tảo (phù du: sống lơ lửng ở tầng mặt của thủy vực) ưa điều kiện phú nhưỡng này phát triển (nhân đôi) nhanh chóng. Khi mật độ của tảo tăng quá nhiều, cũng là lúc nhu cầu dinh dưỡng và oxy rất nhiều. Lượng nitơ phú nhưỡng này nhanh chóng được sử dụng và cạn kiệt chỉ sau một thời gian ngắn. Hết nguồn dinh dưỡng, và lượng oxy hòa tan trong nước không còn đủ cung cấp cho quá trình quang hợp của các vi tảo này, các loài vi tảo này sẽ chết cùng một lúc (die off). Việc chết hàng loạt, sự phân hủy của chúng càng làm sụt giảm hàm lượng oxy trong nước xuống mức rất thấp. Trong trường hợp này nhiều loài vi tảo sẽ sinh ra độc tố (các loài khác nhau sẽ sinh các độc tố khác nhau).  Độc tố xuất hiện, cùng hàm lượng oxy trong nước quá thấp là nguyên nhân gây chết đối với các loài thủy sản và sinh vật thủy sinh khác, cũng như gây độc đối với con người nếu bị phơi nhiễm.

Hiện tượng phú nhưỡng này cũng có thể gây chết rải rác các loài dong tảo tầng đáy hoặc san hô, nhưng không trầm trọng (die off) như đối với cái loài tảo phù du.

Các thông số xác định hiện tượng thủy triều đỏ: Đó là thông số về tỷ lệ N-tổng và P-tổng (N:P) trong môi trường nước ngọt (sông ngòi) và thêm tỷ lệ N-tổng và Si-tổng (silic) (N: Si) ở vùng ven biển. Khi hàm lượng N tăng cao làm dịch chuyển tỷ lệ N:P và/hoặc N:Si trong nước.

Quan trắc hiện tượng thủy triều đỏ: thế giới đã có chương trình quan trắc hiện tượng thủy triều đỏ bằng các loại ảnh viễn thám khác nhau qua các các thời kỳ. Hiện nay NASA  sử dụng ảnh viễn thám MODIS Terra (từ năm 1999) và MODIS Aqua (từ năm 2002) và dựa trên mật độ Chlorophyll a (Chl-a concentration) thu thập ở những điểm khác nhau để quan trắc hiện tượng thủy triều đỏ trên toàn cầu.

Mặc dù, điểm quan trắc Chl-a concentration không thuộc vị trí Vũng Áng, hay dọc bờ biển Việt Nam, cũng như nguồn ảnh quan trắc cũng không thể thực hiện hàng ngày, nhưng việc so sánh mật độ Chlorophyll a bằng việc phân tích ảnh định kỳ chụp của hai loại ảnh viễn thám này, kết hợp cùng phân tích các loại ảnh viễn thám khác như Landsat ETM 7 (loại thông dụng)  hoặc một số loại ảnh khác cùng với những hiện tượng phản ánh về thủy triều đỏ của người dân sẽ giúp đánh giá được hiện tượng thủy triều đỏ có xảy ra ở Vũng Áng  hay không. Cho đến nay, chưa thấy người dân nào tại khu vực Vũng Áng phản ánh bất kỳ hiện tượng nào thể hiện có dấu hiệu của thủy triều đỏ.

Vì thế  nếu ông Vũ Tuấn Nhân khẳng định rằng nguyên nhân cá chết là do có hiện tượng thủy triều đỏ xảy ra tại Vũng Áng, thì yêu cầu ông, Bộ TNMT, các bộ ngành liên quan, Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc phải đưa ra được những chỉ số sinh thái N:P; N:Si, các loài tảo gây độc tố cũng như loại độc tố do thủy triều đỏ mà các ông tìm thấy, cũng như kết quả phân tích ảnh viễn thám với các thông số về bandwiths cụ thể.

2- Không có các thông số môi trường vượt quy chuẩn quy định

Vậy yêu cầu ông đưa ra cho công chúng biết đó là những thông số môi trường nào? Nếu ông không muốn bị kết tội “lấp lửng đánh lận con đen” và cũng để không mất lời đôi co với các ông xin ông lưu ý rằng, ông đừng đưa ra các thông số quan trắc  môi trường bình thường (ambient water quality parameters) ra mà nói. Bởi sự kiện Vũng Áng nó là bất bình thường rồi, nó đang ở trong tâm bão THẢM HỌA. Các ông có thể đánh đố như thế với những con cá chết nằm ngửa bụng lên dọc bờ biển, nhưng các ông không thể coi thường người dân Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp trí thức Việt Nam như vậy được. Hơn nữa, ông cũng là một tiến sỹ và đang trả lời chất vấn của dân, của các nhà báo, vì thế ông phải trả lời với bằng những câu trả lời có tri thức và tư cách và trách nhiệm của một quan chức.

Và ngày hôm nay (30 tháng 4), trên mạng các báo đảng đưa tin cùng hình ảnh các ông đang ăn cá và tắm biển để gửi thông điệp “biển an toàn” đến người dân. Sau khi bị xã hội chất vấn, thông số nào, nồng độ bao nhiêu? Hôm nay các ông cũng “nặn” mấy cái giá trị của mấy cái thông số pH, nhiệt độ, SS, Nitơ-tổng, Asen (As)… và rồi các ông khẳng định các chỉ tiêu này cho thấy vẫn đạt chuẩn. Các chỉ tiêu vẫn đạt chuẩn, thì tại sao cá chết thê thảm như thế? Hay cá say rượu?

Cũng trên trang Basam, bài viết: “Thảm họa môi trường miền Trung và câu hỏi về một số Quy chuẩn VN [3], mới thấy các ông trình ra một danh sách các thông số và giấy phép xả thải cho Forsoma. Với một nhà máy luyện thép như Forsoma mà các ông cũng chỉ yêu cầu Forsoma có mấy thông số như vậy? Trong đó quá nửa là những thông số quan trắc thông thường áp dụng phổ biến cho tất cả mọi quan trắc chất lượng nước bình thường. Ủy hội Sông Mekong kia, một chương trình nghiên cứu/ quan trắc độc tố định kỳ thông thường dọc sông Mekong kia cũng có đến vài chục thông số, chưa tính các thông số thông thường (ambient). Trong đó có cả các thông số của PCBs.

Theo Công ước Stockholm, Phần II, Phụ lục C. Có 3 thông số đặc biệt nguy hiểm bắt buộc áp dụng đối với ngành công nghiệp thép và kim loại bao gồm: i)Polychlorinated dibenzo-p-dioxins and dibenzofurans (PCDD/PCDF); ii) Hexachlorobenzene (HCB) (CAS No: 118-74-1); và iii) Polychlorinated biphenyls (PCB) [4]. PCBs được biết đến là nhóm cực độc và thường được sử dụng làm mát và bôi trơn hệ thống trong các ngành công nghiệp. Mà làm mát và bôi trơn thì sản xuất thép là những bài toán quan trọng.  Các ông có chủ đích hay không? Khi loại bỏ hầu hết những hợp chất của nhóm này? Ai là người xây dựng qui chuẩn này? Và ông Nguyễn Thái Lai là người ký giấy phép này cho Forsoma, các ông sẽ có hình thức xử lý thế nào?

Hai kết luận tiếp theo của ông trong buổi họp báo:

Do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển

Đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt

Ông khẳng định do  độc tố hóa học thải ra:

Trong trường hợp, các ông chưa tìm được hóa chất gây độc tố làm chết cá, tại sao các ông đã kết luận là Forsoma không liên quan?

Trong trường hợp các ông đã  xác định được chất độc đó và hóa chất đó, vậy chất hóa học đó là chất gì?

Nó có nằm ngoài danh mục cũng như thành phần hóa học (tôi nói thêm về thành phần hóa học, vì cùng hóa chất, hoặc thành phần gần giống nhau, ứng dụng như nhau nhưng tên thương phẩm có thể khác nhau) trong 300 loại hóa chất mà Forsoma nhập về gần đây?

Yêu cầu các ông thông báo một cách minh bạch chất gì gây độc và danh mục các loại hóa chất của Forsoma đã, đang sử dụng.

Ông kết luận cá chết hàng loạt là do chất độc hóa học thải ra do con người chứ không liên quan đến Forsoma và các nhà máy, vậy:

– Ông hãy nêu cụ thể một vài ví dụ đã xảy ra ở các nơi khác chứng minh rằng các hoạt động  của con người gây chết cá biển trên diện rộng như thế này? Và cụ thể hoạt động cụ thể đó?

– Với mật độ dân cư, cũng như diện tích và tập quán canh tác của người dân tại khu vực đủ để  gây nên thảm họa này?

– Hay sẽ lại có một vở kịch “điệp viên 00 thấy” là tội phạm và chất độc rải ra biển?

– Ông đã làm nghiên cứu xác định nguồn ô nhiễm, nguồn độc tố (pollution sources) đối với thảm họa Vũng Áng? Nếu chưa, tại sao ông loại Forsoma?

Trong nghiên cứu xác định nguồn ô nhiễm, các nhà máy, khu công nghiệp dù lớn hay nhỏ ngay lập tức phải đưa vào danh sách nguồn ô nhiễm xác định (polluted point source). Chất độc thải ra từ các khu công nghiệp rất lớn và rất đa dạng.  Với thảm họa Vũng Án, Forsoma phải được đưa vào “ống ngắm” nguồn gây ô nhiễm xác định. Trong khi đó ô nhiễm từ con người và các hoạt động nông nghiệp được qui về dạng ô nhiễm không xác định được nguồn thải (polluted non-point source), vì thế nó thường không qui được trách nhiệm cho chủ thể gây ra. Các ông loại Forsoma, nguồn ô nhiễm xác định, ra khỏi danh sách nguồn ô nhiễm tiềm năng và đưa việc nguồn độc tố thảm họa Vũng Áng vào dạng ô nhiễm không xác định nguồn, là đẩy bài toàn xác định nguồn độc tố trong thảm họa Vũng Áng về tình trạng giải bài toán phương trình vô định, không xác định được chủ thể gây ô nhiễm. Các ông đang làm ngược với qui trình của thế giới, thoải mái “múa lân” để Forsoma vô tội, và các ông có một câu trả lời hoàn hảo về truy xuất nguồn thải.

Vì các ông nói sẽ tiến hành nghiên cứu truy tìm độc tố và nguồn thải độc tố. Vì thế, chúng tôi yếu cầu các ông phải thực hiện như sau, với sự giám sát của các nhà khoa học độc lập mà người dân sẽ đề cử:

Phần 3: XÁC ĐỊNH ĐỘC TỐ/ HÓA CHẤT GÂY THẢM HỌA VŨNG ÁNG ĐỒNG THỜI SỬ DỤNG NHƯ MỘT TÀI LIỆU THAM CHIẾU ĐỂ GIÁM SÁT TẤT CẢ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP KHÁC (nếu các ông không thục hiện được như đề xuất này, thì các ông từ chức để người khác làm)

A) Giả thiết của nghiên cứu (research hypothesis) cho rằng Forsoma sử dụng nhiều loại hóa chất để xúc rửa hệ thống, và xả ra biển một lượng thải rất lờn các chất cực độc thông qua đường ống xả có đường kình rất rộng 1,1 m, và kéo dài ra biển 1,5 km, nên khả năng phát tán của chất độc ra môi trường rất rộng, chính vì thế cá biển mới chết hàng loạt trên diện rộng. Nếu các ông cho rằng Forsoma vô can, thì các ông phải chứng minh được giả thiết này Null.  Còn nếu không các ông phải rút lại kết luận kia và công khai xin lỗi vì những phát ngôn không có nhận thức của một quan chức.

B) Đối tượng/độc tố nghiên cứu

– Trước tiên để xác định các loại độc tố tiềm năng xả thải từ Forsoma, và cũng là bài toán “loại dần” để tập trung phân tích vào các loại độc tố có thể xuất phát xả thải từ Forsoma, YÊU CẦU các ông phải công khai công bố danh sách các loại hóa chất mà Forsoma sử dụng.

– Từ đó sẽ thiết lập các độc tố tiềm năng và các phương pháp phân tích chi tiết cho từng loại độc tố.

– Lưu ý: Một nghiên cứu về sản xuất thép tại Đài Loan cho biết đã phát hiện một danh sách dài các loại độc tố trong không khí trong đó có toluene, 1,2,4-trimethylbenzene, isopentane, m,p-xylene, 1-butene, ethylbenzene, and benzene [5].

C) Phương pháp nghiên cứu

1- Mẫu nghiên cứu

– Mặc dù cá là đối tượng đầu tiên và cũng là đối tượng được chú ý nhất tính từ khi thảm họa xảy ra. Nhưng mẫu nghiên cứu không chỉ dừng lại ở đối tượng là cá. Mẫu nghiên cứu phải bao gồm: các loài sinh vật khác nhau (bao gồm cả cá), nước, và trầm tích

Mẫu sinh vật:

Mẫu sinh vật đã chết (lưu ý mẫu này để xác định lượng độc tố): gồm cá các loại (kích cỡ, độ tuổi), động vật thân mềm/nhuyễn thể (ốc, vẹm, sò..); chim, dong.

Mẫu sinh vật sống (mục tiêu xác định dư lượng và cũng là mục tiêu làm dữ liệu cơ sở/baseline data):

Các loài sinh vật kích thước hiển vi gồm thực vật phù du (phytoplankton); và động vật phù du (Zooplankton)

Các loài cá: ba loài cá sống tầng mặt (pelagic species) gồm 1 loài cá có kích thước lớn (vòng đời dài > 7-10 năm), một loài có kích thước trung bình (vòng đời khoảng 3-4 năm), một loài có kích thước nhỏ (vòng đời ngắn <1 năm) sống tầng nước trên; Tương tự 3 loài có kích thước lớn, vừa và nhỏ sống tầng đáy (benthic species). Nếu có thể ưu việt hơn mẫu cá phải lấy thành hai bộ mẫu, một bộ mẫu là cá đực, một bộ mẫu là cá cái. Mẫu cá yêu cầu phải xác định kích thước, khối lượng và độ tuổi.

Đối với mẫu cá có kích thước lớn, yêu cầu phần thu mẫu phân tích phải được lấy tại vùng cơ ngay bên sau vây lưng. Các loài nhỏ thì mẫu lấy cả con. Kích thước và chủng loài phải tương đồng giữa các điểm lấy mẫu.

Mẫu cá thu được bằng cách trực tiếp đánh bắt trong vùng nghiên cứu, hoặc có thể thu thập/mua từ ngư dân tại các bến cá tại vùng nghiên cứu. Với mẫu cá thu/mua tại bến cá, cần phải có thông tin chi tiết phỏng vấn người dân về vùng đánh bắt của họ. Ưu tiên mẫu cá thu thập từ các phương tiện đánh bắt ven bờ không cách quá xa vùng ô nhiễm.

Các loài thân mềm: ưu tiên các loài 2 mảnh vỏ (nếu cùng loài, kích thước mẫu giữa các điểm lấy mẫu cần tối ưu hóa ngang nhau). Các loài thân mềm 2 mảnh vỏ có kích thước lớn, mẫu lấy phân tích là cơ cồi.

Các loài dong: dong nâu (macroalgae) và dong bám đáy (kích thước nhỏ đôi khi sống cộng sinh với nền đáy)

Trứng của các loài chim: gồm 1 loài bản địa (thường xuyên sống tại khu vực này), và một loài chim di cư (chỉ xuất hiện theo mùa)

Mẫu nước: mẫu nước trong hệ thống sản xuất của Forsoma, mẫu nước biển tầng mặt, và mẫu nước biển tầng đáy ngoài biển

Mẫu trầm tích: gồm trầm tích trong bể xử lý của forsoma và mẫu trầm tích ngoài biển

2- Điểm lấy mẫu nghiên cứu và phương pháp thu mẫu

Để chứng minh được giả thiết trên, các ông phải lập xác ít nhất 4 đường định mẫu (transectlines), mỗi đường định mẫu thuộc một trong 4 khu vực khác nhau có cá chết tại 4 tỉnh:

Khu vực 1/transectline 1: tại chính khu vực bờ biển tiếp giáp với Forsoma

Khu vực 2/ /transectline 2: tại khu vực bờ biển tỉnh Quảng Bình

Khu vực 3//transectline 3: tại khu vực bờ biển tỉnh Quảng Trị

Khu vực 4//transectline 4: tại khu vực bờ biển thành phố Huế

Thu mẫu nước và trầm tích chi tiết tại transectline 1: đường transectline này được tính bắt đầu từ điểm thu mẫu đầu tiên tại khâu sản xuất đầu tiên của Forsoma kéo dài suốt khâu sản xuất và khâu xử lý chất thải của Forsoma và kéo dài ra ngoài biển

Điểm lấy mẫu nước trong khu vực của Forsoma: gồm điểm tại các khu sản xuất khác nhau, khu thu gom nước thải của từng khâu sản xuất, khu xử lý chất/nước thải (mỗi công đoạn xử lý nước thải được tính là một khu vực lấy mẫu; khu xử lý nước thải trung tâm (mẫu thu cũng theo từng công đoạn), bể lắng/chứa sau khi xử lý và bể chờ trước khi thải vào môi trường tự nhiên (đất, biển) ít nhất 3 điểm cho mỗi khu sản xuất cụ thể.

Điểm lấy mẫu nước ngoài biển (52 hai mẫu nước cho từng loại độc tố): điểm đầu tiên và cũng là điểm lấy làm tâm theo hình cung cho các điểm khác chính là điểm ngay tại nơi cuối cùng của ống xả ngoài biển. Từ đây sẽ vẽ 5 vòng cung lấy điểm đầu tiên là tâm, mỗi vòng cung này cách nhau 500 m. Trên mỗi vòng cung định ra 5 điểm lấy mẫu nước, các điểm thu mẫu cách nhau 500 m (tổng cộng là 26 điểm tầng mặt). Tương tự như vậy chiếu vuông góc xuống đáy (cách đáy 1 -2 m)  và lấy 26 mẫu nước tầng đáy.

Thu mẫu trầm tích (26 mẫu trầm tích): tiến hành thu mẫu trầm tích tại chính các điểm thu mẫu nước tầng đáy sau khi đã thu xong mẫu nước.

Lưu ý: nếu nồng độ độc tố giữa các vòng cung vẫn cao và không khác biệt, thì yêu cầu mở rộng thêm vùng lấy mẫu.

Thu mẫu nước và trầm tích chi tiết tại transectline 2, 3 và 4: tại những transectlines này chỉ tiến hành thu mẫu ngoài biển. Cũng bao gồm 5 đường thu mẫu, nhưng là đường thẳng song song với bờ thay vì hình cung như ở transectline 1. Tổng cộng mỗi transectline này có 25 mẫu nước tầng mặt, 25 mẫu nước tầng đáy, và 25 mẫu trầm tích.

3- Đánh giá mức độ làn truyền của độc tố

Yêu cầu các ông phải áp dụng mô hình thủy văn (hydrology) và thủy lực (hydraulic/mass transpotation) theo timelag để đánh giá tốc độ lan truyền, mức độ lan truyền (vùng phủ) của độc tố. Cụ thể tại thời điểm nào độc tố trong nước và trầm tích (sediment) được dòng hải lưu khuếch tán đến đâu với diện rộng bao nhiêu.

Hiện nay các mô hình thủy văn, thủy lực, thủy triều và sóng áp dụng cho các vùng biển và đới bờ cũng đã phổ biến.

4- Đánh giá mức độ ảnh hưởng của độc tố lên các hệ sinh thái cỏ biển và san hô

Dùng ảnh viễn thám IKNOS có độ phân giải cao (0,5 m) để đánh giá ảnh hưởng của độc tố lên cỏ biển và sa hô. Vì ảnh hưởng này xảy ra lâu dài, vì thế ảnh IKNOS phải được phân tích định kỳ

5 Đánh giá mức phơi nhiễm độc tố đối với ngư dân

Trước mắt các ông phải thu thập đầy đủ danh sách những ngư dân/người dân trực tiếp tiếp xúc với nước biển, thu gom cá biển chết, trong suốt quá trình xảy ra sự cố, cũng như đã ăn các loài thủy sản ảnh hưởng bởi thảm họa.

Mỗi người dân phải được lập một hồ sơ theo dõi bệnh lý để theo dõi mức độ xuất hiện bệnh lý, và kịp thời chữa trị.

6- Phương pháp phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm

Phương pháp phân tích và các trang thiết bị phân tích độc tố theo độc tố và theo mẫu sinh vật, nước, bùn cát yêu cầu phải được mô tả chi tiết và ghi chép nghiêm ngặt các thông số của máy đo.

D) Phương pháp phân tích số liệu

Số liệu phân tích trong phòng thí nghiệm sẽ được dùng các phần mềm thống kê để phân tích các mối tương quan. Từ đó đánh giá sự vô can hay bị can của Forsoma.

Phải cho ra bản đồ biểu diễn nồng độ độc tố (mapping), bản đồ tình trạng sức khỏe của cỏ biển và san hô

E) Họp báo công bố kết quả và trả lời phản biện của các nhà trí thức và giải đáp thắc mắc của người dân

Nguyễn Thị Hải Yến
CHLB Đức
Ba Sàm

Tham Khảo:

[1] Cá chết do độc tố và thủy triều đỏ (VNN).
[2] Nguyên nhân cá chết: Một kết luận “lấy rơm gói lửa” (DL).
[3] Thảm họa môi trường miền Trung và câu hỏi về một số Quy chuẩn VN (KD/ BS).
[4] STOCKHOLM CONVENTION ON PERSISTENT ORGANIC POLLUTANTS (Stockholm Convention).
[5] China chemical safety case study: Metals pollution from a steel plant complex in Beihai, Guangxi Province (IPen).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad