Đọc Tháng Ba Gẫy Súng của Cao Xuân Huy - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Đọc Tháng Ba Gẫy Súng của Cao Xuân Huy


Tháng Ba Gẫy Súng không phải là một truyện dài mà là hồi ký của một cựu trung úy Thủy Quân Lục Chiến, viết về một đoạn đời binh nghiệp ngắn ngủi của ông, thời gian không quá nửa tháng, đầy hào hùng nhưng cũng đầy đau thương, phẫn nộ, bi đát mà ông trải qua.

Ảnh bìa sách “Tháng Ba Gãy Súng”. Nguồn: NXB Văn Học.
Tôi đọc hồi ký này lần đầu tiên năm 1990, nhân một cuộc họp mặt giữa những người bạn cũ, một người đã tặng tôi cuốn hồi ký. Nay nhân dịp tháng ba 2016, tôi muốn giới thiệu với các bạn trẻ VN, trong nước cũng như hải ngoại về cuốn hồi ký này.

Đây không phải là cuốn hồi ký được viết để chạy tội, khoe khoang thành tích, hoặc bào chữa cho thái độ hèn nhát của mình như nhiều cuốn hồi ký của các lãnh đạo đất nước, tướng lãnh trong quân lực VNCH đã được in ấn, xuất bản tại hải ngoại.

Tôi cũng không có ý đề cao quyển hồi ký, bởi tự nó đã có giá trị qua việc tái bản 10 lần, đồng thời đã có nhiều nhà văn, nhà báo bình luận về cuốn hồi ký, không thấy ai chê bai, chỉ trích về giá trị sống thực của nó. Ấn bản trên giấy có thể không còn, nhưng độc giả muốn đọc nguyên tác, có thể tìm thấy trên mạng dưới dạng PDF: Tháng Ba Gãy Súng

Tôi chỉ muốn các bạn trẻ, khi tìm hiểu về cuộc chiến Quốc-Cộng có thêm một cái nhìn, một nhận định 2 mặt phải, trái của một quân đội anh dũng, kiên cường, đã chiến đấu suốt 21 năm để bảo vệ miền Nam yên ổn, an bình, nhưng cuối cùng đã bị tan rã chỉ trong 55 ngày.

Cao Xuân Huy sinh năm 1947, qua đời năm 2010. Hồi ký được viết năm 1984 sau khi ông Huy vượt biên (1982) qua tới Mỹ, sách được in và xuất bản năm 1985, tức cách đây đúng 31 năm. Những người trẻ sinh sau năm 1975, trong nước cũng như hải ngoại, nếu không hay đọc sách, báo Việt Nam, không có cha, anh nói cho biết, khó lòng biết hay có dịp đọc đến hồi ký này.

Ngay từ đầu, Cao Xuân Huy đã xác nhận ông không phải là nhà văn, chưa từng cầm bút nên không biết sắp xếp câu chuyện ra sao, ông viết chỉ vì muốn phản biện lại lời tuyên bố của một ông Tướng: “Chúng ta thua trận, mất nước, mọi người đều có lỗi. Lớn có lỗi lớn, nhỏ có lỗi nhỏ”.

Đây là một lời ngụy biện, chối bỏ trách nhiệm của những kẻ thân làm tướng nhưng hèn nhát, bỏ mặc đơn vị, tháo chạy trước khi giao tranh với địch quân.

Cao Xuân Huy: Thật sự khi mà cầm bút viết, tôi chỉ vì một điều ấm ức rằng là một ông tướng cũ của mình ổng tuyên bố rằng “để mất nước (là) tội chung mọi người, lớn tội lớn, bé tội bé” thì tôi không đồng ý điều đó, tại vì chúng tôi đánh nhau đến viên đạn cuối cùng rồi bị bắt thì không phải là chúng tôi có tội. Tôi tức quá về điều đó, tôi viết ra, mà viết nửa chừng rồi thôi, thế rồi vì ở chung nhà với Nguyễn Mộng Giác, ổng lấy ổng đem đăng, xong rồi hết thì ổng thúc, cứ hết thì ổng thúc, hết thì thúc, thì cứ thế mà viết thôi. Đó là cái khởi đầu của quyển sách”.

Riêng cái tên cuốn hồi ký cũng đã nói lên sự thật chua chát, cay đắng của đoạn đời lính cuối cùng của ông, tháng 3 năm 1975. Một quân đội dù tinh nhuệ, thiện chiến đến đâu cũng không thể chiến đấu khi vũ khí trong tay họ chỉ là những khối sắt vô dụng.

Cao Xuân Huy: “Tháng Ba” thì mọi người đã rõ, còn “gãy súng”, tôi muốn nói lên một điều đau lòng cho những thằng lính cầm súng, khẩu súng mà không có đạn thì giá trị không bằng một khúc củi mục.

Chính tôi đã dẫn đại đội xung phong lên chiếm mục tiêu mà chỉ bắn bằng mồm. Súng của chúng tôi có phải đã bị bẻ gãy không, khi mà vẫn có thể tiếp tế đạn cho chúng tôi để chúng tôi chiến đấu? Ai đã bẻ gãy súng của chúng tôi?

Tôi đặt chữ “gãy súng” cho quyển sách là như vậy. Tôi gọi “Tháng Ba gãy súng” là hồi ký vì tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về những điều tôi viết. Tất cả những địa danh, những tên người, tên đơn vị, tất cả những diễn tiến đều là thật, thật một trăm phần trăm. Tôi không lồng vào đấy bất cứ một hư cấu nhỏ nào. Chắc chắn là tôi đã quên khá nhiều chi tiết. Và với cấp bậc và chức vụ thấp kém của tôi, chắc chắn là có rất nhiều dữ kiện mà tôi đã không được biết.”

Ngay trong phần tựa đề hồi ký, Cao Xuân Huy đã không nén được sự giận dữ khi phê phán những tướng lãnh, chỉ huy cao cấp trong quân đội, những người có trong tay những đơn vị thiện chiến, xuất sắc nhưng không hề biết sử dụng và cũng không biết được trách nhiệm của mình:

“Làm thuyền trưởng thì phải sống chết theo tàu, làm đơn vị trưởng thì phải sống chết theo đơn vị. Tôi muốn nói đến tinh thần trách nhiệm của người chỉ huy. Người có quyền hành mà không có trách nhiệm nào có khác gì kẻ phản bội.

Chúng ta thua không phải vì kẻ địch mạnh mà vì trong hàng ngũ chúng ta có quá nhiều kẻ phản bội và hèn nhát. Chính vì lòng thù hận sự hèn nhát và vô trách nhiệm của cấp chỉ huy nên hình ảnh và diễn tiến những ngày cuối cùng trước khi cả lữ đoàn tan rã và bị bắt bởi khoảng hơn một đại đội du kích Việt Cộng vào nửa cuối tháng Ba năm 1975 đã như một cuốn phim nằm in trong trí nhớ của tôi, chỉ cần một cái ấn nút là được chiếu lại một cách rõ nét với đầy đủ những suy nghĩ và phản ứng của tôi, với từng diễn tiến nhỏ mà tôi đã phải trải qua”.

Ở đoạn tiếp theo, ông nhận định những người lãnh đạo đất nước, chỉ huy trong quân đội đã không có dũng khí để đón nhận trách nhiệm mà thường chỉ tìm cách biện minh cho những lỗi lầm, những quyết định sai trái :

“Ðiều tôi muốn nói trong quyển sách này là không ai là không quay lại nhìn chỗ mình vừa ngã, và cũng không ai là không quay lại nhìn đống phân mình vừa thải. Ngã là lỗi của chính mình, và phân có thối cũng là phân của mình, vậy mà tại sao cả chục năm nay vẫn không thấy ai dám quay nhìn lại cái lỗi đã làm cho mình ngã lên ngay trên đống phân của mình, mà chỉ có toàn những lời chửi bới và đổ lỗi cho người khác, can đảm lắm cũng chỉ dám nhận một cái lỗi chung chung “lớn lỗi lớn, bé lỗi bé” đúng theo cái kiểu “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Thằng thất phu còn có lỗi thì còn ai mà không có lỗi, tôi cũng đành có lỗi vậy.

Tôi không nhớ câu này của ai: “Cái đám quân thần của triều đình cũ chẳng có gì phải ngại cả, vì khi có quân có quyền trong tay họ còn chẳng làm được trò trống gì, thì bây giờ, chỉ còn trơ lại có mỗi cái thân giá áo túi cơm, hỏi rằng họ sẽ làm được gì hơn ngoài cái giá và cái túi”.

Ðâu phải đất nước ta là một bàn cờ để hễ đánh thua ván này, xóa đi xếp quân làm lại bàn khác mà tướng vẫn là tướng, quân vẫn là quân. Ðâu phải những con xe, con mã, con chốt đã chết đi đều có thể dựng đầu dậy để làm lại một trận mới.

Hơn thế nữa, với một số những lãnh đạo đất nước, tướng lãnh VNCH đã đào ngũ, tự ý rời bỏ đơn vị, tháo chạy vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, ra hải ngoại vẫn còn múa may, làm phường chèo, Cao Xuân Huy đã không nhân nhượng bình phẩm:

“Trí đã không mà dũng cũng không, chỉ có mỗi cái tài dở dở ương ương là sử dụng một cách bừa bãi cái dũng của người khác đến nỗi phải bỏ cả đất nước mà chạy, đánh lừa để bỏ hàng triệu thằng dám chiến đấu tới cùng vào trong những trại tù đỏ, vậy mà vẫn còn dám chường mặt ra đòi tiếp tục làm cha mẹ dân thì quả là quá lắm lắm. Cái dĩ vãng thối tha và hèn nhát thì dù cho người đương thời có thể bỏ qua, nhưng lịch sử đâu có tha thứ. Vẫn cái chính danh là chống Cộng nhưng cái ngôn của các ông trước kia làm xếp lớn đã không thuận rồi, bây giờ phải để cho lớp người mới. Với tư thế mới, họ mới là những người thuận ngôn. Danh chính ngôn thuận mới có thể thắng được Việt Cộng, khôi phục lại được đất nước. Những con chốt thấp cổ bé miệng, những thằng bị đè đầu sai khiến ngày xưa và những người mới lớn bây giờ mới có quyền nói và mới là người có tư cách làm.

Cao Xuân Huy xác nhận ông không phải là một người hùng nhưng cũng không là một kẻ hèn nhát, ông chỉ đơn thuần là một người lính của một đơn vị thiện chiến với đầy đủ những thói hư, tật xấu nhưng khi ra trận luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao phó:

Tôi không phải là một người hùng, nhưng tôi cũng không phải là một người hèn. Tôi chỉ là một người lính, lính của một binh chủng chuyên môn đánh trận và chỉ nhận những người tình nguyện; tôi phải xứng đáng với màu mũ tôi đang đội, màu áo tôi đang mặc, và hơi cá nhân một chút, tôi phải xứng đáng với cặp lon tôi đang đeo… Nhưng tôi cũng không phải là một người lính gương mẫu, đúc khuôn theo những điều được huấn luyện trong quân trường, thi hành đúng 8 điều, 10 điều tâm niệm của mấy ông Chiến Tranh Chính Trị đẻ ra mà chính mấy ông ấy lại không bao giờ thi hành. Tôi là một thằng lính ba gai, cờ bạc, rượu chè, trai gái đủ cả nhưng đánh giặc cũng rất tận tình. Chưa một ai, thượng cấp cũng như thuộc cấp, phải than phiền về tôi trong những trận đánh”.

Cái bi kịch của Cao Xuân Huy và những người lính TQLC trong đơn vị bắt đầu từ lúc ông dẫn đơn vị di chuyển ra cửa biển Thuận An, Huế để lên tầu về Đà Nẵng. Chỉ huy các cấp của các binh chủng khác đã bắt đầu bỏ rơi đơn vị không một lời thông báo cho thuộc cấp, không có kế hoạch rút lui:

“Ðến cầu Bạch Hổ, tại chòi gác ở gần cầu, tôi thấy một người lính Nghĩa Quân quần áo súng đạn rất chỉnh tề đang đứng gác. Tôi ngạc nhiên hỏi:

“Giờ này còn đứng gác cái mẹ gì ở đó, cha nội?”

“Em không nhận được lệnh gì hết.”

“Lệnh cái con cặc, tiểu đội trưởng mày đâu?”

Một người lính già tay xách khẩu súng chạy lại.

“Dạ tôi.”

“Huế bị bỏ rồi, ông còn gác cái gì nữa. Tôi là trung úy ra lệnh tan hàng, về lo mang vợ con đi gấp nghe không!”

“Dạ.”

Thật tôi không thể hiểu nổi tại sao mấy ông xếp lại có thể nhẫn tâm bỏ lại lính tráng mà chạy lấy thân như vậy, trong khi tình hình đâu đến nỗi. Trung đội 2 của Huy mập đã bị mấy ông xếp bỏ rơi. Không, tiểu đội Nghĩa Quân này bị lừa ở lại thì đúng hơn.

Những loại ông xếp vô liêm sỉ này trong quân đội chắc chắn không phải là ít. Không hiểu hiện giờ ở khắp Quảng Trị Thừa Thiên này có bao nhiêu đơn vị nhỏ còn đang phải thi hành nhiệm vụ nào đó trong khi các ông xếp của họ đã ung dung ở Ðà Nẵng hoặc Sài Gòn. Xin hãy gắn anh dũng bội tinh với nhành dương liễu cho những ông xếp này. Ờ mà hình như cũng chẳng phải xin, vì thường ra thì huy chương được gắn nhanh và nhiều vào ngực áo của những thằng chẳng bao giờ biết đánh đấm là gì. Xin cám ơn những cái huy chương.“

Phẫn nộ của Cao Xuân Huy càng tăng khi đi vào thành phố Huế – thành phố đã bị bỏ ngỏ, trống vắng, người dân thấy lính VNCH rút đi hết cũng bỏ nhà cửa chạy theo – được diễn tả qua đoạn dưới đây:

“Một nỗi buồn dâng lên trong tôi, không khóc nhưng mắt tôi đoanh tròng. Bao nhiêu gian truân, bao nhiêu xương máu, bao nhiêu xác người, bao nhiêu mồ hôi nước mắt của bạn bè, của anh em đồng đội tôi đã đổ xuống cho cái vùng địa đầu nghiệt ngã này. Bản thân tôi cũng đã hai lần đổ máu ở nơi này, bây giờ bỗng chốc bỏ đi, hỏi ai là người không tức tưởi.

Ðù má những thằng chịu trách nhiệm trong vụ bỏ Huế này, lịch sử sẽ bôi tro trát trấu vào mặt chúng! Những ai đã từng tuyên bố, từng hô hào tử thủ Huế giờ này ở đâu? Khốn nỗi, những thằng đánh trận mà luôn luôn đi đàng sau và luôn luôn bỏ chạy trước lại là những thằng có quyền, có quyền mà hèn nhát, đốn mạt nên bây giờ bao nhiêu người khốn đốn, rút chạy như một lũ thua trận.

Nhưng thực sự chúng tôi đã đánh nhau đâu để bị gọi là thua! Ðồ tiếp liệu trong thành Mang Cá dư sức cung cấp cho lữ đoàn tôi ít nhất là ba tháng, tại sao không cho chúng tôi vào thành Nội? Ờ mà tử thủ làm chó gì, bao nhiêu thằng xếp cút mẹ nó hết rồi, vợ đẹp con khôn và tiền bạc bao năm ăn bẩn không lẽ lại vứt bỏ. Vậy thì tội chó gì mình lại nghĩ đến chuyện ở lại đánh nhau để chết oan mạng, cùng lắm được vài giọt nước mắt cá sấu, một cái huy chương không giá trị, những lời ca tụng giả dối, ngoài cửa mồm thôi chứ có mẹ gì nữa đâu. Ðồ chó má! „

Bên cạnh sự căm phẫn, tác giả cũng không quên đề cập đến sự hào hùng, kiên cường, anh dũng của binh chủng TQLC nói riêng và quân lực VNCH nói chung. Ông viết về một người lính dưới quyền trong đại đội của mình:

Người lính cuối cùng của đại đội vắng mặt khi tập họp đã tìm đến, binh nhất Tuấn. Tuấn bị bắn nát cánh tay trái, máu nhuộm đỏ cả tay áo, quần áo người ngợm ướt nhẹp, bê bết bùn, nhưng vẫn vác khẩu đại liên M-60 với còn chừng nửa dây đạn trên vai phải.

Ra đến bãi biển Thuận An, những lệnh lạc kỳ lạ, những tính toán khó hiểu của cấp chỉ huy khiến Cao Xuân Huy muốn điên đầu. Một đoàn quân di tản không được lệnh xuống tàu, nằm chờ trên một bải biển trống vắng dễ dàng trở thành những mục tiêu tác xạ cho địch quân. Lý do nào đã không có lệnh lạc rõ ràng trong cuộc rút quân này? Cao Xuân Huy băn khoăn ghi lại:

Chỉ cần một tay binh nhất có nghĩa là chỉ cần có chừng một năm kinh nghiệm chiến trường, thằng dốt đặc về quân sự, thằng chưa được học một khóa tiểu đội trưởng nào, chứ đừng nói đến hạ sĩ Nam lùn, trung sĩ Châu, cũng đã hiểu là chúng tôi phải xuống tàu càng nhanh càng sớm càng tốt, vì càng dây dưa bao nhiêu là càng rút ngắn khoảng cách giữa chúng tôi với Việt Cộng bấy nhiêu. Ðại bàng Lâm Thao tức đại tá lữ đoàn trưởng chắc chắn là biết điều này, vậy thì vì lý do gì chúng tôi đã không được xuống tàu.

Với đội hình một hàng dọc ngoằn ngoèo như con rắn ở dọc bờ biển, chúng tôi nhận lệnh ngồi xuống. Chiếc tàu đã ra xa bờ và “đợi” chúng tôi tận ngoài khơi. Dĩ nhiên nó không thể đậu mãi ở gần bờ để xem chúng tôi đi dạo mát, để xem chúng tôi nấn ná không có một hành động nào chứng tỏ chúng tôi muốn xuống tàu cả. Hai ông xếp lớn của chúng tôi, đại tá Lương lữ đoàn trưởng và trung tá Tống lữ đoàn phó đứng thản nhiên nói chuyện, cười đùa thân mật với một ông xếp lớn nữa là trung tá Tòng (trong những bản in trước, vì trông gà hóa cuốc, tôi đã viết là đại tá Thiệt, biệt danh “Tử Thần”, xin thành thật tạ lỗi với “Tử Thần”) liên đoàn trưởng liên đoàn 14 Biệt Ðộng Quân. Không hiểu cả ba ông xếp lớn đang nghĩ gì trong những cái đầu của họ, đang thú vị gì trong những câu pha trò của họ, đang bàn bạc gì bằng những cái mồm của họ. Chỉ biết là cả ba đứng nói chuyện rất thoải mái và thỉnh thoảng cười ồ lên hình như vì một câu pha trò đầy ý nhị.

Trong một đoạn khác, ông tả lại môt cuộc xung phong bằng một chiến thuật, đánh bật kẻ thù ra khỏi chiến hào, cuộc xung phong có lẽ không hề được ghi trong quân sử, cũng như không quân đội nào trên thế giới dám học hỏi, như sau:

“Ðại đội tôi đã ở cách đám đông hỗn loạn đó cả trăm thước nên không bị cuốn theo phản ứng loạn xạ của họ.

Sẵn đội hình hàng ngang, tôi dẫn đại đội xung phong ngay tức khắc vào mấy lùm dương phát ra tiếng súng trên các đụn cát, vừa xung phong vừa reo hò tở mở. Kết quả rất hài lòng, khoảng chừng một trung đội Việt Cộng bị đẩy bật ra khỏi vị trí trước sức tấn công vũ bão “bằng mồm” của chúng tôi. Tấn công “bằng mồm” đừng nghĩ là chúng tôi nấp kín một chỗ bắn loạn lên trời rồi mồm la xung phong, cũng đừng hiểu tấn công “bằng mồm” có nghĩa là tấn công bằng đạn mã tử vừa tiến vừa la dưới sự kiểm soát của huấn luyện viên chiến thuật trong quân trường.

Tấn công “bằng mồm” ở đây có nghĩa là chúng tôi xung phong tiến chiếm mục tiêu hẳn hoi, Việt Cộng bị đẩy bật ra khỏi vị trí nhưng không một tên nào chết hoặc bị thương, vì khi xung phong chúng tôi đã không bắn một viên đạn, mà chỉ có cái mồm ngoác ra mà la, mà reo hò.“

Bên cạnh những hào hùng, anh dũng và kiên cường đó, cuốn hồi ký cũng ghi lại những thảm cảnh, những đối xử tàn nhẫn giữa những người lính cùng chiến hào với nhau, khi chiếc tàu chở lữ đoàn TQLC của ông bị mắc cạn, không thể ra khơi vì ngoài số TQLC còn có một số người của các binh chủng khác khiến cho tàu quá tải, lại bị nước cạn. Một số người không phải TQLC đã bị bắn, quăng xác xuống biển cho tàu nhẹ bớt.

Có còn cách nào khác hơn để làm cho con tàu nhẹ bớt và có thể ra khơi? Trong hoàn cảnh đó, ai có thể làm điều gì để ngăn chận tình trạng này? Cá nhân ông Cao Xuân Huy cũng không an toàn trong tình trạng đó.

Chiến tranh là sự tàn ác, giết chóc với kẻ thù trong khi giao chiến ở mặt trận, không ai kêu gọi lòng nhân đạo khi đang bắn giết nhau giữa những kẻ thù, nhưng con người vẫn có thể tàn ác với cả đồng đội, những người cùng chiến hào với mình khi họ cảm thấy đồng đội là những chướng ngại gây nguy hiểm, cản trở họ trong khi rút chạy.

Cao Xuân Huy đã tả lại trung thực tình trạng bi thảm, đau đớn này như sau:

Lên đến trên tàu, không khí quá nặng nề ngột ngạt. Không phải nặng nề ngột ngạt vì số người trên tàu quá đông, mà vì cả tàu đang bị bao trùm bằng mùi giết chóc, căng thẳng.

Huy mập nhét vào tay tôi khẩu súng ngắn, dặn dò:

“Súng tôi lên đạn sẵn, ông giữ cẩn thận.”

“Còn gì nữa để mà phải thủ súng lên đạn sẵn?”

“Thì ông cứ giữ đề phòng. Biết đâu có lúc phải xài tới.”

Chưa kịp tìm chỗ ngồi, tôi nghe một tiếng súng nổ.

Hai người lính Thủy Quân Lục Chiến cúi xuống khiêng xác một người lính Bộ Binh vừa bị bắn chết ném xuống biển. Một người lính Thủy Quân Lục Chiến khác đang gí súng vào đầu một trung úy Bộ Binh ra lệnh:

“Ðụ mẹ, có xuống không?”

“Tôi lạy anh, anh cho tôi đi theo với.”

“Ðụ mẹ, tao đếm tới ba, không nhảy xuống biển tao bắn.”

“Tôi lạy anh mà, tôi đâu có gia đình ở ngoài này.”

“Ðụ mẹ, một.”

“Tôi lạy anh mà, anh đừng bắt tôi ở lại, anh muốn lạy bao nhiêu cái tôi cũng lạy hết. Tôi lạy anh, tôi lạy anh.”

“Ðụ mẹ, hai.”

“Trời đất, mình đồng đội với nhau mà, anh không thương gì tôi hết. Tôi lạy anh mà.”

“Ðụ mẹ, ba.”

Tiếng ba vừa dứt, tiếng súng nổ.

Người trung úy Bộ Binh ngã bật ngửa ra, mặt còn giữ nguyên nét kinh hoàng. Viên đạn M-16 chui vào từ đỉnh đầu. Xác của anh ta được hai người lính Thủy Quân Lục Chiến khác khiêng ném xuống biển.“

Một sự tàn ác khác, sự tàn ác của người chiến binh cộng sản với tù binh VNCH, bắn giết tù binh để trả thù những lần bị đánh tơi tả trong các cuộc giao tranh cũng được ngòi bút Cao Xuân Huy nói đến không một nhân nhượng:

Ðoàn tù chúng tôi đi thất thểu trên đường, đoành một tiếng, một xác người ngã xuống bờ ruộng, đoành một tiếng, một xác người nữa ngã xuống bờ ruộng. Một người đi ngay bên cạnh tôi bị bắn vào đầu, máu và óc văng dính cả vào người tôi.

Trò bắn giết rất kỳ cục và khó hiểu. Những người bị bắn chết và những người không bị bắn -hay chưa bị bắn- đều không hiểu tại sao bọn Việt Cộng lại bắn người này mà không bắn người kia. Tại sao thằng Việt Cộng này không bắn người này mà bắn người nọ? Chúng tôi rất hoang mang nhưng lúc này không ai có phản ứng gì, mọi người vẫn cứ lầm lũi, thất thểu đi. Ðói, khát, mệt mỏi và luộm thuộm lếch thếch, chúng tôi đi, hoang mang không hiểu bao giờ đến lượt mình bị bắn.

Số người bị bắn mỗi lúc dĩ nhiên mỗi nhiều hơn. Tất cả lon lá đã được gỡ ra từ sáng, khi chúng tôi mới nhận được quần áo mang từ bờ biển vào. Râu ria trên mặt biểu hiệu cho chức cấp hiểu theo nghĩa Việt Cộng cũng không phải, vì nhiều người để râu, trong đó có cả tôi, không hay chưa bị bắn, nhiều người râu ria nhẵn nhụi đã bị bắn.

Mãi về sau, khi nghe được bọn Việt Cộng cầm súng đi tìm người để bắn nói chuyện với nhau chúng tôi mới vỡ lẽ ra. Những tên Việt Cộng nào đã từng bị tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến nào đánh cho xất bất xang bang lúc trước, lúc này cứ đi tìm huy hiệu và bảng tên của tiểu đoàn đó mà bắn.

Ngay cả khi bị bắt cũng có người trong đám tù binh can trường đấu lý, và phải trả giá về mạng sống của mình khi đặt câu hỏi với tên cán bộ chính trị đang thao thao bất tuyệt về chính sách khoan hồng nhân đạo ( gian dối ) của người cộng sản:

“Một người đứng lên hỏi.

“Xin anh giải thích cho chúng tôi một số điều, thứ nhất hành động chôn người tập thể tại Huế trong trận tết Mậu Thân và bắn giết bừa bãi những người dân vô tội tại đại lộ kinh hoàng năm 72, thứ nhì, tại sao mang tiếng là xâm lược mà khi chúng tôi rút khỏi Quảng Trị và Huế, dân chúng lại bỏ chạy hết vào Ðà Nẵng và Sài Gòn để tránh nạn Cộng Sản, thứ ba, anh giải thích thế nào về hành động quân đội nhân dân của các anh đã và đang cướp bóc ở bên kia phá, thứ tư, chúng tôi sử dụng súng đạn của đế quốc Mỹ hay mấy anh sử dụng súng đạn của Cộng Sản Nga, Tàu để tàn sát đồng bào, thứ năm…”

Tên cán bộ chính trị Việt Cộng tức giận ngắt lời và ra lệnh cho bọn thủ hạ.

“Lôi cổ thằng ngoan cố này ra ngoài” – quay sang chúng tôi, hắn gằn giọng – Các anh phải biết Đảng và nhân dân chỉ khoan hồng cho người nào thực sự biết ăn năn hối cải, còn tên nào ngoan cố chỉ có hại vào thân thôi.”

Nói xong, tên này hầm hầm đi ra ngoài.

Chúng tôi nghe một tiếng súng nổ ở phía phá Tam Giang.

Bên cạnh sự tàn ác, của quân cộng sản, Cao Xuân Huy cũng không quên nhắc đến tình cảm, sự thương yêu của đồng bào miền Nam đối với những người lính của quân đội VNCH:

Dân làng gánh những thúng cơm đến phát cho chúng tôi. Mỗi phần ăn được chừng một bát cơm và một miếng cá khô gói trong lá chuối. Phần ăn dù ít cũng không đủ để phát đều cho tất cả chúng tôi. Lý do khá giản dị là không ai tưởng tượng nổi con số chúng tôi bị bắt đông đến như vậy.“

Hồi ký kết thúc khi cuộc trả thù dã man của cán binh cộng sản với người lính VNCH chấm dứt. Cao Xuân Huy bị đưa về trại tù binh chính thức ở Bắc Khe Sanh:

Mãi về sau, khi nghe được bọn Việt Cộng cầm súng đi tìm người để bắn nói chuyện với nhau chúng tôi mới vỡ lẽ ra. Những tên Việt Cộng nào đã từng bị tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến nào đánh cho xất bất xang bang lúc trước, lúc này cứ đi tìm huy hiệu và bảng tên của tiểu đoàn đó mà bắn.

Người mặc áo có gắn phù hiệu của tiểu đoàn 5 không bị thằng Việt Cộng này bắn nhưng bị thằng Việt Cộng khác bắn. Người mặc áo có gắn phù hiệu tiểu đoàn 3 bị bắn bởi thằng Việt Cộng không bắn người mặc áo của tiểu đoàn 4.

Chúng tôi lột hết bảng tên và phù hiệu tiểu đoàn.

Cuộc bắn giết thưa dần rồi chấm dứt.

Chúng tôi bị đưa về căn cứ La Sơn nhốt tạm để sau đó, hạ sĩ quan và binh sĩ bị đưa nhốt ở Khe Tre, Nam Ðông. Ðám sĩ quan chúng tôi bị đưa về cây số 23, gần ngay chỗ Ban chỉ huy tiểu đoàn 4 ít ngày trước, đối diện với làng Ðồng Lâm.

Khoảng giữa tháng Tư, chúng tôi bị đưa về trại tù binh chính thức nằm phía bắc Khe Sanh, sát biên giới Lào, ở ngay đầu nguồn sông Bến Hải.

Bạn đọc muốn tìm đọc trọn hồi ký có thể vào link sau đây: Tháng Ba Gãy Súng

Thạch Đạt Lang
Ba Sàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad