Chuyện cô gái sống qua nỗi kinh hoàng mang tên Nhà nước Hồi giáo - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Chuyện cô gái sống qua nỗi kinh hoàng mang tên Nhà nước Hồi giáo


Sarah Said Haydar, 16 tuổi, với cha cô trước khi bị Nhà nước Hồi giáo bắt đi vào cuối tháng 8 năm 2014.

Những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đã làm những điều hãi hùng với Sarah Said Haydar. Cuối cùng họ gần như khiến cô phải tự kết liễu đời mình.

Cô Sarah 16 tuổi là một trong số hàng ngàn người Yazidi chạy lánh cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo ở miền bắc Iraq vào tháng 8 năm 2014.

Thiếu nữ này và đại gia đình của cô đào thoát được khỏi làng Tal Qasab quê nhà của họ. Khi họ đang tiến về phía núi Sinjar thì Sarah, chị cô và một người chị em họ bị bắt lại.

Bốn kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ném họ vào một chiếc xe tải với hàng chục thiếu nữ và phụ nữ người Yazidi khác và chở về thành phố Tal Afar, nơi họ sẽ bị đem biếu tặng như những chiến lợi phẩm. Nhưng chiếc xe tải bị hư giữa đường.

Bị đánh đập, xâm hại tình dục

Những gã đàn ông Nhà nước Hồi giáo bắt tay ngay vào việc, buộc các tù nhân phải đọc những câu kinh cải đạo sang Hồi giáo. Rồi họ bị đánh đập và bị xâm hại tình dục.

Sarah nhớ cụ thể một chiến binh, một gã đàn ông có bộ râu dài màu đỏ.

Sarah Said Haydar (trái), với một nhà hoạt động người Yazidi, bị bỏng hơn nửa cơ thể trong một vụ tự thiêu.
Thế nhưng sau khi màn đêm buông xuống, những tù nhân trốn thoát được.

Họ trốn trong một ngôi làng lân cận. Sáu ngày sau đó, bốn tên chiến binh Nhà nước Hồi giáo lùng sục khu vực này nhưng không tìm thấy những người phụ nữ. Vào ngày thứ bảy, Sarah, chị Samira của cô và những người khác đến được nơi an toàn.

Tuy nhiên, sự an toàn chỉ là khái niệm mang tính tương đối.

Tới đầu năm nay, Sarah sống cùng gia đình ở Khanke, một trại dành cho người tản cư ở thành phố Dohuk.

Những dấu hiệu trầm cảm

Nhưng Sarah cho thấy có những dấu hiệu của chứng trầm cảm, có thể là rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý. Cô đi gặp bác sĩ khám bệnh nhưng cũng không đỡ hơn.

"Tình hình cực kỳ khó khăn vì không có sự hỗ trợ tâm lý xã hội, sự hỗ trợ tâm lý-xã hội của châu Âu," bà Zainab Hawa Bangura, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về bạo lực tình dục trong xung đột, nói.

Ngày 26 tháng 1, nhóm Nhà nước Hồi giáo - hay Da'esh theo cách viết tắt bằng tiếng Ả-rập - pháo kích vào trại.

Sarah đang nghe nhạc trên điện thoại của mình thì nghe thấy một tiếng nổ; nhà hàng xóm bị trúng đạn.

"Tôi cứ nghĩ Da'esh lại đến nữa và bọn họ sẽ tra tấn tôi," cô nói.

Sarah cảm thấy như thể cô đang rơi vào vực thẳm. "Tôi hoảng loạn và người tôi bắt đầu run lên," cô nhớ lại. "Tôi chỉ muốn tự tử. Tôi không thể chịu đựng được nữa."

Dohuk, Iraq

Sự giúp đỡ của chị

Người chị Samira 18 tuổi cố gắng kéo cô em gái ra khỏi nỗi sợ hãi. Samira nhắc Sarah nhớ về tất cả những thiếu nữ khác từng trải qua những nghịch cảnh tương tự. Cô không đơn độc, Samira cố gắng trấn an Sarah như vậy; rằng Sarah nên biết ơn vì mình vẫn còn sống.

Vì không phải ai cũng được như vậy.

Những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo đã sát hại hàng trăm, có thể là hàng ngàn người đàn ông Yazidi ngay tức thì. Hàng trăm người khác được cho là đã thiệt mạng trong những cuộc tháo chạy hỗn loạn trốn tránh mối hiểm họa Nhà nước Hồi giáo bắt đầu từ một năm trước.

Và rồi Nhà nước Hồi giáo còn có những cách tàn độc hơn để giết người.

Đặc phái viên Bangura của Liên Hiệp Quốc cho biết những em gái người Yazidi thường xuyên dùng khăn trùm đầu treo cổ tự vẫn đến nỗi những kẻ bắt giữ tịch thu hết khăn của họ, bất chấp những quy định bảo thủ.

Bà Bangura nói bà cũng gặp một cựu tù nhân từng trộn thuốc độc để giúp 14 thiếu nữ tự sát.

Trong những ngày sau vụ tấn công nhắm vào trại Khanke, Sarah trở nên bấn loạn dù chị cô nỗ lực trấn an.

Cha của Sarah đưa cô đến gặp bác sĩ lần nữa, nhưng chẳng có ích gì.

"Tôi không thể gạt bỏ hình ảnh người đàn ông đó ra khỏi tâm trí," Sarah nói về người đàn ông râu đỏ. "Tôi nhớ hắn ta sờ soạng tôi, chị tôi, chị em họ tôi và những thiếu nữ khác."

Trại Khanke cho người tản cư ở Iraq, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vài km ở tỉnh Dohuk của Iraq, ngày 25 tháng 1, 2015.

Cô chỉ có thể nghĩ đến một điều. "Tôi đã nghĩ rằng không còn cách gì sống nổi ngoại trừ châm lửa tự thiêu."

Sarah đi vào căn phòng trong căn nhà tạm bợ của họ ở trại Khanke và đổ xăng lên người. Rồi cô bật lửa tự thiêu.

Mẹ của Sarah và Samira lao vào phòng và trùm chăn lên người Sarah để dập lửa. Mẹ cô còn nhớ ngọn lửa hung tợn ra sao.

Hơn một nửa cơ thể của Sarah bị bỏng, gồm cả mặt và ngực của cô.

Sarah sống sót nhưng phải nằm viện 75 ngày, cộng thêm 10 ngày trong phòng phẫu thuật thẩm mỹ.

Hỗ trợ quốc tế


Air Bridge Iraq, một tổ chức nhân đạo của Đức, đã giúp đưa cô sang Đức điều trị ở thành phố Stuttgart.

Sarah đang chuẩn bị cho một loạt những ca phẫu thuật ghép da và những ca phẫu thuật khác để sửa chữa những thương tổn thể chất. Cô cũng đang nhận được nhiều cuộc tư vấn tâm lý.

"ISIS đã thể chế hóa vấn đề bạo lực tình dục và hành hạ phụ nữ," bà Bangura của Liên Hiệp Quốc nói. "Bọn họ đã thực sự biến việc này thành một mục tiêu chiến lược quan trọng cho chiến dịch của mình. Nó đã trở thành một phần trong nền kinh tế chính trị của chiến tranh."

Đã một năm trôi qua kể từ khi Sarah chịu khổ sở dưới tay của nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Cô đang đau đớn khôn xiết, nhưng trò chuyện qua điện thoại từ Stuttgart, giọng cô đầy lạc quan. Cô trông chờ được quay trở lại cuộc sống của cô ngày trước.

Và một điều ước duy nhất: được xinh đẹp trở lại.

Margaret Besheer đóng góp thông tin cho bài viết này từ Liên Hiệp Quốc, New York.

Theo VOA
Chuyên trang tương tác "Sống Trong Sợ Hãi - Chuyện kể từ nơi Nhà nước Hồi giáo đi qua"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad