Không có 'đường cong', không còn quyến rũ? - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Không có 'đường cong', không còn quyến rũ?


Đường sắt trên cao đoạn trước cổng ĐH Kiến Trúc vẫn nhô lên dù không phải là nhà ga.

Hà Nội cũng như một người phụ nữ, nếu không có những “đường cong mềm mại” thì sẽ mất hẳn sự duyên dáng, quyến rũ, đặc trưng.

Cùng thời điểm này một năm về trước, lãnh đạo Hà Nội từng kiên định khép lại mọi ồn ào, "khiếu kiện" về sự bất thường của đường Trường Chinh mở rộng bằng quyết tâm sẽ hoàn thành “đường cong mềm mại” đúng tiến độ.

Đến nay, đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau một thời gian thi công, dư luận lại ngớ người khi những “đường cong mềm mại”, mấp mô uyển chuyển liên tục xuất hiện. Lý giải cho điều này, Ban Quản lý dự án lên tiếng thông tin đến báo chí rằng: “Đường sắt trên cao uốn lượn mấp mô là để đảm bảo tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng cũng như tiêu hao năng lượng”.

Giữa đường cong và đường thẳng, đường nào dễ đi và tiết kiệm hơn? Học sinh lớp 1 chắc cũng không ngần ngại lựa chọn đường thẳng. Nhưng vì sao mà lâu nay, Hà Nội lại có vẻ rất "sính" những "đường cong", hẳn là có lý do đặc biệt.

Cong có cái hay của cong, lượn có cái thú của lượn. Đừng tưởng chỉ thẳng mới hữu ích, mới là niềm mơ ước nhé! Chẳng phải các cháu thiếu nhi ngày ngày vẫn háo hức, thậm chí khóc lóc mè nheo để được bố mẹ đưa đến những khu vui chơi giải trí chỉ vì đam mê trò chơi tàu lượn đó sao?! Đến cả người lớn cũng thích thú với cảm giác mạo hiểm kiểu này. Khi đường sắt trên cao hoàn thành chắc sẽ thu hút một lượng khách không nhỏ là các cháu thiếu nhi, thỏa mãn đam mê tốc độ và sự mạo hiểu, phiêu lưu qua những đoạn đường cong, mấp mô liên tục suốt 13,05 km. Để khẳng định thương hiệu và thu hút khách mọi lứa tuổi, khu vui chơi giải trí ở nhiều tỉnh vẫn đang chạy đua trong việc đưa trò chơi tàu lượn vào khai thác.

Đường sắt hoàn thành, nhiều người không cần phải lao ra biển ngâm mình giữa nắng gắt gao mà vẫn có thể “lướt sóng” ngay trên toa tàu. Cũng chẳng cần phải chờ đợi dài cổ mỗi dịp kỷ niệm ngày lễ lớn mới được thưởng lãm một cuộc múa rồng hấp dẫn. Mà ngay giữa Thủ đô, mỗi ngày, mỗi giờ, chúng ta sẽ được mãn nhãn cảnh “rồng bay" uốn lượn. Bởi, đường sắt trên cao mấp mô ở mức “tối ưu” cơ mà.

Thực ra trên thế giới, đường sắt trên cao mấp mô là không hiếm, nhưng phần lớn bởi địa hình bắt buộc con người phải tư duy và khắc phục để tiến được tới sự văn minh, hiện đại, ví dụ như đường sắt trên cao tại Bangkok (Thái Lan), Dubai (Ấn độ) hay Đài Loan…

Thú thật, người viết không có chuyên môn sâu nhưng có thể lờ mờ hiểu đơn giản rằng, xây dựng đường thẳng thì dễ dàng, tiết kiệm vật liệu, nhân công hơn nhiều so với đường mấp mô hay đường cong, uốn lượn. Chi phí sẽ theo đó giảm đáng kể. Mà một khi đã cong, đã lượn thì có lúc phải lượn qua cả nhà quan chức nữa, phức tạp lắm. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng”, mấy ai dại, cố công làm những việc vừa gây tốn kém, vừa mất nhiều thời gian lại… chẳng được gì.

Nếu đường cong mà hữu ích thì có gì để ầm ĩ, như “đường cong”* của ca sỹ Thu Minh khiến cánh mày râu phát sốt, phát cuồng. Sợ là sợ sự cẩu thả, vô trách nhiệm, cố tình làm sai kỹ thuật hoặc vẽ vời làm theo kỹ thuật khó để hưởng "phần trăm" trong khi bản chất có thể thi công đơn giản. Sợ lòng người toan tính, mưu lợi khó lường. Sợ kiểu làm ăn gian dối, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng bao người lâu nay vẫn len lỏi “tầm gửi” trong nhiều công trình xây dựng từ lớn đến bé. Sợ rằng, hành khách trên những chuyến tàu uốn lượn này vì say xe, chóng mặt mà rồi không còn tha thiết với loại hình giao thông này nữa - ế khách đâu còn nguồn thu? Sợ cả việc, năng lực, kiến thức yếu kém nên người ta bảo sao thì thi công như vậy. Sợ những chỗ nhô lên là đất yếu, rồi một thời gian không xa sẽ sụt lún… Sợ sự thiếu an toàn, ẩu thả, bao biện sẽ cướp đi sinh mạng nhiều người…

Những lý giải cho câu hỏi vì sao chọn phương án nhấp nhô uốn lượn, đến nay dư luận vẫn chưa thỏa mãn.

Ai cũng biết, tài sản vô giá của phụ nữ là những đường cong mềm mại trên cơ thể. Nó làm nên sự gợi cảm, nó là niềm kiêu hãnh và cũng là thứ “vũ khí” để phụ nữ “hút” thế giới xung quanh về phía mình.

Hà Nội cũng cần những “đường cong”, nhưng nên là “đường cong” tất yếu như đường cong thiên phú cho người phụ nữ, đừng cố gượng ép tạo ra "đường cong", e lòng người khó thuận.

Nói gì thì nói, đường cong vẫn là một loại vũ khí vô cùng lợi hại mà không có đường cong sẽ không còn duyên dáng, quyến rũ. Và, dường như Hà Nội đang muốn có thêm nhiều "đường cong"?

* “Đường cong” - Bài hát nổi tiếng của nhạc sỹ Nguyễn Hải Phong do ca sỹ Thu Minh thể hiện.

Dương Thu
Theo Người Đưa Tin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad