Larry Engelmann | Nước Mắt Trước Cơn Mưa - “Đối với nước Mỹ, cuộc chiến đã xong” - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Larry Engelmann | Nước Mắt Trước Cơn Mưa - “Đối với nước Mỹ, cuộc chiến đã xong”


NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, nguyên tác Anh Ngữ “Tears Before The Rain” là một tập sử liệu về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, do Larry Engelmann, Giáo Sư Đại Học San Jose State thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn nhiều thành phần: người Mỹ, người Việt, kẻ thắng người bại …Những cuộc phỏng vấn này khởi sự từ 1985, sách xuất bản năm 1990. Bản dịch Việt Ngữ do nhà văn Nguyễn Bá Trạc thực hiện năm 1993, xuất bản năm 1995 tại California.

ROBERT HARTMANN
(Cố vấn của Tổng thống Ford)
“Đối với nước Mỹ, cuộc chiến đã xong”

Tổng thống Ford đọc bài diễn văn ở Đại học Tulane ngày 23 tháng 4, 1975 xảy ra lúc Nam Việt Nam đang tan rã, lúc chúng ta đang cố đưa người rời Sàigòn. Vào thời điểm này, quan hệ duy nhất là tìm cách bảo vệ các đồng minh hãy còn đứng ở phía chúng ta, và đưa người của chúng ta ra khỏi xứ ấy được an toàn bao nhiêu, tốt bấy nhiêu. Việc di tản đã được quyết định trước khi xảy ra vụ đọc bài diễn văn này. Tuy nhiên cái thời điểm tuyên đọc bài diễn văn là một vấn đề: Nó tạo ra sự kiện đột nhiên chúng ta tuyên bố di tản, và chúng ta có rất nhiều lý do để tin rằng người miền Nam Việt Nam có thể quay ngược lại, ngăn cản không cho chúng ta rút khỏi xứ. Lúc ấy, họ vẫn đang còn kiểm soát phi trường và các đường lộ chung quanh Sàigòn.

Bài liên quan
Bấy giờ chúng ta ở vào một vị thế đình trệ. Trước đó, Tổng thống (Ford) đã ra Quốc hội xin thêm ngân khoản, mà căn bản chính là để chống đỡ cho chính phủ Nam Việt Nam ngõ hầu chúng ta có thể rút ra một cách trật tự. Nhưng Quốc hội đã không thấy cái quan điểm ấy, quốc hội đã từ chối cấp thêm tiền. Việc này xảy ra sau khi tướng Fred Weyand sang Việt Nam, ông trở về với một bản lượng giá khá u ám. Ông cho rằng: Nếu muốn giữ được bất cứ phần nào của Nam Việt Nam, ngay cả Sàigòn đi nữa, chúng ta cũng phải tăng cường thêm nhiều trợ giúp. Những trợ giúp ấy không phải bằng bộ binh, mà bằng không lực từ các hạm đội. Đây sẽ là một ràng buộc khá lớn lao mà Quốc hội và nước Mỹ sẽ không ủng hộ. Và, điều ấy cũng chỉ làm chậm lại phần nào những gì trước sau cũng xảy ra, trước sau cũng không tránh khỏi. Phần chúng ta thì không còn muốn phải bắt đầu tất cả mọi việc trở lại nữa, cho nên vào thời điểm ấy, vấn đề được đặt ra một cách giản dị: Chúng ta sẽ rút ra như thế nào, chứ không phải là chúng ta sẽ rút đi hay không.

Trước khi xảy ra vụ đọc bài diễn văn này, chúng tôi đã có một cuộc thảo luận. Trong buổi ấy, Tổng thống (Ford) bảo tôi rằng ông muốn đặt trọng tâm vào tương lai, chớ không còn muốn xoáy vào dĩ vãng. Cứ giả dụ bọn trẻ, bọn sinh viên ở Đại học Tulane mặc dầu không có tinh thần phản chiến quá khích như tại nhiều Đại học khác, nhưng lúc ấy tinh thần chống chiến tranh Việt Nam đã lan truyền khắp các Đại học. Cho nên thay vì tiếp tục gặm nhấm dĩ vãng để cố biện minh cuộc chiến, ông muốn nói với thế hệ này về những gì có thể làm cho tương lai. Ông muốn đặt cuộc chiến ra đàng sau. Ông bảo tôi trong buổi thảo luận rằng “Tôi không hiểu tại sao chúng ta cứ phải mất thì giờ lo lắng về một cuộc chiến mà cho đến nay, trong sự quan tâm của chúng ta, cuộc chiến đã xong.” Tôi bèn nói: “Vâng, vậy tại sao tổng thống lại không phát biểu như thế?” Bấy giờ chúng tôi đang tìm kiếm một luận đề căn bản cho bài diễn văn.

Ford bảo: “Tôi e Henry (Kissinger) không thích như thế.” Tôi nói: “Tại sao ông lại phải lo chuyện Henry thích hay không thích? Ông là Tổng thống, nếu ông cảm thấy thế, ông cứ phát biểu như thế. Đôi khi, đến một thời điểm phải nói, thì chính ông phải nói ra, vậy tại sao lại không nói ra lúc này?” Ông bảo: “Tôi sẽ suy nghĩ chuyện ấy. Nhưng ông cứ xúc tiến xem thử ông có thể viết gì trên giấy. Bây giờ thì đừng nói gì với ai về chuyện này cả.”

Hiển nhiên, ông có vẻ thích cái ý tưởng mà ông đã đưa ra. Nhưng ông vẫn còn muốn xem thử Henry (Kissinger) và một số nhân vật quân đội khác sẽ phản ứng như thế nào.

Người phụ trách soạn thảo bài diễn văn là Milton Friedman. Tôi là người duyệt lại. Đầu tiên, chúng tôi bỏ ra ngoài cái đoạn văn nói về “cuộc chiến đã xong.” Tất cả bài diễn văn chỉ nói về những cơ hội vô giới hạn sẽ dành cho bọn trẻ trong đại học để làm những chuyện tích cực hơn là xuống đường phản đối. Chúng tôi viết: Không còn chuyện gì nữa để mà phải phản đối, phải lo học tập để mà xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Thế thôi.

Trong toà Bạch ốc, chúng tôi có lệ luân chuyển bản thảo các bài diễn văn cho những người quan tâm, họ cần biết trước những gì Tổng thống sẽ đọc để khỏi bỡ ngỡ, hoặc để chuẩn bị phản ứng nếu có ai hỏi đến. Những người mà chúng tôi lưu chuyển bản thảo có thể sửa đổi tùy theo tính chất và đề mục các bài diễn văn. Tuy nhiên luôn luôn phải có một nhóm người duyệt đọc, họ phải ghi chú trên các bản sao. Nếu có gì họ muốn thay đổi, chúng tôi sẽ chuyển ý kiến đến cho Tổng thống quyết định. Trong toà Bạch ốc có một nhóm nhân viên tối cao, thường gồm những người liên hệ đến chính sách ngoại giao và quân sự, như là Bộ trưởng Ngoại giao và các thành viên Hội đồng an ninh quốc gia. Bấy giờ Bộ trưởng Ngoại giao là Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia là Brent Scowcroft-. Cả hai đã làm việc chung với nhau từ lâu, sự suy nghĩ của họ rất tương đồng cho nên Scowcroft biết rất rõ những gì ông ta không cần đưa cho Kissinger xem, và những gì ông phải cho Kissinger biết.

Bản diễn văn này đã được lưu chuyển mà không có ai thắc mắc gì nhiều. Sau khi mọi người cho ý kiến, Milton sửa chữa, chúng tôi lên máy bay đi New Orleans. Chúng tôi đã đưa bản diễn văn cho nhân viên báo chí, nhưng trên máy bay, Tổng thống lại đem ra duyệt và sửa chữa lại. Luôn luôn ông thường tự tay sửa chữa các bài diễn văn đôi chút. Trong lúc ấy, Milton và tôi thảo luận để hoàn tất đoạn tuyên bố về Việt Nam. Đoạn ấy ghi là “đối với sự quan tâm của người Mỹ, cuộc chiến đã xong.” Tổng thống chấp thuận rất mau chóng. Chúng tôi sẽ cho đoạn này vào bài diễn văn. Chúng tôi đã làm như thế. Vậy đó, phần tuyên bố này vốn không có trong bản văn trước đấy chúng tôi lưu chuyển, nhưng đã có trong bài viết mà chúng tôi phát ra trước khi Tổng thống đọc. Đoạn ấy được bỏ vào giữa bài viết một cách vô tội. Nếu đọc nó trong toàn bài thì không có vẻ gì gây xúc động mạnh cả, và vào thời điểm này, còn ai chẳng biết chúng ta đang rút khỏi Việt Nam?

Đám cử tọa hôm ấy là một đám cử tọa rất nồng nhiệt. Họ nồng nhiệt chào đón Tổng thống. Và khi ông nói, thỉnh thoảng họ vỗ tay cổ võ. Đầu tiên, Tổng thống diễu cợt đôi chút về banh bầu dục hoặc một chuyện khôi hài gì đại khái như thế. Rồi đến đoạn về Việt Nam, ông nói: “Ngày nay nước Mỹ có thể lấy lại được niềm kiêu hãnh đã có từ trước khi xảy ra chiến tranh Việt Nam. Nhưng niềm kiêu hãnh đó không thể đạt được bằng cách tái tham dự một cuộc chiến mà đối với sự quan tâm của nước Mỹ, cuộc chiến đã xong…” Thế là cả thính đường bỗng bừng bừng lên tiếng hoan hô, làm cho Tổng thống không còn kịp nói dứt câu. Bọn trẻ nhảy dựng lên. Chúng la ó hò reo ầm ĩ làm cho các nhân viên báo chí cũng ngạc nhiên. Rồi tất cả các câu khác mà Tổng thống nói đều bị biến mất. Câu chuyện xảy ra là như thế. Tổng thống cố làm cho họ dịu bớt xuống, nhưng rồi đám cử toạ lại nhảy dựng lên, la ó hoan hô nhiều lần nữa, chẳng khác gì không khí của các buổi đại hội tranh cử quốc gia. Tôi thực lấy làm ngạc nhiên. Tôi ngạc nhiên về cái cường độ mãnh liệt như vậy. Quả nhiên, đó chính là điều mà tất cả mọi người đều đang mong đợi được nghe.

Tổng thống lộ vẻ hân hoan. Về việc này, ông lấy làm hết sức phấn khởi về thành quả của chuyến đi. Các Tổng thống đều thích được nghe hoan hô, ông cũng vậy. Thế rồi Ron Nessen chuyển lời lên phòng Tổng thống là báo chí muốn được phỏng vấn ông trên chuyến bay về Hoa Thịnh Đốn. Tôi cản việc ấy, nhưng Tổng thống gạt đi. Ông bảo ông sẵn sàng đấu với báo chí, và họ không phải là đối thủ của ông! Phần lớn các Tổng thống đều nghĩ như vậy, và trong hầu hết các trường hợp thì đúng như vậy. Thế là ông quay ra khu báo chí trên chiếc máy bay, tôi đeo theo ông. Các phóng viên bắt đầu đặt một số câu hỏi. Một trong những câu hỏi là: “Tổng thống có chắc chắn những gì ông tuyên bố không, và Tổng thống có biết trước đây không ai từng tuyên bố việc này không?” Ông trả lời: “Vâng, đến một lúc việc này tất phải chấm dứt, và mặc dầu kết quả không như ý tôi hy vọng, tuy nhiên, đây vẫn là chung cuộc.” Thế rồi có ngưòi hỏi “Kissinger có chấp thuận bản diễn từ không?” Ông trả lời: “Không!” Các Tổng thống đều không thích chuyện có người bảo phải nói cái này, nói cái kia, cái gì được nói, cái gì không được nói, mà đặc biệt vói Kissinger là người thường có khuynh hướng như thế.

Đấy là lúc chúng tôi quả đang bị phiền nhiễu. Tôi bèn cắt lời ông mà nói: “Thưa Tổng thống, chúng tôi đã luân chuyển để duyệt bản thảo bài diễn văn này theo thông lệ. Tôi nghĩ là tướng Scowcroft đã ký trên bản thảo. Chúng tôi cho rằng bài diễn văn cần phải được quý vị phụ trách về ngoại giao chấp thuận.”

Tôi nghĩ Kissinger không có mặt ở Hoa Thịnh Đốn khi chúng tôi luân chuyển bản thảo bài diễn văn. Nhưng việc đó chỉ là tình cờ, chứ thực ra, phần tuyên bố ấy đã không có trong bản thảo đầu tiên.

Tổng thống bèn phản ứng lại lời tôi với cái cách gần như là: “Câm mồm lại khi tôi họp báo! Tôi không cần ai phải dìu dắt cả!”

Sáng hôm sau điện thoại văn phòng tôi reo, Tổng thống gọi. Ông bảo: “Bob, Ngoại trưởng Kissinger đang có mặt ở đây…” Giọng nói của ông như chứa đựng một cái cười thầm giữa ông và tôi về một chuyện chúng tôi đều biết “…Xin ông đến đây và đưa Milton Friedman đến với ông.” Milton Friedman hôm ấy đang còn ngủ muộn, văn phòng tôi lại đặt ngay ở hành lang phía Tây, tôi bèn bảo: “Thưa Tổng thống, tôi đến ngay bây giờ.” Rồi tôi kéo theo Paul Theiss, Chủ nhiệm phòng Soạn thảo Diễn văn, mặc dù anh ta không liên hệ gì đến cái trò xiếc này, nhưng tôi cần có người đi theo mà làm chứng.

Kissinger không hăm he gì tôi. Tuy nhiên sau nữa, trong vụ này tôi biết rõ ai chịu trách nhiệm, nhưng tôi không thể nói ra. Cho nên nếu Kissinger cần nổi nóng với một người nào thì tất nhiên phải là nổi nóng với Friedman hoặc với tôi, nhưng tôi không thể phản bội lại Tổng thống được.
Thế là Theiss và tôi cùng bước vào phòng Bầu Dục. Kissinger đang đi lên đi xuống trên tấm thảm trước bàn làm việc của Tổng thống. Tổng thống Ford bảo tôi: “Bob, ông Ngoại trưởng đang quan tâm về một vài điểm gì đó trong bản diễn văn của chúng ta hôm qua mà ông ấy bảo là không được hay trước.” Tôi bèn nói: “Dạ, chúng tôi đã có chuyển cho Tướng Scowcroft. Chúng tôi không rõ ổng có đọc hay không, nhưng có chữ ký của ổng trên bản văn, chữ ký ấy chắc là có giá trị như bất cứ chữ ký của ai ở trong căn phòng này thôi.” Cả Tổng thống và tôi đều biết rõ câu tuyên bố ấy lúc đó không có trong bản văn, nhưng Kissinger không biết chuyện này. Và tôi nói: “Tất nhiên Tổng thống cũng có thay đổi chút đỉnh lúc ở trên máy bay, Tổng thống vẫn thường làm như vậy.” Thế là Henry Kissinger gầm lên: “Những chuyện thế này cần phải chấm dứt! Tôi không thể ngẩng mặt lên nhìn Đại sứ các nước về một lời tuyên bố quan hệ như thế mà tôi lại không được hay biết gì! Tôi thực mất mặt!” Đợi cho Henry Kissinger nói hả, Tổng thống nhìn tôi mà bảo: “Vâng, thực là một sự hiểu lầm đáng tiếc, có sơ suất đây. Bob, từ nay đừng để những chuyện thế này xảy ra nữa nhé!”

Tôi đáp: “Thưa Tổng thống, vâng!” Paul cũng nói: “Thưa Tổng thống, vâng!” Chúng tôi bèn ra vẻ ăn năn sợ hãi rất đúng cách, rồi rút lui.

Kissinger đang lúc khá cáu giận. Ông có ý quy trách Friedman là người biên soạn bản thảo gốc về việc đã lén đưa đoạn văn ấy vào phút cuối. Nếu tôi nhớ không nhầm ông ta đã đập bàn Tổng thống mà hăm he Friedman. Trong dịp này ông không hăm he tôi, nhưng trước đây ông ta đã từng làm tôi vài trận.

Tổng thống Ford đã trực tiếp điều động kế hoạch di tản cuối cùng vào lúc một giờ đêm, giờ Hoa Thịnh Đốn, nhằm ngày 28 tháng Tư. Đó là giây phút chót khi họ bảo Đại sứ Martin phải đi, lúc ấy ông ta còn chần chờ về chuyện cuốn cờ mà rút. Tôi có mặt tại toà Bạch ốc trong thời gian di tản này. Những ngày cuối ấy thực căng thẳng. Người Mỹ đến đông nghẹt ở toà Đại sứ, và đám đông dân chúng cứ bám quanh bên ngoài mà nện lên cửa. Lúc ấy tại đó chẳng có bao nhiêu lính Thủy quân Lục chiến để đương đầu cho đủ nếu đám đông trở nên mất kiểm soát.

Đám đông này không giận dữ bạo động, nhưng họ đều muốn được rời đi khỏi xứ.

Ford không hài lòng về tình trạng chiến cuộc. Kể từ thời Johnson làm Tổng thống, ông đã từng luôn luôn tỏ ra có thiện cảm với giải pháp tấn công toàn diện và chấm dứt chiến cuộc một cách nhanh chóng trong thời hạn một tháng. Tuy nhiên Mỹ đã thua trận chiến này từ trước khi Ford trở thành Tổng thống, cho nên mối quan tâm chính của ông về vấn đề Việt Nam chỉ là làm sao rút chúng ta ra với một phương cách hợp lý và chấp nhận được thôi.

Vào những giây phút cuối cùng, chúng ta đã đạt được một vài thỏa mãn trong việc triệt thoái mọi người ra mà chỉ thiệt mạng có hai người lính Thủy quân Lục chiến. Sau tất cả mọi sự việc này, một đề mục đáng quan tâm đã được đặt ra là chúng ta trở thành một đồng minh không đáng tin cậy. Tuy nhiên chính các đồng minh của chúng ta ở Âu Châu đã hò reo mà yêu cầu chúng ta rút khỏi Việt Nam. Chính chúng ta đã lưu ý đến các yêu cầu của họ đấy chứ?

Diễn trình rút khỏi Việt Nam cũng gắn liền với một cuộc vận động trên tầm mức rộng lớn hơn, đó là công cuộc bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Người Tàu muốn chúng ta rời Việt Nam để người Nga khỏi có lý do lộn xộn trong khu vực. Chúng ta đã chiến đấu một nửa cuộc chiến ở đấy với cái ấn tượng sai lầm rằng cả người Nga lẫn người Tàu đều nhiệt thành hỗ trợ Việt Nam.

Nhưng sự kiện hiển nhiên đã chứng tỏ: Chỉ người Nga mới thực sự hỗ trợ Bắc Việt, còn người Tàu chỉ biểu dương một bộ điệu hỗ trợ ngoài mặt mà thôi. Người Tàu không muốn người Nga có mặt trong vùng. Nhưng bây giờ người Nga vẫn hiện diện và người Tàu lại vẫn đang lo lắng chuyện này!

Larry Engelmann
Theo blog Tương Tri

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad