Phạm Chí Dũng - Đàm phán TPP tại Hawaii: Vẫn mờ mịt Việt Nam - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Phạm Chí Dũng - Đàm phán TPP tại Hawaii: Vẫn mờ mịt Việt Nam


Hai ngày sau khi vòng đàm phán cấp bộ trưởng (9-15 tháng 3, 2015) về TPP kết thúc tại Hawaii - Hoa Kỳ, vẫn chưa có bất kỳ tin tức nào được thổ lộ từ phía đoàn đàm phán Việt Nam - hiện tượng khá dị biệt với không khí hồ hởi “sẽ quyết tâm kết thúc TPP” của “nhà nước ta” vào cuối năm 2013 và 2014.

Ba ngày sau vòng đàm phán bí ẩn trên, một cuộc họp “lạ lùng” đã diễn ra tại trụ sở Ban Kinh Tế Trung Ương: ủy viên Trung Ương Đảng, Trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương Vương Đình Huệ làm việc với Đoàn Đàm Phán Chính Phủ Việt Nam gia nhập Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương.

Cuộc họp trên được thông tin bởi nguồn hiếm hoi là trang Infonet của Bộ Thông Tin và Truyền Thông. Tuy nhiên hiện tượng lạ lùng không kém là sau cuộc họp này, vẫn không có bất kỳ tin tức hay kết quả nào được Ban Kinh Tế Trung Ương hay ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công Thương và cũng là trưởng đoàn đàm phán TPP, tiết lộ.

“Theo tính toán, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới” - báo chí nhà nước đành lặp lại “lời chú” đã trở nên quá nhàm chán khi không có được tin tức nào hay ho hơn để hô hảo hoặc bình luận.

Chỉ có một thông tin hiếm hoi xuất hiện trên báo Inside US Trade: “Mặc cho những tiến triển đã đạt được, một số vấn đề chính vẫn chưa được giải quyết tại vòng đàm phán Hawaii.”

Theo một nguồn tin khác, một trong số “những vấn đề chính” trên là yêu cầu của Hoa Kỳ về thành lập công đoàn độc lập vẫn chưa được chính quyền Việt Nam “hoan hỉ.”

Phải đến năm ngày sau khi vòng đàm phán Hawaii kết thúc, trưởng đoàn đàm phán TPP Trần Quốc Khánh mới hé lộ, “Đàm phán TPP có thể kết thúc vào tháng 6, 2015.” Tin tức quá hiếm hoi và cũng quá súc tích như một nỗi thất vọng không diễn tả được như thế được nêu ra trong cuộc tọa đàm về FTA - hiệp định tự do thương mại.

“Mục tiêu đặt ra là kết thúc đàm phán TPP trong 6 tháng đầu năm, hiện nay đang tiến triển tích cực. Chúng ta sẽ cố gắng nỗ lực cùng các nước để kết thúc đàm phán TPP, tuy nhiên tôi nhấn mạnh là việc này không phụ thuộc vào quyết tâm của riêng Việt Nam” - thứ trưởng Công Thương rào chắn. Khác hẳn những lần tuyên bố “triển vọng kết thúc đàm phán TPP là rất khả quan” trước đây, lúc này ông có vẻ cẩn trọng từ ngữ hơn nhiều.

Chi tiết đáng lưu ý là từ “quyết tâm” trong cung cách một chiều của giới tuyên giáo Việt Nam đã được phân liệt cái riêng khỏi cái chung. Nếu trước đây báo đảng thường thông tin “Hoa Kỳ quyết tâm kết thúc TPP,” thì nay tán thán từ này hình như lại biểu lộ một nỗi lòng ca thán giấu kín của những người có đi chưa chịu có lại.

Trừ một văn bản không cấm giới đồng tính kết hôn, hầu như toàn bộ chủ đề nhân quyền - những gì mà chính quyền Việt Nam “cam kết” trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc - cho tới nay vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Nhân quả là có thực. Toàn bộ kho tàng ngôn ngữ của giới đàm phán Việt Nam vào TPP đã chỉ được gói gọn trong từ “có thể” đầy tính trầm mặc u ám.

Vào tháng 7 năm 2013 khi gặp nguyên thủ Việt Nam Trương Tấn Sang tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Obama cũng đã đặt nặng từ “có thể” khi đề cập đến khả năng “kết thúc TPP.”

Khi nào thay đổi?

Trước đó vào tháng 1 năm 2015, nhận định của tân đại sứ Hoa Kỳ - Ted Osius - về TPP có thể được xem là tín hiệu thuận lợi cho Việt Nam. Ted tỏ ra “rất lạc quan” cho tháng 3 này.

Nếu được cơ bản hoàn tất vào tháng 3, 2015, Việt Nam sẽ chỉ còn chờ... Quốc Hội Mỹ. Vai trò của cơ quan này là vào giữa năm nay có thể thông qua “quyền đàm phán nhanh” cho chính phủ Mỹ, để từ đó Mỹ mới ký kết mau lẹ với Việt Nam.

Nhưng giờ đây, mọi chuyện đang trôi ngược về điểm khởi đầu trong quá khứ cùng một tương lai xa thẳm. Giờ đây, lại một quý nữa được “gia hạn,” nhưng không ai biết có thể còn kéo dài bao nhiêu quý nữa.

Bởi kết quả đàm phán TPP vào tại Hawaii vừa qua không thể được coi là thuận lợi, các nhà “kỹ trị” của Việt Nam có lẽ lại phải chờ thêm một thời gian nữa, không biết là bao lâu.

“Deadline” gần gũi và đáng hy vọng nhất cho việc Việt Nam dự phần TPP thực ra lại tùy thuộc vào một yếu tố chính trị rất đặc trưng: Chuyến công du Hoa Kỳ của người sắp mãn nhiệm tổng bí thức đảng cầm quyền - ông Nguyễn Phú Trọng - được dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 5, 2015.

Thêm một điểm trùng hợp ý nhị nữa: tháng 5 tới cũng là thời điểm tái lập cuộc đối thoại song phương giữa Washington và Hà Nội về chủ đề nhân quyền. Vô số khía cạnh nhỏ lẻ liên quan đến phạm trù quyền con người bị vi phạm và bị chà đạp ở Việt Nam sẽ một lần nữa được đưa lên bàn mổ quốc tế.

Có thể thấy rõ giới đảng và chính phủ Việt Nam đang lung đầu tính toán. Lần này, họ càng cần tính toán chi li hơn vì ưu thế của họ đang phai dần theo thời gian. Tâm trạng này giải thích cho một so sánh tối nghĩa: Nếu vào đầu năm 2014 và song trùng với một số tín hiệu “có thể kết thúc đàm phán TPP,” chính quyền Việt Nam đã quyết định trả tự do cho 5 tù nhân lương tâm, thì từ đầu năm 2015 đến nay họ vẫn chưa chịu thả thêm ai, bất chấp chuyến công du mới đây của tướng công an Trần Đại Quang đến Mỹ.

Tất cả còn phải “để dành.” Để làm gì? Hà Nội chờ đợi những tín hiệu mới và chắc chắn phải là tín hiệu khả quan từ TPP hay “đối tác toàn diện” với Mỹ thì họ mới có thể xem xét thả thêm người. Mặt khác, họ còn phải chờ “thỉnh thị” từ Bắc Kinh.

Thế nhưng chính chính sách đu dây dễ lộn ngược và những tính toán quá thiển cận cùng nhỏ mọn đã khiến cho giới cầm quyền Hà Nội tự giẫm lên chân mình. Dù chẳng đời nào muốn thả thêm tù nhân lương tâm, nhưng cuộc tiếp đón được hứa hẹn ở Hoa Thịnh Đốn dành cho nhân vật sắp về vườn Nguyễn Phú Trọng xem ra sẽ là con bài đánh đổi lấy một ước nguyện mang tính cá nhân. Triển vọng công đoàn độc lập cho công nhân Việt Nam cũng bởi thế không hoàn toàn mờ mịt.

Có lẽ chính giới Hà Nội chỉ thực sự thay đổi khi họ ở thế chân tường. Càng gần đại hội 12, mọi thứ sẽ càng bế tắc.

Phạm Chí Dũng
Theo Người việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad