“Hồng Bàng thị truyện” như một truyền thống được kiến tạo của người Việt Nam thời trung đại [VII] - Việt Mỹ News -->

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

“Hồng Bàng thị truyện” như một truyền thống được kiến tạo của người Việt Nam thời trung đại [VII]



“Việt/Yue” như là một khái niệm tự xưng

Sự ảnh hưởng của lịch sử và văn học Trung Hoa đối với Hồng Bàng thị truyện là cực kì có ý nghĩa, ở chỗ nó hoàn toàn ủng hộ lập luận rằng câu chuyện này là một kiến tạo thời trung đại. Với sự thật đó, chúng ta cần phải xét lại toàn bộ hiểu biết của chúng ta về lịch sử Việt Nam để điều chỉnh cho đúng với thực tế này. Bằng những gì tiếp theo, tôi sẽ cố gắng phác thảo đại lược một đề cương của một sự diễn giải thay thế về lịch sử Việt Nam thời trung đại và sớm hơn, cái có thể giúp lí giải về người viết Hồng Bàng thị truyện và lí do viết. Vì giới hạn khuôn khổ bài viết, sự thảo luận này sẽ rất ấn tượng chủ nghĩa và sẽ thuần tuý nhấn mạnh một cặp xu hướng mà tôi cho là chúng ta nên xem xét khi khảo sát giai đoạn này. Thứ nhất, đối lập với niềm tin rằng “nhân dân” của Đồng bằng sông Hồng ở thiên niên kỉ đầu trước CN đã sở hữu bản sắc nào đó mà họ duy trì suốt cả nghìn năm Trung Hoa cai trị, tôi cho rằng chúng ta có thể nhận thấy xu hướng từ từ trong một phần của giới tinh hoa Hán hoá, những người sống ở một khu vực trải dài từ vùng Bắc Việt Nam ngày nay đến tận Quảng Đông là sử dụng khái niệm “Việt” (Yue) để tự xưng, đặc biệt vì những mục đích chính trị. Thứ hai, sự phát triển xa hơn của một cảm quan địa phương về sự nhận dạng [hay “bản sắc” - HQV], cái chúng ta nhận thấy được tái hiện trong một công trình như Liệt truyện, là một phần của sự biến chuyển rộng lớn hơn ở khu vực này. Đặc biệt ở những khu vực được cai trị bởi những thành viên của giới tinh hoa Hán hoá, người dân dựa nhiều vào những mẫu hình địa phương chủ nghĩa về sự nhận dạng [“căn cước” hay “bản sắc”]. Trong quá trình này, các thành viên của giới tinh hoa đã quét qua các văn bản sớm hơn để kiếm tìm những thông tin mà họ có thể dùng để trang hoàng cho cái bản sắc địa phương và cảm quan về vị trí [của họ].

Hơn một thập kỉ trước, sử gia Charles Holcombe đã viết một bài cực kì sắc sảo về lịch sử cổ xưa của cái mà ông gọi là “vùng viễn Nam của Trung Hoa”. Trong đó, ông cho rằng chẳng có “Việt Nam” nào ở thiên niên kỉ đầu trước CN hay ở bất cứ giai đoạn nào suốt thời kì Trung Hoa cai trị cả. Thay vào đó, ông chứng minh rằng đây là một thế giới mà, cùng với khu vực của cái mà ngày nay chúng ta gọi là Nam Trung Hoa, đang biến đổi chậm chạp khi các đồng bằng sông Hồng và sông Li giang dần dần trở thành các hòn đảo Hán hoá giữa một biển đa sắc tộc của những cư dân phi-Hán hoá(76). Xây dựng dựa trên quan sát này, tôi sẽ lập luận rằng thay vì có thực tế là giới tinh hoa Hán hoá này rốt cuộc ghi chép những thông tin về các nền văn hoá bản địa, chính là giới tinh hoa Hán hoá ở các khu vực này thực tế đã bắt đầu kiến tạo ra cảm quan về bản sắc địa phương cho chính họ. Họ làm như vậy không phải bằng cách quay về với nhân dân địa phương, mà là hướng vào các văn bản Trung Hoa hiện còn.

Đó chính là: người Trung Hoa vốn chỉ những nhóm dân khác nhau về phía Nam bằng khái niệm Việt, hay gọi chung là Bách Việt. Ngoại trừ một vương quốc cổ được gọi là Việt quốc, Việt/Yue là một cái tên mà người Trung Hoa dùng để gọi nhiều nhóm dân khác nhau, những người xa tới mức chúng ta biết, đã không dùng khái niệm này để chỉ bản thân mình(77). Tuy nhiên, rốt cuộc, có một số cá nhân đã kế thừa một cách có ý thức khái niệm “Việt/Yue” vì mục đích của họ, đặc biệt trong những quốc hiệu. Khá thú vị là, những người đầu tiên làm như vậy toàn là hoặc người Hán hoặc là hậu duệ có pha chút Hán. Triệu Đà, một viên quan Trung Hoa đã thiết lập một vương quốc ở thế kỉ III trước CN bao trùm một khu vực kéo dài từ tỉnh Quảng Đông đến Bắc Việt Nam ngày nay, có lẽ là người sớm nhất dùng khái niệm “Việt/Yue” cho mục đích “tự xưng” này. Ông gọi lãnh thổ của nước mình là Nam Việt(78). Tuy nhiên, trong những thế kỉ tiếp theo, những người khác cũng sẽ làm tương tự.

Chẳng hạn, có một nước Nam Việt được tuyên bố bởi một ông Lý Bí nào đó vào thế kỉ VI ở khu vực mà ngày nay thuộc Việt Nam. Lý Bí được cho là hậu duệ đời thứ 7 của người Trung Hoa đã chạy trốn xuống phía Nam cuối thời Hán đến khu vực thuộc Việt Nam ngày nay. Trong suốt cả giai đoạn đó, dường như gia đình này có quan hệ hôn nhân qua lại với người dân địa phương và thiết lập những mối ràng buộc mạnh mẽ với khu vực này. Năm 544, Lý Bí nắm lấy cơ hội có sự rối loạn chính trị trong vùng để thiết lập một vương quốc của riêng mình và tự tuyên bố mình là Hoàng đế của nước Nam Việt(79).

Bởi Toàn thư đề cập đến cả Triệu Đà và Lý Bí, nên các học giả hiện đại cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy một ý thức Việt Nam đã được khẳng định dưới sự ách cai trị của Trung Hoa. Người Việt mong muốn độc lập và không bao giờ quên giai đoạn Triệu Đà thiết lập một vương quốc ở khu vực này. Theo các học giả đó, những thông tin về vương quốc của Triệu Đà đã được truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác, và rồi ở thế kỉ VI, Lý Bí đã nhập vào kí ức bản địa này. Tuy nhiên, xảy ra một vấn đề với ý tưởng này là có những người không thuộc khu vực Việt Nam ngày nay cũng sử dụng khái niệm “Nam Việt/Yue” trong cùng giai đoạn, bằng cách đó nó chất vấn ý tưởng rằng có những kí ức được chia sẻ chỉ hạn chế trong phạm vi “nhân dân” ở Đồng bằng sông Hồng.

Chẳng hạn, ở thế kỉ VII, một người có tên là Lâm Sĩ Hồng nổi lên qua những vị trí của một nhóm người nổi loạn ở khu vực ngày nay thuộc tỉnh Giang Tây ở Trung Hoa, và cuối cùng lãnh đạo nhóm này đánh bại một đội quân được nhà Tuỳ gửi đến để dẹp loạn. Sau đó Lâm Sĩ Hồng đã tự xưng là Vua của nước Nam Việt. Không lâu sau đó, ông tự xưng là Hoàng đế và đặt tên nước là Chu (Sở)(80). Theo đó, Lâm Sĩ Hồng dường như đã thử nghiệm những khả năng chính trị khác nhau. Ông vui thú với ý tưởng là vua của Nam Việt trước khi chuyển sang một biểu tượng khác của phương Nam, là nước Sở cổ xưa, và nâng ông lên vị trí Hoàng đế.

Một nhân vật khác cũng trong giai đoạn này đã cân nhắc tiếp nối con đường của Lâm Sĩ Hồng nhưng đã không thành. Phùng Áng (? – 646) đến từ khu vực ngày nay thuộc tỉnh Quảng Đông. Tuy nhiên, tổ tiên pha tạp của ông đã đến từ miền bắc Trung Hoa. Ở một thời điểm nào đó sau khi phần phía Bắc của Trung Hoa nằm dưới quyền kiểm soát của nhà Bắc Nguỵ năm 386 sau CN, một thành viên của gia đình Phùng Áng chạy đến Koryo, hay là Triều Tiên ngày nay. Từ đó ông này gửi một người con trai, Phùng Ức, cùng với ba trăm người khác tiến về phía Nam Trung Hoa, rồi nằm dưới sự kiểm soát của Nhà Tấn. Phùng Ức định cư ở Panyu, ngày nay thuộc tỉnh Quảng Đông. Cháu nội của ông lấy một Phu nhân Tiễn nào đó từ một cự tộc địa phương, được gọi là một gia tộc “Việt/Yue” trong các nguồn tư liệu Trung Hoa. Các thành viên của gia tộc họ Phùng tiếp nhau là người lãnh đạo địa phương, và từ cái gia đình có nhiều dấu ấn ảnh hưởng phương Nam này mà Phùng Áng được sinh ra.

Khi trưởng thành, Phùng Áng trở thành một vị tướng của nhà Tuỳ. Khi nhà Tuỳ đổ, ông quay trở về khu vực Quảng Đông và cuối cùng, sau nhiều trận chiến, ông đã kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn ở khu vực ngày nay thuộc Quảng Đông, Quảng Tây và thậm chí là Hải Nam. Những bộ hạ nói với Phùng Áng rằng với quyền lực của mình, ông nên tự xưng là vua của Nam Việt/Yue. Tuy nhiên, Phùng Áng đã từ chối. Ông thừa nhận rằng ông là vị thủ lĩnh duy nhất ở khu vực này và rằng ông là người thành công hơn bất kì ai khác, nhưng ông do dự khi tự coi mình là một ông vua và cho rằng việc tự xưng một cái tên tự phóng đại như vậy sẽ sỉ nhục thành tựu của tổ tiên ông(81).

Điều mà các ví dụ này gợi ý là ở thiên niên kỉ đầu sau CN, không có một bản sắc “Việt/Yue” rõ ràng được giới hạn cho một nhóm người nào đó ở Đồng bằng sông Hồng hay được hiểu bởi những đám đông không biết chữ. Thay vào đó, những ví dụ này chỉ ra rằng ở một khu vực bao trùm tỉnh Quảng Đông và Bắc Việt Nam hiện nay – hai khu vực mà Charles Holcombe đã chứng minh là bị Hán hóa nhiều nhất trong khu vực – đã từng tồn tại những thành viên khác nhau của giới tinh hoa Hán hóa những người biết rằng “Việt/Yue” là một khái niệm đã được sử dụng từ lâu trong các văn bản thành văn để chỉ người dân ở khu vực này. Kết quả là, ở một vài thời điểm khi một số trong các nhân vật này cố gắng kiến tạo không gian chính trị của riêng mình, họ sử dụng khái niệm này để chỉ rõ vị trí của họ trong một thế giới rộng lớn hơn. Tuy nhiên, không có chứng cứ cho thấy những người dân bản địa phi-Hán hóa thực sự sử dụng khái niệm “Việt/Yue”, hay cho thấy rằng việc sử dụng thuật ngữ này của giới tinh hoa Hán hóa có nghĩa là nó lôi cuốn những người dân làm như vậy.

Từ những khởi đầu này ở thiên niên kỉ đầu sau CN, khái niệm “Việt/Yue” – với tư cách một khái niệm được sử dụng trong các quốc hiệu được tạo ra bởi người Trung Hoa thời Hán hay những người ít nhất có một phần dòng máu Hán Trung Hoa ở khu vực ngày nay thuộc tỉnh Quảng Đông và Bắc Việt – rồi sẽ được đẩy lên bởi giới tinh hoa Hán hóa ở Đồng bằng sông Hồng vào những thế kỉ đầu của thiên niên kỉ thứ hai sau CN nhằm đặc chỉ khu vực dưới quyền kiểm soát của họ. Ở đây một lần nữa, chứng cớ văn bản đã gợi ý rằng khái niệm này vẫn được sử dụng trong một cảm quan chính trị chủ đạo để cho thấy sự nghiệp của [các] triều đại. Thực vậy, bài tựa Liệt truyện cho chúng ta một cảm giác như vậy. Tôi đã trích dẫn một số trong những thông tin này ở trên. Tiếp theo là toàn bộ đoạn văn mở đầu của bài tựa đó:

“Mặc dù Quế Hải nằm ở [khu vực] Lĩnh Nam, nhưng kì công của những núi non và sông suối, sự linh thiêng của đất, sự anh hùng của con người nơi đây, và những việc kì lạ thiêng liêng đều có thể tìm thấy ở đây(82). Từ trước thời Xuân Thu và Chiến Quốc (722 – 221 trước CN), không xa thời thái cổ, phong tục phương Nam vẫn còn giản phác. Chưa có sử sách gì của vương quốc để ghi chép các sự kiện. Vì vậy, [nhiều thông tin về] hầu hết các sự kiện đã bị mất mát. Những điều may mắn tiếp tục còn tồn tại và không bị huỷ hoại là do những sự lưu truyền bằng miệng của nhân dân. Rồi trong thời Lưỡng Hán, thời Tam Quốc và vào thời Đông Tấn, Tây Tấn, Nam Bắc Triều, rồi đến thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, rốt cuộc mới có các sách sử ghi chép các việc, như sách Lĩnh Nam chí, Giao Quảng chí, An Nam chí lược, Giao Chỉ chí lược,… tất cả mới có thể tham khảo được(83). Tuy nhiên, đất Việt ta là vùng đất hoang dã từ xưa. Vì vậy, những ghi chép về nó còn sơ lược. Tuy nhiên, vương quốc ở đây bắt đầu với các vua Hùng. Dòng suối văn minh dần dần truyền qua các triều Triệu [tức là Triệu Đà], Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần và đến nay đã ra đến biển. Vì vậy, những ghi chép lịch sử của vương quốc đã trở nên đặc biệt chi tiết. Nhưng với sự sáng tác tập truyện này, liệu những thông tin trong đó có phải là sử? Không có ghi chép về thời điểm ra đời của chúng hay người nào đã hoàn thành chúng. Có lẽ một bản thảo đã được tạo ra bởi những học giả xuất sắc ở thời Lí và Trần, và rồi chúng được nhuận sắc thời gần đây bởi những bậc đáng kính vốn am hiểu và hiếu cổ”(84)

Trong đoạn văn này, khái niệm “Việt” xuất hiện trong cụm từ “ngã Việt”. Đây là một khái niệm khó nắm bắt. Về mặt lí thuyết, nó cũng có thể được dịch là “Chúng ta người Việt”, nhưng trong ngữ cảnh của bài tựa này, và trong việc sử dụng nó ở những chỗ khác, rõ ràng nó không chỉ một nhóm người mà chỉ một tập đoàn mang tính triều đại, và rộng ra, một vương quốc. Thực vậy, đây chính là cách chúng ta thấy khái niệm “Việt” được sử dụng trong các ghi chép lịch sử về thời trung đại. Chẳng hạn, Đinh Bộ Lĩnh, người sáng lập triều Đinh, đã đặt tên nước mình là Đại Cồ Việt năm 968 và một năm sau phong cho con trai mình tước hiệu “Nam Việt vương”(85). “Đại” và “Cồ đều có nghĩa là “vĩ đại”, chữ đầu là khái niệm Trung Hoa, chữ sau là khái niệm Việt Nam. Có thể Đinh Bộ Lĩnh đã chọn khái niệm này để phân biệt nước ông với một nước “Đại Việt/Yue” đã được thiết lập năm 917 ở khu vực mà ngày nay thuộc Quảng Đông(86). Bằng cung cách này, người Việt thời trung đại có vẻ như đã tiếp tục cách làm của giới tinh hoa chính trị Hán hóa từ khu vực rộng hơn trong việc tự xem các vương quốc của mình là “Việt/Yue”. Tuy nhiên, điều nhất quán ở đây là phạm vi mà giới tinh hoa ở Đồng bằng sông Hồng sau đó đã cố gắng gia cố cho khái niệm này, và những tập đoàn chính trị của họ, với sự chứng thực xa hơn dựa vào những văn bản Trung Hoa hiện còn. Đây là một hiện tượng hiển nhiên có sức thuyết phục trong đoạn văn trích từ bài tựa viết cho Liệt truyện [đã dẫn] ở trên.

Toàn bộ thông tin trong đoạn văn này được đưa ra nhằm giải thích cho vị trí và sự tồn tại của “Ngã Việt”. Điều đáng chú ý là toàn bộ thông tin này được tạo nghĩa thông qua việc chỉ dẫn tới những khái niệm đã tồn tại từ lâu trong các văn bản Trung Hoa, và điều đó cũng khá mang tính “Hán tâm”. Liệt truyện khẳng định nó đang cung cấp thông tin về vùng “Quế Hải”, một khái niệm Trung Hoa để chỉ các vùng ven biển ở khu vực ngày nay thuộc miền Nam Trung Hoa và Bắc Việt Nam, tức là vùng “Lĩnh Nam” men theo những đường biên phía Nam của khu vực ngày nay thuộc các tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông. Nó là một khu vực vốn là một phần của “những vùng hoang dại xa xôi” [yêu hoang], một khái niệm địa lí mang tính Hán-tâm có từ thiên niên kỉ đầu trước CN và được dùng để chỉ những vùng đất rất xa xôi so với kinh đô của đế chế. Và rồi khi khu vực này trải qua các triều đại Trung Hoa (từ Hán đến Minh), nó được hợp thức thông qua sản phẩm của các văn bản viết về khu vực này được thực hiện bởi các tác giả Trung Hoa. Quá trình này sau đó được làm sâu sắc thêm dưới triều Lý và Trần như là một sự truyền bá của “văn minh” [văn minh], bằng điều được ngụ ý là toàn bộ danh mục các văn bản và những lời giáo huấn được liên kết với truyền thống học thuật Trung Hoa, được duy trì một cách đầy đủ.

Do đó, từ đoạn văn này, chúng ta có thể có nhận thấy rằng người Việt Nam có học ở thời trung đại hẳn phải kiểm tra những văn bản Trung Hoa hiện có [lúc bấy giờ] và nhận thấy rằng thông tin về khu vực của họ trong tương quan với thế giới đã phát triển dần dần qua nhiều thời đại. Họ dùng các thông tin này để cung cấp những chứng cớ trên văn bản về khu vực họ sống đặt trong một thế giới rộng lớn hơn. Tự hào về triều đại hiện tồn của Ngã Việt, họ liền phóng chiếu sự tồn tại của nó vào quá khứ bằng cách kiến tạo ra một “quốc thống” cho sự kế tục về chính trị từ các vua Hùng qua Triệu Đà đến các triều đại ngắn ngủi khác nhau của thế kỉ thứ X, và cuối cùng là đến triều Lý và Trần. Điều này rõ ràng là một hành động kiến tạo, vì sự phân tích văn bản đối với Hồng Bàng thị truyện ở trên đã chỉ ra, không có các vua Hùng trong thực tế. Hơn nữa, có những vương quốc Nam Việt khác trong khu vực bên cạnh [nước Nam Việt] của Triệu Đà. Việc lựa chọn nước Nam Việt của Triệu Đà, thay vì Lý Bí hay Lâm Sĩ Hồng, là một quyết định tùy tiện trong quá trình kiến tạo này.

Chú thích

76. Charles Holcombe, “Early Imperial China’s Deep South: The Viet Regions through Tang Times” [Phương Nam xa xôi của Đế chế Trung hoa cổ xưa: Các khu vực Việt trong thời Đường], Tang Studies 10 – 11 (1997 –[19]98): 125 – 26.

77. Cần biết nhiều hơn về khái niệm “Việt/Yue”, xem Erica Brindley, “Barbarians or Not? Ethnicity and Changing Conceptions of the Ancient Yue (Viet) Peoples (~400 – 50 B. C.)” [Người dã man hay không dã man? Sắc tộc và sự thay đổi các khái niệm về người Việt cổ (~400 – 50 trước CN)], Asia Major, no.1 (2003): 1 – 32.

78. Taylor, The Birth of Vietnam, 23-27.

79. Như trên., 135 – 143.

80. Âu Dương Tu và những người khác, bs., Tân Đường thư [New History of the Tang], (1060), Chương: 87, “Liệt truyện [Biography] số. 12”.

81. Như trên., 110, “Liezhuan” 35.

82. Quế Hải [Guihai] là một cách gọi những vùng ven biển xuôi về phía Nam của Ngũ Lĩnh vốn chạy dọc biên giới phía Bắc của khu vực ngày nay là tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây và chia cắt khu vực Lĩnh Nam [Lingnan] với các khu vực của Trung Hoa về phía Bắc.

83. Những tiêu đề này rất có vấn đề. Đã có một Lĩnh Nam chí [Lingnan zhi], nhưng tôi không thấy chỉ dẫn nào đến cái tên Giao Chỉ chí lược [Jiaozhi zhilue]. Hơn nữa, trong văn bản này hai chữ cuối cùng của tiêu đề này [chí lược] xuất hiện trong trật tự đảo ngược [lược chí], vốn là một sự nhẫm lẫn. Còn như cái tên Giao Châu quảng kí, cái này có vẻ như là một sự kết hợp vụng về của những tiêu đề của 2 công trình khác nhau, Giao Châu kí và Quảng Châu kí. Khi tiêu đề này được viết là Quảng Châu kí, chữ “Quảng” lẽ ra phải đóng vai trò một từ tu sức cho “kí” và vì vậy tôi dịch nó thành “mở rộng”, tức là cái nghĩa đen của chữ này. Khi tham khảo các dị bản khác của LNCQLT, tôi phát hiện ra rằng chúng có sự mâu thuẫn trong khi cung cấp những cái tiêu đề.

84. LNCQLT, 1/7a – 8a.

85. ĐVSKTT, BảnKỷ [Basic Annals], 1/2b và 1/3b.

86. Phát âm “Dayue” trong tiếng Trung, tên của nước này được biến đổi theo năm thành “Hán” và cho đến nay được gọi là Nam Hán. Xem Âu Dương Tu, Tân Ngũ đại sử [New History of the Five Dynasties], (1072), Chương 65, “Nam Hán thế gia” [Great Families of the Southern Han], 5.

Liam C. Kelley
Người dịch: Hoa Quốc Văn
Theo leminhkhaiviet blog

[Còn nữa]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad